THỰC HÀNH CHẤP NHẬN TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY CỦA CHÚNG TÔI - CHRISTOPHE ANDRÉ – ALEXANDRE JOLLIEN – MATTHIEU RICARD – BÀN VỀ CÁCH SỐNG

THỰC HÀNH CHẤP NHẬN TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY CỦA CHÚNG TÔI

CHRISTOPHE ANDRÉ – ALEXANDRE JOLLIEN – MATTHIEU RICARD – BÀN VỀ CÁCH SỐNG

---o0o---

Không có gì phản tác dụng hơn là tự nhủ rằng hiện tại lẽ ra phải khác đi. Cần chấp nhận nó với sự minh mẫn và dũng khí, điều này hoàn toàn không cản trở việc xây dựng tương lai.
THỰC HÀNH CHẤP NHẬN TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY CỦA CHÚNG TÔI - CHRISTOPHE ANDRÉ – ALEXANDRE JOLLIEN – MATTHIEU RICARD – BÀN VỀ CÁCH SỐNG

ALEXANDRE: Việc chấp nhận có thể khiến ta sợ nếu hiểu nó như sự đòi hỏi tuyệt đối. Chấp nhận cả cuộc đời là chuyện bất khả. Về điểm này, tôi xin mượn một thực hành cực kỳ hiệu nghiệm của tổ chức Người nghiện rượu ẩn danh. Đối với một người bị nghiện, việc nói “Tôi sẽ bỏ uống luôn” có gì đó tàn khốc, không thể vượt qua. Và do vậy, để thay đổi, ta làm một ly… Bài tập lúc đó là cam kết không uống giờ này qua giờ khác. Tôi có thể áp dụng nguyên tắc này vào các công trường lớn của đời mình. Cũng vậy, thay vì muốn điều chỉnh một lần cho xong mọi rắc rối trong tâm hồn, tôi có thể tập trung nỗ lực, từng phút một. Cũng vậy với những thói tật nho nhỏ của ta, kẻ tham ăn có thể tự nhủ: “Chiều nay, mình sẽ không động đến ổ bánh này.”

MATTHIEU: Tôi rất thích câu một quý tộc Anh dạy con trai: “Hãy quan tâm đến phút rồi thì giờ sẽ tự lo liệu.”

ALEXANDRE: Chấp nhận bày ra một vấn đề lớn trong đời sống tâm linh. Do vậy, ta nên chuẩn bị hoàn toàn, hay đúng hơn, ta nên sẵn sàng cho cái “vâng” vui vẻ với cuộc đời. Tại sao lúc nào cũng gắn liền chấp nhận với một nỗ lực hay cam chịu? Spinoza đã viết trong Đạo đức học rằng không phải xả bỏ là cái dẫn đến cực lạc, mà trái lại cực lạc dẫn đến buông bỏ. Triết gia Hà Lan giúp tôi hiểu rằng cần một chút bình yên bên trong để tự giải thoát và chấp nhận thực tại. Do vậy, khổ tu trước hết là giúp ích cho ta, nhận ra cái làm ta thực sự vui và cho phép ta đi tới. Niềm vui, mà không phải co dúm, dẫn đến chấp nhận. Và bước đầu tiên là thấy rằng tôi không chấp nhận chuyện có vô số sự khước từ kéo lê trong tim tôi. Vấn đề là nói vâng với tất cả, ngay cả với những kháng cự của tôi. Ngay từ giờ, chấp nhận rằng tôi không chấp nhận…

Không có gì đối lập với chấp nhận hơn là sự cam chịu hay thuyết định mệnh. Và những ngộ nhận về đề tài này có rất nhiều. Trong Ecce hôm, Nietzsche nói rằng sự cao cả của con người nằm ở amor fati (nguyên văn là “yêu lấy định mệnh của mình”), không muốn gì khác ngoài cái vốn có, và còn hay hơn nữa là yêu cái xảy đến.

MATTHIEU: Không có gì phản tác dụng hơn là tự nhủ rằng hiện tại lẽ ra phải khác đi. Cần chấp nhận nó với sự minh mẫn và dũng khí, điều này hoàn toàn không cản trở việc xây dựng tương lai.

ALEXANDRE: Cũng cần nhớ là, một mình, không một mạng lưới bè bạn, không  gia đình, bằng lòng với những giày vò của ta thì sẽ khó khăn hơn nhiều. Khi tôi cực kỳ đau khổ, tôi nhấc điện thoại gọi cho một người bạn đang khổ. Tôi lắng nghe anh ta và cố dành mình cho anh ta thôi. Bài tập nho nhỏ này làm tôi không tập trung vào mình, kéo tôi ra khỏi sự chán nản một lúc. Cuối cuộc trò chuyện, hầu như lần nào tôi cũng hồi sinh. Nôm na hơn, trước một máy in hỏng hay việc lỡ một chuyến tàu, thay vì nổi nộ và mải mê trong những “A, nếu mà mình…”, tôi tự hỏi ngay mình có thể có hành động nào để hạn chế tổn hại. Chấp nhận không phải là buông tay, mà trái lại là nương tựa vào cái vốn có, cái tôi có thể thay đổi, để đi tiếp. Nếu nhà tôi cháy, tôi nên làm gì hơn? Chìm trong lo lắng, mắng kẻ đã quên tắt lò ga, hay ngay lập tức tìm một cái xô?

CHRISTOPHE: Alexandre, cậu vừa nói khi cậu đau khổ, cậu gọi cho ai đó, không phải để than van, không phải để vững lòng, mà để tạo một mối liên hệ. Do vậy, điều đó làm tôi nghĩ về việc tôi làm khi tôi thật đau khổ. Tôi càng khổ thì tôi càng cần được một mình. Tôi tuyệt đối cần dừng lại và đi sâu vào cái khổ. Theo nghĩa này, thiền đối với tôi là cái gì đó mang tính cách mạng và cứu rỗi: dành thời gian tìm hiểu tại sao tôi khổ, cái đang xảy ra trong thân tôi, những ý nghĩ mà cái này sinh ra, những xung động, mong muốn, phóng chiếu mà tôi bị lôi tới, nhìn tất cả mọi thứ này dưới ánh sáng chánh niệm. Do vậy, chấp nhận khổ trước hết là quan sát những hệ lụy và quyền hành mà nó sai sử tôi, rồi xem mình sẽ làm gì: Đi dạo trong rừng? Gọi cho một người bạn? Viết? Quan tâm đến ai đó như cậu nói? Dẫu có thế nào tôi cũng cần được một mình để tìm lại mình, để tiến hành công việc phân biệt này.

Tôi cố truyền thái độ này cho bệnh nhân, với các thực hành chánh niệm. Khi chúng tôi biến ý niệm chấp nhận thành thực hành chấp nhận, và chúng tôi làm việc trước hết với những cái khổ nho nhỏ, chúng tôi cho bệnh nhân thấy làm sao để chấp nhận những cái nhỏ nhặt đối nghịch, những cái khổ nho nhỏ: “Tôi muốn ra ngoài mà trời lại mưa”, “Tôi muốn làm một bữa ăn ngon với bạn bè mà tôi lại bị bệnh”. Đó là điều chúng tôi suy nghĩ nhiều trong liệu pháp tâm lý hành vi: khi ta muốn dạy ai đó trượt tuyết, ta không bắt đầu trên một sân màu đen vào ngày xấu trời. Nếu ta muốn làm việc với ai đó về chấp nhận, ta cùng họ tìm kiếm, trong đời sống hằng ngày của họ, những thứ họ dễ chấp nhận. Điều đó dễ dàng, nhưng cũng có tác dụng cứu rỗi. Chẳng hạn, ngày ta chấp nhận rằng con của mình không hiểu các giải thích của ta về bài tập toán, ta có thể tự nhủ: “Được rồi, tình huống này bình thường thôi mà; hít thở rồi chấp nhận chuyện này để thấy phải làm sao với các khó khăn của nó, thay vì bực tức, muốn làm trái lại, muốn chúng không tồn tại, xem chúng như bất bình thường.” Nếu ta có thể nói được như vậy, hít thở, cười, thay vì nổi cáu, lúc đó cái bước phụ này sẽ mở ra vô vàn thay đổi có thể có. Rồi dần dà, ta đi đến những bài tập khác.

ALEXANDRE: Tại sao lại biến chuyện chấp nhận thành một thực hành hoàn toàn siêu phàm, một ý niệm xa vời? Nó mở ra vùng đất cho một niềm vui không gì sanh được và truyền thống Thiền tông, cũng như các nhà thần bí Cơ Đốc lớn, đã khai thông một con đường để đến đó. Nghịch lý là, con đường rất cụ thể. Thay vì mải mê trong các lý thuyết, hành động sẽ giải phóng ta tứng bước. Và hãy liên tục nói vâng với thực tại. Ở đây cũng vậy, khi nhà cháy, hãy nhào đi lấy xô nước để còn bình an vô sự thoát ra. Bàn luận về chấp nhận mà không hành động thì giống như nhìn một căn nhà bốc cháy, nói dông dài trong khi mọi người đang chết.

Chấp nhận xuất phát từ tình yêu vô điều kiện. Cần có sự tự do ghê gớm bên trong để không còn muốn biến cải người khác theo ý mình, áp đặt hành vi cho họ, uốn nắn ý kiến của họ. Cái cám dỗ nắm quyền vẫn luôn tồn tại, dù là vô thức. Trong nghĩa này, hôn nhân gần với mối liên hệ ta duy trì với một sư phụ, mối liên hệ tuyệt không có tinh thần tính toán và trả thù. Một trong những kinh nghiệm chữa lành hơn cả là yêu thương người khác và được họ yêu mà không phải giải thích trong tận cùng ta là ai. Suốt nhiều năm, tôi thức dậy mỗi sáng với một câu “Mình chán lằm rồi!” Khi xem xét các nguyên nhân chán nản của mình, tôi hiểu rằng áp lực xã hội chịu trách nhiệm rất nhiều. Nỗi sợ làm người khác thất vọng đè nặng lên tôi. Để giải thoát khỏi nó, ta phải thay thế cái mong muốn này bằng một tình yêu thương thuần túy, vô vụ lợi.

Và Matthieu này, anh đã cho tôi một ví dụ tuyệt hảo trong một hội thảo. Khi một người mải mê với một câu hỏi không dứt, anh đã đáp lại đơn giản: “Không hề có ý muốn ngắt lời anh nhưng tôi tin rằng ta sẽ dừng ở đây”. Bài học thật đáng nể! Trong khi cố nhọc nhằn lắng nghe, tôi hiểu rằng có một thái độ đúng hơn, tự do hơn. Cái mong muốn không làm thất vọng làm ta lầm lạc và cần can đảm hơn để có hành động đúng. Thật ra, tôi còn chưa nghĩ đến hàng triệu người mà, như tôi, muốn chuyện này dừng lại. Trong xã hội chúng ta, cần tự do vô cùng mới không bị mong muốn làm hài lòng lôi kéo nhưng cũng không vì thế mà trở nên dửng dưng.

MATTHIEU: Riêng tôi thì, khi tôi cảm thấy không vui, đó thường là do ai đó, ngoài các thầy tôi ra, nói những lời cay nghiệt, dù có lý do chính đáng hay không. Trong cả hai trường hợp, tôi cần một khoảnh khắc tĩnh lặng một mình. Nếu những quở trách này đúng, dù chỉ phần nào, khoảng im lặng này cho phép tôi đi sâu vào trong, sáng suốt cân nhắc những khuyết điểm của mình và thật tâm mong sửa đổi. Nếu những quở trách này sai, tôi cũng sẽ đi sâu vào mình, nhưng là để nhận ra ở đó cái bất biến và cái mà bất công và ý kiến của người khác không chạm tới được, như sự hiện diện của các thầy nhân từ trong tim tôi và bản chất sáng chói của tâm tôi, an nhiên và vĩnh cửu.

---o0o---

Trích “Bàn về cách sống”

Tác giả: Christophe André, Alexandre Jollien, Matthieu Ricard

Người dịch: Thiên Nga

NXB Hà Nội, 2018

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan