TÔI CẢM THẤY NHỮNG GÌ MÀ BẠN CŨNG CẢM THẤY - RICHARD DAVID PRECHT - TÔI LÀ AI VÀ NẾU VẬY THÌ BAO NHIÊU?

TÔI CẢM THẤY NHỮNG GÌ MÀ BẠN CŨNG CẢM THẤY

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Richard David Precht

---o0o---

TÔI CẢM THẤY NHỮNG GÌ MÀ BẠN CŨNG CẢM THẤYTôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu? Richard David Precht---o0o---Trong lịch sử nguồn gốc của chúng ta, như đã nói, đạo đức phục vụ mục tiêu điều tiết cuộc sống xã hội của một cộng đồng. Để thực thi điều đó, các thành viên cộng đồng phải có khả năng hòa hợp với người khác, thấu hiểu được cảm xúc và có thể cả suy nghĩ của...
TÔI CẢM THẤY NHỮNG GÌ MÀ BẠN CŨNG CẢM THẤY - RICHARD DAVID PRECHT - TÔI LÀ AI VÀ NẾU VẬY THÌ BAO NHIÊU?

TÔI CẢM THẤY NHỮNG GÌ MÀ BẠN CŨNG CẢM THẤY

Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Richard David Precht

---o0o---

Trong lịch sử nguồn gốc của chúng ta, như đã nói, đạo đức phục vụ mục tiêu điều tiết cuộc sống xã hội của một cộng đồng. Để thực thi điều đó, các thành viên cộng đồng phải có khả năng hòa hợp với người khác, thấu hiểu được cảm xúc và có thể cả suy nghĩ của người khác. Rõ ràng là lúc đó nơ ron gương giúp họ đạt được sự vị tha. Gốc rễ của hành vi vị tha nằm sâu đến mức con người không chỉ giúp người khác, mà hơn nữa, còn thấy đó là một phần thưởng cho mình. Ta sẽ vui mừng khi dỗ nín một đứa bé, ôm và vuốt ve nó, thậm chí còn làm cho nó cười lên. Đồng cảm là bản năng tồn tại trong mỗi một con người bình thường. Có thể phỏng đoán chắc chắn rằng những cảm nhận đạo đức như thế xuất hiện trước tiên, sau đó mới đến các nguyên tắc đạo đức.

Nhưng từ đâu ra cảm giác được thưởng khi làm việc có ích? Cái gì khiến ta hạnh phúc khi ta làm người khác hạnh phúc? Và cái gì làm ta hài lòng khi ta ứng xử có đạo đức? Đi hỏi một nhà nghiên cứu não thì người ấy sẽ nói đến một vùng rất nhỏ nhưng rất đặc biệt trong não (mà ta đã nói đến trong chương về cảm xúc): hạch hạnh nhân. Nó là trung khu sung sướng và đau khổ trong não, và người ta biết về nó nhiều hơn nơ ron gương. Nhiều nhóm nghiên cứu đã nhận thấy rằng những khuôn mặt thân thiện gây ra phản ứng mạnh trong hạch hạnh nhân bên trái, tạo ra cảm giác hân hoan sung sướng. Còn những khuôn mặt tối sầm hoặc có nét đe dọa thì kích thích hạch hạnh nhân bên phải, tạo cảm giác sợ và chán. Những kết quả kiểu ấy được hiện hình trong máy chụp cắt lớp và tiết lộ cho ta rất nhiều. Tất nhiên ảnh chụp cắt lớp chỉ thể hiện một khoảnh khắc chứ không là một bộ phim. Nhưng sự xuất hiện tâm trạng sảng khoái và vui vẻ thì có vẻ đã là một điều rõ ràng. Nụ cười và vẻ rạng rỡ của người khác là phần thưởng cho việc tốt của ta. Vậy là làm việc tốt sẽ tạo tâm trạng tốt, nhất là khi ta nhìn thấy – hay ít nhất cũng hình dung ra được – kết quả việc tốt ấy hiển hiện trên mặt người kia.

Vậy hành vi vị tha dựa trên phần thưởng cho chính mình. Bõ công để tôi làm người tốt. Bõ công cho xã hội, nếu từng người thấy bõ công khi làm việc tốt. Có thể đó là điểm mà Kant đã bỏ qua không ngó tới. Vì theo ông, sự thân thiện bắt nguồn từ ý thức nghĩa vụ mang tính đạo đức cao hơn sự thân thiện do có cảm tình hay theo quán tính. Kant nói, không thể tin vào hứng thú. Cũng không hẳn sai. Nhưng có thể tin vào ý thức nghĩa vụ không? Nếu đem so sánh thì còn tệ hơn. Vì hoàn tất một nghĩa vụ sẽ chỉ là một hứng thú yếu ớt, so với sự sung sướng khi bạn tặng niềm vui.

Trước Kant, nhiều triết gia lý giải đạo đức là nghĩa vụ trước Chúa. Ai sống và làm việc theo ý Chúa, người đó có đạo đức, người đó sống đúng. Nhưng Kant đã giải phóng đạo đức khỏi nghĩa vụ của con người trước Chúa. Thay vì chịu nghĩa vụ trước Chúa, con người nên nhận nghĩa vụ trước chính mình. Đó là điểm thiết yếu trong hình dung của ông về “quy luật đạo đức trong tôi”. Xét về phương diện tâm lý, điều đó có nghĩa là: tôi ứng xử có đạo đức hay không, đó là vấn đề tự trọng. Về điểm này thì Kant hoàn toàn đúng. Theo tôi nghĩ, có vẻ như hứng thú làm việc tốt giàu nhân tính hơn nghĩa vụ làm việc tốt. Nhưng đạo đức chỉ trở thành đạo đức, khi tôi lấy cảm nhận sung sướng ra làm cơ sở cho cách ứng xử thân thiện nói chung, vì tôi biết tự trọng. Tuy nhiên ở đây cũng cần nói thêm: làm người tốt bõ công đến đâu, còn phụ thuộc vào cộng đồng mà ta chung sống. Mệnh lệnh thức nhất quyết không phải lúc nào cũng có lợi cho người đang ngồi tù, và ở Bronx cũng không. Ở đây lòng tự trọng xung khắc với áp lực và sự cần thiết phải tự khẳng định. Nhưng về nguyên tắc thì năng lực đạo đức là một thành tố quan trọng của con người. Một xã hội thiếu những khái niệm "đúng" và "sai" sẽ là điều tồi tệ nhất mà ta có thể tưởng tượng ra – nếu quả thực có thể tưởng tượng ra được.

“Nhân tính” là di sản Thiên Chúa giáo phương Tây, dụ ta tin rằng đạo lý là bản tính cơ bản nhất của giống người. Có vẻ như bẩm sinh con người không hoàn toàn tàn bạo, cũng chẳng một trăm phần trăm cao quý, mà là cả hai. Lỗ thủng trong sọ Gage hôm nay tiết lộ vài điều về trung khu kiểm tra đạo đức trong não. Và các nơ ron gương cho phép phỏng đoán lờ mờ cách hoạt động của sự đồng cảm trên bình diện tế bào thần kinh. Nhưng không phản ứng hóa học nào tự nó tổ chức ra cảm tình, tình yêu hay trách nhiệm. Đó là việc ta phải tự làm – một phần cũng vì nó đem lại phần thưởng cho ta. Câu hỏi quan trọng duy nhất mà ta chưa giải quyết được là: có phải nhờ kinh nghiệm sống mà ta biết là làm người tốt thì bõ công, hay vừa ra đời ta đã biết rồi? Ta có thật sự ra đời với một “quy luật đạo đức” có sẵn trong người, như Kant nói? Ít nhất thì đại đa số chúng ta không cần suy nghĩ lâu cũng nói được rằng hành vi này tốt hay xấu. Rõ ràng đó là cảm nhận trực giác. Nhưng "đạo đức trực giác" cụ thể là gì?

---o0o---

Trích: Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?

Tác giả: Richard David Precht

Trần Vinh dịch

Nhà xuất bản Dân Trí

Ảnh: nguồn Internet

Trang: 218-221

Bài viết liên quan