TỊNH QUANG TRONG MỌI THỨC - ĐỨC ĐẠT - LAI LẠT- MA & JEFFREY HOPKINS

TỊNH QUANG TRONG MỌI THỨC

-Đức Đạt - Lai Lạt- Ma & Jeffrey Hopkins

-----o0o-----

Quá trình đi qua tâm tịnh quang có thể nhanh hay chậm. Một số người ở trong giai đoạn cuối cùng, tâm tịnh quang của cái chết, chỉ vài phút; những người khác ở lâu một hay hai tuần. Đối với một hành giả có khả năng, đây là một cơ hội quý giá để thực hành. Những người ý thức được tâm tịnh quang có thể ở trong trạng thái này những thời kỳ dài hơn và, nhờ sự tu tập trước kia,...
TỊNH QUANG TRONG MỌI THỨC - ĐỨC ĐẠT - LAI LẠT- MA & JEFFREY HOPKINS

Nhiều bản văn diễn tả vài phạm trù khác nhau của tâm hay thức, xếp chúng từ thô đến tế. Cấp độ thô nhất là những thức phối hợp với mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Tế hơn là tâm ý thức, hay tâm suy nghĩ và tưởng tượng, bản thân nó lại được xếp từ những cấp độ thô, như tư tưởng bình thường đến ngủ sâu và bất tỉnh, khi hơi thở đã dừng, cho đến tâm tịnh quang vi tế nhất.

Quan điểm Phật giáo là, những thức thô có một bắt đầu và một chấm dứt, còn tâm vi tế thì không có bắt đầu. Tâm vi tế luôn luôn hiện hữu – liên tục, không bắt đầu hay chấm dứt – và như vậy nhân và quả của nghiệp cũng không có bắt đầu. Trừ khi trong những trạng thái thiền định phi thường, nếu không thức vi tế nhất hay sâu nhất này chỉ biểu lộ khi chúng ta chết, tuy nhiên, những dạng kém sâu và do đó ngắn ngủi hơn của những cấp độ vi tế của thức cũng xảy ra khi đi ngủ, chấm dứt một giấc mộng, hắt hơi, ngáp, và khi cực điểm khoái lạc tình dục. Khi tâm tịnh quang của cái chết cuối cùng biểu lộ, tất cả những sinh sôi vô số của đời sống bình thường tan biến vào nó.

Tiến trình chết cung cấp một cách mạnh mẽ để khảo sát những cấp độ của tâm, thế nên chúng ta hãy xem xét nó trong một số chi tiết. Chết xảy ra trong những giai đoạn, bao gồm một loạt những tiêu tan, hay dừng dứt, của bốn nguyên tố bên trong:

• Đất, khả năng của những chất cứng của thân để thức nương dựa

• Nước, khả năng của những chất lỏng của thân để thức nương dựa

• Lửa, khả năng sức nóng của thân để thức nương dựa

• Gió, khả năng của năng lực chuyển động của thân để thức nương dựa

Trong đời sống bình thường, những nguyên tố này phục vụ như cái khung, hay căn cứ, cho thức; những nguyên tố giống như một con ngựa và thức như người cưỡi ngựa. Trong tiến trình chết, khả năng nâng đỡ thức của những nguyên tố suy giảm, bắt đầu với nguyên tố đất của thân, chuyển tan vào nguyên tố nước. Mỗi bước hòa tan này do đó tăng cường khả năng của nguyên tố kế tiếp phục vụ như nền móng cho thức.

Tám giai đoạn chết

Từng bước giống như sau:

1. Khả năng của nguyên tố đất (những chất cứng đặc như xương) để nâng đỡ thức tan vào nguyên tố nước (như máu và đờm dãi). Dấu hiệu bên ngoài của điều này là thân thể bạn trở nên gầy hơn; bên trong, bạn thấy cái xuất hiện là một ảo ảnh như được thấy trong sa mạc hay trên một xa lộ trời nóng.

2. Rồi khả năng của những chất lỏng nơi thân thể nâng đỡ cho thức tan vào nguyên tố lửa. Những dấu hiệu bên ngoài của điều này là thể lỏng của bạn khô đi – môi khô, mũi nhăn, và những thứ như nước tiểu, máu, mồ hôi, khô đi; bên trong, bạn thấy điều được diễn tả một cách khác nhau như khói phun từng ngụm từ một ống khói hay khói bập bềnh khắp một căn phòng.

3. Rồi khả năng của sức nóng nơi thân nâng đỡ cho thức tan vào nguyên tố gió (những dòng năng lực điều khiển những chức năng khác nhau của thân như thở vào, thở ra, nhổ, nói, nuốt, co giãn các khớp, chân tay, mở đóng miệng và mí mắt, tiêu hóa, tiểu đại tiện...). Dấu hiệu bên ngoài của điều này là nhiệt độ của thân giảm, thành ra không có khả năng tiêu hóa; thở khó khăn, hơi thở ra dài và thở vào ngắn, khò khè. Bên trong, bạn thấy như những đom đóm ban đêm hay như những hạt lửa văng ra từ sắt nóng; đôi khi những điều này được diễn tả như những tia lửa trong khói.

4. Bấy giờ chuyển động của năng lượng trong thân tan đi và hơi thở qua mũi ngừng lại. Vào lúc đó, bạn thấy một xuất hiện như ánh sáng chập chờn trên một ngọn đèn sắp hết dầu. Rồi sau ánh sáng chập chờn là sự xuất hiện một ngọn lửa.

Bốn giai đoạn kế tiếp và cuối cùng đòi hỏi cấp độ khái niệm của thức tiêu tan. Những thức khái niệm này vi tế hơn năm thức giác quan nhưng vẫn còn ở cấp độ thô. Chúng được chia thành ba loại, tương ứng với ba loại khí, hay năng lượng, trên đó chúng cưỡi lên – mạnh, trung bình, và yếu.

• Nhóm thứ nhất gồm các thức khái niệm có một chuyển động mạnh mẽ của năng lượng

của thức đến những đối tượng của nó và Con đường tối thượng: Đại Toàn Thiện gồm 33 kinh nghiệm khái niệm như sợ hãi, bám luyến, đói, khát, thương xót, ham mê, và ghen tỵ.

• Nhóm thứ hai gồm các thức khái niệm có một chuyển động trung bình của năng lượng của thức đến những đối tượng của nó và gồm 40 kinh nghiệm khái niệm như vui, ngạc nhiên, rộng lượng, muốn ôm hôn, anh hùng, không hòa nhã, và không trung thực.

• Nhóm thứ ba gồm các thức khái niệm có một chuyển động yếu của năng lượng đến đối tượng của nó và gồm bảy kinh nghiệm khái niệm, là quên, lỗi lầm, như thấy nước trong một ảo ảnh, thất vọng, lười biếng, nghi ngờ, tham và giận ngang nhau.

Ba phạm trù của các kinh nghiệm khái niệm này là những phản chiếu của những cấp độ thức sâu hơn, tri giác nhị nguyên ngày càng ít đi bởi vì chúng là những dấu ấn của ba cấp độ vi tế của tâm, thỉnh thoảng biểu lộ khi những cấp độ thức thô dừng lại, hoặc cố ý, như trong những trạng thái thiền định sâu, hoặc tự nhiên, như trong tiến trình chết hay đi ngủ.

Khi những năng lượng trên đó 80 kinh nghiệm khái niệm cưỡi lên mà tiêu tan, căn cứ của thức chuyển từ những cấp độ năng lượng thô sang tế (tín đồ đạo Phật gọi là “khí vi tế”), cho phép ba cấp độ vi tế của thức biểu lộ. Khi bạn tiến bộ qua ba cấp độ này, thức của bạn về chủ thể và đối tượng càng trở nên ít nhị nguyên hơn. Cuối cùng dẫn đến cấp độ rất vi tế của thức, tâm tịnh quang, nếu nó được sử dụng trong con đường tâm linh, là cái có hiệu lực nhất. Đây là các cấp độ sâu, cuối cùng:

5. Khi những năng lượng được dùng để cưỡi, như một con ngựa, của nhiều loại thức khái niệm, như một người cưỡi, tiêu tan, tâm bạn chuyển thành một cái bao la màu trắng, sống động, hiện diện khắp. Nó được diễn tả giống như một bầu trời trong sáng đầy ánh trăng – không phải mặt trăng chiếu trong không gian trống trải mà là không gian

trống trải với ánh trăng màu trắng. Tư tưởng khái niệm biến mất, và không có gì xuất hiện ngoài màu trắng sống động này, nó là thức của bạn. Tuy nhiên, một cảm thức vi tế về chủ thể và đối tượng vẫn còn, thế nên trạng thái là nhị nguyên nhè nhẹ. Cái này gọi là “tâm của xuất hiện trắng sống động”, bởi vì một xuất hiện giống như ánh trăng hiện lên, và nó cũng được gọi là “trống không” bởi vì nó vượt khỏi những thức khái niệm và những năng lượng (khí) trên đó chúng cưỡi lên.

6. Khi tâm của xuất hiện trắng và năng lượng của nó tan biến, tâm bạn chuyển thành một bao la màu đỏ hay màu cam, sống động hơn trước; không có gì khác xuất hiện. Nó giống như một bầu trời trong sáng đầy ánh nắng, không gian đầy ánh sáng đỏ hay cam. Trong trạng thái này, tâm còn ít nhị nguyên hơn. Nó được gọi là “tâm của xuất hiện tăng thêm” bởi vì một xuất hiện giống như ánh sáng mặt trời rất sống động xuất hiện, và nó cũng được gọi là “rất trống không” bởi vì nó vượt khỏi tâm xuất hiện trước đó và những năng lượng mà tâm ấy cưỡi lên.

7. Khi tâm của xuất hiện tăng thêm đỏ hay cam và những năng lượng của nó tiêu tan, tâm bạn chuyển thành một trạng thái màu đen sống động còn vi tế hơn; không có gì khác xuất hiện. Cái này gọi là “tâm cận đắc” bởi vì bạn gần với biểu lộ của tâm tịnh quang. Tâm của bao la màu đen thì giống như một bầu trời không trăng, rất tối sau lúc chạng vạng khi chưa có sao. Trong pha đầu tiên của tâm màu đen cận đắc, bạn còn ý thức, nhưng trong pha sau, bạn trở nên vô thức trong một bóng tối rất dày, giống như khi bạn bất tỉnh. Giai đoạn này gọi là cận đắc bởi vì nó gần với biểu lộ của tâm tịnh quang, và nó cũng được gọi là “đại không” bởi vì nó vượt khỏi tâm xuất hiện tăng thêm trước kia và những năng lượng nó cưỡi.

8. Khi tâm màu đen cận đắc tiêu tan, sự bất tỉnh của vô thức được xóa tan, và tâm bạn chuyển thành tâm tịnh quang. Gọi là “tâm tịnh quang nền tảng bẩm sinh”, đây là cấp độ vi tế nhất, sâu thẳm và mạnh mẽ nhất của thức. Hoàn toàn không khái niệm và không nhị nguyên, nó giống như trạng thái tự nhiên của bầu trời bình minh (trước khi mặt trời mọc) – không ánh sáng mặt trăng, mặt trời, hay bóng tối. Cấp độ sâu nhất này được gọi là “tâm tịnh quang nền tảng bẩm sinh” bởi vì nó không tạm thời, trong khi tâm màu đen cận đắc, tâm xuất hiện tăng thêm màu đỏ cam, tâm xuất hiện màu trắng... thì mới được sản sinh ra và phải dừng dứt do sức mạnh của những điều kiện, và như vậy là tạm thời và ngẫu nhiên. Tâm tịnh quang cũng được gọi là “trống không hoàn toàn” bởi vì nó vượt khỏi toàn bộ lĩnh vực của thức khái niệm cũng như ba tâm vi tế trắng, đỏ cam và đen.

Nhắc lại: Khi tiến trình thực sự của cái chết bắt đầu, bạn đi qua tám giai đoạn – bốn cái đầu là sự sụp đổ của bốn nguyên tố, bốn cái sau là sự sụp đổ của thức vào cấp độ bên trong sâu nhất của tâm, gọi là tâm tịnh quang.

Quá trình đi qua tâm tịnh quang có thể nhanh hay chậm. Một số người ở trong giai đoạn cuối cùng, tâm tịnh quang của cái chết, chỉ vài phút; những người khác ở lâu một hay hai tuần. Đối với một hành giả có khả năng, đây là một cơ hội quý giá để thực hành. Những người ý thức được tâm tịnh quang có thể ở trong trạng thái này những thời kỳ dài hơn và, nhờ sự tu tập trước kia, có thể dùng nó để chứng ngộ chân lý tính Không của mọi hiện tượng hiện hữu.

Một vài người bạn tu thiền của tôi đã nói về những kinh nghiệm hòa tan sâu xa, nhưng vẫn ở trong lĩnh vực của những tương tự với các kinh nghiệm thật sự. Một số người Tây Tạng, được tuyên bố là đã chết lâm sàng, đã giữ thân không hư rã trong một thời gian. Mới đây, thân của một lạt-ma dòng Sakya đã duy trì thân thể còn tươi không tan rã hơn 20 ngày. Ông chết ở Dharamsala, Ấn Độ, nhưng vẫn trong thiền định, rồi thân ấy được chở đến Rajpur vùng Dehradun mà vẫn không phân rã.

Điều ấy đáng kể. Tôi biết khoảng 15 người Tây Tạng thân cũng không hư hoại – một số vài ngày, một số lâu hơn, tối đa là ba tuần. Vị thầy trợ đạo thứ hai của tôi, Ling Rinpoche, đã giữ được 13 ngày.

Phần quan trọng trong sự thực hành của riêng tôi là tư duy về bốn giáo lý căn bản, vô thường, khổ, Không và vô ngã, và thêm vào như một phần của tám thực hành nghi lễ khác nhau mỗi ngày, tôi thiền định về những giai đoạn của cái chết. Tôi tưởng tượng sự hòa tan của nguyên tố đất vào nước, nguyên tố nước vào lửa, và tiếp tục tất cả tám giai đoạn. Dù tôi không thể nói về kinh nghiệm sâu xa nào, có một sự ngừng hơi thở ngắn khi nghi lễ đòi hỏi tưởng tượng sự tan biến của mọi xuất hiện. Tôi chắc chắn những mẩu đầy đủ hơn sẽ biểu lộ nếu một hành giả quán tưởng những hòa tan một cách thong thả và triệt để hơn. Bởi vì những thực hành hằng ngày của tôi là tưởng tượng mình trong một hình thức thân tâm lý tưởng, gọi là Yoga bản tôn, tất cả gồm quán tưởng cái chết, tôi tự làm quen với tiến trình, và như vậy, vào thời gian chết thực sự, những bước ấy sẽ hầu như quen thuộc. Nhưng tôi có thành công hay không, tôi không biết.

Trong giai đoạn chót của sự chết, khi mọi thức thô tan vào “trống không rốt ráo”, nó là tâm tịnh quang nền tảng vốn có, vô số sự vật trong thế giới, như những khái niệm đồng và khác, được bình lặng trong tâm vi tế nhất này. Vào lúc đó, mọi xuất hiện của môi trường và chúng sinh tự rút mất. Cho dù người không thực hành, những xuất hiện thô cũng rút mất; sự rút lui của những xuất hiện quy ước này, tuy nhiên, không nhờ vào thấy biết thực tại đạt được qua thiền định. Khi, trong giai đoạn cuối cùng, những khí tạm thời chuyên chở thức đã tiêu tan hết, tâm (dù là người có thực hành hay không) trở nên như không phân biệt, và một mở rộng không ô nhiễm hiện lên.

-----o0o-----

Trích: “Con Đường Tối Thượng Đại Toàn Thiện”

Đức Đạt-lai Lạt-ma & Jeffrey Hopkins

Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức Chuyển ngữ

Nhà Xuất Bản Hà Nội-2019

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan