THIỀN ĐỊNH - ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU: BÌNH GIẢNG VỀ “BA LỜI TUYÊN THUYẾT CỦA ĐẠI VIÊN MÃN DZOGCHEN”

THIỀN ĐỊNH

ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU: BÌNH GIẢNG VỀ “BA LỜI TUYÊN THUYẾT CỦA ĐẠI VIÊN MÃN DZOGCHEN”

-------o0o-------

Câu hỏi: Đối với những học trò tâm không sắc bén như con, xin Ngài hãy ban chỉ dẫn về thiền định?
THIỀN ĐỊNH - ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU: BÌNH GIẢNG VỀ “BA LỜI TUYÊN THUYẾT CỦA ĐẠI VIÊN MÃN DZOGCHEN”

Câu hỏi: Đối với những học trò tâm không sắc bén như con, xin Ngài hãyban chỉ dẫn về thiền định?

Rinpoche: Trước tiên cần nói rằng không có sự khác nhau giữa tâm của mọi người. Vì thế thực ra thì không có những người tâm khờ khạo, và cũng không có ai có nhiều tánh giác hơn hay ít tánh giác hơn. Tánh giác là như nhau và chẳng có bất kỳ chúng sinh nào lại không có tánh giác. Tánh giác bình thường vẫn tham gia vào mọi hoạt động chính là cái chúng ta cần nhận ra. Tánh giác của mọi người là như nhau - không có sự khác biệt, nó không tốt hơn hay tệ hơn ở người này hay người kia. Tánh giác ấy chính là Phật tánh. Vì thế con không nên nghĩ rằng mình thấp kém hơn ngườikhác. Dùthế nào thì cũng rất tốt nếu con chú tâm trưởng dưỡng tình yêu thương và lòngbimẫn, cùng sự vô úy khi gặp khó khăn hay đau khổ. Ban đầu hãy trưởng dưỡng tình yêu thương, đặc biệt là cho cha mẹ, thầy cô và đất nước của con. Nếu con liên tục trưởng dưỡng tình yêu thương thì tâm của con sẽ trởnên sáng tỏ dần lên.

Câu hỏi: Khi nói về việc giải phóng niệm tưởng, có phải điều đó có nghĩa là chúng ta giải phóng từng niệm tưởng cụ thể sinh khởi vào lúc đó? Ví dụ, có người nóilời khó nghe đối với con và con sân giận. Nếu con có thể giải phóng niệm tưởng đó thì lần sau con không nên tức giận với những từ ngữ người kia nói, và không nên tức giận với bất cứ điều gì liên quan đến người kia, có đúng như vậy không, thưa Rinpoche?

Rinpoche: Giải phóng niệm tưởng không có nghĩa rằng niệm tưởng sẽ không quay trở lại. Niệm tưởng, suy nghĩ sẽ luôn quay trở lại. Điểm mấu chốt là niệm tưởng không thể kiểm soát con. Cácniệm tưởng tiêu cực vẫn lại sinh khởi, nhưng khi chúng sinh khởi thì sự chánh niệm đã được thuần thục sẽ ngăn những niệm tưởng tiêu cực kiểm soát hay gây ảnh hưởng cho chúng ta. Con cần phải thuần thục với chánh niệm và giải phóngbất cứ niệm tưởng nào sinh khởi. Về cơ bản, con cần thực hành cho đến ngày con ra đi khỏi cuộc đờinày. Nếu được như thế thì khi ở cuộc đời vị lai, việc tu tập thiền định của con sẽ tốt.

Câu hỏi: Sự khác nhau giữa quan sát tâm và quan sát chủ thể đang quan sát, bản thân tánh giác?

Rinpoche: Cái đang quan sát chính là tâm - không có nhị nguyên. Con cần phải quan sát cái đang quan sát tâm, và rồi con sẽ thấy được bản tánh của tâm. Nếu con chỉ đuổi theo niệm tưởng thì con sẽ không nhìn thấy được bản tánh của tâm. Nhưng ở góc độ rốt ráo thì không có nhịnguyên bởi vì chính cái đang quan sát là bản tánh của tâm.

Câu hỏi: Làm sao để chúng con biết được kiểu nhìn nào – nhắm hay mở mắt – là phù hợp với mình? Chúng con có nên kết hợp thực hành về khí đã được học trước đây với thực hành thiền này về bản tâm?

Rinpoche: Khó để nói rằng kiểu nhắm mắt hay mở mắt là tốt hơn, vì nó thực sự phụ thuộc vào khuynh hướng của con, tùy thuộc vào cách nào mang lại ích lợi cho con nhiều hơn. Ngoài ra, cách nhìn và tư thế cũng có thể được điều chỉnh trong khi con thiền định, tùy thuộc vào hoàn cảnh. Liên quan đến câu hỏi thiền định cùng với thực hành khí: thực hành khí đặc biệt có ý nghĩa đối với những hành giả ban đầu - những người cảm thấy khókhăn để có thể an trụ nhất tâm và những người mà tâm họ thường xuyên bị phân tán. Những ai dễ bị phân tâm và thường bị nhiễu động nên tập trung thiền định với khí hay hơi thở. Nhưng khi tâm đã an trụ trong trạng thái tự của nó thì không cần phải thực hành khí nữa, mà chỉ cần tiếp tục duy trì trong trạng thái tự nhiên. Tuy vậy, nói chung là bất cứ khi nào con thiền định hay khi thực hiện hoạt động thì sẽ lợi lạc nếu con chú tâm vào nơi rốn, quán tưởng chủng tự “AH” và ngọn lửa tại rốn. Thực hành như vậy sẽ giúp sự tỉnh giác của con được an trụ nhất tâm và điều đó cũng giúp cho sức khỏe của con được tốt.

Câu hỏi: Xin Rinpoche giải thích về trekchothogal, và hướng dẫn chúng con cách thực hành một cách hiệu quả hai phương pháp này?

Rinpoche: Đối với chúng ta, thực hành trekcho là quan trọng nhất. Tóm tắt thì thực hành trekcho có nghĩa là không bám chấp vào bất cứ thứ gì. Khi không có bám chấp thì tâm an trụ trong đại sáng tỏ, và đôi khi trong lúc nhắm mắt lại, con nhìn thấy rất rõ bản tâm mình. Thỉnh thoảng, thậm chí khi con không đang chủ tâm thực hành thogal, con có thể thấy sự phản chiếu tự nhiên của Phật tánh, biểu hiện thông qua sắc tướng của Bổn tôn, khối sáng hay các chủng tự gốc v.v. Những sắc tướng hóa hiện trong thực hành thogal là các phản chiếu của bản tâm thanh tịnh. Khi tâm được hoàn toàn tịnh hóa thì đủ các loại sắc tướng có thể hóa hiện và chúng là sự phản chiếu tự nhiên của chính tâm.

Tuy nhiên khi thực hành thogal được hoàn hảo thì thậm chí những sắc tướng hóa hiện đó cũng biến mất. Hiện giờ, chúng ta chỉ cần trọng tâm thực hành trekcho, tức là không bám chấp vào bất cứ thứ gì. Cái thấy của thực hành thogal sẽ tự nhiên được hoàn thành trong cái thấy của thực hành trekcho. Ví dụ, pha lê tượng trưng cho cái thấy. Việc ánh sáng cầu vồng phát ra từ pha lê là phẩm chất tự nhiên của chính pha lê. Khi nào mặt trời chưa chiếu vào pha lê thì sẽ không có ánh sáng cầu vồng. Nhưng khi mặt trời chiếu vào pha lê thì ánh sáng cầu vồng sẽ tự nhiên phát ra từ quả cầu pha lê đó. Tương tự như thế, trong thực hành thogal, khi tâm rộng mở thì ánh sáng và nhiều loại sắc tướng sẽ hóa hiện.

Nếu hành giả không thực hành thogal một cách hoàn hảo thì sẽ trở nên bám chấp vào các sắc tướng và khi đó việc thực hành sẽ không mang lại lợi lạc. Thực ra rất dễ để có những thị kiến về các vị Bổn tôn – Khenpo Munsel Rinpoche đã nói rằng điều đó xảy ra đối với nhiều hành giả, nhưng chẳng có gì là đặc biệt cả. Điều đó không làm cho việc thực hành của bạn trở nên giá trị hơn. Thực tế việc có những thị kiến về các vị Bổn tôn thì không phải hẳn là tốt như bạn nghĩ, nó không nhất thiết là dấu hiệu chứng tỏ sự thành tựu tâm linh củabạn đang được gia tăng. Đó có thể là do các dấu ấn quá khứ được kích hoạt và vì vậy không có gì thật sự đặc biệt cả. Khenpo Munsel Rinpoche dạy rằng đối với chúng ta thì điều quan trọng nhất là chú tâm vào thực hành trekcho.

Câu hỏi: Xin Rinpoche giải thích phương pháp thiền định trong Đại Viên Mãn (Dzogchen) và Đại Thủ Ấn (Mahamudra) có sự khác nhau như thế nào?

Rinpoche: Trong truyền thống Đại Viên Mãn, đầu tiên chúng ta thực hành trekcho hay “cắt bỏ hoàn toàn”. Trong truyền thống Đại Thủ Ấn, chúng ta để cho tâm ổn định trong trạng thái tự nhiên mà không bám chấp vào bất cứ thứ gì sinh khởi. Ở đây chúng ta chỉ duy trì sự tỉnh giác sáng tỏ và không đuổi theo bất cứ thứ gì sinh khởi. Thực hành Đại Thủ Ấn cũng liên quan đến lòng sùng mộ. Trong Đại Viên Mãn, có thực hành hai nhánh: trekcho (cắt bỏ hoàn toàn) và thogal (vượt qua). Trong Đại Thủ Ấn, chúng ta thực hành Sáu Pháp Du Già của Naropa. Có nhiều phương pháp thực hành khác nhau, và mọi người cần chọn phương pháp thực hành nào phù hợp với căn cơ và khuynh hướng của bản thân. Nhưng điều quan trọng cần phải hiểu là kết quả đều như nhau. Tất cả các pháp tu đều là phương tiện để chứng ngộ bản tâm. Con không nên nghĩ rằng các phương pháp thực hành có mục đích khác nhau hay kết quả cuối cùng là khác nhau. 

Chúng ta đã thảo luận nhiều phương pháp giải thoát, nhưng tựu trung thì giải thoát có nghĩa là tâm không còn bị trói buộc. Khi tâm không chấp trước vào bất kỳ một suy nghĩ hay niệm tưởng nào thì tâm ấy không bị trói buộc. Được giải thoát khỏi trói buộc tức là giải thoát. Người ta nói rằng trong Đại Thủ Ấn có nói về giải thoát nhưng không nói về phương pháp giải thoát. Tấtnhiênlà có phương pháp giải thoát nhưng không được giải thích nhiều trong đó. Trong các thảo luận gần đây, chúng ta nói về một số phương pháp giải thoát khác nhau, cụ thể là nói về bốn phương pháp.

Các kinh điển Đại Viên Mãn khác trình bày nhiều phương pháp giải thoát hơn. Trong một kinh điển có nói đến mười sáu phương pháp, và thường thì còn nhiều hơn như thế. Với các mục đích hiện tại thì việc tóm tắt các phương pháp sẽ có ích lợi hơn, để tập trung vào các điểm cốt yếu. Điểm căn bản là cần nhận biết bản tâm và duy trì tánh giác, giải phóng mọi niệm tưởng mà không để lại dấu vết gì. Khi một người có thể giải thoát niệm tưởng ngay khi chúng xuất hiện mà không để lại dấu vết thì mọi phương pháp giải thoát khác được bao hàm trong đó.

Các thuật ngữ khác nhau được sử dụng trong Đại Thủ Ấn và Đại Viên Mãn. Như chúng ta đã biết, trong Đại Viên Mãn, chúng ta được dạy rằng cần phải phân biệt giữa tâm bình thường và tánh giác bản nhiên. Đức Milarepa cũng dạy rằng phương pháp giúp cho sự tỉnh giác của chúng ta ổn định thì cũng giống như nước đục lắng xuống để trở nên trong trẻo – nước sẽ tự nhiên trở nên trong trẻo khi đất bẩn lắng xuống. Chúng ta cần ổn định tâm mình trong trạng thái tự nhiên và sáng tỏ, để rồi bất cứ thứ gì sinh khởi trong trạng thái tâm ấy cũng sẽ tự nhiên được lắng xuống. Đây chính là giải thoát tự nhiên.

Trong Đại Viên Mãn có nhiều phương pháp giải thoát khác nhau, phụ thuộc vào căn cơ và khuynh hướng của hành giả. Nhưng chúng ta cần phải hiểu được về ý nghĩa tối hậu, đó là bản tánh của tâm hay bản tâm. Rốt ráo thì tất cả các pháp đều dẫn đến chứng ngộ bản tâm. Nếu con hiểu điều này thì sẽ không cần đến nhiều thuật ngữ. Vì thế một thứ mà con cần phải nhớ là luôn luôn nhận biết mọi niệm tưởng và phiền não khởi hiện trong tâm thông qua chánh niệm. Làm được như thế thì con sẽ không bị trói buộc và sẽ được giải thoát. Niệm tưởng được giải thoát khi không có sự bám chấp vào nó. Nói tóm lại, khi niệm tưởng sinh khởi và con nhận ra nó bằng chánh niệm thì nó sẽ được giải thoát một cách tự nhiên hay giải thoát một cách trần trụi ngay khi vừa sinh khởi. Bình giảng của Khenpo Munsel Rinpoche cũng nói rằng, bất cứ niệm tưởng gì sinh khởi, chúng có thể được tự giải thoát mà không để lại dấu vết gì lại. Đây chính là phương pháp tịnh hóa hay phương pháp giải thoát, và đó là điểm cốt tủy chúng ta cần phải nhớ. 

Câu hỏi: Nếu chúng con tiếp tục thực hành Đại Thủ Ấn hay Đại Viên Mãn thì tại sao chúng con lại vẫn cần phải thực hành Bổn tôn?

Rinpoche: Chúng ta có nhiều vọng niệm, đặc biệt là nhiều niệm tưởng tiêu cực. Vànếu các niệm tưởng thường phàm liên tục phát khởi, chúng ta thường chấp trước vào chúng và tin rằng chúng có thực. Chúng ta tích lũy đủ kiểu các niệm tưởng tiêu cực như bám luyến, ghét bỏ v.v. Để giúp thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực đó, chúng ta thiền định giai đoạn sinh khởi Bổn tôn. Cách này giúp chuyển hóa những niệm tưởng tiêu cực trở thành các niệm tưởng thiện lành, thanh tịnh. Tất cả những yếu tố như màu sắc, hình tướng, trang phục v.v. của Bổn tôn đều biểu trưng cho các phẩm tính thanh tịnh của tâm Bổn tôn như Sáu Ba La Mật hay Năm Trí Tuệ. Khi nghĩ về Bổn tôn, chúng ta nhớ về sự thanh tịnh. Đầu tiên chúng ta quán tưởng Bổn tôn, và sau đó vào giai đoạn hoàn thiện ở cuối thời khóa thực hành, chúng ta hào tan Bổn tôn. Khi chúng ta đã tịnh hóa được các niệm tưởng thường phàm và tiêu cực trở thành các niệm tưởng thanh tịnh thì sẽ dễ dàng hơn để vào cuối thời khóa thực hành, khi ấy có thể hòa tan tất cả vào trong tánh Không rỗng rang.

Mặt khác nếu con bị sai sử bởi những niệm tưởng thườngphàm thì chính những niệm tưởng ấy sẽ để lại dấu ấn tiêu cực trong tâm con. Vì thế, để giúp cắt bỏ được những niệm tưởng thường phàm này, chúng ta cần thực hành Bổn tôn. Nếu không có các niệm tưởng thường phàm thì cũng không cần phải quán tưởng gì cả, khi ấy con chỉ cần thiền định. Nhưng nếu còn bám chấp, ví dụ bám chấp vào sắc tướng, thì con cần quán tưởng Bổn tôn. Không bám chấp vào sắc tướng chính là sự hợp nhất của hiện tướng và tánh Không. Không bám chấp vào âm thanh chính là sự hợp nhất của âm thanh và tánh Không. Sự hợp nhất của tánh giác và những niệm tưởng chính là kim cang của tâm. Có ba kim cang của thân, khẩu, ý. Nếu con khôngbám chấp vào âm thanh hay hình ảnh thì một cách tự nhiên, con sẽ tri giác rằng mọi thứ chính là Bổn tôn. Khi ấy không cần thiết phải thực hành quán tưởng Bổn tôn. Thực hành giai đoạn sinh khởi Bổn tôn được thực hiện chỉ chừng nào con vẫn chưa cắt đứt được những tư tưởng thường phàm.

Câu hỏi: Khi chúng con thường xuyên thực hành Đại Viên Mãn trong những thời khóa ngắn thì có cần phải tụng đọc quy y và hồi hướng trong mỗi thời khóa hay không ạ?

Rinpoche: Nếu con có thời gian thì tốt nhất là tụng đọc những phần đó. Ví dụ, nếu con có một tiếng để thực hành thì con nên tụng phần quy y, Bồ Đề Tâm và cầu nguyện hồi hướng. Nhưng không chỉ là việc tụng đọc thông qua khẩu, mà con còn cần phải suy ngẫm về ý nghĩa của các lời cầu nguyện. Ví dụ, khi tụng đọc quy y, con nên nhớ nghĩ về những phẩm tính của Tam Bảo. Khi con thiền định thì sự chánh niệm của con là Phật thực sự. Lòng từ bi của con chính là giáo Pháp. Nếu thực hành như thế thì con sẽ là một thành viên thực sự của Tăng đoàn. Tam Bảo được bao hàm trọn vẹn trong tâm của con cho dù con chỉ thiền định trong một thời khóa ngắn; bởi vì rốt ráo thì Phật, Pháp, Tăng chính là bản chất của tâm. Không có một luật lệ nghiêm ngặt nào nói là con cần phải tụng đọc to mọi thứ. Nếu không có thời gian thì việc nhớ nghĩ được rằng Tam Bảo được bao hàm trong tâm con cũng là đủ. Nếu con có thời gian thì sẽ tốt nếu con thực hiện cả những phần khác, ví dụ như hồi hướng. Ví dụ, nếu con thực hiện nhập thất trong một tuần thì con nên bắt đầu thời khóa bằng quy y, phát khởi Bồ Đề Tâm, và kết thúc bằng hồi hướng.

Nói về nhữnglợi ích của thiền định thì đức Gampopa đã dạy rằng, trưởng dưỡng thiện hạnh vô khái niệm trong chỉ một khoảnh khắc còn lợi ích hơn là tích lũy thiện hạnh dựa trên khái niệm trong nhiều đại kiếp. Lợi ích của thiền định to lớn hơn bởi vì khi con an trụ trong bản tâm thì tâm ấy tỏa khắp tất cả - luân hồi, niết bàn và tất cả chư Phật. Vì thế, nghỉ ngơi trong bản tánh này chính là sự cúng dường không gián đoạn đến tất cả chư Phật. Tâm ấy cũng tỏa khắp mọi hữu tình chúng sinh. Khi không có bám chấp thì tâm thực sự tràn khắp toàn bộ luân hồi, niết bàn và toàn thể chúng sinh.

Thứ hai, nó trở thành một sự tịnh hóa những che chướng một cách không gián đoạn. Thứ ba, nó trở thành một chứng đắc những thành tựu (siddhi) không gián đoạn, bởi vì khi con an trụ trong thiền chỉ (samadhi) thì chấp ngã sẽ sụp đổ và con sẽ tiếp tục an trụ trong tánh Không, vì thế sẽ chứng ngộ được bản tâm. Chúng ta đã được dạy rằng, một khoảnh khắc nhận biết được bản tâm sẽ tịnh hóa che chướng của một ngàn đại kiếp. Vì thế khi con an trụ trong bản tâm thì cùng lúc con thành tựu ba phẩm tính một cách không gián đoạn trong chỉ một trạng thái nhập định (samadhi) - đó là cúng dường một cách không gián đoạn lên chư Phật, tịnh hóa che chướng của chúng sinh một cách không gián đoạn, và thành tựu tâm linh một cách không gián đoạn.

Câu hỏi: Mối quan hệ giữa thực hành Đại Viên Mãn và thực hành Phật A Di Đà là gì, thưa Rinpoche?

Rinpoche: Tinh túy tâm giác ngộ của Phật A Di Đà và của tất cả các vị Bổn tôn là tánh Không và từ bi. Tại sao chúng ta cần tu tập pháp A Di Đà? Đó là bởi vì có nhiều nhân và duyên khác nhau dẫn đến cái chết. Và nếu vào thời điểm chết mà con không thể duy trì trong cái thấy nhận biết bản tâm thì con sẽ không đạt được giác ngộ trong giai đoạn trung ấm đầu tiên trong Pháp thân. Khi ấy con sẽ chuyển sang giai đoạn trung ấm tiếp theo. Lúc này con cần phải nhớ được Báo thân Phật, đó là giai đoạn sinh khởi, quán tưởng Bổn tôn. Vì thế khi có nhiều niệm tưởng trong tâm thì con cần nhớ nghĩ đến Bổn tôn như Phật A Di Đà.

Nếu con có thể luôn luôn an trụ trong cái thấy, chính bản tâm ấy là tâm giác ngộ – của Phật. Tâm ấy là bất nhị với tâm của đức Phật. Khi con an trụ trong cái thấy thì tâm con sẽ rất sáng tỏ. Bổn tôn không tồn tại tách biệt ở bên ngoài tâm con. Khi con an trụ trong bản tâm thì bản tâm ấy có bản tánh của Bổn tôn – không có Bổn tôn tách biệt bên ngoài. Khi con nghĩ về Bổn tôn, Ngài sẽ xuất hiện một cách sáng tỏ, giống như cầu vồng trên bầu trời, hay như sự phản chiếu trong một tấm gương sáng.

Có ba cấp độ và cơ hội để đạt giải thoát trong giai đoạn trung ấm. Cơ hội trong trung ấm đầu tiên là nhận biết bản tâm. Vào thời điểm của cái chết, nếu con nhận biết được bản tâm thì con sẽ đạt được giác ngộ trong Pháp Thân. Nếu con không nhận biết được bản tâm vào khi ấy, thì niệm tưởng khác sẽ xuất hiện – niệm tưởng về “tôi” sẽ sinh khởi và con nghĩ rằng “điều gì đã xảy đến với tôi?”. Khi sự bám chấp xuất hiện thì con cần phải chuyển hóa nó trở thành niệm tưởng thanh tịnh. Và khi đó điểm mấu chốt là nhớ về Bổn tôn, ví dụ như Phật A Di Đà. Nếu con có thể nhớ nghĩ đến Bổn Tôn hay Đạo Sư trong giai đoạn trung ấm thứ hai thì con sẽ được giải thoát vào Báo Thân Phật. Còn nếu con không thể nhớ nghĩ Bổn Tôn hay Đạo Sư vào khi ấy thì con sẽ tiếp tục đến cơ hội thứ ba trong giai đoạn trung ấm thứ ba. Đối với trường hợp này thì sự trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm hay tâm vị tha trong suốt cuộc đời con là điểm thiết yếu. Khi đó một số người sẽ được tái sinh trong cõi Tịnh độ, một số khác sẽ có tái sinh tốt đẹp trong thế giới này ở dạng Hóa Thân, do bởi Bồ Đề Tâm tương đối. Chúng ta thực hành nhiều pháp tu khác nhau bởi vì nếu một phương pháp không đạt được kết quả thì chúng ta cần phải có phương pháp khác. Chúng ta cần chuẩn bị cho mức độ tiếp theo. Đó là lý do tại sao chúng ta thực hành giai đoạn sinh khởi, tu tập quán tưởng, tu tập pháp chuyển di tâm thức v.v.

Câu hỏi: Chúng con có nên chỉ thực hành thogal sau khi đã toàn thiện thực hành trekcho? Liệu chúng con có nên thực hành thogal trong lúc vẫn đang thực hành trekcho không ạ?

Rinpoche: Khenpo Munsel Rinpoche đã dạy rằng nếu con chưa làm chủ được trekcho và vì thế chưa “cắt bỏ” được, thì con chưa thể “vượt qua” – tức là chưa thể thực hành thogal. Nếu con cố để “vượt qua” trước khi “cắt bỏ” thì có khả năng là các xuất hiện thông qua sự thực hành thogal biểu lộ nhưng con vẫn có sự bám chấp nhị nguyên. Và chừng nào còn sự bám chấp nhị nguyên thì sẽ không có lợi lạc trong thực hành thogal. Vì thế, Khenpo Munsel Rinpoche nói rằng tốt hơn là hãy chú tâm vào thực hành trekcho.

Câu hỏi: Trong thời khóa sáng khi thực hành tự giải thoát, con để cho tham ái sinh khởi và rồi nhìn thẳng vào cảm xúc ấy. Vào khoảnh khắc con nhìn vào cảm xúc tham ái thì nó biến mất, còn lại chỉ là sự tỉnh giác nhận biết rõ ràng. Đây là kinh nghiệm tự giải thoát chân thực hay có thể là sự tỉnh giác của con còn quá yếu và thứ mà con nhìn vào chỉ là những hồi tưởng của cảm xúc?

Rinpoche: Con không nên hoài nghi về kinh nghiệm của mình. Hoài nghi là dấu ấn của vô minh. Hoài nghi là ma quỷ thật sự, đó là ma quỷ của sự tự dối lừa. Con cần loại bỏ những sự hoài nghi của bản thân. Nếu cảm xúc tham ái biến mất nhưng sự hoài nghi vẫn còn thì hãy nhìn thẳng vào sự hoài nghi ấy. Hoài nghi cũng chỉ là một niệm tưởng khác, và nếu con nhìn thẳng vào nó thì nó sẽ biến mất. Khi hoài nghi tan biến thì đó chính là thiền định tốt nhất. Con nên duy trì kinh nghiệm này. Vào mọi lúc khi niệm tưởng hay cảm xúc phát sinh thì hãy duy trì kinh nghiệm này và rồi mọi niệm tưởng sẽ tự giải thoát.

Câu hỏi: “PHAT! ” có thể được niệm trong tâm hay cần phải hô vang để có được hiệu quả tốt nhất, thưa Rinpoche?

Rinpoche: Nếu việc nghĩ về “PHAT” mà giúp cho con có thể xua tan được niệm tưởng thì làm như thế cũng không sao. Và nếu con có thể duy trì được sự tỉnh giác và niệm tưởng tan biến thì cũng không cần đến “PHAT”. Con chỉ cần “PHAT” nếu niệm tưởng sinh khởi, và con nhận biết nó nhưng vẫn không thể để nó đi. Khi ấy con có thể hô vang “PHAT” hoặc nghĩ về nó. Con cũng có thể chuyển động thân thể như là duỗi tay khi hô “PHAT”. Điều này cũng sẽ giúp để xua tan niệm tưởng. Nhưng con chỉ cần đến “PHAT” trong trường hợp xuất hiện niệm tưởng mà con không dễ dàng xả bỏ đi được. Và con cũng có thể nghĩ về chủng tự HUNG. Khi con thiền định và niệm tưởng đến rồi không rời đi, con có thể nghĩ về âm thanh HUNG hay có thể quán tưởng chủng tự HUNG, và niệm tưởng sẽ tan biến bởi vì khi ấy con không đang nghĩ về bản thân mình. Ngoài ra chỉ quán tưởng chủng tự HUNG cũng là đủ đối với giai đoạn quán tưởng sinh khởi.

Câu hỏi: Xin Ngài tóm tắt lại các phương pháp như giải thoát niệm tưởng, giải thoát trần trụi v.v.?

Rinpoche: Trong bản văn này, một vài phương pháp giải thoát đã được đề cập. Phương pháp chúng ta cần phải nhớ là giải thoát tự nhiên ngay khi sinh khởi, tức là nương vào tánh giác để giải thoát các niệm tưởng không để lại dấu vết gì khi chúng vừa sinh khởi. Chúng ta nói đến bốn phương pháp giải thoát, nhưng đây cũng chỉ là các ngôn từ được sử dụng trong kinh điển, và cũng tốt khi chúng ta được nghe về các phương pháp ấy. Bốn dạng giải thoát này là: giải thoát nguyên sơ, giải thoát ngay khi sinh khởi, giải thoát trần trụi, và giải thoát khỏi các cực đoan. Nhưng rốt ráo xét về góc độ thực hành thì điều quan trọng đối với chúng ta là làm sao để có thể giải thoát được bất cứ niệm tưởng nào khi chúng vừa sinh khởi. Chúng ta loại bỏ các niệm tưởng với tánh giác. Mỗi niệm tưởng cần được tự giải thoát ngay khi sinh khởi để không còn gì sót lại. Hãy nhớ ví dụ về tên trộm đi vào nhà trống. Tất cả các thuật ngữ khác là để nói về giải thoát nhưng sự phân biệt giữa những thuật ngữ này chỉ cần thiết đối với những ai nghiên cứu kinh điển. Đối với chúng ta là những người thực hành thì không thật sự cần thiết.

Câu hỏi: Có nhiều niệm tưởng đến sau khi con thấy trạng thái tự nhiên. Có phải Ngài nói rằng chúng ta chỉ cần nghỉ ngơi và phớt lờ các niệm tưởng đi hay không? Sự khác nhau giữa nhìn thẳng vào niệm tưởng và phớt lờ niệm tưởng là gì ạ?

Rinpoche: Chỉ cần nhìn vào niệm tưởng sinh khởi. Vào giai đoạn đầu, các niệm tưởng giống như cục nước đá, trong khi tỉnh giác giống như nước ấm. Tỉnh giác sắc bén giống như nước nóng. Khi niệm tưởng giống như cục nước đá sinh khởi và được làm tan chảy bởi nước nóng của tánh giác thì ngay lập tức niệm tưởng sẽ tan biến. Các niệm tưởng tan hòa bất nhị vào tánh giác, hòa lại vào trong tâm. Khi đó con sẽ nhận ra rằng tâm không khác biệt với các niệm tưởng. Hai thứ này không phải là hai thực thể tách biệt. Và rồi mọi cảm xúc sẽ tan biến một cách tự nhiên. Khi sự chánh niệm không đủ mạnh thì cũng giống như nước lạnh, và nước lạnh không thể làm tan chảy cục nước đá. Khi đó niệm tưởng và tâm xuất hiện một cách riêng biệt giống như nước lạnh và các cục nước đá, chúng không hòa được vào với nhau. Nhưng thông qua việc thuần thục trong thực hành mà nước sẽ trở nên nóng dần lên, và khi nó trở nên rất nóng thì cho dù niệm tưởng hay cảm xúc gì xuất hiện đi chăng nữa, tất cả sẽ ngay lập tức tan rã và hòa nhập làm một với tâm. Cuối cùng con sẽ có được kinh nghiệm rằng niệm tưởng và tâm không phải là hai thứ riêng biệt, chúng không tách biệt khỏi nhau. Sự khác nhau duy nhất chỉ như là cục nước đá và nước, nhưng thật sự chúng có cùng một bản tánh.

Vì vậy lúc đầu khi một niệm tưởng sinh khởi thì cảm xúc về niệm tưởng ấy sẽ duy trì trong tâm. Vì thế có vẻ như có hai thứ khác biệt. Nhưng một khi tất cả được tan hòa thông qua tánh giác thì con sẽ nhận ra rằng thật sự thì chúng không phải là hai. Vào giai đoạn đầu, tâm giống như nước nóng và niệm tưởng giống như cục nước đá. Vào giai đoạn giữa, tâm giống như nước và niệm tưởng giống như các đợt sóng. Vào giai đoạn cuối, niệm tưởng giống như các gợn sóng lăn tăn trên nước.

Câu hỏi: Con có một câu hỏi liên quan đến sự tan rã của “cái tôi”. Dường như trạng thái này vượt khỏi sự bám chấp vào bản ngã. Một số người nói rằng chúng ta như các hạt cát trên bờ biển. Một số khác lạinói rằng chúng ta như bong bóng vỡ vào nước. Xin Ngài giải thích giúp con về điều này?

Rinpoche: Con đừng nghĩ quá nhiều về điều này. Tất cả những cách so sánh như thế thuộc về phạm trù khái niệm, và chúng ta cần thực sự vượt qua được phạm trù khái niệm này. Đủ loại niệm tưởng, ví dụ như lo lắng, sẽ khởi sinh. Hãy nhìn vào bản tánh của những niệm tưởng và các hoài nghi trong tâm con. Nếu con nhìn mà không suy nghĩ thì sẽ chỉ có tánh giác sáng tỏ biết được rằng có niệm tưởng vừa sinh khởi. Sau đó hãy tiếp tục duy trì tánh giác này và rồi niệm tưởng sẽ tự nó tan biến, sau đó sẽ không có thêm suy nghĩ rằng “nó là như thế này hay như thế kia” nữa. Tất cả những thứ đó chỉ là hư vọng. Trong thực hành trekcho, chúng ta không nên suynghĩ về những cách so sánh khác nhau v.v. Đừng cố để diễn giải kinh nghiệm của bản thân, mô tảnó là như thế này hay như thế kia. Hãy trực tiếp cắt phăng tất cả những niệm tưởng đó thông qua chánh niệm. Theo cách đó thì các niệm tưởng sẽ biến mất một cách tự nhiên.

Câu hỏi: Nếu một niệm tưởng sinh khởi và cùng lúc được tự giải thoát, thì tại sao chúng ta lại không thể giải thoát niệm tưởng khi chúng ta nhận ra nó? Có phải là do sự nhận biết của chúng ta không phải là sự nhận biết chân thực, và sự chánh niệm của chúng ta không phải là chánh niệm chân thực?

Rinpoche: Chánh niệm luôn là chánh niệm chân thực. Tuy nhiên khi chánh niệm vẫn còn quá yếu thì nó không đủ khả năng để vượt qua được niệm tưởng. Chánh niệm quá yếu bởi vì nó chưa trở thành khuynh hướng quen thuộc của con. Vào giai đoạn đầu chúng ta không thể kỳ vọng rằng chỉ đơn thuần thông qua việc nhận biết niệm tưởng là chúng ta có thể ngay lập tức giải phóng nó – sự giải phóng niệm tưởng như thế đòi hỏi một mức độ thuần thục nhất định. Đó là lý do chúng ta cần thực hành vào mọi lúc. Nếu chúng ta thực hành như thế trong một thời gian dài thì chúng ta dần dần sẽ có khả năng giải phóng nhiều niệm tưởng hơn. Sự tỉnh giác dần dần sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Các niệm tưởng sẽ không biến mất ngay lập tức chỉ đơn thuần bởi chúng ta nhận biết chúng. Con phải thực hành liên tục trong thời gian thật dài. Nếu sân giận sinh khởi, con có thể vượt qua nó hai hay ba lần, nhưng nếu con không hoàn toàn an trụ trong chánh niệm một cách trọn vẹn thì khi sân giận quay trở lại, con sẽ không thể vượt qua đượcnó. Chánh niệm giống như lửa và hiện tại thì lửa của con chưa đủ mạnh. Hãy nhận ra từng niệm tưởng một và rồi sự chánh niệm của con sẽ phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn. 

Câu hỏi: “Thuần thục quen thuộc” có nghĩa là gì ạ? Có phải thuần thục, quen thuộc cũng là một phần của mê lầm? Hay ở đây “thuần thục” có một ý nghĩa khác, xin Rinpoche chỉ dạy?

Rinpoche: Thuần thục trong thiền định có nghĩa là trở nên hoàn toàn quen thuộc với chánh niệm, là trạng thái tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm bởi bất cứ bám chấp nào vào niệm tưởng hay cảm xúc. Cũng có những xu hướng thuộc thói quen mà chúng ta đã tích lũy từ vô thủy trong luân hồi. Vì vậy chúng ta cần thuần thục tâm mình với chánh niệm để có thể xoay chuyển những tập khí hay thói quen đó. Trong tánh giác thì không có mê lầm và chẳng có gì gây ra mê lầm. Chúng ta cần phải thuần thục hay trở nên hoàn toàn quen thuộc với chân tánh của mình. Những tập khí luân hồi được hình thành dựa trên bám chấp vào những thứ không thực, mà lại cho rằng có thực. Sự bám chấp như thế đi ngược lại với bản tánh thật sự của vạn pháp. Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Trước đây chúng ta đã phân biệt giữa tánh Không của thực tại tối hậu và tánh Không do tâm tạo dựng. Đây chính xác là nơi có sự khác biệt. Chúng ta cần trởnên thuần thục với sự tự do vượt thoát mọi che chướng. Bản chất rốt ráo của tâm thì siêu vượt tầng niệm tưởng, siêu vượt trí năng. Các niệm tưởng hay trí năng là vô thường. Đức Phật đã dạy rằng chúng sinh bị che chướng bởi các bất tịnh ngoại lai. Các bất tịnh ngoại lai này chính là tâm niệm tưởng của chúng ta. Cái thấy thì siêu vượt trí năng. Khi bạn thấy được bản tâm mình như nó là, thì chỉ có một thức trong sáng biết bản tánh trống không của chính nó. Nó hoàn toàn rỗng không, tựa như hư không. Không có niệm tưởng, không có trí năng lý luận. Bản chất tựa hư không này của tâm là tự do khỏi mọi niệm tưởng và không do duyên hợp.

Sự khác nhau giữa cái do tâm tạo dựng và cái tối hậu là ở chỗ: cái đầu là duyên hợp trong khi cái sau là không do duyên hợp. Đức Phật đã dạy rằng bản tâm là không do duyên hợp trong khi vạn pháp trong luân hồi là do duyên hợp và vì thế vô thường. Bản chất thực sự của tâm, Phật tánh của bạn, siêu vượt lãnh vực niệm tưởng, nó hoàn toàn tự do khỏi mọi khái niệm. Bạn chỉ cần nhận biết bản tâm ấy, và sau đó cần tiếp tục duy trì trong bản tánh trống không và sáng tỏ này. Suy nghĩ và khảo cứu là dựa trên sự tạo tác của tâm trí. Bản tâm không thể nhìn thấy thông qua phương tiện của trí năng.

Mục đích của pháp tu trekcho là trực tiếp cắt xuyên qua niệm tưởng, nương vào việc hô vang “PHAT”. Ngay trong khoảnh khắc đó, mọi niệm tưởng được phá vỡ và bạn có thể nhìn thấy bản tâm mình. Vào khoảnhkhắc đó, tâm của bạn rất sáng tỏ và không có niệm tưởng. Chỉ có tâm tỉnh thức sáng tỏ này. Ngay khi suy nghĩ và lý trí phát khởi thì mê lầm xuất hiện.

Về Đại Thủ Ấn, đức Tilopa đã nói rằng “Đừng bị lôi cuốn vào niệm tưởng mà hãy nhìn thẳng vào bản tánh siêu vượt niệm tưởng”. Điều này không có nghĩa là bạn trở nên không chánh niệm và quên đi mọi thứ - nếu như thế thì lại giống như tâm của con lợn, ví dụ như thế. Ở đây, đức Tilopa muốn nói đến tánh sáng tỏ và vô niệm. Khi bạn thiền định, có sự tỉnh giác nhận biết sáng rõ, sự tỉnh giác ấy biết rõ rằng không có niệm tưởng. Đây chính là bản tâm của bạn, và điều này thì bạn phải tự xác quyết. Đừng nghĩ về việc nó là thế này hay thế kia. Bản tâm chính là tánh giác nhận biết sáng tỏ mà bạn cần tựmình trải nghiệm.

Câu hỏi: Vượt qua được niệm tưởng có nghĩa là chế ngự chúng hay là muốn nói đến điểm khác, thưa Rinpoche?

Rinpoche: Chế ngự là hành động chủ tâm được sử dụng đối với các cảm xúc tiêu cực. Vào giai đoạn đầu, chúng ta cần phải chế ngự các cảm xúc tiêu cực của mình để chúng không điều khiển chúng ta hoặc gây ra nhiều tổn hại. Rốt ráo thì phương chế ngự cần được thay thế bằng phương pháp loại bỏ. Đầu tiên theo Biệt Giải Thoát Thừa, chúng ta chế ngự các cảm xúc tiêu cực do bởi sợ hãi hậu quả của chúng. Trong Bồ Tát Thừa, chúng ta chế ngự cảm xúc tiêu cực nương vào lòng từ bi. Còn đối với Kim Cang Thừa là thừa cao nhất thì không có sự chế ngự chủ ý đối với các cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, chúng ta loại bỏ cảm xúc tiêu cực một cách chánh niệm thông qua việc để cho chúng lắng xuống vào trong trạng thái tự nhiên của chúng – trạng thái tự nhiên ấy chính là tâm. Chánh niệm giống như lửa, khi lửa trở nên mạnh mẽ thì nó có thể đốt cháy tất cả mọi niệm tưởng và cảm xúc tiêu cực. Có ba phương pháp để giải thoát các cảm xúc tiêu cực: phương pháp của Biệt Giải Thoát thừa, của Bồ Tát thừa, và của Kim Cang Thừa. Phương pháp tốt nhất để giải thoát niệm tưởng là để mặc chúng mà không cần chế ngự, loại trừ hay chấp nhận.

Câu hỏi: Để chứng ngộ được bản tâm, chúng con có cần phải hoàn thiện thực hành pháp tu tiên yếu Ngondro không thưa Rinpoche?

Rinpoche: Sẽ tốt hơn nếu con hoàn thành các pháp tu tiên yếu (Ngondro). Tuy nhiên khi tu tập Ngondro thì điều quan trọng là con không nên trọng tâm vào phần tích lũy túc số mà thay vào đó, con nên thật sự hiểu được mục đích và kết quả của pháp tu này. Ví dụ khi con thực hành quy y, con cần thật sự hiểu được phẩm tánh của Tam Bảo. Khi sự tín tâm của con đối với Tam Bảo mạnh mẽ đến nỗi không gì có thể lay chuyển được thì khi ấy con đã đạt được kết quả hay thành tựu mục đích của việc quy y.

Kết quả của việc thực hành cúng dường Mạn Đà La là để loại trừ chấp ngã. Thực hành chú trăm âm của Bổn tôn Kim Cang Tát Đỏa là để tịnh hóa nghiệp bất thiện, mà thực chất là tịnh hóa cảm xúc tiêu cực. Nếu con chỉ tụng đọc vài câu chú và vài lời cầu nguyện sám hối trong khi vẫn để cho các cảm xúc tiêu cực lưu lại trong tâm thì chẳng có gì được tịnh hóa cả. Điều quan trọng là con cần phải hiểu được ý nghĩa của các pháp tu tiên yếu (Ngondro). Sau khi đã hoàn thành Ngondro, con có thể tu tập bất kỳ pháp nào khác như chúng ta đã nói đến. Nhưng ngay cả khi con thực hành Ngondro thì điều quan trọng là con cần luôn thực hành cùng với chánh niệm. Cốt tủy của các pháp tu tiên yếu và của các pháp thực hành khác là để trưởng dưỡng tâm vị tha. Nếu con muốn được giải thoát khỏi luân hồi thì con chắc chắn cần phải trưởng dưỡng tâm vị tha. Bất cứ thiện hạnh nào con thực hiện dựa trên tâm vị tha thì các thiện hạnh ấy đều sẽ trở nên thanh tịnh và đầy sức mạnh. Nếu con không phát khởi tâm vị tha thì bất kể là con thực hiện hành động thiện hạnh nào đi chăng nữa, nó cũng chỉ mang lại lợi ích tạm thời và sẽ không có thành tựu rốt ráo. Đức Jigten Sumgon đã nói “pháp tu tiên yếu rốt ráo là Bồ Đề Tâm”.

Câu hỏi: Thưa Rinpoche, trong hai việc là dành thời gian để thiền định nhằm chứng ngộ được Cái thấy và thực hành Ngondro thì cái nào quan trọng hơn? Hay cả hai quan trọng như nhau?

Rinpoche: Việc con làm gì không thành vấn đề – con có thể thực hành Ngondro – các pháp tu tiên yếu, hoặc nếu muốn con cũng có thể thực hành các pháp tu khác, hoặc thậm chí chỉ thực hiện các công việc hàng ngày. Tuy nhiên dù là làm gì thì con cũng luôn cần phải giữ chánh niệm. Không nên có sự chia tách giữa thiền định và tất cả các hoạt động khác. Cho dù con đang làm gì – hoặc là làm các hoạt động Pháp hoặc là các việc thế gian – thì con đều cần thiền định. Xét ở góc độnày thì thiền định là thực hành quan trọng nhất.

-------o0o-------

Trích: “Tuệ Đăng Phổ Chiếu”: Bình Giảng Về “Ba Lời Tuyên Thuyết Của Đại Viên Mãn Dzogchen”

Đại sư Garchen Triptul Rinpoche

Phiên dịch Anh – Việt: Trần Thị Lan Anh

Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan