THẤU SUỐT CÁC HIỆN TƯỢNG TỪ HỮU VI ĐẾN VÔ VI - UPASIKA KEE NANAYON

THẤU SUỐT CÁC HIỆN TƯỢNG TỪ HỮU VI ĐẾN VÔ VI

-Upasika Kee Nanayon

-----o0o-----

Ta càng quán sát bản thân, chánh niệm tỉnh giác của ta càng trở nên sắc bén. Ngay khi có chấp thủ, ta liền thấy khổ và phiền não - cũng như khi chạm vào lửa, ta cảm thấy nóng và lập tức buông tay. Đó là lý do tại sao sự thực hành Pháp có giá trị tối thượng. Nó không phải là trò đùa – vì các uế nhiễm có nhiều uy lực rất khó khắc phục. Nhưng nếu ta cố gắng khắc phục chúng, chúng...
THẤU SUỐT CÁC HIỆN TƯỢNG TỪ HỮU VI ĐẾN VÔ VI - UPASIKA KEE NANAYON

Ta càng quán sát bản thân, chánh niệm tỉnh giác của ta càng trở nên sắc bén. Ngay khi có chấp thủ, ta liền thấy khổ và phiền não - cũng như khi chạm vào lửa, ta cảm thấy nóng và lập tức buông tay. Đó là lý do tại sao sự thực hành Pháp có giá trị tối thượng. Nó không phải là trò đùa – vì các uế nhiễm có nhiều uy lực rất khó khắc phục. Nhưng nếu ta cố gắng khắc phục chúng, chúng sẽ yếu dần khi chánh niệm tỉnh giác của ta trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là lúc ta có thể nói rằng ta đang tiến bộ trong việc hành Pháp: khi ta có thể diệt trừ khổ đau và phiền não của mình.

Vì vậy hãy cố gắng đi trọn đường trong khi ta còn chút hơi thở. Đức Phật dạy, "Hãy cố gắng đạt cho được cái-chưa-đạt-được, đến cho được nơi-chưa-đến-được, thực hiện cho được cái-chưa-thực-hiện-được". Ngài không muốn chúng ta yếu đuối và do dự, luôn tìm cách bào chữa cho mình, vì giờ chúng ta đã quy y hay đã xuất gia, chúng ta đã thể hiện một sự hy sinh trọng đại. Vào thời Đức Phật, bất kể quý tăng ni thuộc tầng lớp xã hội nào quý tộc, trưởng giả hay giai cấp thường dân một khi đã rời khỏi nhà là họ đã cắt đứt mối liên hệ gia đình và nhập vào dòng dõi Thích Ca mà không bao giờ quay trở về gia đình. Đức Phật bảo, từ bỏ xuất gia để trở lại với đời sống thế tục là trở thành một người không còn giá trị. Mối quan tâm duy nhất của Đức Phật là cứu người, kéo họ ra khỏi khổ đau, phiền não. Nếu muốn thoát khổ, chúng ta cũng phải noi theo gương Đức Phật, cắt dứt mọi lo lắng, quan tâm cho gia đình, người thân và nhập vào dòng dõi Thích Ca. Sống và tu tập theo giới luật của Đức Phật quả thật là nơi nương trú tối thượng, là con đường tối thượng.

Những người sống theo giới luật Phật pháp (Dhamma-Vinaya) – dầu họ chỉ thi thoảng mới đạt được chút hương vị an lạc của Pháp mà chưa đạt được đạo quả - nguyện dâng đời mình cho Phật, Pháp và Tăng. Họ ý thức rằng dầu họ đạt được bất cứ thành quả nào cũng không giúp họ được giải thoát khỏi khổ, nhưng nếu họ được nương trú vào Tam Bảo, họ sẽ được giải thoát trọn vẹn. Người có chánh niệm tỉnh giác sâu sắc, biết nhìn xa và tỉ mỉ sẽ vượt qua bờ bên kia. Họ đã sống khá lâu trên bờ này và đã chịu nhiều đau khổ quá sức chịu đựng. Họ đã quanh quẩn trong vòng sinh tử vô cùng vô tận. Ý thức được rằng họ phải đi qua bờ bên kia, vì thế họ nỗ lực không ngừng để xả bỏ cảm giác về ngã.

Bờ bên kia không quá xa xôi, nhưng để đến đấy trước tiên ta phải từ bỏ cảm giác về tự ngã bằng cách quán sát ngũ uẩn để thấy tất cả chỉ là khổ, chứ không phải là "tôi" hay "của tôi". Chú tâm vào một đề mục duy nhất của sự không bám víu. Đức Phật có lần nói quá khứ như là ở phía dưới, tương lai ở trên và hiện tại là ở chính giữa. Ngài cũng dạy tính bất thiện là ở phía dưới, đức tính thiện ở trên và tính không thiện, không ác nằm ở giữa. Đối với tất cả các đức tính này, Đức Phật dạy ta, "Đừng chấp chúng". Ngay cả Niết Bàn, bờ bên kia, cũng không nên bám vào. Hãy xem chúng ta sẽ được giải thoát đến mức độ nào nhờ xả bỏ! Bất cứ ai trong chúng ta còn chưa hiểu rằng ngay cả Niết bàn cũng không được bám víu, nên xem xét lại lời dạy căn bản bảo chúng ta không nên bám víu, phải xả bỏ: "Tất cả đều không đáng chấp". Đây là tóm tắt cơ bản của tất cả những điều Đức Phật dạy.

Tất cả hiện tượng, dầu hữu vi hay vô vi, đều nằm trong câu "Sabbe dhamma anatta - các pháp vô ngã". Chúng không đáng để ta bám víu. Điều này bao gồm tất cả, kể cả sự quán sát của chúng ta để tìm chân lý của thế gian và của Pháp, để có thể thấy sự vật rõ ràng với chánh niệm tỉnh giác của chúng ta, thấu suốt các hiện tượng từ hữu vi đến vô vi, hay từ thế gian đến xuất thế gian, tất cả đều phải thực hiện bằng cách xoay nhìn vào bên trong, không phải bên ngoài.

Nếu muốn thấy cái tinh túy thật sự của Pháp, chúng ta phải quán chiếu một cách sâu sắc, thâm thúy. Sau đó chỉ là vấn đề xả bỏ mà thôi. Chúng ta thấy toàn bộ và xả bỏ mọi thứ. Đề mục không chấp thủ bao trùm tất cả từ đầu đến cuối. Nếu sự tu tập của chúng ta đúng, đó là nhờ chúng ta quán sát mọi thứ với chánh niệm tỉnh giác, không mảy may chấp vào sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Đức Phật dạy về lý do tại sao si không biết sắc, ảo tưởng về sắc đưa đến ái, tức ý nghiệp khởi lên trong tâm và làm tâm dao động, dẫn đến nghiệp và vì nghiệp mà chúng ta cố gắng lấy cho được cái ta thèm muốn. Khi hiểu được điều này, ta mới có thể tu đúng, vì ta biết mình phải đoạn trừ ái dục. Lý do chúng ta phải luôn quán niệm thân và tâm là để chúng ta không cảm thấy ham muốn, không đắm say bất cứ điều gì ở bên ngoài. Ta càng quán niệm, thì các thứ ở bên ngoài càng thiếu hấp dẫn, không đáng để ta say đắm chút nào. Lý do khiến ta say đắm, hứng thú là vì ta si. Vì thế ta mê người, mê vật, bấn loạn cả lên, huênh hoang về những vấn đề thế gian: "Cái này tốt, cái kia xấu, cô nọ hay anh kia dở". Tâm tán loạn theo những chuyện thế gian - như thế làm sao ta có thể quán sát những căn bệnh trong tâm ta được?

Đức Phật đã trả lời câu hỏi của Mogharaja –“Người ta phải nhìn thế gian cách nào để thoát tay tử thần”. Bằng cách thấy thế giới này là vô ngã. Chúng ta phải tước bỏ những quy ước như "người" và "chúng sinh", và tất cả những danh xưng như các phân tử, các uẫn, và các căn. Một khi chúng ta đã biết cách tước bỏ các quy ước và danh xưng, thì chúng ta không còn cần phải bám vào điều gì nữa. Cái còn lại là bất tử, siêu việt, là Niết bàn. Có nhiều tên để gọi, nhưng tất cả chỉ là một và cùng thứ. Khi ta tước bỏ mọi thứ trần tục, cái còn lại là cái siêu việt. Khi ta tước bỏ hết tất cả những cái hữu vi, thì cái còn lại là vô vi, là chân Pháp.

Vì thế, hãy tự mình suy xét cái này có đáng đạt đến không? Nếu chúng ta còn lưu lại thế gian, chúng ta còn phải đi qua sinh tử mãi mãi trong tam giới: dục giới, sắc giới, và vô sắc giới. Ngược lại, ở bờ bên kia không còn sanh, không còn tử. Nó nằm ngoài tầm với của Tử thần. Nhưng vì không biết bờ bên kia, chúng ta phải tiếp tục tái sinh bên bờ này với vô vàn khổ đau bất tận.

Tuy nhiên, một khi ta hiểu về khổ đau, phiền não, thì không có chỗ nào khác để ta muốn hướng đến: ta hướng thẳng đến bờ bên kia, bờ không có sinh hay tử, bờ mà ở đấy nhiễm ô và ái dục đã bị tiêu diệt vĩnh viễn. Như vậy, sự tu tập của ta tiến thẳng đến chỗ chấm dứt đau khổ và nhiễm ô, đến sự thông suốt rõ ràng các đặc tính chung của vô thường, khổ và vô ngã trong các uẩn. Những người có chánh niệm tỉnh giác chú tâm quán niệm để hướng đến chỗ tận diệt rốt ráo, vì nếu sự trừ diệt của họ không tuyệt đối, họ còn sẽ phải tái sinh vào trong khổ đau, phiền não. Vì vậy, hãy tiếp tục tiêu diệt chấp thủ, tiếp tục xả bỏ, tiếp tục quán về vô thường, khổ và vô ngã và buông bỏ tất cả. Đó chắc chắn là chính đạo.

Đây không phải là điều đáng biết và đáng tu tập sao? Ta cũng biết, điều đó không có gì là bí mật hay xa vời. Mà là điều mọi người nam hay nữ đều có thể thực hiện được, điều mà tất cả chúng ta đều có thể luyện thành. Chúng ta có thể phát triển giới hạnh, có thể làm tâm yên tĩnh và có thể dùng chánh niệm tỉnh giác để quán niệm. Như vậy, điều này không đáng tu tập sao?

Người ngu bảo không. Họ nói họ không thể làm được: không thể giữ giới, không thể làm tâm yên tĩnh. Điều tuyệt trần nhất trên đời - sự tu tập để thoát khỏi khổ đau, phiền não - vậy mà họ lại từ chối. Trái lại, họ chạy quanh quẩn trong tán loạn, cạnh tranh lẫn nhau, tự đề cao bản thân và rốt cuộc mục rữa trong quan tài. Vậy thì có gì thật sự hấp dẫn đâu?

Chúng ta đi lạc đường đã lâu lắm rồi, cuộc đời chúng ta sắp kết thúc sau bao nhiêu thập niên. Giờ chúng ta đến đây để thay đổi hoàn toàn. Dầu bao nhiêu tuổi, chúng ta sống không phải để hưởng tiện nghi, thoải mái mà là để ta tư duy về phiền não. Nhờ đó ta sẽ có thể tiêu diệt được nó. Đừng tưởng rằng ta không thể sống thiếu gia đình và người thân. Ta chỉ một mình. Ta đến cõi đời này một mình và ta sẽ ra đi một mình. Chỉ khi nào không còn ngã nữa: Đấy chính là lúc ta thấm nhuần Pháp. Nếu còn ngã để tái sinh, ta lại kẹt vào vòng khổ đau, phiền não. Vậy không đáng để ta cố gắng đạt giải thoát sao? Đó là điều mà mỗi chúng ta phải tự khám phá ra cho mình.

Tất cả những ai tin tưởng vào Đức Phật đều phải đi theo con đường này. Tin vào nhiễm ô là tự nhảy vào đầm lầy - và ở đấy sẽ có ai để cho ta có thể khoe khoang, ngoài nỗi khổ đau của bản thân? Cái trí đưa đến sự yểm ly và ly tham được coi là trí tuệ chân chính. Nhưng cái biết đưa ta đến chấp thủ, thì ta là đệ tử của Ma vương. Ta vẫn còn thấy sự vật quanh mình hấp dẫn. Ta có thể bảo rằng mình đã yểm ly, nhưng tâm ta chưa yểm ly chút nào. Nó vẫn còn muốn lấy cái này, chộp cái kia, bám trụ nơi đây.

Những ai có thể tiếp tục biết được chân tâm của mình, ngày càng sâu sắc hơn, sẽ có thể đi suốt con đường, tẩy sạch ngu dốt và si mê từng bước một trên đường đi. Trước kia ta mê lầm; giờ ta đã thức tỉnh. Trước kia ta huênh hoang; giờ ta ý thức được mình đã u mê biết chừng nào – và ta biết rằng mình sẽ phải tiếp tục tu chỉnh sự u mê của mình.

Chúng ta sẽ thấy nhiều góc cạnh mới mẻ, đạt được sự hiểu biết về bản thân chính xác hơn trong từng bước trên đường đạo, khi có thể đọc được tâm, biết tự quán chiếu về bản thân. Đây không phải là việc biết thật nhiều thứ ở bên ngoài, mà là ta thấy những gì ở bên trong thật sự vô thường, khổ và vô ngã như thế nào. Ta thường mê lầm trước sự vật, bám vào chúng là vì sự mù quáng, sự thiếu hiểu biết của ta. Vậy ta có thể trách ai đây? Chỉ có thể trách sự ngu dốt – vì ngu dốt nên mới muốn khoe khoang mình hiểu biết tới đâu.

Giờ thì ta biết ta còn nhiều mê muội và ta phải loại bỏ chúng trước khi chết. Ngày nào còn hơi thở, ta phải sử dụng nó để tẩy sạch sự mê muội của mình hơn là chiếm cái này, tỏ ra là ai đó hay nhảy nhót tứ tung. Những kẻ nhảy nhót tứ tung là bị ma quỷ ám. Ma quỷ của nhiễm ô khiến họ điên cuồng, mê muội, muốn cái này, là cái kia và nhảy nhót khắp chốn. Nhưng nếu ta chú tâm vào bản thân, thì lòng tự ái, sự kiêu căng, tâm ham muốn được nổi bật sẽ teo mất dạng, không bao giờ còn dám lộ mặt trong cuộc đời ta nữa vì ta ý thức được rằng càng khoe khoang, ta càng đau khổ hơn.

Vì thế, tinh túy của việc tu tập là quay trở lại và chú tâm vào bên trong. Ta càng tẩy sạch những nhiễm ô thì tâm ta sẽ càng trống hơn và tự do hơn: Đây là phần thưởng của nó. Nếu ta đồng thuận theo tính tự mãn, kiêu căng, ta sẽ phá hủy tất cả đức hạnh của mình, nhưng nếu ta có thể đuổi các con quỷ này đi, thì các đức hạnh sẽ đến và lưu lại với ta. Nhưng nếu các con ác quỷ vẫn còn đấy thì đức hạnh sẽ không thể có mặt. Chúng không thể ở chung với nhau được. Nếu ta để bản thân vướng vào trong tán loạn, thì đó là tác phẩm của ác quỷ. Nếu ta trống không và tự do, đó là kết quả của việc tẩy trần và an lạc - do các đức hạnh mang lại.

Vì vậy hãy xét xem ta đã có thể quét sạch bao nhiêu trong số các con ác quỷ này. Chúng có thưa dần đi không? Khi chúng xuất hiện, hãy điểm mặt chúng và gọi đúng tên chúng: quỷ sứ và ma vương đến để ăn tim và uống máu của ta. Ta đã để chúng ăn thịt ta trước đây, nhưng giờ ta đã tỉnh thức, nên có thể đuổi cổ chúng đi. Vậy là chấm dứt mọi phiền não của ta, hay ít nhất cũng phần nào giúp ta vơi đi đau khổ. Cảm giác về ngã của ta sẽ bắt đầu giảm dần. Trước đây, nó to bự, béo phì và mạnh mẽ, nhưng bây giờ sức mạnh của nó không còn nữa. Lòng hãnh diện và kiêu căng của ta đã trở nên mỏng và yếu hơn. Cũng giống như khi một người bị chó dại cắn: Người ta truyền cho người đó huyết thanh lấy từ những con chó bị bệnh dại để đuổi bệnh ra. Cũng cùng một nguyên tắc đó áp dụng ở đây: Nếu chúng ta nhận diện được những điều này, chúng sẽ tàn rụi. Lúc đó tâm trở nên trống không và an lạc, vì điều duy nhất này – đề mục của sự không chấp thủ - có thể tiêu diệt khổ đau, phiền não trong từng phút giây.

-----o0o-----

Trích: Đơn Giản Và Thuần Khiết – Pure And Simple, 2005

Tác giả: Upasika Kee Nanayon (K. Khao-suan-luang)

Việt dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh, Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam, Diệu Ngộ Mỹ Thạnh

Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2010

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan