THIỀN SƯ HƯƠNG HẢI (1628 - 1715)

THIỀN SƯ VIỆT NAM - THIỀN SƯ HƯƠNG HẢI (1628 - 1715)

-----o0o-----

Tổ tiên Sư quê ở làng Áng Độ, huyện Châu Phúc. Ông Tổ năm đời của Sư làm quan Quản chu tượng coi thợ đóng thuyền cho triều đình. Ông sanh được hai người con trai, con cả trông coi Lãng doanh, tước Hùng quận công, quản đốc ba trăm lính thợ. Con thứ làm chức Phó cai quan tước Trung lộc hầu, là ông Tổ bốn đời của Sư.
THIỀN SƯ HƯƠNG HẢI (1628 - 1715)

Tổ tiên Sư quê ở làng Áng Độ, huyện Châu Phúc. Ông Tổ năm đời của Sư làm quan Quản chu tượng coi thợ đóng thuyền cho triều đình. Ông sanh được hai người con trai, con cả trông coi Lãng doanh, tước Hùng quận công, quản đốc ba trăm lính thợ. Con thứ làm chức Phó cai quan tước Trung lộc hầu, là ông Tổ bốn đời của Sư. Khoảng niên hiệu Chánh Trị đời vua Lê Anh Tông (1558-1571), Trung lộc hầu theo Đoan quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn Quảng Nam. Ông được Nguyễn Hoàng tin dùng nên thăng chức Chánh cai quan, quản lãnh các lính thợ đóng thuyền. Nguyễn Hoàng lại dâng sớ về triều kể rõ công trạng, vua Lê phong cho ông hiệu Khởi Nghĩa Kiệt Tiết Công Thần, cấp cho ba mươi mẫu ruộng, và con cháu được thế tập.

Sư thuở nhỏ đã thông minh tài giỏi, năm mười tám tuổi thi đỗ Hương tiến (Cử nhân) được chọn vào làm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn. Sau lại bổ Sư ra làm Tri phủ phủ Triệu Phong (nay là tỉnh Quảng Trị). Năm Sư hai mươi lăm tuổi rất hâm mộ Phật pháp nên tìm vào học đạo với Thiền sư Viên Cảnh ở Lục Hồ. Được Thiền sư đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải. Sau, Sư lại tìm đến Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học.

Hơn ba năm sau, Sư từ quan xin xuất gia, rồi dong thuyền ra biển Nam Hải trụ trên ngọn núi Tim Bút La, cất ba gian nhà tranh ở tu. Ở đây, Sư chuyên tu thiền định và gìn giữ giới luật tinh nghiêm được hơn tám tháng. Gần đó có biển tên là Ngọa Long Hải và cù lao Đại Lãnh, hai nơi này ít người đi đến, là chỗ hang ổ của ma quái. Chúng ma đã nhiều lần kéo đến làm ngăn trở sự tu hành của Sư, mà tâm Sư vẫn không lay động.

Một đêm vào lúc canh hai, những đồ đệ của Sư bỗng trông thấy một con ma lớn đen sì cao chừng hai trượng (8 thước) sồng sộc chạy vào, một lúc rồi biến đi đâu mất. Đến cuối canh ba, bỗng có một con rắn lớn bò đến quấn chặt mình Sư, Sư không cựa động được, cố nhích mình lần tới bàn Phật, niệm chú thần đao, một lát con rắn ấy biến mất.

Lại một hôm, đang giữa ban ngày bỗng mây đen kéo đến trước sân mù mịt, gió cuốn ầm ầm, cây gẫy cát bay, mái nhà bung tốc. Bỗng nghe tiếng như ngàn muôn con mèo kêu ran lên một chập. Sư vẫn điềm nhiên không chút sợ hãi.

Lại một lần, canh vắng đêm khuya, Sư đang ngồi thiền trước điện Phật, hương đèn sáng choang. Bỗng thấy quân ma vừa trai vừa gái đứng vây tứ phía, đứa cầm giáo, đứa cầm mác, đứa dắt trâu, đứa dắt ngựa, đứa dắt voi, nhiều thứ quái tượng. Sư cảm thấy đau bụng, mắt mờ, không thấy ánh sáng của đèn. Sư liền lập chí Kim cang tưởng lửa tam-muội, quyết đốt cháy thân mình và thiêu cả thế giới. Một lát chúng ma biến đâu mất, cảnh sắc lại quang minh như trước.

Sư cho rằng đất này là ác địa, khó giáo hóa được, bèn trở về quê cũ là làng Bình An thượng, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam. Một đêm có người Mán lại gõ cửa Sư và thiết tha mời Sư ra đảo Tim Bút La lại. Hỏi nguyên do, người Mán thưa: Sư cụ về được bốn ngày, thì cả ba đền ở đảo Tim Bút La, đền Cao Các đại vương, đền Phục Ba đại vương và đền Bô Bô đại vương đều phục đồng lên nói rằng: “Hôm nọ bọn ma tinh tác quái mấy lần để làm não hại Pháp sư, chúng ta ngồi yên xem thử coi ai thắng ai bại. Chúng ta thấy Pháp sư biến hình biến tướng chẳng biết ở đâu, khiến chúng ma tinh phải lui hết. Chúng ta thấy Pháp sư thật là đạo hạnh kiêm toàn, vì vậy nên báo cho dân làng biết đi thỉnh Sư về trụ trì ở đây.” Sư lại một phen cùng đệ tử xuống thuyền trở ra đảo Tim Bút La. Từ đây Sư ở chuyên tu hơn tám năm mà không có gì chướng ngại. Nhân dân rất ngưỡng mộ.

Thuần quận công trấn thủ Quảng Nam có bà vợ đau đã lâu mà không trị lành, nghe danh tiếng của Sư cho người đến rước. Sư lập đàn tụng kinh bảy ngày đêm thì bệnh bà lành. Cả nhà đều kính phục, đồng xin qui y với Sư. Xong việc, Sư trở lại đảo Tim Bút La.

Hơn nửa năm sau, quan Tổng thái giám là Hoa Lễ Hầu ở Quảng Nam mắc bệnh lao đã ba năm, nghe danh Sư cho thuyền ra đón về trị hộ. Sư về lập đàn Đại sám hối trong vòng mười ngày bệnh được khỏi. Hoa Lễ Hầu về Thuận Hóa đem việc đó kể lại cho Dũng quốc công Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền 1648-1687) nghe. Quốc công ngưỡng mộ sai sứ ra thỉnh Sư về doanh phủ. Quốc công ra cửa đón Sư vào, thăm hỏi và luận bàn đạo lý rồi lập Thiền tịnh viện ở núi Qui Kính mời Sư trụ trì.

Sư ở núi Qui Kính hoằng hóa, bà Quốc Thái phu nhân cùng ba công tử là Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ đều xin qui y, quan dân quân lính đều kính mộ, xin qui y có đến một ngàn ba trăm người (1300).

Bấy giờ có quan Thị nội giám là Gia quận công người làng Thụy Bái huyện Gia Định ngoài Bắc, tòng quân vào đánh Thuận Hóa bị Phúc Tần bắt được, nhưng tha cho để ra vào dạy nội cung. Gia quận công thường tới lui nghe Sư thuyết pháp. Có kẻ ganh ghét tâu với chúa Nguyễn là hai người âm mưu định trốn về Bắc. Chúa Nguyễn sanh nghi, liền bắt Sư và Gia quận công đem tra tấn, nhưng rốt cuộc không có bằng chứng gì. Chúa Nguyễn ra lệnh cho Sư về Quảng Nam.

Bởi lý do ấy, Sư quyết chí trở về Bắc thật sự. Sư ngầm dự bị một chiếc thuyền cùng năm mươi đồ đệ vượt biển. Về đến đồn Trấn Lao đến yết kiến quan Đốc sư là Yên quận công Trịnh Na. Trịnh Na dâng sớ về triều tâu cho vua Lê hay. Bấy giờ là tháng ba năm Nhâm Tuất, năm thứ ba niên hiệu Chính Hòa (1682). Chúa Trịnh (Trịnh Tạc) sai Đường quận công đem thuyền đón Sư về kinh. Sư đến kinh ở tạm lại công quán, chúa Trịnh sai Nội giám là Nhương quận công và Bồi tụng là Lê Hy đến hỏi tra lý lịch, lại đòi người làng Áng Độ đến nhận thật.

Biết đúng lẽ thật rồi, chúa Trịnh cho mời Sư vào triều thăm hỏi và phong cho chức Vụ sử, thưởng ba trăm quan tiền, mỗi năm cấp hai mươi bốn lâu thóc, ba mươi sáu quan tiền, một tấm vải trắng. Đồ đệ của Sư mỗi người một năm cấp mười hai lâu thóc, mười hai quan tiền. Chúa sai Sư vẽ địa đồ của hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, Sư vâng lệnh vẽ rất rõ ràng dâng lên. Chúa khen ngợi thưởng hai ngàn quan tiền.

Tháng tám năm ấy, chúa Trịnh sai đưa Sư về ở nhà công quán trấn Sơn Tây. Ở đây hơn tám tháng, Chúa lại dời Sư về ở trấn Sơn Nam và ra lệnh quan trấn thủ là Lê Đình Kiên đo ba mẫu quan thổ cất am cho Sư, lúc này Sư được năm mươi sáu tuổi.

Sư về am này lại càng tinh tấn, hằng giữ tâm chánh định, giới luật tinh nghiêm, sớm hôm không khi nào lười mỏi. Sư lại chú giải các kinh ra chữ nôm được ba mươi thiên, khắc bản ấn hành.

Năm Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa (1700), Sư sang ở chùa Nguyệt Đường, học trò theo hơn bảy mươi người đều tinh thông kinh luật. Sư xây dựng lại ngôi chùa Nguyệt Đường rất rộng rãi và đẹp đẽ. Chính nơi đây, Sư làm hưng thạnh lại phái Trúc Lâm.

Vua Lê Dụ Tông vì hiếm hoi con, mời Sư vào nội điện lập đàn cầu tự, bấy giờ Sư đã bảy mươi tám tuổi. Lúc vào chầu, Vua rất kính trọng, hỏi Sư rằng:

- Trẫm nghe Lão sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin Lão sư thuyết pháp cho trẫm nghe để trẫm được liễu ngộ.

Sư tâu:

- Xin bệ hạ chí tâm nghe cho thật hiểu bốn câu kệ này:

Hằng ngày quán lại chính nơi mình
Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh
Trong mộng tìm chi người tri thức
Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.

(Phản văn tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế khan
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức
Tương lai diện thượng đổ sư nhan.)

Vua lại hỏi:

- Thế nào là ý của Phật?

Sư liền đáp:

Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không ý để dấu
Nước không tâm lưu bóng.

(Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.)

Vua khen ngợi:

- Lão sư thông suốt thay!

Tháng sáu năm Giáp Ngọ niên hiệu Vĩnh Thịnh (1714), Sư đã được tám mươi bảy tuổi, chúa Trịnh Cương (Hi Tổ) nhân đi kinh lý ghé thăm chùa, phát một ngàn quan tiền để cúng chùa.

Bấy giờ học trò của Sư đông lắm. Sư sai làm sổ đặt pháp hiệu, được bảy mươi vị là pháp tử, dự vào hàng đệ nhất Thượng tọa nhiều lắm. Các pháp tử đặt pháp hiệu cứ theo thứ tự của những chữ mà Sư đã cho sẵn, như Viên Thông, Chân Lý v.v... Còn các pháp điệt (cháu trong đạo) thì đông lắm không thể kể xiết.

Sư thường đọc lại những câu kệ xưa để dạy đồ chúng như:

Âm:

Sư tử quật trung sư tử
Chiên-đàn lâm lý chiên-đàn
Nhất thân hữu lại càn khôn khoát
Vạn sự vô ưu nhật nguyệt trường.

Dịch:

Sư tử trong hang sư tử
Chiên-đàn trong rừng chiên-đàn
Một thân nhờ có trời đất rộng
Muôn việc không lo ngày tháng dài.

Âm:

Long đắc thủy thời thiêm ý khí
Hổ phùng sơn xứ trưởng uy nanh
Nhân qui đại quốc phương tri quí
Thủy đáo Tiêu Tương nhất dạng thanh.

Dịch:

Được nước rồng càng thêm ý khí
Gặp non cọp mới trổ oai hùng
Người về đại quốc thành cao quí
Nước đến Tiêu Tương một sắc trong.

Trên chỗ Sư ngồi thường yết ba bài tụng này:

1.

Phu tử bất thức tự
Đạt-ma bất hội thiền
Huyền diệu vô ngôn ngữ
Thiết mạc vọng lưu truyền.

Dịch:

Khổng Tử không biết chữ
Đạt-ma chẳng hội thiền
Huyền diệu không lời nói
Cốt đừng dối lưu truyền.

2.

  1. ngưu tu phỏng tích
    Học đạo quí vô tâm
    Tích tại ngưu hoàn tại
    Vô tâm dị đạo tầm.

Dịch:

Tìm trâu phải noi dấu
Học đạo quí vô tâm
Dấu còn trâu nào mất
Vô tâm đạo dễ tầm.

3.

Sanh tùng hà xứ lai
Tử tùng hà xứ khứ
Tri đắc lai khứ xứ
Phương danh học đạo nhân.

Dịch:

Sanh từ chỗ nào đến?
Chết sẽ đi nơi nào?
Biết được chỗ đi đến.
Mới gọi người học đạo.

Khi nhàn hạ Sư thường ngâm hai bài kệ này:

1.

Âm:

Thành thị du lai ngụ tự triền
Tùy cơ ứng biến mỗi thời nhiên
Song chiêu nguyệt đáo thiền sàng mật
Tùng tiếu phong xuy tĩnh khách miên.
Sắc ảnh lâu đài minh sắc diệu
Thanh truyền chung cổ diễn thanh huyền
Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể
Nhậm vận hà tằng lý hữu thiên.

Dịch:

Dạo qua thành thị nghỉ chùa chiền
Tùy cơ ứng biến lẽ đương nhiên
Trăng dòm cửa mở giường kê sát
Gió thổi thông cười khách ngủ yên.
Lầu đài rực rỡ mầu đẹp đẽ
Chuông trống vang rền tiếng diệu huyền
Ba giáo nguyên lai cùng một thể
Xoay vần đâu có lẽ nào thiên.

2.

Âm:

Thượng sĩ thường du Bát-nhã lâm
Trần cư bất nhiễm liễu thiền tâm
Liêm Khê, Trình Thị minh cao thức
Tô Tử, Hàn Văn khế diệu âm.
Vạn tượng sum la cao dị hiển
Nhất biều tạo hóa mật nan tầm
Nho nguyên đãng đãng đăng di khoát
Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm.

Dịch:

Thượng sĩ thường chơi cảnh tùng lâm
Phong trần không vướng hội thiền tâm
Liêm Khê, Trình Hiệu người thông suốt
Tô Tử, Hàn Văn hiểu diệu âm.
Muôn ngàn cảnh vật bày dễ thấy
Tạo hóa một bầu khó truy tầm
Nguồn Nho thăm thẳm lên càng rộng
Bể Thích trùng trùng xuống lại thâm.

Sư thường thuật lại những diệu ngữ của các đấng Cao tăng để dạy chúng:

- Muốn cần thấy Phật cứ nhận nơi chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê không tự biết có Phật, chớ Phật đâu có làm mê chúng sanh. Ngộ được Tự tánh của mình thì chúng sanh là Phật, mê Tự tánh của mình thì Phật là chúng sanh. Giữ được Tự tánh của mình bình đẳng thì chúng sanh là Phật, để Tự tánh mình gian hiểm thì Phật là chúng sanh. Tâm ta sẵn có Phật, còn tìm Phật nơi nào? Nên kinh nói: “Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt.” Phàm phu tức là Phật, phiền não tức là bồ-đề. Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau giác là Phật. Niệm trước chấp cảnh là phiền não, niệm sau ly cảnh là bồ-đề.

Chân tâm tự có thể, không phải do ta bịa đặt ra. Nó trong suốt như hư không, như tấm gương trong sạch tròn sáng. Không thể lấy cái có cái không, nơi này chốn nọ mà xét tột được chỗ u huyền của nó. Cũng không thể lấy trí khôn và ngôn ngữ mà bàn đến chỗ huyền diệu của nó. Chỉ có ai ngộ được Chân tâm thì hiểu ngay ở nơi mình. Ví như muôn thứ hương thơm, chỉ đốt một lò là hiểu hết mùi thơm. Như vào bể cả tắm, chỉ cần hớp một hớp nước là biết hết toàn vị của bể cả.

Chốn chân thật thâm sâu lặng lẽ, giác ngộ thì bụi trần lắng sạch Tâm thể trong ngần; dứt hết mối manh danh tướng của ngoại cảnh, sạch hết những năng sở ở trong tâm. Bởi ban đầu bất giác, bỗng khởi ra vọng động, chiếu soi lại Tự tâm, theo cái chiếu soi ấy mà sanh ra tâm trần. Như gương hiện hình tượng, thoắt có thân căn. Từ đó, Chân tâm bị dời đổi, căn tánh bị sai lạc, chấp vào tướng đuổi theo danh, chứa mãi những vọng trần ứ đọng, kết mãi những sóng thức liên miên. Đem túm bọc chân giác vào giấc mê đêm, đắm chìm mê muội trong tam giới. Làm mù lòa con mắt trí ở trong ngõ tối, khúm núm cúi lòn trong chín loài. Ở trên cõi chẳng đổi dời, bỗng dưng luống chịu kiếp luân hồi. Trong pháp vô thoát, mà tự chuốc sự trói buộc nơi thân. Như con tằm mùa xuân làm kén tự giam mình, con thiêu thân mùa thu tự nhào vô đèn thiêu xác. Đem những sợi dây mê mờ buộc lấy nghiệp căn khổ sở, dùng đôi cánh của lòng tham mù quáng toan dập tắt vòng lửa tử sanh.

Lại có những kẻ tà căn ngoại nhập, cùng những kẻ tiểu khí mưu mô. Chúng không hiểu rõ nguồn bệnh của sanh tử, không biết gốc chung của ngã nhân (ta người). Chỉ muốn tránh chỗ huyên náo, bỏ nơi hoạt động, cố phá từng cái tướng, tách từng mảnh bụi của mọi vật thể để tìm hiểu biết. Làm như thế, tuy chỗ tĩnh lặng cốt ngộ lý không, nhưng không biết đó cũng là cái lối làm chôn vùi Chân tánh lấp mất Chân giác. Thế chẳng khác nào kẻ thấy ngọn đèn có những tia sáng xanh đỏ, muốn không thấy những tia ấy bèn đi tắt ngọn đèn; kẻ trông thấy bóng theo dõi mình dưới bóng mặt trời, bèn chạy ra ngoài trời cho tránh khỏi bóng. Như thế, chỉ lao nhọc tinh thần, tốn hao sức lực. Chẳng khác gì gánh nước đổ vào đống băng, vác củi vất vào đám lửa đang cháy. Có biết đâu những tia sáng trong ngọn đèn kia là do mắt bệnh, bóng đuổi theo mình vốn ở thân mình. Nếu chữa khỏi bệnh lòa ở mắt thì những tia sáng tự mất, diệt thân huyễn chất này thì bóng nọ không còn.

Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình bỏ ngoại cảnh mà xem ở Tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, Pháp thân hiện ra, những vết trần tự diệt. Ta phải lấy lưỡi dao khôn ngoan của tâm tự giác cắt đứt những mối dây triền phược trong lòng để biến nó thành tâm châu. Phải dùng mũi giáo tuệ của Chân như chặt tan những lớp bụi trần kết thành kiến võng. Ấy chính là cái tông chỉ cùng tâm, cái chân truyền đạt lý đó vậy.

Sư lại nói:

- Vọng thân tới gương soi bóng, bóng với vọng thân giống nhau. Chỉ muốn để thân bỏ bóng, thì thân có thật đâu nào! Thân vốn không khác gì bóng, một không, một có được sao? Nếu muốn lấy một, bỏ một, hằng cùng chân lý cách xa. Lại mến Thánh ghét phàm, nổi chìm trong biển sanh tử. Phiền não nhân tâm nên có, tâm không phiền não ở đâu? Chẳng nhọc phân biệt lấy tướng, tự nhiên được đạo chóng mau.

Ba đời chư Phật đều ở trong thân ta, chỉ vì tập khí làm mờ ám, ngoại cảnh làm ngăn trở, khiến ta tự mê đi. Nếu trong lòng ta được vô tâm là Phật quá khứ. Trong lặng lẽ mà khởi tác dụng là Phật vị lai. Tùy cơ ứng vật là Phật hiện tại. Ta thanh tịnh không nhiễm ô lục trần là Phật ly cấu. Ta ra vào không gì làm trở ngại là Phật thần thông. Đến đâu cũng an vui là Phật tự tại. Một tâm trong sáng là Phật quang minh. Tâm đạo bền chắc là Phật bất hoại. Ta biến hóa vô cùng chỉ do một Chân tánh mà thôi.

Chí đạo gốc ở tâm pháp, tâm pháp gốc ở vô trụ. Cái Bản thể của tâm và chân tướng của tánh, vốn lặng lẽ chẳng phải có, chẳng phải không; không có sanh cũng không có diệt. Ta tìm nó thì không thấy, bỏ nó vẫn chẳng rời. Nếu ta mê cái hiện lượng của nó thì khổ sở lầm lẫn lăng xăng, nếu ngộ được Chân tánh của nó thì tinh thông sáng suốt. Tuy tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, song chỉ có người chứng mới biết.

Song còn chấp có chứng, có biết thì mặt trời trí tuệ rơi vào đất có. Nếu tâm mờ mịt không chiếu không sáng thì đám mây hôn trầm đã che lấp cửa không. Chỉ có tâm không sanh một niệm thì không còn ngăn cách trước sau; Chân tánh đứng riêng thì ta người nào khác. Nhưng mê đối với ngộ, ngộ trông vào mê, vọng đối với chân, chân nương nơi vọng. Nếu ta cầu chân mà bỏ vọng, như người chạy trốn bóng luống nhọc hình. Nếu ta nhận chân chính nơi vọng, như người vào chỗ mát thì bóng mất. Nếu tâm không vọng chiếu thì vọng lự tự hết. Từ cái tịch tri mà khởi dụng thì các thiện hạnh phấn khởi. Thế nên, cái ngộ tịch mà không tịch, cái chân tri dường như vô tri. Lấy tâm nhất trí không phân chia tịch và tri, hợp với lẽ huyền diệu dung thông nhau. Có và không đều không chấp không mắc, phải quấy đều quên, năng sở cũng dứt. Cái dứt ấy cũng bặt luôn thì hoa Bát-nhã liền nở, mỗi tâm đều thành Phật, không tâm nào chẳng phải tâm Phật; chốn chốn đều là đạo thì không chỗ nào chẳng phải cõi Phật.

Thế nên, chân với vọng, vật với ngã đều do ở một tâm ta, Phật với chúng sanh cũng đều chung nhau một tâm ấy. Nếu mê thì người theo sự vật, sự vật thì vô vàn nên người chẳng giống nhau. Nếu ngộ thì sự vật theo người, người đem một trí mà dung hòa muôn cảnh. Đến đây thì hết chỗ nói năng bặt đường tư tưởng, còn gì mà nói nhân trước quả sau? Tâm thể rỗng lặng, còn gì là người này giống, kẻ kia khác? Chỉ còn một tâm trong sáng, tăng giảm chan hòa. Như tấm gương sáng, tuy không có hoa mà bóng hoa hiện, gương vẫn vô tâm, tuy thấy ảnh tượng chiếu trong gương, mà ảnh tượng vẫn hằng không vậy.

Sư cũng thường đọc những bài kệ này dạy chúng:

1.

Âm:

Cô viên khiếu lạc thiên nham nguyệt
Dã khách ngâm tàn ngũ dạ đăng
Thử cảnh thử thời thùy hội đắc
Bạch vân thâm xứ tọa thiền tăng.

Dịch:

Vượn lẻ hú rơi trăng ngàn núi
Khách quê ngâm lụn ngọn đèn khuya
Cảnh ấy người đây ai biết được
Thiền tăng ngồi lặng núi sâu kìa.

2.

Âm:

Nam đài tĩnh tọa nhất lô hương
Chung nhật ngưng nhiên niệm lự vương
Bất thị tức tâm trừ vọng tưởng
Chỉ duyên vô sự khả tư lương.

Dịch:

Đài nam tĩnh tọa một lò hương
Lặng lẽ suốt ngày niệm lự không
Chẳng phải dứt tâm trừ vọng tưởng
Chỉ vì không việc đáng đo lường.

3.

Âm:

Khô mộc nham tiền sai lộ đa
Hành nhân đáo thử tận tha đà
Lộ loan lập tuyết phi đồng sắc
Minh nguyệt lô hoa bất tợ tha.
Liễu liễu liễu thời vô sở thiểu
Huyền huyền huyền xứ diệc tu đa
Ân cần vị xướng huyền trung khúc
Không lý thiềm quang yết đắc ma?

Dịch:

Cây khô trước núi dễ lạc đàng
Người đi đến đó thảy mơ màng
Tuyết trong cò trắng đâu đồng sắc
Trăng sáng hoa lau chẳng giống màu.
Liễu, liễu, liễu rồi không thiếu sót
Huyền, huyền, huyền đó cũng thênh thang
Ân cần hát khúc “huyền trung” ấy
Ánh sáng trong không bày được sao?

4.

Âm:

Nhất dước, dước phiên tứ đại hải
Nhất quyền, quyền đảo Tu-di sơn
Phật Tổ vị trung lưu bất trụ
Hựu xuy ngư địch bạc La loan.

Dịch:

Một nhảy, nhảy khỏi bốn bể cả
Một đấm, đấm nhào núi Tu-di
Trong ngôi Phật Tổ mời chẳng ở
Lại thổi sáo chài thẳng La loan(2).

5.

Âm:

Phản vọng qui chân vạn lụy không
Hà sa phàm Thánh bản lai đồng
Mê lai tận thị nga đầu diệm
Ngộ khứ phương tri hạc xuất lung.
Phiến nguyệt ảnh phân thiên giản thủy
Cô tùng thinh nhậm tứ thời phong
Trực tu mật khế tâm tâm địa
Thủy ngộ bình sanh thùy mộng trung.

Dịch:

Bỏ vọng về chân muôn lụy không
Thánh phàm ức triệu xưa nay đồng
Mê đi cả thảy ngài(3) vào lửa
Ngộ lại mới hay hạc sổ lồng.
Một mảnh bóng trăng phân ngàn suối
Thông côi reo mãi bốn mùa rung
Cần phải thầm thông tâm địa ấn
Mới ngộ bình sanh một giấc nồng.

6.

Âm:

Tâm pháp song vong du cách vọng
Sắc không bất nhị thượng dư trần
Bách điểu bất lai xuân hựu quá
Bất tri thùy thị trụ am nhân.

Dịch:

Tâm, pháp đều quên còn cách vọng
Sắc, không như một vẫn thừa trần
Trăm chim chẳng đến, xuân cứ tiến
Nào biết là ai người trụ am?

Đến năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ mười một (1715) đời Lê Dụ Tông, sáng ngày 13 tháng 5, Sư tắm rửa xong, mặc áo ca-sa, ngồi kiết-già an nhiên thị tịch, thọ tám mươi tám tuổi. Môn đệ xây ngôi tháp ba tầng thờ Sư. Tông phong của Sư còn thạnh mãi mấy đời về sau. Chùa Nguyệt Đường là một Thiền lâm lớn nhất trong nước. Sư là người gây âm hưởng của dòng thiền Trúc Lâm được vang lên trong khoảng mấy trăm năm chìm lặng.

-----o0o-----

Trích “Thiền Sư Việt Nam”

Soạn dịch: HT. Thích Thanh Từ

Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995.

Bài viết liên quan