TRẠNG THÁI BỔN NGUYÊN CỦA PHẬT QUẢ -Padmasambhava

TRẠNG THÁI BỔN NGUYÊN CỦA PHẬT QUẢ

-Padmasambhava

-----o0o-----

Trong Đại Toàn Thiện có nói rằng một nền tảng hay cơ sở đơn nhất, nhưng có hai đường, một của giác và một của vô minh, và kết quả là có hai quả, hiện hữu như một vị Phật và hiện hữu như một chúng sanh bình thường.
TRẠNG THÁI BỔN NGUYÊN CỦA PHẬT QUẢ -Padmasambhava

Emaho!

Chính cái tâm đơn nhất trùm thông tất cả sanh tử và niết bàn.

Dù bản tánh cố hữu của nó đã hiện hữu từ sơ thủy, con đã không nhận biết nó.

Dù sự trong sáng và hiện diện của nó là không dứt, con đã chưa gặp khuôn mặt của nó.

Dù sự sanh khởi của nó không bị che ám ở đâu cả, con vẫn chưa nắm hiểu nó.

Thế nên sự (dẫn nhập trực tiếp) này có mục tiêu đưa con đến tự nhận biết.

Mọi cái được các Bậc Chiến Thắng của ba thời

Trong tám vạn bốn ngàn cửa vào Pháp.

Thì không hiểu được (trừ phi con thấu hiểu tánh giác nội tại).

Thật vậy, các Bậc Chiến Thắng không dạy gì khác hơn là sự thấu hiểu cái này,

Nhưng về thật nghĩa, có ba tuyên bố sẽ đưa con vào tánh giác nội tại của chính con.

Sự đưa vào Trạng thái Bổn nguyên biểu lộ này của Bậc Chiến Thắng.

Được hiển bày bởi phương pháp sau để đi vào thực hành, nơi không có những thực hành trước đó hay tiếp sau.

Bình Giảng bởi Vajranatha (John Myrdhin Reynolds):

Bây giờ tác giả tiến hành thông báo cho chúng ta ý định của ngài. Dòng đầu là, “Chính cái tâm đơn nhất trùm thông tất cả sanh tử và niết bàn”. Ở đây “tâm” không phải là tiến trình tư tưởng bình thường của chúng ta, mà là bản tánh của tâm, nó giống như tấm gương có khả năng phản chiếu bất cứ cái gì đặt trước nó, dầu đẹp hay xấu, thuộc sanh tử hay niết bàn. Hoặc chúng ta ở trong trạng thái giác ngộ của một vị Phật hay trạng thái không giác ngộ của một chúng sanh bình thường, cái hiện diện trong cả hai trường hợp là bản tánh của tâm; đó là nền tảng bổn nguyên (ye gzhi), bao trùm cả giác (rig-pa) và không giác (ma rig-pa). Như vậy bản tánh của tâm là một từ tổng quát hơn, trong khi Rigpa, nghĩa là tánh giác nội tại hay hiện diện trực tiếp, thì giống như khả năng phản chiếu của tấm gương. Có khả thể của cái đối nghịch của nó: vô minh hay không giác. Trong Đại Toàn Thiện có nói rằng một nền tảng hay cơ sở đơn nhất, nhưng có hai đường, một của giác và một của vô minh, và kết quả là có hai quả, hiện hữu như một vị Phật và hiện hữu như một chúng sanh bình thường. Từ đó, Rigpa, tánh giác nội tại, là chủ đề đích thực của bản văn này, như được chỉ ra trong tựa đề Rig-pa ngo-sprod, “một dẫn nhập trực tiếp vào tánh giác nội tại của chính mình”. Trong bối cảnh Đại Toàn Thiện, chính xác thì sự “dẫn nhập” này là công việc của Guru hay vị thầy: chỉ ra, khai thị một cách trực tiếp bản tánh của tâm mình như là tánh giác nội tại. Chủ đề trong lời dạy này của Padmasambhava là cái gì được tìm thấy nơi trái tim của kinh nghiệm tức thời của chúng ta; nó không phải là một loại thực thể giả thuyết siêu hình học nào đó được khám phá qua tư duy triết lý.

Nói đến tâm này, Padmasambhava nói rằng bản tánh vốn có của nó, tánh giác nội tại, đã hiện hữu từ nguyên thủy, nghĩa là nó không được tạo ra ở một điểm nào đó trong thời gian. Nhưng nó đã không được nhận biết vì vô minh hay không giác của chúng ta trong mọi đời trước. Nó giống như một viên ngọc quý tự tỏa sáng mà trải qua vô số thế kỷ đã bị bọc thêm nhiều lớp tạp chất. Những lớp che chướng này là phiền não chướng và sở tri chướng. Những phiền não chướng chủ yếu là những phiền não tiêu cực và ích kỷ của chúng ta, như giận dữ, tham lam, ghen tỵ, kiêu căng… Những sở tri chướng là những ý niệm tri giác sai và lầm lẫn về thực tại. Ngay lúc này, dù cho sự hiện diện sáng rõ hay tánh giác vẫn không ngừng dứt, nhưng chúng ta không trực tiếp gặp nó mặt đối mặt. Và dù sự hiện hữu của nó thì không chỗ nào bị che ám chướng ngại hay đứt đoạn, chúng ta vẫn không nắm hiểu hay nhận ra nó. Ba dòng ở trên của bản văn ám chỉ bản tánh của tâm theo Tinh Túy của nó, đó là tánh Không, Bản Tánh của nó là sự sáng tỏ quang minh, và Năng Lực của nó thì không bị chướng ngại hay đứt đoạn và thấm nhuần khắp.

Upadesa hay giáo huấn bí mật này của Guru có mục tiêu đem chúng ta đến tự nhận biết, nghĩa là sự nhận biết tánh giác nội tại vốn sẵn của chúng ta. Những giáo lý của đức Phật đã được chia theo truyền thống thành tám vạn bốn ngàn cửa để vào Pháp. Tại sao có con số chính xác này? Có hai mươi mốt ngàn cửa thuộc về Giới Luật được trình bày như là những đối trị cho chất độc của tham lam và bám luyến, có hai mươi mốt ngàn cửa thuộc về Kinh được trình bày như những đối trị cho thù hận và tức giận, và có hai mươi mốt ngàn cửa thuộc về Luận được trình bày như những đối trị cho lầm lẫn của mê mờ. Cuối cùng, có hai mươi mốt ngàn cửa được trình bày như những đối trị cho tất cả ba loại những chất độc ấy, chúng là những phiền não gốc. Như vậy là toàn thể tám vạn bốn ngàn. Tất cả những giáo lý được các Bậc Chiến Thắng của ba thời quá khứ, hiện tại, và vị lai thì không thể hiểu được nếu chúng ta không thấu hiểu điểm đơn nhất là tánh giác nội tại này. Jina là danh hiệu của đức Phật, có nghĩa là Bậc Chiến Thắng, và Ngài được gọi như vậy bởi sự chiến thắng của Ngài đối với bốn loại Ma vào lúc giác ngộ. Như vậy ngài là người đã toàn thắng vòng luân hồi chết và tái sanh và đi vào trong trạng thái bất tử. Ở đây Phật của ba thời không chỉ là Dipankara (Nhiên Đăng), Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni), và Maitreya (Di Lặc), như thường được diễn tả trong tranh tượng Phật giáo, mà là tất cả chư Phật biểu lộ qua vô tận thời gian và không gian. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy tám vạn bốn ngàn cửa Pháp này để chúng ta có thể đến chỗ thấu hiểu bản tánh của chính chúng ta và bản tánh của hiện hữu. Ngài làm điều này chỉ vì lợi lạc của chúng sanh mà không vì lý do nào khác.

Tuy nhiên, dù có vô biên kinh điển, thật nghĩa (don) được đức Phật tuyên thuyết không nằm ở đâu khác ngoài ba tuyên bố đưa người ta vào tánh giác nội tại của mình. Đó là “Ba Tuyên Bố Đánh vào Điểm Cốt Lõi” nổi tiếng. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, vị thầy con người đầu tiên của Đại Toàn Thiện là Báo thân Garab Dorje (Skt. Prahevajra), ngài xuất hiện như một chú bé sớm phát triển và đầy thần lực ở xứ sở Uddiyana, một nơi ở tây bắc Ấn Độ. Đại học giả Phật giáo Manjusrimitra, đã nghe nói đến đạo sư này, từ Đông Ấn đến Sitavana và, sau chỉ vài lời trao đổi, đã cải tâm theo cái thấy của Đại Toàn Thiện. Thời gian sau, khi Garab Dorje vào niết bàn, đệ tử của ngài thốt lên những câu ta thán, “Mặt trời đã lặn khỏi thế giới, chúng ta làm sao đây?” vào lúc đó Garab Dorje tự biểu lộ giữa trời trong một hình cầu ánh sáng cầu vồng, và ngài nói ba lời tuyên bố này đại diện cho chúc thư cuối cùng của ngài. Sau đó Manjusrimitra sắp xếp những bản văn đã nhận lãnh và trao truyền cho Srisimha. Từ Srisimha những giáo lý được truyền cho Padmasambhava, Vimalamitra, và Vairochana dịch giả.

Ba Tuyên Bố này tóm gọn những điều cốt lõi của những giáo lý Đại Toàn Thiện. Đó là:

1. Dẫn nhập trực tiếp vào bản tánh của chính mình (ngo rang thog-tu sprad-pa);

2. Trực tiếp khám phá trạng thái độc nhất này (thag-gcig thog-tu bcad-pa);

3. Trực tiếp tương tục trong sự tin chắc vào giải thoát (gdeng grol thog-tu bca-ba).

Dudjom Rinpoche giải thích ba điểm này như sau: Tánh giác trực tiếp tức thời tươi nguyên này của khoảnh khắc hiện tại thì siêu vượt mọi tư tưởng liên hệ đến ba thời; Chính nó là tánh giác bổn nguyên (ye-shes). Cái này là sự hiện diện hay tánh giác thuần túy và tự hữu. Đây là sự dẫn nhập trực tiếp vào tự tánh của mình. Bất cứ hiện tượng nào của sanh tử hay niết bàn biểu lộ, tất cả chúng tượng trưng cho tiềm năng của tánh giác nội tại của mình. Bởi vì không có cái gì vượt khỏi chỉ cái này, người ta cần tương tục trong trạng thái của tánh giác đơn nhất và kỳ diệu này. Thế nên, người ta phải khám phá, phát hiện trạng thái trực tiếp duy nhất này, và không có cái gì hiện hữu khác hơn nó. Bất cứ những tư tưởng nào thô hay tế sanh khởi, bằng cách chỉ nhận biết bản tánh của chúng, tất cả chúng sẽ sanh khởi và được giải thoát đồng thời trong trường bao la của Pháp thân nơi tánh Không và tánh giác là bất khả phân. Thế nên, người ta cần tương tục một cách trực tiếp với sự tự tin chắc vào giải thoát của chúng.

Ba Tuyên Bố này là mẫu mực của mọi vô số bộ sách của Đại Toàn Thiện. Mọi bản văn đều liên hệ với nghĩa cốt lõi này; chúng chỉ là giải thích những phương pháp khác nhau làm cách nào đi vào trạng thái thiền, đến mức chúng ta có thể kinh nghiệm trực tiếp tánh giác nội tại cho chính chúng ta. Điểm cốt yếu ở đây là hiểu biết nó chứ không phải một truyền thống xưa cũ đáng kính nào. Sự hiểu biết này siêu việt thời gian và lịch sử. Tuyên bố thứ nhất ám chỉ một sự đưa trực tiếp vào bản tánh của chính chúng ta, đó là tánh giác nội tại. Đây chính là điều tác giả đang làm trong bản văn này; Guru Padmasambhava đưa chúng ta trực tiếp vào bản tánh của tâm chúng ta nhờ Upadesa này. Sự dẫn nhập này của Guru là làm sao người ta vào Đại Toàn Thiện. Không có những thực hành tiên quyết hay sơ bộ nào cho sự đưa vào này, cũng không đòi hỏi những thực hành nào phải theo đuổi sau sự được đưa vào. Như vậy có nói trong bản văn rằng sự đưa vào Trạng Thái Bổn Nguyên hiển lộ của Bậc Chiến Thắng là một phựơng pháp để đi vào thực hành, nơi đó không có một thực hành ở trước hay một thực hành tiếp sau. Sự thể nhập vào tánh giác nội tại bằng cách dẫn vào trực tiếp là đủ, bởi vì tánh giác nội tại là phẩm tính cốt lõi và vốn sẵn của Trạng Thái Bổn Nguyên của Phật quả, trong đó Ba Thân hiện hữu trong sự biểu lộ trọn vẹn, như giải thích ở trước. Tánh giác nội tại này thì vượt khỏi thời gian và điều kiện; nó vượt khỏi tâm.

-----o0o-----

Trích: Tự Giải Thoát Qua Thấy Với Tánh Giác Trần Trụi

Padmasambhava – Guru Liên Hoa Sanh, Bình Giảng của Vajranatha

Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, NXB: Thiện Tri Thức, 2012.

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan