TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT - THỰC HÀNH KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ - ĐƯƠNG ĐẠO

TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT

THỰC HÀNH KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ - ĐƯƠNG ĐẠO

---o0o---

Khi thấy và sống được tâm không chỗ trụ này, thì bấy giờ hết nghiệp, vì có muốn trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp cũng không thể được nữa, bởi vì chúng trở thành hoa đốm giữa hư không. Lúc ấy mới là thiền định chân thật, thiền quán chân thật.
TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT - THỰC HÀNH KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ - ĐƯƠNG ĐẠO

Phật bảo Tu Bồ Đề: Ý ông thế nào? Xưa kia ở Đức Phật Nhiên Đăng, Như Lai có chỗ đắc pháp nào không?

Bạch Thế Tôn, không. Xưa kia ở Đức Phật Nhiên Đăng, Như Lai thật không chỗ đắc pháp.

Có chứng, có đắc đều là do tướng và tưởng về ngã về pháp. Khi nhận ra tướng và tưởng chỉ như những đám mây nhỏ như còn như mất trong hư không mười phương thanh tịnh, thì cái hư không chân diện mục ấy có phải do tu tập tẩy rửa tướng và tưởng mà có ư? Cái hư không mười phương vô biên ấy có thể do vọng tưởng được mất, tăng giảm mà rộng hẹp được ư?

Phải kinh nghiệm được mình là cái hư không chân diện mục ấy thì mới bước vào con đường tánh Không, con đường giải thoát, mới bắt đầu hiểu “Như Lai thật không chỗ đắc pháp”.

Phải dùng tất cả phương tiện tu tập phù hợp, chỉ, quán, chỉ quán song tu, các hạnh Bồ tát… với nhiệt thành của tất cả thân tâm niệm niệm liên tục để đạt đến chỗ ấy. Cái chỗ mà được mất không thể làm hại, thời gian không thể làm hại, không gian không thể làm hại, tất cả hay dở, xấu đẹp, diệu kỳ hay ghê tởm của các cõi không thể làm hại.

Thấy rõ tướng và tưởng không thể có vì vô tự tánh, mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp đều không thể có vì vô tự tánh, ngay khi ấy người ta ở trong nguồn tâm không chỗ trụ, thấu thoát khắp mười phương.

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Bồ tát có trang nghiêm  cõi Phật không?

Bạch Thế Tôn, không. Vì sao thế? Trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm.

Thế nên, Tu Bồ Đề! Các đại Bồ tát phải nên như vậy mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm. Nên không chỗ trụ như vậy mà sanh tâm.

Trang nghiêm cõi Phật bằng những đức hạnh là sự tích tập công đức của Bồ tát, nhưng việc ấy phải đi liền với tích tập trí huệ, nghĩa là thực hiện trong tánh Không, không có dấu vết của ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, đó là “sanh tâm thanh tịnh”, đó là thật tu thật hành.

“Trang nghiêm tức chẳng phải trang nghiêm”, ngay trong hành động ấy là giải thoát. Trí huệ chính là cái chẳng phải này, là sự vắng bặt của bốn tướng. Cái chẳng phải này bác bỏ và phá tan từng mảnh của sanh tử. Quan sát sự vô tự tánh cho đến tận cùng, khi tất cả đều không thể đắc, thì chứng ngộ tâm bổn nguyên không chỗ trụ, vốn xưa nay hiện diện trước mắt, chưa từng cách hở với chúng ta mảy lông cọng tóc. Đó cũng là khuôn mặt xưa nay muôn thuở của chúng ta.

Cái tâm không trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp, cái tâm không chỗ trụ này, chính là tâm vốn thanh tịnh xưa nay của tất cả chúng ta. Nó đang hiện diện trong chúng ta và trước mắt chúng ta, rỗng suốt, sáng tỏ, sạch trưng, thấu thoát qua mọi tướng và tưởng cho nên không có tướng và tưởng nào làm nhiễm ô được. Nhận rõ nó, sống trong từng niệm niệm với nó, thì mới biết xưa nay chưa từng có sanh tử, và chúng ta cũng chưa từng một phút giây nào sanh ra trong sanh tử. Khi tâm không trụ vào cái gì cả, nghĩa là không dính dáng với cái gì cả, không dính dáng với một mảnh không gian thời gian nào cả, không dính dáng với một cái tôi, một con người, một chúng sanh, một thọ mạng nào cả, ngay khi ấy đó là tâm giải thoát. Và sống được trong từng niệm niệm tâm không chỗ trụ không dính dáng này, đó là sự giải thoát, không còn dính dáng đến bất kỳ tướng hay tưởng nào, không còn dính dáng với bất kỳ cõi dơ hay cõi sạch nào nữa.

“Nên không chỗ trụ như vậy mà sanh tâm” đó là thiền định và thiền quán, cho đến lúc trực tiếp thấy được tâm không chỗ trụ xưa nay thanh tịnh này.

Khi thấy và sống được tâm không chỗ trụ này, thì bấy giờ hết nghiệp, vì có muốn trụ vào sắc thanh hương vị xúc pháp cũng không thể được nữa, bởi vì chúng trở thành hoa đốm giữa hư không. Lúc ấy mới là thiền định chân thật, thiền quán chân thật.

Tu Bồ Đề! Ví như có người, thân như núi Tu Di. Ý ông thế nào? Thân ấy có lớn không?

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất lớn. Vì sao thế? Phật nói chẳng phải thân, ấy gọi là thân lớn.

“Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc”. Sự xuất hiện của một hình tướng thì thấy ngay nó chẳng khác tánh Không, nó tức là tánh Không. Sự xuất hiện hình tướng và tánh Không là đồng thời.

Sự quán chiếu trực tiếp và mạnh mẽ này lập tức đưa chúng ta đến bờ bên kia, bờ giải thoát. Sự quán chiếu trực tiếp sắc thanh hương vị xúc pháp của sanh tử tức là tánh Không vô tự tánh, vô sở hữu, chỉ là tánh Không ngoài ra không thể có thứ gì hết, khiến sanh tử tiêu tan như giấc mộng ngày hôm qua.

Nếu một trái núi lớn mà thấy được là tánh Không thì trái núi lớn ấy không phải là núi lớn nữa, mà là vô hạn. Nếu sanh tử mà thấy được là tánh Không thì sanh tử không phải là sanh tử nữa, mà là vô hạn.

---o0o---

Trích: "Thực Hành Kinh Kim Cương Bát Nhã"

Giảng giải: Đương Đạo

Nhà Xuất  Bản: Thiện Tri Thức, 2015

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan