TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN - Đi Vào Kim Cương Thừa - Thinley Norbu

TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN

-Thinley Norbu

-----o0o-----

TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN-Thinley Norbu-----o0o-----Trạng thái tự nhiên, không bị điều kiện hóa của chư Phật và những hiện tượng vô lượng của trạng thái đó thì luôn luôn thanh tịnh một cách bình đẳng. Thế nên, tất cả chư Phật không bao giờ ở trong những trạng thái trung ấm bởi vì các ngài luôn luôn trụ trong cõi Phật trí huệ kim cương bất khả phân. Chúng sanh có cùng sự thanh tịnh không bị...
TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN - Đi Vào Kim Cương Thừa - Thinley Norbu

TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN

-Thinley Norbu

-----o0o-----

Trạng thái tự nhiên, không bị điều kiện hóa của chư Phật và những hiện tượng vô lượng của trạng thái đó thì luôn luôn thanh tịnh một cách bình đẳng. Thế nên, tất cả chư Phật không bao giờ ở trong những trạng thái trung ấm bởi vì các ngài luôn luôn trụ trong cõi Phật trí huệ kim cương bất khả phân. Chúng sanh có cùng sự thanh tịnh không bị điều kiện hóa như chư Phật, nhưng do không nhận biết sự thanh tịnh bình đẳng của những phản chiếu của tâm như tấm gương, họ lại chuyển vào những hiện tượng bất bình đẳng, sanh tử của những trạng thái trung ấm.

Những thói quen phiền não trước kia là những hạt giống cho những thói quen mới, đến từ nền tảng của tâm (alaya), và tạo ra tất cả sáu cõi trong đó chúng sanh hiện hữu trong trung ấm đời sống giữa sanh và chết. Bất cứ ai có được một sanh ra làm người trong trung ấm này đều may mắn có cơ hội tịnh hóa mọi hiện tượng của những trạng thái trung ấm bằng học hỏi và thực hành. Bấy giờ tâm che ám có thể được tịnh hóa và giác ngộ.

Có nhiều sadhana để thoát khỏi những trạng thái trung ấm, tùy theo khả năng và mong muốn cá nhân khác nhau. Sau khi chọn lựa và hiểu sự thực hành của mình bằng cách nghe thầy dạy, chúng ta có thể dùng kiến thức của mình về những điều kiện của những trung ấm bằng cách áp dụng những tư tưởng căn bản của thực hành tương ứng với những trạng thái ấy, chẳng hạn những điều được tổng hợp trong Sáu Yoga.

Những thực hành quan trọng nhất trên con đường của Kim Cương thừa bên trong là giai đoạn quán tưởng và giai đoạn thành tựu. Trong giai đoạn thành tựu, có những thực hành với những đặc tính (có hình tướng) và không những đặc tính (không có hình tưởng). Đối với những người thực hành Đại Toàn Thiện, nó vốn là không có bản chất và không có đặc tính (tshenmed), không cần thiết cũng thực hành giai đoạn thành tựu với những đặc tính (tshenchay), như trong sáu yoga. Nhưng nếu hành giả muốn, dĩ nhiên họ có thể dùng những phương pháp này hợp với khả năng của họ, sử dụng chúng như những bước trên con đường.

Trung ấm của sanh và chết là đời sống trong sáu cõi, trong đó chúng sanh hiện hữu như một kết quả của những hiện tượng nghiệp của mình. Nó được gọi là trung ấm bởi vì tâm đã di chuyên khỏi tánh thanh tịnh bổn nguyên và lang thang trong khổ đau mê lầm của thói quen chấp thực, trừ phi nhận biết và đạt được tiềm năng trở lại tánh thanh tịnh bổn nguyên, sự kéo dài của trung ấm này tùy thuộc vào thói quen nghiệp đã được tạo ra trước kia của mỗi cá nhân.

Theo Phật giáo, cơ hội để giải thoát khỏi sanh tử chủ yếu ở trong cõi người, nơi có thể thực hành Pháp. Để không hao phí đời người, mọi hoạt động của con người cần gắn bó với Pháp. Một số người có nghiệp tốt, nối kết với những giáo lý như một kết quả của tích tập công đức trước kia, và tự động dùng thứ gì đã học cho lợi lạc tối hậu của chúng sanh. Chính lợi lạc này là mục tiêu thật của những môn nghiên cứu của Phật giáo như nghệ thuật, thơ ca, múa, y học, sinh học, vật lý học, thiên văn học, ngữ nghĩa học, luận lý học, triết học. Người khác cũng học nhưng chỉ dùng cho lợi lạc tạm thời của họ trong đời này. Đây là một sử dụng sai kiến thức, nó sẽ tạo ra những chướng ngại cho sự trừ bổ bản ngã. Bởi vì không trong suốt, hiểu biết bị bản ngã che ám sẽ ngăn chặn cái nhìn rộng mở và làm giới hạn cái biết.

Cốt tủy của sự học là cảnh giác với những thói quen để thay đổi chúng. Bấy giờ chúng ta có thể hiểu bất cứ điều gì đã học và giải phóng khỏi mâu thuẫn. Học mà không thực hành sẽ có nguy cơ phát triển thói quen trí thức hóa. Suy nghĩ lý luận có thể tạo ra, thay vì xua tan, những mâu thuẫn về những giáo lý nếu nó không được đặt trên một viễn cảnh tâm linh. Để hiểu được, những giáo lý đòi hỏi sự giải thích của các bậc cao cả. Không thực hành, chúng ta sẽ thất vọng nhiều khi quan điểm của mình không phù hợp với những hiểu biết hay kinh nghiệm mới vượt khỏi lý luận.

Chỉ lợi lạc tạm thời cho chúng ta khi sưu tập những tư tưởng trí thức bình thường về Pháp. Nếu tư tưởng chúng ta đặt nền trên quan điểm hạn hẹp và không nối kết được với trí huệ của Phật pháp, chúng rốt rồi lại khiến những phẩm tính tiêu cực tăng thêm. Như Patrul Rinpoche đã nói, đây là “dựa vào Pháp, và rồi tạo ra nghiệp xấu của phi Pháp.” Để tránh điều này, khi đi vào con đường giác ngộ, chúng ta cần đọc và nghe những tiểu sử kỳ diệu, làm kinh ngạc của các vị thánh và các Bồ tát, khiến chúng ta khao khát cam kết hàng phục bản ngã và làm tăng trưởng những phẩm tính vô biên của trí huệ.

Nhiều người nói người ta phải học để biết, nhưng ít người nói để có thể biết, người ta phải thực hành. Kinh có nói:

Ai biết Pháp nhưng không thực hành thì như một nhạc sĩ điếc có thể làm những người khác hạnh phúc, nhưng không thể nghe nhạc của mình.

Ai biết Pháp nhưng không thực hành thì giống như một nhà hàng hải giỏi có thể hướng dẫn những người khác vượt đại dương, nhưng chết trong biển.

Ai biết Pháp nhưng không thực hành thì giống như người có thể nghe và thấy nước, nhưng không thể uống để hết khát.

Và như Longchen Rabjam nói:

Bởi vì hiểu biết thì nhiều như vô số sao trên trời, Sự nghiên cứu những ý tưởng thì không bao giờ cạn. Thế nên trong đời này, tốt hơn là chứng ngộ bản tánh, Yếu nghĩa của Pháp thân.

Nếu chúng ta sử dụng dịp may có được một sự sanh ra làm người để đạt đến giác ngộ trong trung ấm của sanh và chết, nó lợi lạc cho chúng ta trong mọi trạng thái trung ấm khác. Đôi khi có nghe nói rằng thực hành Kim Cương thừa thì nguy hiểm, nhưng không có gì nguy hiểm hơn ở lại trong sanh tử một cách liên tục. Thật là vô nghĩa khi không thực hành hay xa lìa khỏi Pháp vì thận trọng hay sợ hãi. Kết quả của việc này là chỉ lang thang trong những hiểm nguy của sanh tử qua nhiều đời.

Sự khổ đau của vô số đời chỉ được nhổ tận gốc trong một đời bằng phương pháp Kim Cương thừa, bởi những người có lòng sùng mộ và quan điểm đúng. Không chỉ trong nhiều phương pháp khác nhau của Kim Cương thừa có những nguy hiểm, mà bất kỳ loại ý tưởng tâm linh và Pháp nếu sử dụng sai với quan điểm sai đều có thể nguy hiểm. Thay vì ngần ngại và nghi ngờ, chúng ta phải nghiên cứu, học và đặc biệt là thực hành Pháp quý giá nhất này cho đến khi chúng ta có sự tự tin rõ ràng chính xác vượt khỏi mọi nguy hiểm.

Thực hành nào cũng cần sự hướng dẫn của các vị thầy cho đến khi có được sự tự tin. Có nhiều khác nhau trong những sadhana và những luận giảng về chúng, và trong khả năng và kinh nghiệm cá nhân. Những thực hành ấy phải được vị thầy ấn định và phải theo những lời dạy của ngài. Ở đây những thực hành không được diễn tả rất chi tiết để tránh lẫn lộn, mà để tạo ra một nối kết với con đường giác ngộ.

Ngày nay, nhiều học trò dễ hiểu sai khi không biết sự quan trọng của việc nhận những ban phước của dòng phái dựa trên những chỉ dạy và kinh nghiệm của những vị thầy. Thay vào đó, họ cố gắng lấy cái gì họ muốn biết từ một cuốn sách. Như một thói quen tin vào sự bình đẳng trong xã hội, họ cho rằng kính trọng là chuyên chế và sợ phải tôn thờ những vị thầy. Những giáo lý của Kim Cương thừa bên trong, như sáu yoga, đặc biệt phải được thực hành không chỉ từ đọc những cuốn sách, mà với đức tin và với những vị thầy có thẩm quyền, để ngăn ngừa những khó khăn hay năng lượng rối loạn phát sanh từ sự hiểu sai và dùng sai những giáo lý ấy. Trong thời suy thoái hiện đại, người ta thích thú những hiện tượng mới, những tư tưởng mới để tạo ra những vật chất mới. Pháp không vật chất cũng bị lạm dụng theo cách ấy. Trong thực hành, những hiện tượng vật chất chỉ được dùng tạm thời, không phải để tạo ra những hiện tượng bình thường, mà để đạt đến thân, ngữ, tâm trí huệ không vật chất.

Những thực hành truyền thống của Kim Cương thừa bên trong có thể tổng hợp vào sáu yoga. Tất cả sáu yoga có thể được thực hành trong trạng thái trung ấm của sanh và chết để thoát khỏi mọi trung ấm khác. Sự giải thích sáu trung ấm và sự giải thích sáu yoga tự động liên hệ lẫn nhau. Cả hai chỉ diễn tả những phương diện khác nhau của một tâm, nó là nền tảng của những hiện tượng của những trạng thái trung ấm và những hiện tượng của thực hành, để tăng cường sự biểu lộ của những hình tướng tích cực.

-----o0o-----

Trích: Đi Vào Kim Cương Thừa

Tác giả: Thinley Norbu

Người dịch: Ban Dịch thuật Thiện Trị Thức

NXB: Thiện Tri Thức, 2009

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan