THU MƯỜI TÁM GIỚI VỀ NHƯ LAI TẠNG - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

THU MƯỜI TÁM GIỚI VỀ NHƯ LAI TẠNG

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

 Căn là giác quan, đối tượng của giác quan là Trần, Thức ở giữa sống bằng sự phân biệt. Cả ba nương tựa nhau mà có, thiếu một cái thì thế giới trước mắt không thành. Căn, trần, thức mỗi cái đều phụ thuộc vào nhiều nhân duyên nữa.
THU MƯỜI TÁM GIỚI VỀ NHƯ LAI TẠNG - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

Lại nữa, A Nan! Thế nào là mười tám giới vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh?

 Căn là giác quan, đối tượng của giác quan là Trần, Thức ở giữa sống bằng sự phân biệt. Cả ba nương tựa nhau mà có, thiếu một cái thì thế giới trước mắt không thành. Căn, trần, thức mỗi cái đều phụ thuộc vào nhiều nhân duyên nữa.

Căn, trần, thức do vô số nhân duyên mà sanh, “ngay chỗ sanh ra, ngay đó diệt tận, hư huyễn vì mê vọng nên nói là tướng, chứ thật tánh của chúng là diệu giác minh thể”. Gom tất cả các tướng về tánh Không, mà tánh Không cũng là tánh Như, nên khi mọi sự đã trở về tánh Không thì Chân Như hiện bày. Như khi thấy mọi bóng trong gương đều vô tự tánh, như huyễn thì tấm gương hiện bày. Thực hành là chuyển mọi sự về tánh Không, tùy theo chuyển được đến đâu thì Chân Như hiện bày đến đó. Đây là chỗ gọi là “chuyển vật tức đồng Như Lai”.

1. Thu nhãn thức giới

A Nan, như chỗ ông bày tỏ, nhãn căn và sắc trần làm duyên, sanh ra nhãn thức. Thức này là nhân nhãn căn sanh, lấy nhãn căn làm giới, hay nhân sắc trần sanh, lấy sắc trần làm giới?

A Nan, nếu nhân nhãn căn sanh ra mà không có sắc trần và hư không thì không thể có sự phân biệt được, dầu có cái thức của ông cũng chẳng làm gì. Cái thấy của ông ngoài những sắc xanh, vàng, trắng, đỏ...thì không thể biểu hiện, vậy do đâu mà lập giới?

Nếu nhân sắc trần sanh ra, thì khi ở hư không, không có sắc, lẽ ra cái thức của ông phải diệt, làm sao mà biết đó là hư không? Nếu khi sắc trần biến đổi, ông cũng biết sắc tướng biến đổi, nhưng cái thức của ông chẳng biến đổi, thế thì do đâu lập sắc trần làm giới? Nếu theo sắc biến đổi thì tướng của giới là không có. Nếu không biến đổi là thường hằng, cái thức đã từ sắc trần sanh ra, lẽ ra không biết hư không ở đâu.

Nếu do cả hai thứ nhãn căn và sắc trần chung nhau sanh ra, hợp lại thì ở giữa ắt có chỗ lìa, còn như lìa thì phải hợp hai bên. Như thế thể tánh lộn lạo, làm sao thành được giới?

Thế nên phải biết, nhãn căn và sắc trần làm duyên sanh ra nhãn thức giới, ba xứ đều không có. Tức là nhãn căn, sắc trần và nhãn thức giới, cả ba vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

“Nhãn căn và sắc trần làm duyên, sanh ra nhãn thức”, nhưng ở trước trong phần Thu mười hai xứ, hai xứ ấy đã hư vọng, đều không có xứ sở, thì làm sao làm duyên sanh ra nhãn thức được. Thế nên nhãn thức thật không được sanh ra.

 Nhãn thức chẳng phải sanh ra từ sắc trần, chẳng phải sanh ra từ nhãn căn, cũng chẳng phải sanh ra từ cả hai chung nhau. Quán sát nhiều lần và kỹ lưỡng như vậy sẽ thấy ngay nhãn thức là vô sanh. Nhãn thức là vô sanh, ngay đó bèn giải thoát.

2. Thu nhĩ thức giới

A Nan, như chỗ ông bày tỏ, nhĩ căn và thanh trần làm duyên sanh ra nhĩ thức. Thức ấy nhân nhĩ căn mà sanh, lấy nhĩ căn làm giới, hay nhân thanh trần mà sanh, lấy thanh trần làm giới?  A Nan, nếu nhân nơi nhĩ căn sanh mà không có mặt hai tướng động tĩnh thì cái biết của nhĩ căn chẳng thành. Đã không biết gì thì cái biết còn không thành, huống nữa cái thức phân biệt đâu có hình trạng gì?

Nếu cho rằng lỗ tai nghe, khi không có hai tướng động tịnh cái nghe đã không thành, thì làm sao lấy hình tướng lỗ tai tiếp xúc trộn lẫn sắc trần mà được gọi là nhĩ thức giới. Cái nhĩ thức giới ấy do đâu mà thành lập?

Nếu nhân nơi thanh trần mà sanh thì nhĩ thức nhân thanh trần mà có, ắt chẳng liên quan gì đến cái nghe, mà đã không nghe thì cũng không biết các tướng thanh trần ở đâu. Nếu nhĩ thức do thanh trần sanh ra, dầu cho rằng thanh trần nhân cái nghe mà có tướng, thì cái nghe lẽ ra phải nghe được nhĩ thức. Nếu không nghe được nhĩ thức thì thanh trần chẳng phải là giới của nhĩ thức. Còn nếu nghe được thì nhĩ thức cũng đồng với thanh trần, và nhĩ thức đã bị nghe, thì cái gì biết nghe nhĩ thức đó. Còn nếu không có cái gì biết thì rốt cuộc giống như cỏ cây.

 Chẳng lẽ thanh trần và cái nghe trộn lẫn thành ra cái giới ở giữa. Giới không có ở giữa thì các tướng nội căn và ngoại trần do đâu mà thành?

Thế nên phải biết, nhĩ căn, thanh trần làm duyên sanh ra nhĩ thức giới, cả ba xứ ấy đều không có. Tức là ba thứ nhĩ căn, thanh trần và nhĩ thức giới cả ba vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Cái thức lỗ tai chẳng do âm thanh sanh ra, chẳng do lỗ tai sanh ra, và âm thanh chẳng do lỗ tai sanh ra, chẳng do thức lỗ tai sanh ra… Lỗ tai, âm thanh và thức, cả ba đều không có vì chẳng do đâu sanh ra, chẳng do hợp lại nhiều yếu tố sanh ra. Như hoa đốm giữa hư không, như lông rùa sừng thỏ.

 Các tướng đều không có thì đó là toàn tánh Chân Như, như khi không còn cho bóng là thật thì tất cả toàn là gương. Kinh Viên Giác nói, “những cái huyễn đã diệt thì cái chẳng phải huyễn hiện ra”. Thế gian sanh tử huyễn hóa càng biến mất bao nhiêu thì Niết bàn chân như càng hiện ra bấy nhiêu, mới biết rằng xưa nay chỉ có một mặt trăng thật, chưa từng có mặt trăng thứ hai.

3. Thu tỷ thức giới

 A Nan, lại như chỗ ông bày tỏ, tỷ căn và hương trần làm duyên, sanh ra tỷ thức. Thức ấy nhân tỷ căn sanh ra, lấy tỷ căn làm giới hay nhân hương trần sanh ra, lấy hương trần làm giới?

A Nan, nếu nhân tỷ căn sanh ra, thì trong tâm ông, lấy cái gì làm tỷ căn? Lấy cái hình tướng mũi thịt như hai móng tay, hay lấy sự ngửi biết lay động làm tỷ căn?

Nếu lấy hình tướng mũi thịt, chất thịt là thân căn và cái biết của thân là xúc chạm. Đã gọi là thân căn thì không phải căn mũi, gọi là xúc chạm thì đó là xúc trần.

Vậy không có gì để gọi là tỷ căn, làm sao mà lập thành giới?

Nếu lấy cái mũi ngửi biết làm tỷ căn thì trong tâm ông lấy cái gì làm cái biết. Nếu lấy lỗ mũi thịt, thì cái biết của chất thịt là xúc trần chứ không phải là tỷ căn. Nếu lấy hư không làm cái biết thì hư không ắt tự biết, xác thịt của ông lẽ ra chẳng biết. Như thế lẽ ra hư không phải là ông. Thân ông mà chẳng biết thì hiện giờ A Nan chẳng có ở đâu nữa.

 Nếu lấy hương trần làm cái biết thì cái biết ấy thuộc hương trần, thì liên quan gì đến ông? Nếu mùi thơm mùi thối sanh nơi căn mũi của ông thì hai mùi thơm, thối kia không sanh do cây chiên đàn và cây y lan. Hai vật ấy chẳng đến thì ông tự ngửi lỗ mũi là thơm hay thối? Thối thì chẳng phải thơm, thơm thì không phải thối. Nếu cả hai mùi thơm thối đều có thể ngửi thì một người như ông phải có hai lỗ mũi, như thế đứng trước ta hỏi đạo lại có hai A Nan, vậy đâu là thể của ông? Nếu tỷ căn là một thì thơm thối không hai, thối đã là thơm, thơm lại thành thối, không có hai tánh thì do đâu mà thành giới?

 Nếu nhân hương trần mà sanh, tỷ thức nhân hương trần mà có, cũng như nhân con mắt mà có thấy thì cái thấy ấy không thể thấy con mắt. Tỷ thức nhân hương trần mà có thì lẽ ra không biết được hương trần. Nếu biết được hương trần thì chẳng phải do hương trần sanh ra, còn nếu không biết được hương trần thì chẳng phải là tỷ thức. Hương trần mà chẳng do biết mà có thì giới của hương không thành. Tỷ thức nếu không biết hương trần thì cái giới của nó không phải nhân hương trần mà lập. Đã không có cái thức ở khoảng giữa thì nội căn, ngoại trần cũng không thành, các thứ ngửi biết kia rốt ráo là hư vọng.

Thế nên phải biết, tỷ căn và hương trần làm duyên sanh ra tỷ thức giới, ba xứ đều không có. Tức ba thứ tỷ giới, hương giới và tỷ thức giới vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Căn trần thức nương nhau mà có, mỗi cái không thể tự đứng riêng được. Về mặt căn, nó không thể có ở đâu cả, không do cái gì sanh ra cả, nó vô tự tánh, hư vọng, như huyễn. Trần không thể có nếu không có căn, căn như huyễn thì trần cũng như huyễn. Căn, trần đã như huyễn thì cái ở giữa là tỷ thức nương vào hai căn trần dầu khó thấy hơn lại càng như huyễn.

Cả ba không có xứ sở, không đứng một mình, không hòa hợp nhau, không xen lộn nhau cho nên rốt ráo là không thành, hư vọng, như huyễn.

Từ ba thứ này, suy ra tất cả thế gian đều không chỗ có, hư vọng, như huyễn. Làm sao có thể nắm bắt, tạo tác, lo sợ hay hy vọng với cái không có?  

4. Thu thiệt thức giới

 Lại như chỗ ông bày tỏ, thiệt căn và vị trần làm duyên sanh ra thiệt thức. Thức ấy nhân thiệt căn sanh ra, lấy thiệt căn làm giới, hay nhân vị trần sanh ra, lấy vị trần làm giới?

A Nan, nếu nhân thiệt căn sanh ra, thì trong thế gian mía ngọt, mơ chua, hoàng liên đắng, muối mặn, gừng, quế…đều không có vị. Ông tự nếm cái lưỡi là ngọt hay đắng? Nếu cái lưỡi là đắng thì lấy cái gì để nếm cái lưỡi? Lưỡi chẳng thể tự nếm, thì lấy gì mà có hay biết?

Nếu lưỡi không có đắng, vị trần chẳng tự sanh, làm sao thành lập giới?

Nếu nhân vị trần sanh, thì thiệt thức tự là vị rồi, đồng như thiệt căn, lẽ ra không thể tự nếm, làm sao biết là vị hay chẳng phải vị? Lại tất cả các vị chẳng phải do một vật sanh ra, các vị đã do nhiều vật sanh ra, mà thiệt thức nếu do vị trần sanh, cũng phải có nhiều tự thể. Nếu thiệt thức là một thể và thể đó do vị sanh ra, thì các vị mặn, nhạt, chua, cay, các tướng khác nhau này phải chỉ là một vị, không thể phân biệt. Không có phân biệt thì không có ý thức, làm sao còn gọi là thiệt thức giới?

Chẳng lẽ hư không sanh ra cái thức phân biệt của ông? Thế thì cái thức ở giữa do thiệt căn và vị trần hòa hợp mà sanh, vốn không có tự tánh, làm sao giới có sanh?

 Vậy nên phải biết, thiệt căn vị trần làm duyên sanh ra thiệt thức, cả ba xứ đều không có. Tức là thiệt giới, vị giới và thiệt thức giới cả ba vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Thiệt thức chẳng phải từ thiệt căn, vị trần, hư không hoặc cả ba chung nhau sanh. Chẳng phải một, chẳng phải nhiều, chẳng phải từ cái một sanh, chẳng phải từ cái nhiều sanh. Không từ đâu sanh ra nghĩa là vô sanh. Vô sanh tức là vốn giải thoát, vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh.

Chỉ cần quán thấy một căn và những công dụng của nó là vô sanh, thì tất cả sanh tử đều vô sanh.

5. Thu thân thức giới

A Nan: Lại như chỗ ông bày tỏ, thân căn và xúc trần làm duyên sanh ra thân thức. Thức này là nhân thân căn sanh, lấy thân làm giới, hay nhân xúc trần sanh, lấy xúc trần làm giới?

A Nan, nếu nhân thân căn sanh mà không có hai duyên xúc giác hợp và lìa, thì thân làm sao biết gì. Nếu nhân xúc trần sanh mà không có thân căn của ông, thì có ai không có thân căn mà biết sự lìa hợp?

A Nan, vật không biết sự xúc chạm, thân căn mới biết sự xúc chạm. Tức nơi xúc chạm mà biết có thân căn; tức nơi thân căn biết có xúc chạm. Tức xúc chạm thì không phải thân căn, tức thân căn không phải xúc giác. Cả hai tướng thân căn và xúc trần nguyên không có xứ sở.

Nếu xúc trần hợp với thân căn tức là tự thể của thân căn, lìa thân căn thì như tướng hư không. Nội căn ngoại trần đã không thành, cái thức ở giữa làm sao mà lập ? Giữa đã không lập được, trong ngoài đều là tánh Không, thì cái thân thức sanh ra của ông do đâu mà lập thành giới ?

Thế nên phải biết, thân căn và xúc trần làm duyên sanh ra thân thức, cả ba xứ đều không có. Tức là cả ba thứ thân giới, xúc giới và thân thức giới vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Trong là thân căn, ngoài là xúc trần đều là vô tự tánh, không thể lập thành cái gì. Thế thì thân thức ở giữa dựa vào hai bên càng vô tự tánh, càng không thể thành lập. Vì không thể thành lập nên không thể có. Trong, ngoài, giữa đều là tánh Không.

Khi cả ba đều vô tự tánh thì cái có thật tánh chỉ một vị là Như Lai tạng diệu chân như tánh hiển lộ trọn vẹn.

6. Thu ý thức giới

A Nan, lại như chỗ ông bày tỏ, ý căn và pháp trần làm duyên sanh ra ý thức. Thức này nhân ý căn sanh, lấy ý căn làm giới, hay nhân pháp trần sanh, lấy pháp trần làm giới?

A Nan, nếu nhân ý căn sanh thì trong ý ông ắt có chỗ suy nghĩ mới phát minh được cái ý của ông, như nếu không có các pháp trần ở trước thì ý không thể sanh. Lìa các duyên trần, ý căn không có hình tượng, thì thức tâm không có công dụng gì.

Lại cái thức tâm của ông, cùng các suy nghĩ tính toán và tánh phân biệt là đồng nhau hay khác nhau? Nếu đồng với ý căn tức đã là ý căn,làm sao lại do ý căn sanh ra? Nếu khác với ý căn tức là chẳng đồng, thì lẽ ra không biết phân biệt ; nếu không biết phân biệt thì sao lại do ý căn sanh ra? Còn nếu có phân biệt thì làm sao nhận biết ý căn được? Khi hai tánh đồng và khác không thành, giới nhân đâu mà lập?

Nếu ý thức nhân pháp trần sanh thì các pháp trong thế gian không ngoài năm trần. Ông hãy xem các pháp sắc, thanh, hương, vị và xúc đều có tướng trạng phân minh đối với năm căn nhưng chẳng phải chỗ thu nhiếp của ý căn. Nếu ý thức quyết định là nương nơi pháp trần mà sanh, thì ông nay hãy xem xét kỹ mỗi pháp có tướng trạng gì. Nếu lìa khỏi sắc không, động tĩnh, không bít, lìa hợp, sanh diệt, vượt ngoài các tướng này thì rốt ráo không chỗ đắc. Sanh thì các pháp sắc không…đều sanh ra, diệt thì cái pháp sắc không…đều diệt. Chỗ nhân đã không thì cái thức do chúng sanh ra đâu có hình tướng gì ? Tướng trạng không thể có, giới do đâu mà sanh ? Thế nên phải biết, ý căn, pháp trần làm duyên sanh ra ý thức, ba xứ đều không có. Tức là ba thứ ý giới, pháp giới và ý thức giới vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Ý thức là các hoạt động như suy nghĩ, phân biệt, tưởng tượng…tất cả đều dựa trên các pháp trần. Cho đến các pháp trần vi tế, trừu tượng, như sắc không, động tĩnh, thông bít, lìa hợp, sanh diệt…nếu không có chúng thì không có suy nghĩ của ý thức. Nhưng các pháp trần vi tế, trừu tượng này đều vô tự tánh. Chẳng hạn hư không mà không có sắc thì lấy gì để phân biệt được hư không, diệt mà không có sanh thì lấy gì để phân biệt được diệt. Chúng dựa vào nhau mà có nên đều vô tự tánh. Chỗ nhân, chỗ nương vào đã không thì cái ý thức làm sao có được thật tướng gì. Quán sát kỹ thì thấy ý thức như mây nổi, như tia chớp, chợt sanh chợt diệt ; như giấc mộng không từ đâu không đến đâu; như cầu vồng không thể nắm bắt. Cả ba ý căn, pháp trần và ý thức đều không thật có. Chẳng phải nhân duyên, như lông rùa sừng thỏ thì nhân duyên gì. Chẳng phải tự nhiên vì hư vọng sanh ra.

Khi thấy được mười tám giới là không có, chẳng phải nhân duyên chẳng phải tự nhiên, thì cái muôn đời thật có là Như Lai tạng diệu chân như tánh sừng sửng trước mắt. Tu hành là đưa mười tám giới về tánh Không để Chân Như hiện bày. 

Phần đưa ấm, nhập, xứ, giới, về Như Lai tạng nhấn mạnh đến tánh Không, cho nên đều kết luận rằng ‘‘vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên’’.

Đến phần Bảy đại tâm thức hành giả đã tinh tường hơn nên chỉ thẳng rốt ráo ‘‘tánh sắc là Chân Không, tánh Không là chân sắc’’.  Sự tu hành đưa ấm, nhập, xứ, giới về Như Lai tạng sẽ được minh giải rõ ràng trong sự tu chứng viên thông của 25 vị thánh được nói ở phần sau.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan