TIẾP THỊ, TRUYỀN THÔNG, VÀ NHỮNG TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ KHÁC - ALBERT RUTHERFORD – RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN

Hãy nghĩ xem bạn nhận được bao nhiêu email mỗi ngày. Rất nhiều trong số đó là email từ những cửa hàng với những đợt giảm giá nhỏ, những chương trình khuyến mãi, hay miễn phí vận chuyển từ nhà hàng yêu thích của bạn.
TIẾP THỊ, TRUYỀN THÔNG, VÀ NHỮNG TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ KHÁC - ALBERT RUTHERFORD – RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN

TIẾP THỊ, TRUYỀN THÔNG, VÀ NHỮNG TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ KHÁC

ALBERT RUTHERFORD – RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN

-----o0o-----

Hãy nghĩ xem bạn nhận được bao nhiêu email mỗi ngày. Rất nhiều trong số đó là email từ những cửa hàng với những đợt giảm giá nhỏ, những chương trình khuyến mãi, hay miễn phí vận chuyển từ nhà hàng yêu thích của bạn. Hoặc đó có thể là email từ hội cựu sinh viên đại học để xin quyên góp, hoặc từ những tạp chí yêu thích của bạn với danh sách những bài báo mà bạn có thể sẽ thích. Tất cả những email này đang cố làm cho bạn thực hiện điều gì đó – có thể là mua giày mới, đặt giao đồ ăn, quyên góp cho đại học, hoặc đọc tạp chí. Chắc là có bản in, nhưng bạn không đọc. Bạn đọc những thứ mà người gửi email muốn bạn đọc.

Những dạng tiếp thị, quảng cáo, tuyên truyền và thuyết phục đã tồn tại từ khi con người có thể giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, sự tồn tại của Internet đã thay đổi cuộc chơi. Internet đã khiến việc truy cập thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, và quyền truy cập này dẫn đến sự dân chủ hóa. Thông tin của chúng ta cũng ít được chỉnh sửa và xử lý hơn trước đây, và điều này có nghĩa là mọi ý kiến, thiên kiến và quan điểm đều được phơi bày trên Internet cho dù chúng có tốt hay không. Những kỹ năng tư duy phản biện rất cần thiết để có thể định hướng trong môi trường đầy thông tin chưa được xử lý này. Với việc có quá ít biên tập viên để trung hòa nội dung, thì mọi người cần tự thực hiện quá trình đó. Tư duy phản biện sẽ hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định xem thông tin nào là đáng tin cậy.

THƯ RÁC

Mục lọc thư “rác” hoặc “spam” trên email thường chứa một loạt những trò lừa đảo. Một vài thư thậm chí còn rất phiền phức, chúng chứa đầy sự độc hại. Chúng thường có lời lẽ như thế này:

“Kính gửi Ông/Bà. Tôi đã lướt qua hồ sơ của ông/bà và đã điều tra được ông bà là người thụ hưởng chính thức lọt vào danh sách được nhận khoản tiền này nhưng chỉ có tổng số bảy triệu đô la Mỹ (7.000.000 đô la) được chấp nhận thanh toán.”

Loại tin nhắn này thường sẽ xuất hiện cùng với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, như tài khoản ngân hàng hoặc số an sinh xã hội.

Những trò lừa đảo này là rất thường thấy. Nhiều người gọi nó là “lừa đảo của người Nigeria” theo tên đất nước đã phát minh ra kiểu email này, hay là “lừa đảo 419” theo số thứ tự của nó trong Luật hình sự Nigeria. Chúng đã tồn tại từ những năm 1920 dưới dạng thư tay, nhưng Internet đã tạo điều kiện cho chúng phổ biến rộng rãi với quy mô chưa từng có. Những trò lừa đảo này tạo ra doanh thu tới năm tỷ đô la một năm. Chúng cũng dựa vào lòng tham và sự thiếu hụt tài chính của nạn nhân, cũng như sự cả tin của họ. Một khi những người bị lừa trả lời email, những người lừa đảo sẽ tiếp tục moi móc tiền từ họ hết mức, có thể bắt trả phí hoặc yêu cầu trả tiền hối lộ. Đôi khi, những kẻ lừa đảo thậm chí sẽ yêu cầu những người bị lừa di chuyển đến một đất nước khác, sau đó bắt cóc họ và tống tiền gia đình họ. Đây chỉ là một trong những nguy hiểm từ việc thiếu cảnh giác trên mạng.

NHỮNG EMAIL “TIN GIẢ”

Những email này thường xuất hiện theo chuỗi, và bạn có thể đã từng nhìn thấy chúng; ví dụ, một cái nói rằng, “một hacker đã kết bạn với những người bạn biết. Nếu anh ta là bạn của một trong những đám bạn của bạn, anh ta có thể hack vào tin nhắn Messenger của bạn. Ảnh cá nhân của anh ta là một chiếc xe màu đỏ. HÃY TỰ BẢO VỆ MÌNH đừng chấp nhận đề nghị kết bạn của anh ta.” Đôi lúc những trò lừa đảo này bắt nguồn từ sự thật, nhưng chúng đã bị bóp méo để hoàn toàn phản tác dụng. Chúng được thiết kế để lan truyền mạnh mẽ trên Internet, được chia sẻ bởi những người bị lừa.

Một trong những email này có nội dung lưu hành giữa phe cực hữu và thành phần Hồi giáo trên Internet - đó là một “đám cưới tập thể” ở Gaza của những người đàn ông độ tuổi 20 muốn cưới những cô dâu chỉ mới 10 tuổi hoặc nhỏ hơn. Có những bức ảnh của những bé gái chụp từ đám cưới Hamas có thật ở Gaza – nhưng những bé gái đó chỉ là khách mời và họ hàng, không phải những cô dâu. Phần lớn cô dâu, thực tế, đều là 18 tuổi, và người nhỏ nhất là 16 tuổi – đã đủ độ tuổi kết hôn tối thiểu theo luật pháp (nếu có sự đồng ý của phụ huynh) ở nhiều bang ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không thèm kiểm tra lại thông tin, những người phe cánh hữu đã biến câu chuyện gốc thành dẫn chứng và đăng nó trên trang blog cũng như diễn đàn của mình, châm ngòi cho những định kiến chống Hồi giáo.

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy câu chuyện trên là sai sự thật: lời văn mang tính thiên kiến cảm xúc, và câu chuyện thiếu những liên kết về nguồn uy tín của thông tin đó. Những bức ảnh cũng không có mô tả, không có bức nào được chụp tại nơi diễn ra nghi lễ, và thay vào đó chỉ là ảnh của nhiều nhóm người. Hơn nữa, không có đơn vị tin tức quốc tế nào đưa tin về chuyện này. Những dấu hiệu này dấy lên sự nghi ngờ cho những người có tư duy phản biện, và nghiên cứu trên mạng sẽ chứng minh rằng câu chuyện chỉ là một trò lừa bịp. Tuy nhiên, rất nhiều người thậm chí không hề tra Google để kiểm tra xem nó có phải thật hay không. Nếu bạn nhận được một email với chủ đề có thông tin đáng nghi, hỏi một người biết về chủ đề đó luôn là việc có ích, và xem liệu bạn có lý do để cảnh giác với thông tin đó không.

HUYỀN THOẠI BÁNH BURGER

Bạn có thể đã từng nghe về câu chuyện rằng những chiếc bánh hamburger ở những cửa hàng ăn nhanh có rất nhiều chất bảo quản, đến mức bạn có thể để nó một tháng hoặc một năm mà không bị hỏng. Điều này thực ra là một huyền thoại thời hiện đại được gọi là “huyền thoại bánh burger”, và được tuyên truyền bởi một vài “bà mẹ blogger” sống khỏe, những người không muốn con cái của họ ăn bánh burger. Một nhà báo đã quyết định kiểm tra khẳng định này bằng cách tiến hành thí nghiệm sử dụng phương pháp khoa học bởi vì điều này chưa từng được thử trước đây. Đầu tiên anh đưa ra một vài giả thuyết về các yếu tố giữ bánh burger được tươi, và loại trừ chúng cho đến khi quyết định thử giả thuyết thịt bò không bị thối bởi vì nguyên liệu của nó. Để kiểm tra khẳng định này, anh đã tự mua thịt bò xay và tự làm bánh burger ở nhà để làm vật thí nghiệm. Anh đã mua một vài loại burger của McDonald's và làm những bản sao homemade của chúng, rồi để tất cả ở ngoài, kiểm tra chúng mỗi ngày để xem có nấm mốc hay không. Anh thấy rằng không có cái burger nào là bị hỏng một cách đặc biệt cả - kể cả burger không muối (muối đóng vai trò như là một chất bảo quản). Tuy nhiên, bánh Quarter Pounders cho thấy nhiều dấu hiệu nấm mốc nhất, khiến anh đưa ra kết luận rằng bánh càng lớn thì sẽ bị khô nhanh hơn, làm cho nấm mốc, một loài cần độ ẩm để sinh sôi, có nhiều thời gian phát triển hơn.

Vậy điều này có nghĩa gì? Bất kỳ burger nào được nấu đúng cách sẽ có một vài tính chất tự bảo quản. Người ta đã ướp muối, sấy khô và bảo quản thịt mà không cần tủ lạnh hay tủ đông trong hàng ngàn năm. Việc sấy khô đã bảo quản đồ ăn, chứ không phải những chất hóa học chỉ có ở đô ăn nhanh.

Có rất nhiều khẳng định như vậy trên Internet, trong mọi ngóc ngách của những cộng đồng khác nhau. Việc dẫn chứng toàn bộ những khẳng định đó là không thể nhưng may là tất cả những khẳng định đó có thể được đánh giá theo một cách. Quá trình tư duy phản biện cung cấp một hướng diễn giải cho những thông tin điên rồ được tìm thấy trên mạng, và những bước này sẽ giúp tách sự thật khỏi ảo tưởng.

Điều đầu tiên bất kỳ ai cũng nên cân nhắc khi liên quan đến thông tin trực tuyến đó là nguồn của nó. Trang web đó có thiên kiến chính trị hay ý thức hệ rõ ràng không? Nó có được phát hành độc lập không? Nó có giọng văn nhạy cảm không? Nó được điều hành bởi những kẻ nghiệp dư, hay những nhà báo chuyên nghiệp và những học giả có đạo đức nghề nghiệp? Tất cả những điều này đều quan trọng trong việc quyết định một trang web có đáng tin cậy hay không.

Trường hợp bánh burger cũng mô tả tầm quan trọng của việc cân nhắc tất cả những hàm ý của một khẳng định. Nếu bánh burger nguy hiểm đến thế, tại sao chưa có nhà khoa học hay chính quyền nhà nước nào cấm nó? Thế còn những cộng đồng quốc tế thì sao? Sự im lặng từ những chuyên gia với một chủ đề có thể mang hàm ý rằng thông tin đó là không đúng sự thật.

Cuối cùng, hãy xem những nguồn đáng tin cậy, có đồng thuận với vấn đề đó hay không. Đọc một vài website được điều hành bởi những chuyên gia được nói tới ở trên để tìm ra bất cứ mô hình nào và đọc thêm những nguồn khác để biết thêm thông tin. Một khi bạn tìm thấy “nguồn gốc” nơi mọi người đang thu thập thông tin từ đó, hãy đọc nó. Nếu tất cả những nguồn này đều nói giống nhau, sẽ là công bằng khi đánh giá rằng lời khẳng định đó đáng tin và trung thực.

NHỮNG TRÒ LỪA TRONG TIẾP THỊ

Có cả một ngành công nghiệp được xây dựng để khai thác phản ứng não bộ, nhận thức và thiên kiến của con người để lừa họ mua mọi thứ: Marketing. Toàn bộ lĩnh vực này phát triển quanh ý tưởng rằng có một vài chiến thuật nhất định sẽ làm cho mọi người tiêu tiền vào những thứ họ không cần.

Một trong những chiến lược này là đồng giá 99 cent. Con người có một thứ gọi là hiệu ứng số lẻ, khi mà chữ số ngoài cùng bên trái của giá ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận giá tiền đó nhiều hơn so với những chữ số khác. Vì chúng ta nhận thấy một thứ có giá 19,99 đô la thì thấp hơn hẳn so với một thứ có giá 20,00 đô la (mặc dù nó không rẻ hơn), chúng ta gần như sẽ luôn mua món đồ có giá 19,99 đô la. Những nhà nghiên cứu đã công bố rằng hiệu ứng này xuất phát từ giới hạn của não người khi liên quan đến lượng thông tin nó có thể xử lý; nói cách khác, xu hướng con người thích những thông tin đơn giản hơn là những ý tưởng phức tạp.

Một chiến lược tiếp thị cơ bản khác là điều khiển mọi người dựa trên nhu cầu của họ về lòng tự trọng và có vẻ hơn người. Những nhân viên bán hàng sẽ thường dùng những chiến thuật như hỏi những câu dẫn dắt về chất lượng sản phẩm hay bạn thích nó như thế nào để khiến bạn đồng ý và cuối cùng lừa bạn tin vào những thứ bạn nói về sản phẩm. Nếu bạn có vẻ thích sản phẩm đó, bạn sẽ nhất trí với người bán hàng, và do đó bạn có khả năng sẽ mua nó. Đây là một cách dễ dàng để thao túng những cảm xúc, khiến bạn mua một thứ không cần thiết, hay thậm chí là không thích.

Tất nhiên, phần lớn quyết định mua đồ của chúng ta không dựa trên quá trình suy nghĩ lý trí. Thay vào đó, chúng thường là vô thức. Những nhà tiếp thị khai thác những “động lực mua hàng để thúc đẩy chúng ta mua sản phẩm của họ. Thực tế, khoảng 80% những món đồ xa xỉ và 60% đồ ăn được mua là do động lực mua hàng! Tâm lý học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hiện tượng này. Hiệu ứng Heuristics, hay ý niệm rằng não chúng ta thường để ý tới cái giá cao hơn là giá thật, là một chiến thuật, đây là lý do tại sao những cửa hàng thường đánh dấu những sản phẩm được giảm giá, mặc dù không có sự chênh lệch quá cao, hay có công cụ so sánh giá cả. Những cửa hàng cũng cung cấp những dịch vụ như đảm bảo hoàn tiền nếu người mua đổi ý bởi vì họ muốn khách hàng cảm thấy rằng họ hài lòng với việc mua sản phẩm đó và đã lựa chọn đúng đắn khi mua nó.

Những nhà marketing cũng rất giỏi trong việc phát minh ra những vấn đề khiến khách hàng của họ phải lo lắng. Hãy nghĩ về việc marketing cho hệ thống điều khiển máy quay an ninh đắt tiền đang dần trở nên phổ biến ngày nay, những quảng cáo thường được phát trong những chương trình tv hoặc podcast về tội phạm, và nói với bạn rằng “đây là cách mà bạn có thể bảo vệ chính mình”, cho dù bạn có rất ít hoặc không bao giờ bị giết bởi một kẻ giết người hàng loạt. Các công ty bán hệ thống an ninh đã dựng nên một nỗi sợ hãi, và làm cho nó có vẻ thật nhờ những quảng cáo trong một chương trình giải trí về những sự kiện có thật. Điều này làm bạn quên mất rằng những sự kiện đó thực chất rất hiếm, và khiến bạn nghĩ rằng chìa khóa để xoa dịu nỗi sợ nhân tạo này là mua sản phẩm đó.

MLM (KINH DOANH ĐA CẤP - MULTI-LEVEL MARKETING)

Gần đây bạn có thể đã nhận được một tin nhắn từ một người bạn cũ từ đại học hoặc trung học nói với bạn về một cơ hội kinh doanh mới thú vị mà bạn có thể “làm sếp của chính bạn” hay “giờ giấc linh hoạt” khi bán những mặt hàng như đồ trang điểm, thực phẩm chức năng, dụng cụ thể thao, hoặc dao. Đây là cách nhiều người lần đầu tiếp cận với kinh doanh đa cấp hay MLM, một trò lừa đảo được sinh sôi trên các phương tiện truyền thông. Cảnh giác về những nguy hiểm và hoạt động của MLM là đặc biệt quan trọng, bởi vì chúng là những mô hình kim tự tháp mang vẻ ngoài của mô hình kinh doanh hợp pháp.

Ở mô hình kinh doanh đa cấp, những người bán hàng kiếm tiền từ việc tuyển người bán hàng dưới trướng họ, bởi vì mỗi người được chia một phần lợi nhuận từ những nhân viên họ tuyển. Mọi người tự trả cho sản phẩm của mình và phải trả lại vốn đầu tư của mình bằng cách bán chúng cho những người khác. Nếu họ không kiếm lại được số tiền họ đã đầu tư, họ không thể lên hạng. Mỗi người bán hàng do đó phải tuyển người dưới trướng để có thể giữ cho họ ở trên cao. Đương nhiên, đây không phải là một mô hình kinh doanh bền vững; sau khoảng 15 cấp, họ sẽ phải tuyển toàn bộ con người trên Trái đất để có thể duy trì mô hình MLM! Điều này tương tự với hiện tượng sụp đổ phả hệ, khi hôn nhân cận huyết làm giảm kích cỡ của cây phả hệ cho đến khi nó sụp đổ, như được thấy trong vụ việc nổi tiếng của gia tộc Habsburg, gia tộc đã bị diệt vong do loạn luân. Sự nhanh chóng bão hòa của những nhân viên bán hàng khiến việc duy trì mô hình là không thể xảy ra.

Những mô hình MLM sử dụng chiến thuật của họ một cách rất thuyết phục. Họ biến chính khách hàng của mình thành lực lượng bán hàng, điều này khiến họ trở nên trung thành vì họ đã bị lừa nghĩ rằng sản phẩm họ bán là rất tuyệt vời (hãy nhớ rằng, không ai muốn là người xấu cả). Khoảng 95% những người bán hàng đa cấp không bao giờ kiếm lại được tiền và thực tế còn mất thêm tiền, vì họ không thể giảm tải hàng hóa cho những người ngoài mạng lưới và thay vào đó trở thành chính khách hàng của họ. MLM thường buộc mọi người phải mua số lượng tối thiểu của một món hàng hành động này khiến người bán rất khó thoát khỏi nợ nần. Tuy nhiên, thực sự có những người ở đầu kim tự tháp, những người lầm tưởng rằng họ có thể thành công thậm chí ngay cả khi điều đó cực kỳ khó xảy ra.

Nhiều mô hình MLM về cơ bản là những hiệu thuốc lang băm, họ bán những loại thuốc hoặc sản phẩm liên quan đến sức khỏe mà không có tác dụng hoặc thậm chí có thành phần gây nguy hiểm. Tuy nhiên, họ lừa mọi người mua những sản phẩm này bằng những tuyên bố về hiệu quả quá tốt của thuốc như là các đặc tính tăng cường hệ miễn dịch hay giảm cân tức thì mà không cần phải nỗ lực. Đương nhiên, nếu những thứ này là thật, thì chúng đã tràn lan trên các phương tiện truyền thống và mọi người đã biết đến chúng rồi. Tuy vậy, họ phản bác lại những khẳng định này bằng cách thúc đẩy những thuyết âm mưu về sự đàn áp của các công ty dược phẩm hoặc chính phủ.

Thay vì dựa vào khoa học, những sản phẩm này thường dựa vào những thử nghiệm trên người như một chiến lược quảng cáo. Con người vốn sinh ra đã bị hấp dẫn bởi những câu chuyện của người khác, sau cùng thì chúng ta cũng chỉ là loài động vật xã hội, và những câu chuyện thường lôi cuốn hơn là những báo cáo thí nghiệm. Tuy nhiên, những câu chuyện đó thường sai lệch sự thật. Một vài MLM sẽ khẳng định những sản phẩm của họ được chứng nhận khoa học bởi các chuyên gia, đây là một chiến thuật hiệu quả, nhưng chẳng có bằng chứng nào để bổ trợ những khẳng định này. Do đó, chiến thuật phổ biến nhất vẫn là thử nghiệm trên người và những biến thể về tác dụng của thuốc. May mắn là, tư duy phản biện là một công cụ đánh giá đặc biệt hữu dụng để chống lại những khẳng định và những chiến lược sai lệch được sử dụng bởi MLM, và từ đó bạn sẽ có thể bảo vệ chính mình.

-----o0o-----

Trích: Rèn Luyện Tư Duy Phản Biện

Tác giả: Albert Rutherford

Việt dịch: Nguyễn Ngọc Anh

NXB Phụ Nữ

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan