THƯỚC ĐO CON NGƯỜI - GIA LINH - BÍ QUYẾT THU PHỤC NHÂN TÂM

THƯỚC ĐO CON NGƯỜI

GIA LINH - BÍ QUYẾT THU PHỤC NHÂN TÂM

–––––o0o–––––

“Những người có dũng khí, tuy có thể làm những việc khiến cho người khác kinh ngạc, nhưng những người thật sự lập được công trạng lớn thì lại thuộc về những người biết tự kiềm chế bản thân”. Câu nói này có thể nói là đã dùng cả hai con mắt để nhìn thấu.
THƯỚC ĐO CON NGƯỜI - GIA LINH - BÍ QUYẾT THU PHỤC NHÂN TÂM

Thước Đo Con Người

“Nhìn mặt mà bắt hình dong” là lỗi dễ phạm phải nhất của mọi người nói chung. Khi chúng ta đánh giá người khác, tuyệt đối không thể chỉ dùng một con mắt để quan sát, mà phải dùng cả hai mắt để nhìn cho thấu đáo. Vì có những người diện mạo bên ngoài hung dữ, nhưng trong lòng có thể lại rất hiền lành, lương thiện.

Có một câu danh ngôn: “Những người làm việc giỏi giang, không nhất định là có trình độ hiểu biết cao”.

Nếu chúng ta chỉ quan sát bằng một con mắt, nhất định chỉ có thể nhìn thấy một mặt giỏi giang khéo léo của anh ta, nhưng nếu nhìn bằng cả hai mắt, thì cái nhìn thấy được chắc chắn sẽ hơn hẳn.

“Những người có dũng khí, tuy có thể làm những việc khiến cho người khác kinh ngạc, nhưng những người thật sự lập được công trạng lớn thì lại thuộc về những người biết tự kiềm chế bản thân”. Câu nói này có thể nói là đã dùng cả hai con mắt để nhìn thấu.

Mọi người nói chung đều thích những người thông minh lanh lợi, ăn nói khéo léo, mà coi nhẹ những người lầm lì ít nói, chỉ biết vùi đầu vào công việc. Chúng ta không thể nói là loại người nào tốt, loại người nào xấu, vì họ đều có những mặt mạnh mặt yếu. Vì vậy, là cấp trên, nếu có thể nhìn thấy được sự khác nhau cá biệt của cấp dưới, và làm cho họ phát huy được hết năng lực tiềm tàng, thì sự lãnh đạo của anh ta có thể coi là đã thành công. Phần trên tôi đã đề cập tới việc không thể dùng một cái thước để đánh giá người khác, mà phải dùng các loại, các kiểu thước thì mới có thể cho được kết quả chính xác. Bây giờ chúng ta hãy bàn về các chủng loại thước khác nhau.

Chẳng hạn khi chúng ta bầu một đại biểu quốc hội, thước đo sử dụng tất nhiên là khác nhau. Khi bầu đại biểu quốc hội, nếu chỉ dùng chiếc thước “có thể đem lại phúc lợi cho địa phương hay không”, thì khó mà chọn ra được ứng cử viên thích hợp. Cũng tương tự, nếu chọn ra đại biểu thành phố, nếu lấy cái thước “một quan chức ngoại giao” để đo anh ta, thì sẽ không có ý nghĩa gì cả. Công ty muốn tuyển nhân viên cũng cần dùng các loại thước với các tính chất khác nhau để đánh giá nhân tài thì mới có thể chính xác. Dùng com-pa để do độ dài hoặc dùng thước thẳng để do độ cong, thì đều không đúng đắn. Xin đưa ra một vài ví dụ:

Có một vị viên ngoại, chính thất của ông ta chết, hai người thiếp của ông ta một thì rất đẹp, một thì lại rất xấu, khi ông ta muốn chọn một trong hai người để lập chính thất, bạn bè đều cho rằng chắc chắn ông ta chọn người xinh đẹp kia, không ngờ ông ta lại chọn người thiếp xấu xí. Bạn bè đều rất ngạc nhiên, bèn hỏi ông ta:

- Kỳ thật? Tại sao anh lại không chọn người thiếp xinh đẹp làm phu nhân?

- Vì người xấu không có lòng hư vinh, mà bên trong cô ấy tu dưỡng tốt, vì vậy để cô ấy điều hành việc nhà là khá thích hợp.

Thiện lương và tà ác

Ở Nhật đã từng xảy ra một vụ hung sát. Một học sinh cấp ba đã giết chết người bạn thân cùng phòng mình. Nguyên nhân giết người không phải là do cãi lộn nhau, mà là khi đang học trong phòng, hung thủ đột nhiên giết chết đối phương.

Theo báo chí, khi học ở cấp ba, thành tích của hung thủ rất xuất sắc, nhưng khi chuẩn bị thi vào Trường Đại học Kyodo, do bị suy nhược thần kinh nên hung thủ bị buộc phải học tụt lại.

Trong thời gian học tụt một năm so với các bạn, tình bạn đã biến thành sự thù hận, vì vậy nên mới nảy sinh động cơ giết người của hung thủ.

Như vậy cho thấy, chỉ là oán hận do thi cử không như ý muốn mà sinh ra mưu sát, nhưng nghiên cứu kỹ chúng ta sẽ phát hiện thấy tính cách con người thật đáng sợ biết bao? Vạn nhất người bạn thân đang cười nói vui vẻ, sống hoà thuận bên bạn, bỗng nảy sinh ý định giết người, lúc đó bạn sẽ làm thế nào đây?

Trong lòng con người hoặc ít hoặc nhiều đều có cái ác, nhưng con người có lý trí, có thể kiềm chế thích đáng hành động suy nghĩ của mình. Cần trấn áp đúng lúc những động cơ tà ác, nếu không thì xã hội không biết sẽ tàn bạo hỗn loạn biết bao! Hai nhân vật Jekyll và Hyde trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh Stevenson cũng vậy, người ta thường lấy anh ta làm danh từ chỉ nhân cách hai mặt. “Tiến sĩ Jekyll lương thiện, đã bị ảnh hưởng của thuốc đã biến thành Hyde ác độc”.

Từ năm 1885, khi xuất bản chuyện này cho tới nay, dường như không ai không biết, còn Stevenson cũng nổi tiếng vì quan điểm thiện lương và tà ác của Hyde, trong lòng người hoặc ít hoặc nhiều đều đồng thời có cái thiện và cái ác. Trên thực tế, nếu không nghiêm trọng lắm thì cũng chẳng có gì đáng nói, vì tính cách của con người vốn đã không phải là đơn nhất, mà là sự biểu hiện của nhiều mặt, chỉ có điều là không rõ ràng mà thôi. Trong lòng con người không chỉ có suy nghĩ của thần và quỷ, mà còn kèm thêm cả nhiều tâm trạng phức tạp.

Con người có tâm lý phức tạp, nếu chúng ta chỉ bình luận người khác từ một phía, thì sẽ không có cách nào để hiểu rõ đối phương được, vì người tốt cũng có lúc làm việc xấu, người xấu thì đôi khi cũng làm việc tốt. Giả dụ người mà bạn tin tưởng lại lừa gạt bạn, bạn nhất định sẽ nổi trận lôi đình, giận dữ mãi, kỳ thực như vậy là uổng công. Bạn nên trách mình đã không phòng bị từ trước, hơn nữa không quan sát đối phương từ nhiều phía. Đối với lối quan sát một phía, suy xét lại, thì kẻ đáng ân hận lại chính là bạn.

Tất nhiên không phải là tôi chủ trương cứ luôn luôn hoài nghi người khác. Người Nhật có câu: “Hãy quan sát đối phương như một tên trộm vậy!”.

Câu nói này không thể có được trong quan hệ giao tiếp vì nếu chúng ta thật sự làm như vậy, một mặt lương tâm sẽ không yên, mặt khác có thể sẽ mắc chứng thần kinh quá nhạy cảm.

Vậy thì tính cách con người rốt cục là thiện hay ác? Đó là vấn đề cơ bản nhất khi nhìn thấu đối phương. Về vấn đề này, trong cuốn “Hàn Phi Tử” có ghi:

“Người bán quan tài hy vọng có người chết, vậy thì bản tính của anh ta là ác chăng? Tất nhiên là không, vì xuất phát điểm của anh ta là: Nếu không có người chết, thì sẽ chẳng bán được quan tài. Cũng theo lý đó, nhà buôn xe cũng mong mọi người thành công trong sự nghiệp và kiếm được nhiều tiền, vậy thì bản tính của anh ta là thiện ư? Điều đó cũng chưa chắc, vì xuất phát điểm của anh ta là: Nếu người khác không thành công trong sự nghiệp, thì cũng chẳng thể kiếm được tiền, và chẳng tới mua xe”.

Hay nói một cách khác, chỉ đưa vào các quy tắc máy móc để quyết định cái thiện và cái ác của tính cách con người thì chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy phương pháp khá khách quan là hãy quan sát động cơ hành động của đối phương trước, sau đó sẽ phán đoán.

Ưu Điểm Và Khuyết Điểm

Bên trên chúng ta đã nói tới các vấn đề có liên quan tới giới doanh nghiệp tuyển dụng nhân tài, vậy khi chúng ta nhìn thấu đối phương, liệu có tồn tại những vấn đề này không? Có, chúng ta cần loại bỏ quan niệm đẳng cấp như người đẳng cấp trên, người đẳng cấp dưới; người tốt, người xấu..., thì mới có thể phán đoán, đánh giá một cách khách quan được.

Cho phép tôi nhắc lại một lần nữa, chúng ta không thể nhìn thấu người khác từ một phía được. Nhất là khi nhìn nhận cá tính thì càng cần phải chú ý. Chúng ta thường nghe thấy những từ đánh giá như “ưu điểm”, “khuyết điểm” đây là cái không có ý nghĩa gì, vì cái gọi là “ưu điểm”, “khuyết điểm” không phải là một tiêu chuẩn tuyệt đối. Chẳng hạn: tính khí thô bạo, chúng ta có thể nói đó là khuyết điểm; nhưng ngược lại, chúng ta coi đó là cương trực, thì lại là ưu điểm của anh ta.

Bạn thích “người tính cương cường” hay “người tính nhu mì”?. Nhiều người cho rằng người tính nhu mì khá dễ sống. Người tính cương cường tuy khó sống, nhưng một khi đã trở thành tri kỷ với anh ta, tình cảm của anh ta sẽ không thay đổi. Ngược lại, người tính nhu mì tuy dễ sống, nhưng đối với kẻ địch anh ta cũng có thể nhu mì như vậy. Nói cách khác, người có tính cách nhu mì không thể dựa được về mặt tình cảm. Những độc giả thông minh, các bạn có thể nói ra hai loại người này loại nào “tốt” không? Tôi nghĩ rằng chẳng có đáp án của ai là tuyệt đối cả!

Trong cuốn binh thư “Tam lược” của Trung Quốc có một câu: “Đừng để người nhân nghĩa nắm giữ tiền bạc”, ý là nói đừng cho những người có lòng nhân từ và đầy tình người quản lý tiền bạc, vì những người này có thể để thất thoát tiền bạc do tình cảm.

Hay nói một cách khác, những người lương thiện, tấm lòng cởi mở tuy dễ sống, nhưng anh ta không hoài nghi người khác, vì vậy không thể cùng làm việc với loại người này được. Ngược lại, khi làm việc với những người lòng dạ hẹp hòi lại cần phải luôn đề phòng anh ta, vì có thể bất cứ lúc nào anh ta cũng phản bội bạn.

Nước Yên thời Chiến Quốc của Trung Quốc (nay là tỉnh Hà Bắc) bị nước Tề đánh chiếm vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, mất đi mười thành lớn, lúc đó có một nhà mưu lược tên là Tô Tần (Tô Tần là một nhà mưu lược nổi tiếng thời Chiến Quốc, chúng ta có thể coi ông là một nhà ngoại giao thời cổ đại. Mấy câu thành ngữ như “Hợp tung liên hoành”, “Thà làm đầu gà chứ không chịu làm đuôi bò”, “Chuyển hoạ thành phúc” đều là của ông ta) nhận lời uỷ thác của vua nước Yên tới nước Tề, nhờ vào ba tấc lưỡi của mình nói chuyện với vua nước Tề, cuối cùng phần đất bị mất đã hoàn toàn thu lại được. Vua nước Yên hết sức vui mừng, nhưng đại thần của ông ta lại sàm tấu rằng Tô Tần bụng dạ không bình thường, giữ ông ta lại bên mình sẽ vô cùng nguy hiểm, vì vậy vua nước Yên liền nảy sinh tâm lý cảnh giác sợ sệt đối với Tô Tần. Nếu người bình thường gặp cảnh này, nhất định sẽ cố gắng hết sức để biện bạch cho mình, nhưng Tô Tần lại không làm vậy, ông nói với vua nước Yên: “Bề tôi không đáng tin, đó là phúc của vua ta!”.

Câu nói đó hàm ý sâu xa, chỉ vì bầy tôi là kẻ không đáng tin mà vua lại biết động não, vì vậy vua mới dùng được tôi chứ! Sau khi vua nước Yên nghe xong, lập tức hiểu được hàm ý của câu nói, thế là càng tín nhiệm Tô Tần.

Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng: Sống trong thời loạn thật không đơn giản chút nào?

Quan hệ giao tiếp đan xen phức tạp có thể thao túng cả tương lai của một người.

Nhật Bản có câu: “Người bình thường bị chúng ta coi là kẻ ác, có lúc cũng làm những việc thiện mà chúng ta không ngờ tới”. Cũng tức là nói tốt và xấu, thiện và ác đều chẳng phải là cái tuyệt đối.

Khi Tần Thuỷ Hoàng chưa thống nhất thiên hạ, ông rất tán thưởng một người tên là Diêu Giả, vì tài ngoại giao của Diêu Giả hết sức cao minh, đã từng thay Tần Thuỷ Hoàng đánh một trận chiến hết sức đẹp.

Nhưng các đại thần trong triều lại xúc phạm ông ta, và nói ông ta xuất thân hàn vi, là một kẻ vong mệnh. Tần Thuỷ Hoàng tin là thật, bắt đầu cảnh giác với ông ta, muốn bãi chức ông ta.

Diêu Giả nói:

“Chu Văn Vương vì trọng dụng Thái Công Vọng, nên nền tảng cơ nghiệp của nhà Chu mới có cơ sở. Còn về Thái Công Vọng, nguyên là một lãng tử không có nghề nghiệp chính, không có ai coi trọng ông ta cả, thậm chí ngay cả vợ của ông ta cũng không nhận ông ta, bất đắc dĩ mới ra chợ bán thịt để kiếm sống. Song, nếu không có ông ta, thì nhà Chu chẳng thể thịnh vượng đến như vậy. Quản Trọng vốn là một nhà buôn, song vì trọng dụng ông ta nên Tề Hằng Công mới xưng bá thiên hạ được. Tổ tiên của Tần là Mục Công, vì tín nhiệm dùng một người tên là Bách Lý Hề mà bình định được các dân tộc ởû biên cương, mà Bách Lý Hề vốn là một nô lệ, là một người mà người khác dùng cái giá năm miếng da bò để chuộc thân cho ông ta. Những người đó sống trong xã hội đều bị người khác coi thường, nhưng do quân chủ sáng suốt biết trọng dụng họ, mới làm cho họ có cơ hội thể hiện tài năng, phát huy được năng lực tiềm ẩn”.

Tần Thuỷ Hoàng nghe những lời này xong, bụng nghĩ: “Đúng thật? Chỉ cần ta biết người và giỏi dùng người, thì xuất thân của họ để ý tới làm gì!”.

–––––o0o–––––

Trích: “Bí Quyết Thu Phục Nhân Tâm”

Tác giả: Gia Linh

Nhà Xuất Bản Lao Động – Xã Hội

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan