THU MƯỜI HAI XỨ VỀ NHƯ LAI TẠNG

THU MƯỜI HAI XỨ VỀ NHƯ LAI TẠNG

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Âm thanh và lỗ tai không đến nhau, vì tánh của âm thanh và lỗ tai là lìa. Quán sát tánh lìa này nơi các pháp, các pháp chẳng dính dáng gì nhau, cho đến khi trực tiếp thấy tánh Không, tức là các pháp ‘‘đều không có xứ sở’’.
THU MƯỜI HAI XỨ VỀ NHƯ LAI TẠNG

Lại nữa, A Nan, thế nào là mười hai xứ vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh ?

 

1. Thu hai xứ căn mắt và sắc trần

A Nan, ông hãy xem rừng Kỳ Đà và các suối ao này. Ý ông thế nào ? Thấy được như thế là sắc trần sanh ra mắt thấy, hay con mắt sanh ra sắc tướng ?

A Nan, nếu căn mắt sanh ra sắc tướng thì khi thấy hư không không có sắc lẽ ra tánh sắc phải tiêu mất, đã tiêu mất thì rõ ràng tất cả đều không. Sắc tướng đã không thì làm sao còn rõ được hư không ? Đối với hư không cũng lại như vậy.

Lại nữa nếu sắc trần sanh ra mắt thấy, thì khi thấy hư không không có sắc, cái thấy phải tiêu mất. Tiêu mất thì tất cả đều không, lấy gì rõ được sắc tướng và hư không ?

Thế nên phải biết, cái thấy cùng với sắc tướng và hư không đều không có xứ sở, tức là sắc trần và cái thấy hai xứ đó là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Phá năm ấm thì nhấn mạnh đến vọng thấy, vọng hiểu, nghĩa là y cứ vào Thức. Phá sáu nhập thì nhấn mạnh vào sự ‘‘rốt ráo không có tự thể, vô tự tánh’’ của các Căn. Ở đây phá mười hai xứ thì nói ‘‘đều không có xứ sở’’, nhưng lấy ngay các Trần trước mặt mà nói.

Căn mắt không sanh ra sắc trần, sắc trần cũng không sanh ra căn mắt, ngay đó cảnh trước mắt là vô sanh, không có xứ sở.

2. Thu hai xứ căn tai và thanh trần

A Nan, ông lại nghe trong vườn Kỳ Đà này, khi dùng cơm thì đánh trống, lúc họp chúng thì đánh chuông. Tiếng chuông, tiếng trống trước sau tiếp nối. Ý ông thế nào ? Như vậy là cái tiếng đến bên lỗ tai hay lỗ tai đến chỗ cái tiếng ?

A Nan, nếu cái tiếng này đến bên lỗ tai, như khi ta khất thực trong thành Thất La Phiệt, thì ở rừng Kỳ Đà không có ta nữa. Cái tiếng ấy nếu đã đến lỗ tai của ông A Nan, thì lẽ ra ông Mục Kiền Liên, ông Ca Diếp chẳng cùng nghe được. Huống gì trong này có một ngàn hai trăm năm mươi vị sa môn, một khi nghe tiếng chuông thì cùng đến ở chỗ ăn.

Lại nếu lỗ tai ông đến bên cái tiếng, như ta đã về rừng Kỳ Đà rồi, thì trong thành Thất La Phiệt không có ta nữa. Vậy khi ông nghe tiếng trống, lỗ tai của ông đã đến nơi tiếng trống, thì khi tiếng chuông đồng thời phát ra, đáng lẽ ông không thể cùng nghe, huống nữa, ông còn nghe được cả tiếng voi, ngựa, bò, dê và nhiều tiếng khác. Còn nếu chúng không đi đến với nhau thì lại không nghe gì cả.

Thế nên phải biết, cái nghe và cái tiếng đều không có xứ sở, tức là cái nghe và thanh trần, hai xứ ấy là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Sắc tướng và con mắt chẳng đến nhau, cái tiếng và lỗ tai chẳng đến nhau…. Đây là điều Kinh Đại Bát Nhã gọi là tánh lìa (ly), một nghĩa của tánh Không :

_‘‘Bạch Thế Tôn, các pháp, tánh các pháp lìa chẳng ?

_ Đúng như vậy. Này Tu Bồ Đề ! Các pháp, tánh các pháp là lìa’’ (Phẩm Đạo Thọ).

Âm thanh và lỗ tai không đến nhau, vì tánh của âm thanh và lỗ tai là lìa. Quán sát tánh lìa này nơi các pháp, các pháp chẳng dính dáng gì nhau, cho đến khi trực tiếp thấy tánh Không, tức là các pháp ‘‘đều không có xứ sở’’. Bấy giờ dù có mở mắt mà nhìn thì các pháp đều là tánh lìa, tức là thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe.

3. Thu hai xứ căn mũi và hương trần

A Nan, ông hãy ngửi mùi hương Chiên đàn trong lò này. Hương ấy nếu đốt đến một lư lớn thì cả thành Thất La Phiệt, trong bốn mươi dặm đều đồng thời ngửi được mùi thơm. Ý ông thế nào ? Hương ấy sanh ra từ cây Chiên đàn, sanh nơi mũi ông, hay sanh từ hư không ?

A Nan, nếu mùi hương này sanh từ lỗ mũi ông, đã nói từ lỗ mũi sanh, thì phải từ lỗ mũi mà ra, nhưng lỗ mũi không phải chiên đàn, làm sao trong lỗ mũi lại có được mùi hương chiên đàn ? Lại đã nói ông ngửi mùi thơm, thì mùi thơm phải vào trong lỗ mũi ; còn nói rằng trong lỗ mũi phát ra mùi thơm là không đúng nghĩa.

Nếu từ hư không sanh, thì hư không thường hằng, mùi thơm lẽ ra cũng thường có, sao phải đốt cây chiên đàn khô trong lò mới có mùi thơm ? Nếu mùi thơm sanh ra từ cây chiên đàn thì chất thơm ấy nhân đốt mà thành khói, nếu ngửi mùi được là nhờ khói, tại sao khói ấy xông lên khoảng không thấy chưa bao xa mà trong vòng bốn mươi dặm đều đã ngửi thấy ?

Thế nên phải biết, hương trần, lỗ mũi và sự ngửi, đều không có xứ sở, tức là cái ngửi và hương trần hai xứ đó là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Sự ngửi được hương trần nhân nhiều thứ hợp lại mà thành : lỗ mũi, cây chiên đàn khô, sự đốt cháy, khói, khoảng không, độ xa bốn mươi dặm…. thiếu một nhân duyên thì chẳng ngửi được mùi hương nào cả. Do nhiều nguyên nhân duyên hợp lại mà tạm thời có nên vô tự tánh, là hư vọng, không thật có xứ sở nào.

Khi quán sát vi tế mọi hiện tượng của các giác quan là không có xứ sở, người ta thấy ra cái không có xứ sở đích thực trùm khắp và thường hằng. Đó là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

4. Thu căn lưỡi và vị trần

A Nan, ông thường hai thời trong chúng ôm bình bát đi khất thực, khi ấy hoặc gặp được tô lạc, đề hồ, gọi là vị quý. Ý ông thế nào? Vị ấy sanh ra từ hư không, do từ cái lưỡi hay từ đồ ăn?

A Nan, nếu vị ấy sanh ra do nơi cái lưỡi của ông, thì trong miệng ông chỉ có một cái lưỡi, lúc ấy cái lưỡi đã thành vị tô lạc rồi, nếu gặp đường phèn, lẽ ra vị không thay đổi. Nếu không thay đổi thì không gọi là biết vị. Còn nếu có thay đổi thì cái lưỡi không có nhiều thể, làm sao một lưỡi biết được nhiều vị?

Nếu vị ấy sanh ra từ thức ăn thì thức ăn không có sự biết, làm sao nó tự biết vị? Lại nếu thức ăn tự biết, tức đồng với người khác ăn, thì có liên hệ gì đến ông mà nói ông biết vị?

Nếu vị ấy sanh ra từ hư không thì ông hãy nếm hư không xem là vị gì. Nếu hư không đó mà có vị mặn, đã làm mặn lưỡi ông thì cũng làm mặn mặt ông. Vậy thì người trong thế giới này cũng giống như cá trong biển, đã thường hưởng vị mặn thì rốt không biết được vị nhạt. Nếu không biết vị nhạt thì cũng không biết vị mặn, đã không có chỗ biết thì làm sao gọi là biết vị?

Thế nên phải biết vị trần và căn lưỡi và sự nếm vị đều không có xứ sở. Tức là sự nếm vị và vị trần hai xứ đó đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên chẳng phải tánh tự nhiên.

Ở bất cứ đâu trên thế giới này hội họp đủ điều kiện, cái lưỡi của người, thức ăn nào đó, hoàn cảnh khi ăn (vì lo nghĩ quá thì có khi ăn mà chẳng biết vị gì), ý thức…thì vị nào đó liền xuất hiện. Lưỡi và vị chẳng ở đâu cả vì thiếu một điều kiện thì không thể xuất hiện, nhưng lại ở khắp cả thế giới, nơi đâu có đủ điều kiện thì xuất hiện. Lưỡi và vị ở khắp tất cả mà cũng chẳng ở nơi đâu cả, không có xứ sở nhất định.

Nhưng chúng không phải nhân duyên vì có đủ nhân duyên vật chất mà không có tánh giác thì cũng chẳng có sự biết vị. Chúng cũng chẳng phải tự nhiên, vì không có nhân duyên điều kiện thì chúng không xuất hiện.

Quán sát rốt ráo sẽ đi đến nền tảng của cái lưỡi và sự nếm vị, đó là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Tánh này chẳng phải nhân duyên, nghĩa là vốn giải thoát, không nhờ vào sự xuất hiện mới có. Nhưng cũng chẳng phải tự nhiên vì không có nhân duyên thì không xuất hiện.

5. Thu căn thân và xúc trần

A Nan, buổi sáng sớm ông thường lấy tay xoa đầu. Ý ông thế nào? Cái biết do xoa này, ai là người biết sự xúc chạm? Cái năng biết ấy ở nơi tay hay ở nơi đầu?

Nếu có ở nơi tay mà cái đầu không biết thì làm sao thành cái biết do xúc chạm? Nếu có ở nơi đầu, mà cái tay lại vô dụng thì làm sao gọi là cái biết xúc chạm? Nếu đầu và tay đều có cái biết, thì ông A Nan lại có hai thân.

Nếu đầu và tay đều do một sự xúc chạm sanh ra thì tay và đầu phải cùng một thể. Nếu là một thể thì sự biết do xúc chạm không thành. Còn nếu là hai thể thì sự biết do xúc chạm ở bên nào? Ở bên năng thì không có ở bên sở, ở bên sở thì không có ở bên năng. Chẳng lẽ hư không tạo thành sự biết do xúc chạm của ông?

Thế nên phải biết, cái biết do xúc chạm và thân thể đều không có xứ sở. Tức là cái thân thể và xúc chạm cả hai đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Thân thể có xúc chạm mới biết có thân, có vật. Thân thể, vật được xúc chạm và cái biết do sự xúc chạm này đều do vô số nhân duyên sanh, nên vô tự tánh, không có xứ sở nhất định, như huyễn. Do vô số nhân duyên nên không thành một cái gì thật có.

Bất cứ nơi đâu hội đủ nhân duyên cho sự xúc chạm lúc ấy mới biết có thân, mới có thân. Vậy thì thân có thể có ở bất cứ nơi đâu, đồng thời không có xứ sở, không thật ở nơi đâu cả.

Bất cứ không gian nào, thời gian nào có đủ nhân duyên, nơi ấy lúc ấy có thân, ngoài ra không có thân ở đâu cả. Cái thân không có ở đâu cả này, là Vô Biên Thân (Bồ tát Vô Biên Thân trong Kinh Đại Bát Niết Bàn). Đây là thân giải thoát mà sanh tử do nhân duyên sanh không thể giam nhốt được. Đây là thân chung vốn giải thoát của tất cả chúng sanh và các Bồ tát.

Nhưng cũng nhờ cái thân do nhân duyên sanh này mà học được bài học thế gian. Chẳng hạn nhờ thân này biết đau mới biết thân người khác cũng biết đau, từ đó mà có lòng từ bi. Nhờ cái thân như huyễn trong như huyễn tam muội này, mà có thể làm bốn nhiếp pháp bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự với tất cả chúng sanh, và làm tất cả các ba la mật.

Vấn đề là thật biết bản tánh của thân và rồi sử dụng thân nhân duyên sanh như huyễn này như một Hóa thân để làm việc cho đời.

6. Thu ý căn và pháp trần

A Nan, trong ý ông thường duyên với ba tánh thiện, ác, vô ký mà sanh thành các pháp. Các pháp trần ấy là do tâm sanh hay lìa ngoài tâm mà có riêng nơi chốn? A Nan, nếu tức là tâm thì các pháp chẳng phải trần cảnh, như thế chẳng phải là sở duyên của tâm, làm sao thành xứ được?

Nếu lìa ngoài tâm có riêng nơi chốn thì tự tánh của pháp trần là biết hay chẳng biết? Nếu có biết thì gọi là tâm. Nhưng nếu pháp trần khác với ông và chẳng phải trần cảnh thì đồng tâm lượng của người khác. Còn nếu pháp trần tức là ông và cũng tức là tâm thì làm sao tâm lại thành hai ở nơi ông được?

Nếu không có cái biết thì pháp trần ấy đã chẳng phải sắc, thanh, hương, vị, lìa, hợp, lạnh, nóng và tướng hư không, vậy nó hiện ở chỗ nào? Hiện nay ở nơi sắc tướng và hư không, đều không thể chỉ ra nó được, chẳng lẽ trong nhân gian lại có cái ra ngoài hư không? Tâm ý mà không có sở duyên thì xứ do đâu mà thành lập?

Thế nên phải biết, pháp trần và tâm ý đều không có xứ sở. Tức là ý căn và pháp trần cả hai xứ đều hư vọng, chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Pháp trần là chỗ sở duyên của ý. Nó chẳng thể tức là tâm mà cũng chẳng thể lìa ngoài tâm. Pháp trần đã không ở đâu cả thì ý cũng không có xứ sở. Sự hòa hợp của hai cái không ở đâu cả, không có xứ sở chỉ có thể gọi là như mộng, như huyễn. Cả hai xứ ý căn và pháp trần đều không có xứ sở, đều hư vọng, như lông rùa sừng thỏ, chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan