THIỀN SƯ NHẬT BẢN - HAKUIN EKAKU (BẠCH ẨN THIỀN SƯ)

THIỀN SƯ NHẬT BẢN

HAKUIN EKAKU (BẠCH ẨN THIỀN SƯ)

–––––o0o–––––

Lần đầu tiên tham kiến sư Shoju, Hakuin đã trình lên một bài kệ ngộ giải rất hay. Không thèm ghé mắt liếc qua, vị sư già đáng sợ ấy vò nát tờ giấy bằng bàn tay trái, dứ nắm đấm tay phải trước mặt Hakuin, hỏi gặng: “Ngoài cái mới kiến thức sách vở vụn vặt, ngươi còn có được cái gì nữa nào?” “Nếu còn cái gì khác, con đã đưa ra rồi!” Hakuin đáp. vị sư già ném ra câu hỏi...
THIỀN SƯ NHẬT BẢN - HAKUIN EKAKU (BẠCH ẨN THIỀN SƯ)

Lần đầu tiên tham kiến sư Shoju, Hakuin đã trình lên một bài kệ ngộ giải rất hay. Không thèm ghé mắt liếc qua, vị sư già đáng sợ ấy vò nát tờ giấy bằng bàn tay trái, dứ nắm đấm tay phải trước mặt Hakuin, hỏi gặng: “Ngoài cái mới kiến thức sách vở vụn vặt, ngươi còn có được cái gì nữa nào?”
“Nếu còn cái gì khác, con đã đưa ra rồi!” Hakuin đáp.
vị sư già ném ra câu hỏi sắc gọn: “Thế còn Vô thì sao?”
“Không có tay chân nào chạm được đến nó!” Hakuin trả lời một cách tự tin.
Sư Shoju bất thần vươn tay ra, nắm chặt lấy mũi của Hakuin, véo thật mạnh vào quát to: “Chỗ để ta chạm tay động chân vào là đây!”
Đau điếng và tủi nhục, Hakuin chợt nhận ra rằng sự thức ngộ trước đây của mình là chưa hoàn chỉnh. Sau đó, sư Shoju dành cho một công án khác để tham cứu: “Khi sư Nam Tuyền (748-834) chết, ngài đi về đâu?
Thời gian sau, Hakuin trình lên sư một bài kệ giải án. “Ảo tưởng nhảm nhí!” Sư Shoju gầm lên rồi trút lên người Hakuin những cú đấm cho đến khi chàng thiền tăng ấy bật văng ra khỏi hành lang.
Hakuin không thể giải quyết được công án ấy cũng như các công án khác mà sư Shoju đặt ra cho chàng. Hoàn toàn tuyệt vọng, sử dụng chiến thuật quen thuộc mà chàng vẫn thường sử dụng mỗi khi đối mặt với tình thế bế tắc. Chàng phát một lời thề nguyện: “Nếu không thể giải được một trong những công án ấy trong vòng bảy ngày, ta sẽ tự sát.”
Sư Shoju chẳng hề tỏ ra có ấn tượng gì đối với một lời thệ nguyện như thế, sư tiếp tục trtút những lời lăng mạ xuống người đồ đệ đang hoang mang cực độ ấy, người mà sư vẫn gọi là “gã trọc đầu khờ khạo sống trong hang quỷ u ám và tanh hôi”.
Trong tâm trạng hoảng loạn, Hakuin đặt ra câu hỏi: “Tại sao tôi phải nghe lời một lão nhà quê trong ngôi chùa tồi tàn này kia chứ? Đất nước này không thiếu gì các bậc thiền sư xuất chúng - hẳn là phải có bậc thầy xứng đáng cho tôi chứ!”
“Cứ đi lùng sục khắp thế giới để tìm một người thầy tốt hơn,” sư Shoju nhếch mép cười nhạo. “Có thể ngươi sẽ tìm thấy sao mọc giữa ban ngày đấy!”
Sáng hôm sau, chàng Hakuin bối rối và tuyệt vọng lên đường khất thực như thường lệ, với bao nỗi suy tư về lẽ sống chết choán đầy tâm trí. Dừng lại trước cổng một ngôi nhà trong tâm trạng hầu như thất thần, chàng không nghe được tiếng quát từ trong nhà phát ra: “Đi ra chỗ khác! Không có gì để cho đâu!” Sau đó, cho rằng nhà sư trẻ cố tình đứng lỳ trước cổng để xin cho bằng được, một bà lão từ trong nhà giận dữ bước ra. Sẵn có cây chổi tre trên tay, bà đập ngay vào đầu nhà sư. Hakuin ngã xuống đất, bất tỉnh tại chỗ. Khi chàng tỉnh lại, hốt nhiên nhận ra giải pháp cho tất cả các công án Thiền đang tham cứu chợt hiện ra sáng rõ và thông suốt. Hakuin nhảy dựng lên, bật reo thật to trong nỗi vui mừng và phấn khích tột độ. Dân làng xúm quanh, ai cũng cảm thấy ngạc nhiên. “Hẳn là trận đòn của bà lão đã khiến nhà sư thất hồn lạc phách rồi,” họ nói với nhau như thế. “Chúng ta nên tránh xa nhà sư điên loạn này thì tốt hơn.” Nhiều năm về sau, Hakuin ghi nhận lại sự kiện đáng nhớ ấy bằng một bức tranh vẽ cây chổi tre với hàng chữ: “Đây là cây chổi đã quét sạch những thành quả thức ngộ nông cạn!”
Mặc dù sư Shoju đã nở một nụ cười tán thưởng khi nghe Hakuin thuật lại toàn bộ sự việc, vì sự và nghiêm khắc ấy cũng chưa chịu ấn chứng cho sự ngộ đạt của chàng - hẳn là bởi vì sư biết rằng Hakuin còn có thể đạt đến những mức độ thức ngộ thăm sâu hơn. Đêm hôm ấy, Hakuin mơ thấy mẹ mình hiện ra báo tin mừng rằng bà không còn chịu cảnh phiêu linh ơi có ở Trung giới nữa. Phước đức công quả xuất phát từ nguyện lực và nỗ lực tu hành đến khi ngộ đạt của Hakuin đã góp phần tiêu trừ nghiệp báo cho bà, giúp linh hồn bà được an nghỉ và siêu sanh nơi cõi trời. (“Chuyển phước” là một yếu tố quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo ở Nhật Bản, rất nhiều người đã xuống tóc quy y cửa Phật với ý nguyện siêu độ vong linh những người thân yêu đã khuất.)
Mặc dù chỉ được tu học với sự hướng dẫn của sư Shoju trong vòng tám tháng, Hakuin vẫn biết chắc rằng mình đang đi đúng con đường cần phải đi. Cuối năm 1708, chàng tăng nhân hai mươi hai tuổi đời quay trở lại Shoin -ji, không còn có dịp gặp lại sư Shoju nữa. Cho đến tận cuối đời, Hakuin vẫn luôn xem sư Shoju là “người thầy chân truyền” của mình. Sư Shoju viên tịch vào năm 1721, để lại bài kệ từ giã cõi đời như sau:

Bài kệ cuối của ta

Chưa thuyết đã dứt tuyệt

Thoát ra lời vô ngôn

Bất thuyết, bất khả thuyết!
Đầu năm 1709, sau khi dừng nghỉ tại chùa Shoin một thời gian ngắn, Hakuin lại tiếp tục vân du. Trong thời kỳ đó, mỗi khi nắm bắt được yếu chỉ của một trong số hàng ngàn công án mà chàng đã ghi nhớ được, Hakuin thường nhảy cỡn lên, reo cười với niềm vui sướng tột độ - chính vì thế chàng còn mang tiếng là “vị cuồng thiền”. Sau khi trải nghiệm nhiều lần ngộ đạt ở các mức độ khác nhau, Hakuin bắt đầu bị mất thăng bằng về mặt tinh thần vì tình trạng kích động liên tục. Khi cảm thấy sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, nhận thức được rằng mình đang mắc phải một căn bệnh mà chàng gọi là “Thiền bệnh”. Những triệu chứng cảnh báo của căn bệnh ấy bao gồm:
- Những cơn sốt như thiêu đốt và những cơn nhức đầu như búa bổ.
- Phần lưng phía dưới tê lạnh như thể bị ngâm trong nước đá.
- Cay mắt, ù tai.
- E sợ khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, trầm uất khi sống trong bóng tối.
- Suy nghĩ bi quan và ban ngày, đêm ngủ mơ thấy ác mộng.
- Tinh thần bơ phờ, thể lực suy kiệt.
- Tiêu hóa kém và thường xuyên chịu những cơn ớn lạnh khủng khiếp.
Thật may mắn, trong vòng hai năm, Hakuin đã tự chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm ấy, phục hồi sức khỏe và tiếp tục nỗ lực tu hành.
Cuối năm 1711, Hakuin trở về để Daisho-ji để chăm sóc cho sư Sokudo, một trong những người thầy đầu tiên của chàng, khi biết tin vị sư già ấy ngã bệnh,. Cũng như lần trước, Hakuin tận dụng thời gian làm việc trong ngày để thực hành “Thiền trong hành động”, sử dụng thời gian ban đêm để tọa thiền. Năm sau, chàng tăng nhân hai mươi sáu tuổi đời ấy đăng đàn thuyết pháp lần đầu tiên tại Shoin-ji. Mùa thu năm ấy, sư Sokudo viên tịch, Hakuin lại lên đường vân du. Trong một sự cố diễn ra trên đường hành cước, Hakuin bất chợt ngộ ra yếu chỉ của công án: “Lá sen tròn hơn cả tấm gương tròn nhất, gai hạt dẻ sắc hơn cả mũi khoan sắc nhọn nhất.” Lúc ấy, ngoài trời đổ mưa, nhà sư trẻ ấy vui mừng đến độ nằm lăn trên mặt đất ngập bùn, ôm bụng cười như điên dại.
Lần khác, Hakuin tọa thiền trong đêm, chợt nghe tiếng tuyết rơi lộp độp trên cây, hoát nhiên tỏ ngộ ý nghĩa của công án: “Định lực của một cô gái trẻ cao hơn cả định lực của vị đệ tử trí tuệ bậc nhất của Đức Phật.” Chàng đã sáng tác một bài thơ để ghi nhận lại sự kiện ấy:
Giá như ta có thể

Chia sẻ tiếng tuyết rơi

Nhẹ êm trong đêm muộn

Bên trên những tán cây

Tại ngôi cổ tự này!
Năm 1713, Hakuin hình cước xuống phía Nam để tham kiến thiền sư Kogetsu Zenzai (Cổ Nguyệt Thiền Tài; 1667-1751), người được xem là vị thiền sư kiệt xuất bậc nhất đương thời. Do bị lạc giữa đường, Hakuin phải đành dừng chân và trải qua một năm tu hành dưới sự hướng dẫn của hai thiền sư khác là Tetsudo (1658-1730) và Egoku (1632-1721). Mặc dù vừa thoát khỏi cái chết cận kề vì căn Thiền bệnh hiểm nghèo, chàng vẫn phấn đấu tu hành với sự nỗ lực chưa từng có. Có lần, Hakuin cùng với một nhà sư khác thực hiện một khóa ẩn cư tại thiền suốt bảy ngày liên tục, hai người ngồi đối mặt nhau với một cây chày ở giữa. Nếu một người có biểu hiện dấu hiệu hôn trầm, người kia sẽ dùng cây chày ấy gõ vào điểm giữa đôi mắt của bạn mình. Cuối cùng, cả hai đã hoàn tất khóa ẩn cư, không hề dùng đến cây chày ấy một lần nào cả.
Năm 1714, Hakuin đến chùa Reisho để tu hành rồi ẩn cư trên núi Iwataki suốt hai năm kế tiếp. Thực tế, sau thời kỳ dưỡng bệnh, Hakuin đã hăng hái bước vào quá trình tu hành khổ hạnh quá sớm khiến sức khỏe của chàng chưa kịp hồi phục đã có triệu chứng suy kiệt trở lại. Để phục hồi sức khỏe, chàng quyết định tìm đến cuộc sống ẩn dật tại một ngôi nhà nhỏ ấm cúng toạ lạc giữa vùng núi Iwataki xinh đẹp và thanh vắng, duy trì sự sống với cháo trắng và hành thiền nội quán một cách điều độ. Cuộc sống êm ả trong giai đoạn dưỡng sức ấy chấm dứt vào năm 1716, khi người hầu của cha chàng tìm đến sau hai năm trời cất công lặn lội và tìm kiếm. “Cha của thầy đã già yếu lắm rồi, còn chùa Shoin bây giờ để trống rỗng, suy sụp và đổ nát. Mọi người muốn thầy trở lại quê nhà.” Người hầu báo cho Hakuin biết như thế.
Kết quả là, vào tháng giêng năm 1717, nhà sư Hakuin ba mươi mốt tuổi đời tự mình đảm nhiệm cương vị trụ trì chùa Shoin, lúc ấy ngôi chùa chẳng khác gì hơn một khu hoang phế. Hakuin bắt đầu tiến hành quá trình trùng tu ngôi chùa, xây dựng nó thành một trung tâm tu học đích thực. Cha của chàng qua đời vào cuối năm ấy.
Năm sau, Hakuin nhận lời mời đến Kyoto để đảm nhiệm cương vị Tu sĩ trưởng tại  khóa tu học mùa đông được tổ chức ở  Myoshin-ji (Diệu Tâm tự), một trong số những thiền viện bề thế và danh giá nhất nước Nhật thời bây giờ. Thực tế, đó là bước khởi đầu thuận lợi để chàng trở thành một vị thiền sư có tiếng tăm và danh vọng tại kinh đô. Tuy nhiên, Hakuin đã quyết định quay trở lại Shoin-ji ngay sau khi khoá tu luyện ba tháng chấm dứt, sống trọn cuộc đời còn lại của mình như một vị trụ trì tại ngôi chùa nhỏ vùng thôn quê ấy. Sự kiện đó góp phần hình thành nên cái tên “Hakuin” (Bạch Ẩn), cái tên mà chàng đã tiếp nhận trong khoảng thời gian này. (Lúc nhỏ, Hakuin có tục danh là Iwajiro, khi xuất gia được đặt pháp danh là Ekaku, hay Huệ Hạc.) Cái tên “Hakuin” hay “Bạch Ẩn” ngụ ý nói đến đời sống ẩn dật giữa vùng núi Phú Sĩ phủ đầy mây và tuyết trắng (với hàm ý xấu xa hơn, có thể hiểu là “hợp nhất với Phật tánh”), tại một ngôi chùa nhỏ trong vùng Thung lũng Bạch Hạc (White Crane Valley) hoang sơ, đắm chìm trong cảnh giới Niết Bàn thanh tịnh, nơi mà mọi vật tìm thấy sự bình an vĩnh hằng.
Suốt mười năm sau đó, một nhóm tăng sinh và cư sĩ lần lượt tìm đến Shoin-ji để tu học Thiền pháp dưới sự hướng dẫn của Hakuin. Danh tiếng của Hakuin được nâng cao và lan xa sau một sự kiện đầy tai tiếng. Một cô gái địa phương chửa hoang đã cáo buộc Hakuin là tác giả của cái thai trong bụng cô. Hakuin chẳng nói gì để biện minh cho mình cả. Đến khi cha của cô gái giận dữ mang đưa bé đến buộc Hakuin phải nuôi dưỡng nó, và chàng cũng lẳng lặng đón nhận. Chàng chăm sóc đứa bé rất cẩn thận mà không có lời than phiền nào, thu xếp tìm vú nuôi và thường bế đứa bé bên mình trên đường khất thực, lặng lẽ chịu đựng những lời nhiếc mắng và nguyền rủa của dân làng. Cuối cùng, với nỗi hối hận dày vò tâm hồn, cô gái ấy đã thú nhận sự thật: cha ruột của đứa bé là một chàng trai trong làng, chẳng phải là Hakuin. Người cha của cô gái vô cùng xấu hổ, tìm đến gặp Hakuin để cầu xin tha thứ. Hakuin điềm nhiên đón nhận tin này, trao trả lại đứa bé và chẳng hề nhắc lại sự kiện ấy nữa.
Năm 1725, trong một đêm, Hakuin mơ thấy mẹ mình hiện ra trong giấc mộng, trao cho chàng một chiếc áo cà sa màu tím. Chiếc cà sa ấy có gương trên đôi tay áo, phản chiếu các chiều không gian bên trong và bên ngoài của sự sống, đồng thời tỏa ra ánh hào quang an lành của cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh. Cảnh tượng ấy khiến Hakuin tỏ ngộ được ý nghĩa của công án: “Bậc giác ngộ thấy Phật tánh bằng chính đôi mắt của mình.”
Năm sau, khi nhà sư bốn mươi tuổi đời đang nghiền ngẫm lại bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bộ kinh mà cậu thiền sinh Hakuin non dại ngày nào đã từng nhận định là “phần lớn chỉ chứa những câu ngụ ngôn vô giá trị”, chợt nghe tiếng dế kêu rả rích. Ngay lúc ấy, Hakuin hoát nhiên liễu ngộ ý nghĩa bức thông điệp tiềm ẩn trong nội dung của bản kinh văn – “Ngoài tâm không có Pháp Hoa, ngoài Pháp Hoa không có tâm”. Từ lúc ấy, Hakuin mới thực sự thừa nhận rằng bộ kinh ấy xứng đáng được gọi là “Vua của các bản kinh văn Phật giáo.”

Những bản tiểu sử đầu tiên viết về thiền sư Hakuin đều miêu tả sự kiện nói trên như là một bước ngoặt trọng đại trong cuộc đời của sư. Ước nguyện giác ngộ, “hạt giống lành” trên mảnh đất tâm linh, đã được con người đầy tín tâm và giàu nghị lực ấy dành một nửa cuộc đời của mình để thực hiện. Quá trình tu dưỡng ấy đã giải quyết rốt ráo các vấn đề có liên quan đến bản chất của tự ngã: giải thoát khỏi nỗi ám ảnh địa ngục, chứng ngộ bản tánh, duy trì sức khỏe về mặt thể chất và sự an lạc của tâm hồn, v.v… Đó là một nhân duyên tốt lành mang đến những thành quả rực rỡ về sau. Với khả năng thâm ngộ và sự chín chắn của một thiền giả từng trải, Hakuin đã dành trọn nửa phần đời còn lại của mình cho sự nghiệp hoằng pháp, giáo hóa và lợi sinh.

–––––o0o–––––

Trích “Thiền Sư Nhật Bản – Bạch Ẩn Thiền Sư”

Tác giả: John Stevens

Biên dịch: Thanh Chân

NXB Tổng Hợp TP.HCM

 

Bài viết liên quan