THIỀN: SÁU CÂU HỎI NGÀI MILAREPA DÀNH CHO ĐỆ TỬ - TINH HOA ĐƯỜNG ĐẠO – SANGYE NYENPA RINPOCHE

THIỀN: SÁU CÂU HỎI NGÀI MILAREPA DÀNH CHO ĐỆ TỬ

TINH HOA ĐƯỜNG ĐẠO – SANGYE NYENPA RINPOCHE

Thoại Uyên dịch

NXBLao Động, 2023

-----o0o-----

Tâm đầy rẫy sự phóng chiếu, nhiều hơn cả bụi trần dưới ánh mặt trời. Có những vị yogi hay yogini chứng đắc nào nhìn thấy các hiện tướng của vạn vật rõ ràng như chúng đang là, hiện hữu ngay ở nơi chúng đang có mặt?
THIỀN: SÁU CÂU HỎI NGÀI MILAREPA DÀNH CHO ĐỆ TỬ - TINH HOA ĐƯỜNG ĐẠO – SANGYE NYENPA RINPOCHE

THIỀN: SÁU CÂU HỎI NGÀI MILAREPA DÀNH CHO ĐỆ TỬ

TINH HOA ĐƯỜNG ĐẠO – SANGYE NYENPA RINPOCHE

Thoại Uyên dịch

NXBLao Động, 2023

-----o0o-----

Tôn sư Drubwang Sangye Nyenpa Rinpoche đời thứ 10 là một trong những vị Đạo sư mang tầm ảnh hưởng bậc nhất của truyền thừa Karma Kagyu trong Phật giáo Tạng truyền, với phương pháp thuyết giảng tự nhiên, sâu sắc, thẳng thắn và lay động lòng người. Ngài tái sinh tại Bhutan năm 1964 và được tuyên nhận là hóa thân chuyển thế thứ 10 của vị yogi nổi tiếng Sangye Nyenpa Tashi Paljor. Ngài học đạo dưới sự dẫn dắt của các bậc thầy tâm linh lỗi lạc như đức Pháp Chủ Karmapa đời thứ 16, đức Dilgo Khyentse Rinpoche và những bậc thầy khác. Trú xứ hiện nay của Ngài là Tu viện Benchen Phuntsok Dargyeling tai Kathmandu, Nepal.

Khi nói về đạo ca (doha) của Ngài Milarepa – The Six KQuestio Questions from Milarepa to his Disciples (Sáu câu hỏi Ngài Milarepa dành cho đệ tử) – vài người gọi đó là “Bài ca Milarepa”, nhưng đó không phải là một “bài ca”, đó là “Đạo ca”. Một bài ca, nghĩa là cùng với lời bài hát và giai điệu, mọi người có thể hát. Đạo ca (doha) là của tiếng Phạn, không có từ trong tiếng Anh để diễn tả nghĩa này. Trong tiếng Tạng nó được gọi là “gur” (gur), bạn có thể hiểu đó là “bài ca chứng ngộ”. “Đạo ca” là một từ có năng lực rất mạnh mẽ, vì nó ngụ ý sự chứng ngộ đến từ bản tâm, và đó là dòng chảy liên tục, là sự rõ biết toàn hảo từ một bậc giác ngộ, mỗi một từ đều mang năng lực đoạn trừ những tiêu cực của chúng ta. Vì thế, nó được gọi là “đạo ca”, hoặc “gur”, nhưng “đạo ca” là một từ mang hàm nghĩa mạnh mẽ hơn.

-----o0o-----

Câu hỏi đầu tiên:

Tâm đầy rẫy sự phóng chiếu, nhiều hơn cả bụi trần dưới ánh mặt trời. Có những vị yogi hay yogini chứng đắc nào nhìn thấy các hiện tướng của vạn vật rõ ràng như chúng đang là, hiện hữu ngay ở nơi chúng đang có mặt? Đây là một điều hiển nhiên mà chúng ta nhìn thấy trong đời mình, bao nhiêu niệm khởi trong tâm, hết cái này đến cái khác: Xấu có, tốt có, rất xấu ác cũng có. Niệm khởi tốt như lòng sùng mộ, niềm tin, tình yêu thương, chúng ta lại có ít hơn những niệm như sân hận, đố kỵ, sự căm phẫn. Ngài Milarepa không hề quan tâm đến những điều này, không định nghĩa đặc tính của chúng, Ngài chỉ ngụ ý về niệm nói chung. Những niệm khởi là vô chừng và không đếm biết được số lượng, chúng ta cũng không thể làm chúng dừng lại. Ngài ấy không nói dừng chúng lại – bạn không thể ép buộc bản thân làm điều đó. Thiền không có nghĩa là chúng ta đấu tranh, đè nén hay cố gắng dừng lại các niệm tưởng. Bằng những thiện xảo trong thiền, chúng ta có thể chuyển hóa các niệm tưởng để thấy được bản chất của chúng và chân tánh của chúng ta.

“Nhiều hơn cả bụi vi trần dưới ánh mặt trời”, đây là sự thật. Khi bạn thiền, bạn than phiền rằng “Ôi sao những niệm tưởng cứ đến liên tục không ngớt, mình nghĩ mình thiền không tốt”, nhưng không phải vậy đâu. Nếu bạn nhận ra được mình có nhiều niệm tưởng hơn, đây là một tín hiệu tốt, vì ít nhất là bạn đang biết được tâm mình đang vận hành ra sao, biết được các niệm đang ở đó. Tuy nhiên, chúng ta hay có xu hướng phớt lờ nó đi; từ sáng đến tối, có biết bao niệm khởi lên trong tâm chúng ta. Khi chúng ta một mình, niệm khởi còn nhiều hơn cả khi đi cùng bè bạn nữa. Có một câu đùa ở Tây Tạng rằng: “Nếu bạn đang quên điều gì đó, hãy ngồi thiền và sẽ nhớ ra được thôi”. Đây không phải là thiền chân thật. Khi ngồi thiền mà nhớ tưởng lại mình đã làm gì hôm qua, làm gì sáng nay, ngày mai dự định làm gì, thì sau khi kết thúc thời thiền, chúng ta đã hoàn thành xong kế hoạch của bản thân. Chúng ta nghĩ rằng đó là thiền giỏi, có thể được thực hiện khi bản thân không nhớ được những điều quan trọng. Tuy nhiên, đây chưa phải là thiền chân thật.

Các niệm tưởng là điều tự nhiên, chúng giống như những con sóng trên mặt biển. Trong thực hành pháp Chöd gọi là Bringing Appearances Into The Path (Ngoại tướng thành trợ lực đường tu), Jamgon Kongtrul đầu tiên khẩn cầu đến sự tham muốn, sân hận, vô minh. Ngài ấy cũng khẩn cầu đến các cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Những nghi quỹ này có vẻ lạ, nhưng nếu phân tích sâu hơn, bạn sẽ thấy được đây là sự thật. Tham muốn, sân hận, vô minh đều sinh khởi từ Pháp giới, không hề tách biệt với Pháp giới, nhưng chúng chỉ là hóa hiện mà thôi. Khi bạn không nhận diện được, đó chính là vô minh, còn khi bạn biết được bản chất của chúng, đây chính là Pháp giới; chỉ nằm trong một sát na thôi, khoảng cách giữa chúng không có bao xa. Do vậy, trong Mật điển cao cấp, tất cả các sắc tướng nam đều là đức Quan Thế Âm, tất cả các sắc tướng nữ đều là đức Tara. Tất cả những âm thanh đều là minh chú, tất cả các niệm khởi đều là trí tuệ. Đây là chân lý, nhưng do tâm phân biệt nhị nguyên nên bạn không hề thấy được. Nếu có thể khéo léo đối trị tâm phân biệt nhị nguyên này, bạn sẽ nhận ra được mỗi một niệm khởi đều là Pháp giới. Sự hỷ lạc, niềm hạnh phúc sẽ luôn luôn ở đó. Sẽ không có điều tiêu cực nào xảy ra và làm ảnh hưởng đến thực hành, niềm an lạc của bạn. Chúng ta gọi đó là “an lạc miên viễn của tu hành” đến từ sự chứng ngộ và thành tựu.

Jamgon Kongtrul là một học giả Phật giáo Tây Tạng, một nhà thơ, nghệ sĩ, y sĩ, tertön và nhà thông thái. Ngài là một trong những Phật tử Tây Tạng nổi bật nhất của thế kỷ 19 và được ghi nhận là một trong những người sáng lập phong trào Rimé (bất phân bộ phái).

Về mặt lý thuyết và tri thức, chúng ta có thể biết được rất nhiều thứ nhưng không giúp được gì bản thân do chúng ta thiếu đi những trải nghiệm. Chúng ta có thể hiểu được các giáo lý, thiền hành và giới hạnh, nhưng điều này không mang đến cho bạn an lạc miên viễn của sự tu hành, bởi sự hiểu của bạn không đi cùng với những trải nghiệm và sự chứng ngộ. Sự chứng ngộ đến từ thiền. Nếu bạn đối trị những phiền não, mổ xẻ và trực tiếp đi thẳng vào chúng, thì không có gì là tiêu cực, không có gì là chướng ngại và không có điều gì là xấu cả. Mọi thứ đều tốt đẹp đối với một hành giả hay thiền giả. Chúng ta nên bỏ đi tâm phân biệt xấu – tốt, đúng – sai, luân hồi – niết bàn. Luân hồi chỉ là ngoại tướng, niết bàn cũng vậy, không có sự sai biệt giữa chúng. Nếu tâm bạn vô minh, nhiễm ô, thì đó chính là luân hồi. Nếu bạn chuyển hóa những nhiễm ô và tiêu cực thành Pháp giới – Pháp thân – chân tánh, đó chính là niết bàn. Đó chỉ là sự phóng chiếu của tâm. Đây là sự rõ biết của những yogi hay yogini.

Mặc dù giờ chúng ta chưa đạt được cấp độ của một yogi và cũng chưa thể đối trị trực tiếp với những phóng tâm của bản thân, ít nhất chúng ta phải thấu hiểu, nhận diện được khi các niệm khởi lên. Điều mà chúng ta cần làm là vui vẻ chấp nhận chúng. Các vị Thầy Kadampa nói: “Giờ đây tôi đã sẵn sàng chấp nhận mọi thứ”. Học từ các Ngài, chúng ta cũng chấp nhận mọi thứ, từ việc có ai đó la mắng, chửi rủa hay giả tạo, mới đây thấy tốt vậy mà giờ lại thấy tệ như thế. Bạn nên chấp nhận tất cả mọi thứ như một sự luyện tâm. Bạn nên luyện tâm mình khi đối mặt với tất cả những tình huống ngang trái như vậy, kể cả khi vẫn còn thiếu sự thực chứng. Ở một mình thì không thể nào luyện tâm được, vì khi tưởng tượng có ai đó đang làm chúng ta phiền não thì tâm bạn cũng không khác đi, vì họ không thật sự hiện diện ở ngay đó. Nhưng nếu điều đó xảy ra thật, đó là một bài kiểm tra tâm tốt nhất dành cho bạn. Bạn không cần phải nói rằng “Hãy la mắng, nhục mạ tôi đi”, vì nếu có ai đó thật sự không ưa bạn, họ sẽ tự chỉ điểm những lỗi lầm và sai trái của bạn trước mặt đám đông, vậy đó là bài kiểm tra tốt nhất rồi. Điều mà Ngài Milarepa nói ở đây là sự thật, chúng ta phải “nhìn thấy hiện tướng của vạn vật trần trụi như bản chất của chúng, ngay ở nơi chúng đang hiện diện”, như con sóng sinh khởi từ đại dương, rồi sẽ quay lại về với đại dương. Các niệm khởi lên từ bên trong tâm bạn, nếu bạn tỉnh thức nhận ra được bản chất của chúng, chúng sẽ quay ngược về bản chất của chúng. Đây được gọi là Pháp giới hay Pháp thân.

Trong tiếng Phạn, một ngôn ngữ rất sâu sắc khi so sánh với các ngôn ngữ khác, “Pháp giới” chính là “Mạn-đà-la của thể tánh chân thực”, “trung tâm tụ hội của thể tánh chân thật”. “Pháp giới” (Dharmadhatu) trong tiếng Tạng là “choying”, “Pháp” (Dharma) là “chở” (chos) và “dhatu” là "ying” (dbyings), nghĩa là “hư không”, “rỗng rang”, “chân như” hay “thực tánh”, vì thế Pháp giới hiện hữu tràn đầy khắp hư không. Chúng ta chia Pháp giới thành “Pháp giới nền tảng”, “Pháp giới của con đường” và “Pháp giới của đạo quả", nhưng sự phân chia này chỉ là quá trình. Đó không phải là ba Pháp giới hiện hữu riêng biệt. Là một chúng sinh bình phàm, tâm của chúng ta vô minh và có sự phân biệt nhị nguyên, chúng ta cứ mãi trầm luân trong luân hồi sinh tử, chúng ta có “Pháp giới nền tảng” mà chúng ta chưa từng nhận ra. “Pháp giới của con đường” chính là lúc hành giả tỉnh thức, soi xét tâm mình thông qua việc tham học, suy nghiệm và hành thiền hay thực hành. Tiếp theo, có được sự thật chứng rốt ráo được gọi là “Pháp giới của đạo quả”. Đây là một sự hướng dẫn và khuyến khích chúng ta hướng về con đường giác ngộ, thật sự rất quan trọng. Trong Kinh thừa có một thuật ngữ là “Phật tính”. Phật tính chính là thể tánh chân thật của chúng ta (chân tính), Phật tính hiện hữu trong hết thảy chúng sinh hữu tình, cho dù đó là con vật, loài người, v.v.. Phật tính thấm đẫm khắp chúng sinh hữu tình, vì vậy mà chúng ta tham học, suy nghiệm, hành thiền để có ngày chúng ta giác ngộ, bởi vì có được Phật tính – Pháp giới nền tảng.

Chúng ta mong mình trở thành thiền giả giỏi. Thiền giả giỏi nghĩa là thông qua việc hành thiền của bản thân đạt được kết quả để làm lợi lạc cho chính mình và những người khác nữa. Động cơ trở thành một thiền giả không nên vì tên tuổi, thanh danh, mà nên vì làm lợi lạc cho người khác. Để trở thành một thiền giả giỏi, như tôi đã chia sẻ trước đây, chúng ta cần chánh niệm và kỷ luật đi cùng với thực hành, cho dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đôi khi, thực hành của chúng ta lại tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu chúng ta không cảm thấy hạnh phúc ngày hôm nay thì chúng ta thôi thực hành. Nếu chúng ta gặp phải vấn đề, chướng ngại, chúng ta đi đến chùa, gặp những vị Thầy, cúng dường đèn, khói hương, lễ lạy, thỉnh nguyện đạo sư, nhưng khi ổn rồi thì không ngó ngàng đến việc thực hành nữa. Điều này có nghĩa rằng bạn đã không có kỷ luật trong thực hành.

Nhờ vào kỷ luật, bạn sẽ thấu hiểu được thể tánh chân thật của mình. Hãy xem đó là nhiệm vụ trong đời mình. Nhưng nếu bạn không muốn làm nhưng cảm thấy bị bắt buộc phải làm, đó là điều không hề tốt. Bạn không muốn hành thiền nhưng vị Đạo sư bảo bạn làm nên bạn miễn cưỡng làm. Có phải tồn tại những điều chúng ta không nói ra nhưng đã nghĩ trong đầu đúng không? Khi trời trong xanh nắng ấm, bạn muốn đi nghỉ dưỡng và bơi lội trong làn nước. Khi thời tiết xấu lại muốn đi ngủ, nghỉ ngơi. Vậy thời tiết nào hợp cho thực hành của bạn bây giờ? Nếu trời mây mù thì cảm thấy chán, nắng nóng quá thì sẽ đổ mồ hôi khi hành thiền, mưa thì thấy buồn ngủ. Con người phức tạp là bởi vậy. Nếu chúng ta có thái độ như vậy khi thực hành thì là không kỷ luật rồi. Vì thế, muốn kỷ luật, bạn cần trí tuệ. Trí tuệ nhận ra được luân hồi sinh tử thì khổ đau muôn trùng, còn bản ngã thì quá mạnh mẽ nên chúng ta không an định được. Bản ngã còn đó thì chúng ta không thể nào bình an, hạnh phúc và được giải thoát. Chúng ta cần phải đối trị bản ngã; cho dù gặp phải tình cảnh gì cũng phải luôn tinh tấn thực hành. Cho dù dễ chịu hay không dễ chịu, thuận lợi hay bất lợi, chúng ta vẫn phải luôn thực hành, không ngơi nghỉ cho đến ngày đoạn diệt được bản ngã và đến được bờ giác.

Chúng ta phải thệ nguyện với bản thân rằng không được từ bỏ việc thực hành tinh tấn, còn không thì không gì có thể giúp được bản thân chúng ta, và rồi chúng ta cũng không giúp được chúng sinh hữu tình khác nữa. Chúng ta sẽ mãi trầm luân trong luân hồi sinh tử, khổ đau vô tận. Chúng ta đã có được thân người trân quý này; gọi là “trân quý” vì chúng ta có thể đem lại lợi ích lớn lao cho những chúng sinh khác và cho chính mình. Nhưng thân người trân quý này lại vô thường, chúng ta có thể chết bất kỳ lúc nào, vì bất kỳ lý do gì, không chỉ vì bị bệnh. Cuộc đời mong manh dễ vỡ như bong bóng nước. Ngài Nagarjuna dạy: “Đời chúng ta như ngọn đèn bơ trước gió, không biết tàn lụi khi nào”. Không có gì chắc chắn, nhưng may mắn là ngay giờ phút hiện tại, chúng ta vẫn khỏe mạnh và có thể thực hành. Hơn nữa, chúng ta còn được gặp những vị Thầy Vĩ đại, nhận được những giáo huấn thâm diệu, vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là áp dụng vào thực hành trong tâm mình và phải thấy được những giáo huấn ấy là trân quý. Nếu áp dụng vào việc đối trị bản ngã, nếu giảm được năng lực của bản ngã và vô minh, bạn sẽ sống an lạc và hạnh phúc hơn; lúc ấy, bạn sẽ biết được rằng giáo huấn trận quý biết bao nhiêu. Bạn không chỉ hiểu mà còn phải thực chứng thông qua trải nghiệm và thực hành nữa.

Như tôi đã chia sẻ trước đó, thiền gắn liền với chúng ta trong đời sống hằng ngày. Nếu không hành thiền, bản thân chúng ta không hạnh phúc và cũng không thể làm người khác hạnh phúc. Cũng như ăn, uống, ngủ, nghỉ là một phần của cuộc sống, thiền cũng nên như vậy. Là một thiền giả, chúng ta nên vui vẻ chấp nhận mọi sự như bản chất của chúng. Thật ra lúc ban đầu, chấp nhận những tình huống bất như ý không hề dễ, nhưng nếu bạn tỉnh thức và điều phục tâm thức mình khi tình huống bất như ý phát khởi, dần dần bạn sẽ có khả năng chấp nhận mọi điều ấy với tất cả bản chất của chúng. Vì thế, Ngài Milarepa dạy chúng ta đừng ép bản thân phải dừng các niệm khởi, mà hãy nhận ra bản chất của chúng để không bị chúng làm cho phiền não nữa.

Tại sao chúng ta không hề muốn những ý niệm khởi lên? Đó là vì chúng ta nghĩ rằng chúng sẽ làm cho ta phiền não. Nhưng những hành giả yogi lại không nghĩ như vậy, niệm không bao giờ làm chúng ta phiền não; chúng ta phiền não là bởi chúng ta nắm chúng chặt và chắc quá. Nếu bạn có thể nhận diện được bản chất của các niệm khởi thì chúng sẽ không làm bạn phiền não, không những thế chúng còn giúp bạn nữa. Khi có một ngọn lửa lớn trong rừng rậm, gió đến sẽ giúp ngọn lửa bùng to, lan rộng hơn. Một ngọn đèn bơ nhỏ bé lại dễ dàng bị dập tắt bởi một cơn gió nhẹ – ngọn đèn bơ leo lắt như tâm của chúng ta vậy, không an định, dễ bị dao động bởi ngọn lửa của phiền não. Chúng ta chưa có sự định tâm, phiền não thì luôn có mặt. Nếu tâm bạn tịnh tĩnh, chấp nhận mọi thứ như bản chất của chúng, dần dà, những ý niệm và cảnh trần bên ngoài sẽ không làm ảnh hưởng đến bạn được. Cơn gió mạnh sẽ thổi bùng ngọn lửa trong rừng, tương tự, niệm khởi sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong thực hành thiền. Một vị được gọi là yogi hay yogini nghĩa là người ấy hoàn toàn kiểm soát được tâm mình, hoàn toàn định tĩnh, có thể làm lắng lại những niệm khởi và nhận ra rốt ráo bản chất của chúng.

Dừng lại các niệm khởi thật không cần thiết, nên để chúng tự sinh khởi và tự chúng tan biến. Đó là cách mà Pháp giới vận hành, đến và đi, chúng ta không cần quá quan trọng chúng trong hành thiền. Nếu bạn xem những tình huống bất như ý mà bạn gặp phải là chuyện bình thường trong cuộc sống, sẵn sàng chấp nhận và có những pháp đối trị chúng, thì còn gì là sợ hãi nữa. Tâm chúng ta bất an vì thực hành của chúng ta không tinh tấn, không chuyên chú; vì thế, bạn cần phải có sự quyết tâm mạnh mẽ. Sự quyết tâm này là nền tảng cho việc thành tựu trong thực hành của chúng ta.

Câu hỏi thứ hai:

Bản tính bản nguyên của pháp không dựa vào sự kết tạo của nhân và duyên.

Có những vị yogi hay yogini chứng đắc nào

Thấu triệt được cốt tủy của điều này, bứng sâu vào đến tận gốc rễ hay không?

Đây là một câu hỏi của Ngài Milarepa đến các vị yogi và yogini: “Ta đã chứng đắc, các con thì sao?” “Chân tính” là một tâm nền tảng, chúng ta còn gọi đó là “Phật tính”, “thể tánh rỗng rang”, “Pháp giới” hay “Pháp thân”, có rất nhiều tên gọi. Tại sao chúng ta lại gọi đó là “chân tính”? Vì nó không được kết tạo bởi nhân và duyên, nó được giải thoát khỏi nhân và duyên, luôn tồn tại, không bị nhiễm ô bởi các hiện tượng thuộc về luân hồi sinh tử và không tăng lên hoặc tốt hơn bởi hiện tượng thuộc về niết bàn. Cho dù chúng ta có chìm đắm sâu thẳm trong luân hồi sinh tử ra sao, phải trải qua bao nhiêu khổ đau hay tâm bị vô minh bao nhiêu, những điều này không hề chạm được đến “chân tính” của chúng ta. Luôn thanh tịnh, giải thoát khỏi mọi nhiễm ô, chướng ngại, vẩn đục và luôn tồn tại, đó là “Phật tính” hay “chân tính” của chúng ta.

Là những thiền giả, chúng ta thấu triệt được cốt tủy của điều này bằng cách đi sâu vào để lột bỏ từng lớp, từng lớp, cho đến tận gốc rễ. Bạn không muốn có cành, cũng không muốn có thân cây, thì bạn phải bứng sâu vào tận gốc rễ. Vì thế, điều mà chúng ta cần là đoạn diệt bản ngã. Có nhiều hệ thống khác nhau có thể giúp được chúng ta: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Kim cang thừa. Có những phương tiện thiện xảo khác nhau, nhưng cốt tủy vẫn là một.

“Phương tiện thiện xảo” trong truyền thống Kim cang thừa là sự chuyển hóa; trong Đại thủ ấn và Đại viên mãn là chuyển hóa bản ngã thành trí tuệ. Trí tuệ trong tiếng Phạn là “jnyana”, tiếng Tạng là “yeshe” (ye shes). “Ye” có nghĩa là “vô khởi thủy”, “tối thượng” hay “câu sinh”, và “she” nghĩa là “trí tuệ”. Sự chuyển hóa, “ne gyur” (gnas gyur) trong tiếng Tạng không có nghĩa là bạn mang hai thứ lại với nhau hay thay đổi một thứ thành một thứ khác. Ở đây, nghĩa của việc chuyển hóa nghĩa là chứng ngộ rằng bản thân sự vô minh không hề tách rời khỏi trí tuệ – trí tuệ tối thượng. Chúng ta không nhận diện được – đó chính là vô minh; những hành giả yogi hay yogini nhận thấy rốt ráo được bản chất của vô minh, đó chính là trí tuệ tối thượng. Không hề có hai thứ tồn tại độc lập, tách biệt; đó chỉ là sự phóng chiếu của tâm mà thôi.

Nói “bứng sâu tận gốc rễ” không có nghĩa rằng sự vô minh là tiêu cực, là xấu ác và vì thế cần phải đoạn diệt nó. Khi tâm chúng ta có sự phân biệt nhị nguyên thì là vô minh; khi không còn phân biệt nhị nguyên nữa thì là trí tuệ. Khi chúng ta đối trị tâm này bằng các pháp thực hành, trí tuệ bản nguyên của chúng ta sẽ hiển lộ. Chúng ta đặt tên cho nó là “vô minh” hay “phân biệt nhị nguyên”, nhưng tên gọi không là vấn đề; điều quan trọng ở đây là chúng ta nhận ra được trí tuệ bản nguyên – thể tánh chân thật. Đó là chân tính, với sự sáng rõ, thấu rõ, tỏ tường.

Trong tiếng Tạng, “de” (bde) là hạnh phúc hay sự an lạc, “sal” (gsal) sự sáng rõ, “dang” (mdangs) là sự tỏ tường, “rig” (rig) là “nhận chân” hay “tỉnh thức”. Đó là lý do những vị yogi hay yogini rất hạnh phúc, an lạc. Cho dù gặp những điều bất lợi về mặt vật lý, nhờ những phương tiện thiện xảo, họ đều có thể chuyển chúng thành hạnh phúc chân thật. Điểm mấu chốt là họ đã đối trị được tâm phân biệt nhị nguyên. Nếu bạn có thể chuyển hóa tâm phân biệt này thành trí tuệ, những tình huống bất lợi và tình cảnh ngang trái sẽ không còn nữa. Vị hành giả yogi luôn hạnh phúc, an lạc và luôn cảm thấy nhận được sự gia trì và bao bọc từ các vị Bổn tôn và Hộ Pháp. Họ luôn bao bọc bạn, thậm chí bạn có nói rằng “Hôm nay con không cần Ngài”, các Ngài vẫn ở đó với bạn. Trước đây, tôi đã chia sẻ về sự kết nối, có được do chúng ta tăng trưởng sự thấu rõ về thể tánh chân thật của chính mình.

Câu hỏi thứ ba:

Hàng trăm người với gươm và giáo cũng chẳng thể nào chặn đứng sự thôi thúc bất chợt của vọng niệm trong tâm.

Có những vị yogi hay yogini chứng đắc nào

Thấy ra được rằng tham luyến có thể để chúng tan biến và tự giải thoát cho chính nó hay không?

Điều này có nghĩa rằng không ai có thể làm các niệm tưởng của bạn dừng lại. Nếu có ai đó tới đe dọa và buộc bạn phải dừng các niệm lại, không những các niệm không dừng lại được mà thậm chí còn nhiều hơn. Điều mà chúng ta cần ở đây là nhìn vào bản chất của các niệm. Khi các niệm khởi lên, nếu chúng ta có thể nhìn thấy được bản chất của chúng, các niệm ấy sẽ vẫn còn nhưng không làm chúng ta phiền não được, chỉ có vậy. Chúng ta đang không cố gắng loại bỏ các niệm khởi mà chỉ đang cố gắng loại bỏ các phiền não mà thôi.

Thật sự, chúng ta không bị phiền não bởi sự sân hận, ý niệm, hay bất kỳ điều gì khác, mà lại bị phiền não bởi những ảnh hưởng của nó lên chúng ta. Vì thế, chúng ta không cần phải loại bỏ các niệm tưởng hay bản thân sự sân hận. Chúng làm chúng ta phiền não vì chúng ta giữ chúng chắc chặt quá, đó là nhân của khổ đau và bất an trong chúng ta. Cách giải thoát mình khỏi điều này là nhận ra được bản chất của chúng – rất đơn giản là vậy.

Tuy nhiên, là một thiền giả, sao chúng ta cứ thất bại trong việc nhìn thấy được bản chất của chúng cho dù có nghe giảng giải giáo huấn rất nhiều lần? Giáo huấn về “thiền”, “Đại thủ ấn”, “Đại viên mãn” và “Trung luận” - những giáo huấn rất thâm diệu. Ngày này, tại rất nhiều trung tâm Phật giáo trên toàn thế giới, chúng ta chỉ nghe về “Đại thủ ấn”, “Đại viên mãn” mà hiếm khi nghe giảng về “Tứ diệu đế”. Chúng ta nghe rất ít về “Thập nhị nhân duyên”, “Sự xả ly”, “Sự từ ái” hay “Quy y”. Nhưng “Tánh Không”, “Chân tính”, “Đại thủ ấn” và “Đại viên mãn” thì lại rất phổ biến, đến mức có thể sau một thời gian, chúng ta lại chán chường với “Đại thủ ấn” và “Đại viên mãn”. Bạn nghe rất nhiều lần nhưng lại không thấu hiểu, vì thế, bạn vẫn còn những đớn đau, khổ não, cảm giác bất an, những do dự, thiếu quyết tâm – chúng vẫn còn đó, và rất khó vượt qua. Khi những tình cảnh ngang trái đến, dường như chúng ta không áp dụng được những giáo huấn đã được nghe. Trừ phi bạn nghe giảng rồi thực hành sau đó, những giáo huấn mới có thể giúp bạn được. Điều này rất quan trọng.

Tôi nhận ra, nói về Pháp thì khá dễ, nhưng gặp phải tình huống rồi áp dụng vào thì không. Những giáo huấn và chỉ dạy từ Ngài Milarepa thật sự rất trân quý. Chỉ cần nghe thôi đã chạm được đến trái tim chúng ta, và sự gia trì từ Ngài luôn ở đó. Mong rằng các bạn có thể làm như Ngài từng làm và nhận ra được những gì mà Ngài đã nhận ra.

Câu hỏi thứ tư:

Sự vận hành và tạo tác của tâm chẳng thể nào khóa lại trong một chiếc hộp sắt.

Có những vị yogi hay yogini chứng đắc nào

Thấy ra được rằng, tự chính vọng tâm ấy cũng là sự rõ biết của “tánh Không” hay không?

Bạn không thể cuộn gói tâm mình lại, khóa trong một chiếc hộp sắt, rồi lại để trong một chiếc hộp sắt lớn hơn, để trong một căn phòng khóa kín cửa chính và cửa sổ, rồi lại cho người bảo vệ nó với vũ khí bên ngoài và nói như thế này để đảm bảo rằng tâm bạn luôn ở yên bên trong: “Đừng để tâm tôi phóng ra ngoài, tôi sẽ trả cho các anh rất nhiều tiền”. Như Ngài Milarepa đã nói, chúng ta không thể khóa tâm lại trong một chiếc hộp sắt. Đây chỉ là một ví dụ minh họa, mọi người đều biết chúng ta không thể khóa tâm mình lại trong một chiếc hộp sắt như thế. Điều ẩn ý đằng sau chính là chúng ta không thể nào dừng các niệm của mình, không thể nào định dạng lại tâm của mình giống như vậy. Điều chúng ta cần phải làm chính là điều phục tâm thức. Thay vì cố gắng khóa nó trong một chiếc hộp sắt, chúng ta điều phục nó, cho tâm biết điều cần phải làm là gì, hướng dẫn làm ra sao và cho nó có không gian để làm việc với chính nó. Tâm sẽ tự giải thoát mọi thứ và không bao giờ bị xâm nhiễm bởi các che chướng và tiêu cực. Khi sự sân hận sinh khởi, tất nhiên chúng ta biết nó không hề tốt, không hề muốn có cảm giác đó, nhưng chúng sinh khởi bởi tập khí của chúng ta. Điều mà chúng ta cần làm là hãy nhìn vào bản chất của chính nó. Nếu nhìn nó kỹ càng, chúng ta sẽ thấy được rằng nó không hề tách biệt với Pháp giới – sự sáng rõ, tỏ tường, niềm hạnh phúc, sự thấy biết sáng rõ. Thật vi diệu, Pháp giới luôn ở đó – chúng ta nhận ra được những phẩm tính này thông qua năng lực của sự vô minh.

Vì thế chúng ta phải tri ân sự vô minh, mê lầm, thay vì cảm thấy ghét bỏ. Hãy hạnh phúc vì những niệm khởi và sự vô minh mà chúng ta có; nếu nhìn soi bằng tuệ giác, chúng ta sẽ nhận ra được bản chất của chúng. Bản chất của chúng là thanh tịnh, chân thật, sáng tỏ, không bao giờ bị nhiễm ô. Khoảnh khắc bạn nhận ra được bản chất của chúng cũng là lúc sự sân hận, đố kỵ, mê lầm đã nằm trong tâm bạn lâu ngày sẽ lắng lại và được loại bỏ bớt. Bạn không cần phải buộc mình loại bỏ bớt các cảm xúc phiền não, vì nó có lợi cho thực hành thiền của bạn. Nếu tinh tấn thực hành, bạn sẽ không còn phiền não nữa. Vì thế, càng nhiều niệm khởi, năng lực trong thiền định của bạn sẽ càng tăng, bởi bạn đã có thể chuyển hóa những niệm khởi thành thiền định một cách an lạc và hạnh phúc.

Câu hỏi thứ năm:

Ngay cả các vị Hộ Phật trí tuệ cũng không lánh xa các lạc thọ.

Có ai là một yogi hay yogini chứng đắc

Có thể nhìn xuyên qua được cái trong suốt của sự vận hành của thức hay không?

Bạn toàn ăn đồ ăn ngon, có đúng không? Chẳng ai ăn đồ ăn dở cả. Thậm chí bạn còn ăn đồ ăn ngon, đắt tiền, như mọi người vẫn thường kể lại: “Hôm nay, tôi mới có một bữa ăn ngon lành”. Thậm chí các vị Bổn tôn (Hộ Phật) cũng không từ chối, chúng ta cúng dường các Ngài những phẩm vật tốt lành, đẹp đẽ nhất: nhã nhạc, bánh torma và những bó hoa xinh đẹp. Chẳng ai cúng dường những bó hoa đã tàn úa; chúng ta mua những bó hoa xinh đẹp đầy màu sắc, mắc tiền và cúng dường lên các Ngài. Đôi khi, chúng ta mong cầu rằng: “Con cúng dường hoa lên Ngài, con cầu nguyện Ngài hãy bao bọc con”. Chúng ta đừng nghĩ rằng các Ngài, những vị Bổn tôn trí tuệ, sẽ bao bọc vì chúng ta đã cúng dường hoa lên các Ngài. Các Ngài sẽ trả lời: “Chúng ta sẽ bao bọc con nếu con thay đổi được tâm mình”. Những bó hoa xinh đẹp là để cho bạn tích lũy thiện hạnh, không phải cho các Ngài. Các Ngài không bao giờ yêu cầu chúng ta mang hoa đến, đó là vấn đề của chúng ta và là cho những thiện hạnh của chính chúng ta, không phải cho các vị Bổn tôn.

Theo ước định trong hệ thống tương đối, chúng ta cúng dường những phẩm vật như nhã nhạc, hoa, khói hương, đèn bơ, ánh sáng và những loại phẩm vật khác chỉ để tích lũy những công đức, thiện hạnh. Các vị Thầy Kadampa nói rằng, những vị thiền giả, yogi, yogini không được lánh xa sự cúng dường và nói: “Tôi không cần chúng vì tôi là một thiền giả, là một bậc giác ngộ, tôi không cần những bó hoa này, đối với tôi hoa đẹp hay hoa xấu cũng đều như nhau mà thôi”. Đó là một sự khoe khoang, thể hiện, các vị Thầy Kadampa không quan tâm đến điều đó. Là những hành giả và thiền giả, chúng ta nên thấy mọi thứ đều tốt lành, đẹp đẽ. Nếu ai đó tặng cho chúng ta thứ gì, chúng ta nên nói: “Vâng, tôi cảm ơn, tôi thích nó lắm, tôi hạnh phúc vì bạn tặng cho tôi, tôi sẽ dùng những thực phẩm, thức uống này”. Nhưng nếu bạn nói “Tôi là một thiền giả, tôi không ăn uống gì cả, và cũng không ngủ nghề gì luôn”, điều này chỉ cho thấy sự yếu kém trong thực hành của bạn mà thôi.

Vì thế, ngài Milarepa dạy rằng chúng ta không nên xa lánh các lạc thọ, nhưng sâu khảm trong tâm mình nên hiểu rằng chúng không thật sự hiện hữu. Về mặt tương đối, để làm lợi lạc cho người khác, nên thọ được sự cúng dường. Những bông hoa rất đẹp mà, thậm chí Ngài Nagarjuna, Ngài Chandrakirti (Nguyệt Xứng) hay các vị Thầy trong Trung Luận cũng đồng ý với điều đó. Nếu bạn hỏi Ngài Nagarjuna rằng bông hoa ấy có đẹp không, tất nhiên Ngài sẽ trả lời rằng nó đẹp, Ngài không bao giờ trả lời rằng “Đó chỉ là sự phóng tâm”, “Màu sắc ấy chỉ là sự phóng tâm”, “Bông hoa này chỉ là hư huyễn” hay “Bông hoa này đẹp ở chỗ nào?”. Ngài ấy không bao giờ nói vậy, thay vào đó, Ngài sẽ nói: “Bông hoa đẹp đấy, bạn tìm thấy ở chỗ nào vậy, mua chúng hết bao nhiêu tiền?”. Chúng ta cũng nên học tập từ Ngài. Đó là lý do các vị Thầy Kadampa dạy chúng ta phải lặng lẽ, khiêm cung trong thực hành, hãy đơn giản và bình thường để làm lợi lạc cho người khác. Không được khoe khoang – khoe khoang chẳng có ích lợi gì cả.

Vì thế, Ngài Milarepa dạy rằng chúng ta nên chấp nhận. Nhưng bên ngoài là một chuyện, sự chứng ngộ bên trong chúng ta phải thấy ở khía cạnh khác nữa. Lắng nghe mọi thứ từ bên trong chứ không phải bề ngoài thật sự rất quan trọng. Hãy làm vậy chỉ với mục đích làm lợi lạc cho người khác. Vì thế, chúng ta phải bình thường nhất có thể cho dù có thể đã chứng ngộ rốt ráo mọi thứ, chúng ta vẫn phải lặng lẽ và khiêm cung để tạo nhiều lợi lạc hơn.

Câu hỏi thứ sáu:

Còn các hiện tướng của sáu căn khi đối diện với sáu thức thì sao?

Ngay cả đôi tay của các Đấng chiến thắng cũng chẳng thể nào ngăn chặn được.

Có những vị yogi hay yogini chứng đắc nào

Có thể ngộ ra được rằng chẳng có các căn nào đằng sau các thức ấy không?

“Chẳng có đối tượng nào” không có nghĩa rằng chúng biến mất – chúng vẫn ở đó thôi. Điều mà chúng ta cần là nhận ra được bản chất của chúng, không chối từ chính những đối tượng đó. Tổ Tsongkhapa, một Đại sư dòng Gelug, nói rằng: “Các đối tượng phụ thuộc lẫn nhau mà sinh khởi, đẹp đẽ hay không đẹp đẽ, rỗng rang từ bản chất. Các đối tượng này và bản chất của chúng là không tách biệt”. Khi các vị yogin và hành giả thực hành Pháp thấy các ngoại tướng và bản chất của chúng là tách biệt, khi chiếu theo sự chứng ngộ của đức Phật, những vị này chưa chứng ngộ hoàn toàn rốt ráo. Ngài Tsongkhapa tiếp tục: “Tuy nhiên, có một ngày, khi bạn nhận ra những điều hiện hữu thông thường và phụ thuộc lẫn nhau bởi bản chất của chúng là vậy, đồng thời chứng ngộ rốt ráo rằng về bản chất chúng không thật sự hiện hữu, thì đó cũng là lúc bạn lìa xa được những dính mắc của mình. Bạn sẽ vui vẻ cảm nhận với chỉ riêng những ngoại tướng ấy mà thôi. Đây là sự phân tích toàn mãn của bạn”. Một lời dạy rất hay.

Chúng ta vẫn đang bị kẹt trong sự phân tích của chính mình – phân tích, phân tích và phân tích, sai, rồi lại phân tích, phân tích và lại sai nữa. Vì thế, cuộc sống trở thành sự phân tích. Bạn là một người tìm hiểu tâm thức của mình nhưng chưa nhận diện được bản chất của nó là gì. Chúng ta cần phải phân tích đến sự chứng ngộ cuối cùng. Vì thế, giống như các vị yogi và yogini, chúng ta cố gắng thấy được tất cả các hiện tượng xảy ra tương đối như bản chất của chúng, đồng thời cũng nhận ra bản chất của chúng là không hiện hữu độc lập. Nếu bạn rõ biết được như vậy, những đối tượng của hiện tượng sẽ không làm bạn phiền não được mà còn giúp bạn và mang đến sự an lạc cho bạn.

Càng nhiều đối tượng và hiện tượng sinh khởi, bạn càng thấy an lạc trong tâm mình. Đó là bởi bạn đã rõ biết được bản chất của chúng. Khi rõ biết được vậy rồi, bạn sẽ hiểu được tất cả các hiện tướng là do sự phóng chiếu của tâm thức. Nhìn từ điểm này, tất cả những ngoại tướng sinh khởi chỉ làm cho sức mạnh và năng lực thiền định của các vị yogi tăng trưởng không ngừng. Rồi sau đó, bạn có thể sống an lạc, hoàn toàn kiểm soát được các ngoại tướng và thực chứng một cách rốt ráo rằng không có gì hơn sự phản chiếu của tâm, và đó chính là tâm nền tảng. Rồi bạn sẽ có được hạnh phúc và an lạc tối thượng.

Là những thiền giả và hành giả thực hành Pháp, điều mà chúng ta cần là đối trị những cảm xúc thường ngày. Điều này rất quan trọng. Chỉ đơn giản là an định tâm và nhìn vào bản chất của chúng thì chưa đủ và chưa quan trọng với chúng ta bây giờ. Đây là thời gian mà chúng ta phải nghiêm túc với thực hành hằng ngày và đối trị các xúc tình phiền não. Khi cảm xúc sinh khởi, hãy để chúng như vậy, đồng thời tỉnh thức, nhìn sâu vào bản chất của chúng. Đây là lúc để nhận ra những điều như sự sinh khởi và cách vận hành của cảm xúc, điều này rất quan trọng đối với các thiền giả. Sau đó, dần dần, bạn có thể áp dụng các phương tiện thiện xảo khi cảm xúc sinh khởi, để chúng trở thành những người bạn của bạn. Sự ảnh hưởng của chúng lên bạn sẽ giảm trừ, bởi bạn đã tỉnh thức hơn rồi. Nếu bạn không tỉnh thức, các cảm xúc này biết rằng bạn đang yếu kém, chúng sẽ từng bước giẫm lên bạn và tạo cho bạn càng nhiều vấn đề hơn.

Trách nhiệm tối cao thuộc về chúng ta, không phải về những giáo huấn chúng ta thọ được, dòng truyền thừa hay vị Đạo sư chúng ta đang theo học. Cả hai đều phải đi cùng với nhau – những giáo huấn và sự thực hành tinh tấn. Nếu làm được vậy, bạn có thể vượt qua được những khổ đau không cần thiết. Đây chính là thông điệp từ các vị Đạo sư vĩ đại.

“Nếu là hành giả thực hành Pháp nghiêm túc, trong đời sống hằng ngày chúng ta phải luôn cảnh tỉnh, soi xét nội tâm bản thân thay vì người khác.”

-----o0o-----

Ảnh:  Nguồn Internet

Bài viết liên quan