TRUNG ẤM ĐỜI SỐNG - NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO - H.E. GARCHEN RINPOCHE

“Đi vào con đường không xao lãng của học hỏi, tư duy, và thiền định” là dòng thứ 3 của câu kệ Trung ấm Đời Sống và nó chứa đựng tinh túy của những câu kệ chính của Sáu Trung Ấm. ....Nếu bạn thật sự chứng ngộ được đời sống này như một giấc mộng hoặc một ảo ảnh, và nếu bạn thật sự không nắm bắt vào bất kỳ cái thực nào, thì bạn cũng có thể thấy bản chất huyễn...
TRUNG ẤM ĐỜI SỐNG - NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO - H.E. GARCHEN RINPOCHE

 

TRUNG ẤM ĐỜI SỐNG

NHỮNG GIÁO LÝ PHOWA VÀ BARDO

NHỮNG GIÁO HUẤN HƯỚNG DẪN CỦA

H.E. GARCHEN RINPOCHE

---*---

Ngay bây giờ, khi trung ấm đời sống đang hé mở trong tôi,

     Tôi sẽ từ bỏ sự lười biếng vì đời sống không có thời gian cho điều đó,

Đi vào con đường không xao lãng của học hỏi, tư duy, và thiền định,

Lấy các phóng chiếu và tâm làm con đường, và hãy chứng ngộ ba thân;

Bây giờ tôi đã có được một thân người,

Không có thời gian trên con đường để cho tâm xao lãng.

 

Mục đích của việc được giới thiệu Sáu Trung Ấm là gì? Khi chúng ta được giới thiệu Sáu Trung Ấm, chúng ta biết được những hoàn cảnh nào chúng ta gặp phải trong mỗi trung ấm và những cái khó khăn chúng ta có thể gặp. Bằng cách này, chúng ta có thể học cách đối phó với những khó khăn một cách khéo léo. Phương diện này của Phật – Pháp là thiết yếu từ đầu đến cuối. Ví dụ, trong lời nguyện quy y Đạo sư nói “thab-yino”, nghĩa là; “đây là phương pháp.” Quy y là phương pháp để diệt khổ. Đó là phương pháp để chúng sanh đạt đến giác ngộ. Con đường Kim Cương Thừa là một con đường của vô số những phương pháp. Mục đích thực sự của việc giới thiệu Sáu Trung Ấm là để thấy những phương pháp mà cuối cùng sẽ giải phóng chúng ta khỏi đau khổ. Những giáo lý của Sáu Trung Ấm không khác biệt so với những lời dạy khác như Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát và Bốn Chuyển Tâm.

Như đã đề cập trước đây, thời điểm chúng ta được sanh ra thì Trung ấm Đời sống bắt đầu. Hai dòng đầu tiên của câu kệ này như sau: “Ngay bây giờ, khi trung ấm đời sống đang hé mở trong tôi, tôi sẽ từ bỏ sự lười biếng vì đời sống không có thời gian cho điều đó”. Tất cả những giáo huấn chúng ta nhận được từ bất kỳ bậc thầy tâm linh nào về cơ bản đều giống nhau. Chúng chỉ được đặt tên khác nhau. Trong truyền thống Gelug con đường thứ bậc được gọi là Lam Rim Chenmo, Các Giai Đoạn Vĩ Đại của Con Đường. Trong truyền thống của Sakya, nó được gọi là Lam Dre, Con Đường và Quả. Trong truyền thống của Kagyu, người ta nghiên cứu Tràng Hoa Giải Thoát của Gampopa. Trong truyền thống của Nyingma, Lời dạy của vị Thầy Hoàn Hảo của tôi. Tất cả những bản văn này giải thích các giai đoạn tiệm tiến thứ lớp của con đường để giúp đỡ chúng ta từ bỏ sự lười biếng, vì nó (lười biếng) không có thời gian trong cuộc sống này.

Chúng ta phải học về sự sinh ra quý báu được làm người, cái chết và vô thường, vân vân. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải nghe những giáo lý, sau đó chúng ta phải học. Nhưng rồi chúng ta phải vượt khỏi nghe và học các giáo lý. Ngài Milarepa (1040-1123) nói “Đừng chỉ tập trung vào giáo lý, mà hãy hiểu ý nghĩa.” Chúng ta đọc nhiều bản văn khác nhau nhưng chúng ta cũng phải hiểu ý nghĩa của chúng. Một số người thậm chí còn thuộc lòng bộ sưu tập khổng lồ của những giáo lý của Đức Phật, ba tạng, và vân vân, nhưng nếu chúng không ở và không hòa nhập vào tâm, sẽ không có lợi lạc nhiều. Vì vậy trước hết chúng ta phải học. Kế đó, chúng ta phải tư duy những gì chúng ta đã học, và sau đó chúng ta phải thực sự quen thuộc với những giáo lý qua thực hành thiền định. Ví dụ, chúng ta nên đọc tụng Ba Mươi Bảy Pháp Tu mỗi ngày. Sau đó chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của những giáo lý. Đây là điều mà đích thân tôi thực hành. Vấn đề là không chỉ hoàn thành một lần đọc bản văn mỗi ngày mà phải đi sâu vào ý nghĩa sâu sắc, ngay cả khi chúng ta tư duy câu kệ đầu tiên, hay chỉ một dòng trong câu kệ đó. Ví dụ, “con tàu (phương pháp, phương tiện) tự do và may mắn quý báu này thì rất khó có được” – nếu chúng ta chỉ tư duy điều này, nó đã mang lại lợi ích rất nhiều. Con tàu của sự rỗi rãnh và may mắn là thân người quý báu. Những tự do và những may mắn là gì? Có năm loại may mắn cá nhân và năm loại hoàn cảnh may mắn, và vân vân.

Chúng ta phải tham dự vào ý nghĩa một cách tập trung. Chúng ta cũng phải hiểu cái chết và sự vô thường, và sanh tử có bản chất của đau khổ. Khi chúng ta nói về việc nhận biết đau khổ, một số người có thể nghĩ, “Tôi không muốn nghĩ về đau khổ.” Tuy nhiên, nếu bạn không hiểu đau khổ, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một phương pháp để đạt được hạnh phúc. Chỉ có thấu hiểu đau khổ, chúng ta sẽ tìm một phương pháp để tìm được hạnh phúc. Chúng ta cũng phải hiểu được sự quý báu của đời sống con người với mười tám sự tự do và may mắn của nó. Để có được một thân người quý báu trong sáu cõi sanh tử luân hồi là điều vô cùng khó khăn. Khó khăn của việc tìm kiếm một thân người quý báu được giải thích bằng những nguyên nhân, những minh họa, và các con số. Ví dụ, nếu bạn có một vật quý báu nhưng bạn không biết giá trị của nó, thì bạn không thật sự quan tâm đến nó. Tương tự như vậy, nếu chúng ta không hiểu được sự quý báu của thánh Pháp, thì chúng ta không thể thật sự hiểu sự quý báu của đời người. Ví dụ, khi tôi còn ở trong tù trong một thời gian dài, tôi đã tư duy về thân người quý báu này, rằng tôi không được đánh mất Bồ đề tâm – đó là điều quan trọng nhất. Chừng nào tôi không đánh mất Bồ đề tâm, thì không có vấn đề gì nếu tôi đánh mất thân thể hay những thứ khác của tôi. Bạn có thể trau dồi lòng dũng cảm như vậy, nếu bạn hiểu được những phẩm tính của Bồ đề tâm. Nếu bạn chỉ hiểu được điều này, dù chỉ tạm thời, bạn sẽ thoát khỏi đau khổ. Chỉ cần đọc câu kệ này về thân người quý báu và tư duy nó mỗi buổi sáng. Khi bạn quen thuộc với điều này, bạn sẽ không thức dậy vào buổi sáng và bắt đầu ngày mới mà không nghĩ về thân người quý báu. Chúng ta giải thích việc khó khăn có được một thân người quý báu bằng những nguyên nhân, những minh họa, và các con số. Nguyên nhân cơ bản của một thân người quý báu là Bồ đề tâm. Thân người quý báu này được miêu tả trong câu kệ giống như một con tàu. Đó là loại tàu gì? Nó ở đâu? Con tàu đó ở trên đại dương nào? Nó nằm trên đại dương của sự đau khổ, đại dương của sanh tử – nó là một đại dương rộng lớn. Khi bạn nghĩ đến sự rộng lớn của sanh tử và chúng sanh vô hạn, chỉ riêng ý nghĩ này thôi đã khiến nản lòng.

Bạn cần đi vào con đường của sự lắng nghe, tư duy, và thiền định thoát khỏi xao lãng. Đầu tiên bạn phải lắng nghe, bạn phải biết về Pháp. Sau đó bạn phải tư duy nó, xem xét nó có đúng hay không. Sau đó khi bạn đưa ra một kết luận, tâm của bạn sẽ thật sự mở ra.

Hiểu được sự quý báu của đời người này, thì cũng phải hiểu được cái chết và sự vô thường. Trong những giáo lý về Bốn Chuyển Tâm, chúng ta tư duy sự vô thường của vũ trụ bên ngoài và bên trong của chúng sanh. Chúng ta đã có được một thân người quý báu, nhưng đời sống này không kéo dài bao lâu; nó là vô thường. Vì vậy, câu kệ gốc nói, “đời sống không có thời gian cho điều đó.” Chúng ta phải tư duy về cái chết và sự vô thường để tạo ra một cảm giác cấp bách. Trong quá khứ, một vị thầy đã từng được hỏi việc thực hành Pháp nào là quan trọng nhất. Vị thầy trả lời rằng thực hành quan trọng nhất là hãy nhớ đến cái chết và sự vô thường.

Tại sao lại như vậy? Ban đầu, nó sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta đi vào con đường thực hành Pháp. Ở giữa, nó sẽ khuyến khích chúng ta kiên trì thực hành. Cuối cùng, nó sẽ thành nguyên nhân của đạt được sự giác ngộ. Trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ nỗi khổ của sanh và tử, và cuối cùng khi đạt được kết quả tu tập, chúng ta chứng ngộ rằng tâm vượt qua sanh và tử. Sự chứng ngộ này dẫn chúng ta đến sự giác ngộ. Do đó, bằng cách hiểu rõ cái chết và sự vô thường, cuối cùng, chúng ta cũng chứng ngộ sự không chết, bản tánh của tâm vượt khỏi sanh và tử.

Chúng ta làm việc chăm chỉ để có một căn nhà đẹp, hoặc có những bạn bè, gia đình, và tiền bạc. Nhưng bạn nên tự hỏi bản thân “Liệu một ngày nào đó tôi sẽ chết?” Nếu câu trả lời là có, cái gì sẽ đi cùng bạn, cái gì sẽ tiếp tục? Đó là tâm của bạn? Nếu nó là tâm của bạn, nó sẽ đi đâu? Điều gì sẽ xảy ra với nó? Người Tây Tạng thường hỏi tôi, “Rinpoche, xin hãy cho tôi biết tôi sẽ đi đâu trong đời sau, và xin hãy đặt một bản văn lên đỉnh đầu của tôi.” Và tôi nói “Bạn có thể tự mình thấy mình sẽ đi đâu trong đời sau bằng cách nhìn vào tâm của chính bạn. Có bao nhiêu tư tưởng chấp ngã, bao nhiêu phiền não nổi lên mỗi ngày? Hãy chú ý đến điều đó. Bao nhiêu tư tưởng về tình yêu thương, lòng bi mẫn và lòng vị tha khởi sanh mỗi ngày? Nếu bạn thấy có những tư tưởng về tình yêu thương và lòng bi mẫn đến con cái hoặc chồng hoặc vợ mình – đây là một nguyên nhân để được sanh lên những cõi cao.”

Ngài Patrul Rinpoche đã nói rằng một hành giả nên tách rời những tư tưởng thiện hạnh khỏi những tư tưởng bất thiện hạnh. Trong trường hợp của chính ngài, ngài đã đếm chúng bằng cách sử dụng sỏi trắng và sỏi đen. Đối với mỗi tư tưởng thiện hạnh, ngài đếm một viên sỏi trắng; đối với mỗi tư tưởng bất thiện, đếm một viên sỏi đen. Nếu không đếm, ngài sẽ trở nên không tỉnh giác được loại tư tưởng nào đang khởi sanh trong tâm ngài. Sử dụng phương pháp đếm viên sỏi, ngài đã nhận biết bao nhiêu tư tưởng tiêu cực đang khởi sanh trong tâm ngài. Lúc đầu, đống sỏi trắng rất ít và có nhiều viên sỏi đen. Khi ngài đã nhận biết có bao nhiêu tư tưởng tiêu cực ở đó, ngài sợ hãi. Vì sợ hãi, ngài đã thay đổi cách nghĩ của mình, dần dần, những viên sỏi đen giảm dần và những viên sỏi trắng tăng lên. Cuối cùng, không còn viên sỏi đen nào nữa. Chỉ có những viên sỏi trắng, và sau cùng, ngài chứng ngộ bản tánh của tâm và đạt được giác ngộ. Giáo huấn này rất hữu ích và mạnh mẽ. Chúng ta nên quán xét tâm mình theo cách này, nhìn vào những tư tưởng loại gì và bao nhiêu tư tưởng thực sự khởi sanh trong tâm chúng ta.

Khi chúng ta tư duy về sự khó khăn của việc tìm kiếm một thân người quý báu, chúng ta có thể nghĩ, “Tôi biết rằng tôi có một thân người quý báu.” Nhưng bạn nên cố gắng tỉnh giác về nó mọi lúc, mọi nơi và mỗi ngày. Thông thường hỏi người khác, “Đêm qua bạn ngủ như thế nào?” Và họ có thể trả lời, “Tôi đã ngủ ngon.” Và sau đó bạn nghĩ, “Tuyệt vời! Nên như vậy.” Nhưng thật ra, người ta sẽ không nghĩ theo cách này nếu người ta đã thực sự hiểu được “đời người quý báu.” Nếu người ta hiểu được đời người quý báu, đúng ra người ta sẽ hỏi: “Vậy, đêm qua bạn đã lãng phí bao nhiêu thời gian để ngủ?” Nhưng không ai sẽ nói điều đó, đúng không? Điều quan trọng là phải tỉnh giác mỗi và mọi ngày.

Chúng ta đã xem xét rằng sự khó khăn để đạt được một đời người quý báu có thể được hiểu theo những nguyên nhân, những minh họa, và các con số. Có rất nhiều minh họa, nhưng từ kinh nghiệm cá nhân tôi, tôi thấy rằng nó rất có lợi khi nghĩ đến những nguyên nhân và những con số. Những nguyên nhân của thân người quý báu là gì? Đó là những hành động thiện hạnh mà chúng ta tiến hành với một tâm của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Chúng ta nên tự hỏi bản thân mỗi ngày, “Tôi thực sự có bao nhiêu tình yêu thương và lòng bi mẫn? Hôm nay tôi đã khởi sinh tình yêu thương và lòng bi mẫn bao nhiêu lần?” Ví dụ, hãy xem xét số lượng một ổ kiến. Có thể có nhiều kiến trong một ổ kiến lớn hơn là có con người trên thế giới này. Những con kiến thật sự có thân hình to lớn bởi vì chúng ta vẫn có thể thấy chúng bằng mắt thường. Có nhiều loại động vật nhỏ hơn nhiều mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các sinh vật sống lấp đầy toàn bộ vũ trụ như những hạt bụi che khuất tầm nhìn của chúng ta vào một ngày lộng gió. Hơn nữa, thậm chí còn có nhiều chúng sanh không có thân và họ trải qua đau khổ lớn hơn nữa. Nghĩ từ gốc độ này, bạn có thể hiểu sự hiếm hoi của một đời người quý báu và sự khó khăn như thế nào để có được nó.

Sau khi học và hiểu điểm này, tiếp theo chúng ta phải đi vào thực hành. Ngay cả khi người ta rất nghèo, người ta vẫn có thể nghĩ, “Tôi có một đời người quý báu và do đó tôi có cơ hội để thực hành, để trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn ngay cả tôi không có của cải vật chất.” Khi đó tâm bạn như một vị vua. Với đời người quý báu này, chúng ta có cơ hội dấn thân vào thực hành. Một khi đã hiểu, chúng ta phải thường xuyên tư duy về cái chết và sự vô thường mỗi ngày. Hơn nữa, chúng ta cũng phải thiền định; chúng ta phải làm quen với điều này bằng cách luôn luôn nhớ về nó.

Khi chúng ta trì hoãn và tránh việc thực hành của mình, chúng ta sẽ rơi vào sự lười biếng. Ví dụ, tôi có thể nói, “tôi sẽ không thực hành hôm nay, nhưng tôi sẽ làm vào ngày mai.” Và ngày mai bạn nghĩ, “tôi sẽ làm điều đó vào ngày hôm sau,” và vân vân. hoặc là bạn nghĩ là vẫn còn hơi sớm bạn hơi mệt một chút để thực hành, nhưng bạn sẽ làm nó sau. Bằng cách này, chúng ta đang lại bỏ thực hành của chúng ta. Vì lý do này, điều quan trọng là bất cứ lúc nào phải luôn tư duy về cái chết và sự vô thường. Thiền định là quan trọng nhất. Tất nhiên, học tập cũng rất quan trọng, nhưng việc thực sự dấn thân vào thực hành còn quan trọng hơn, vì chỉ riêng học sẽ không lợi ích nhiều cho tâm của bạn. Vì vậy, chúng ta phải học tập, tư duy, và thiền định. Bản chất của việc học là gì? Có rất nhiều chủ đề để học, nhưng điều quan trọng nhất là hiểu được sự bất khả phân của nghiệp, nhân và quả. Bản chất của việc học là phát triển sự hiểu biết rõ ràng điều này. Tiếp theo, chúng ta phải tư duy. Bản chất của tư duy là gì? Chúng ta nên tư duy về tình yêu thương và lòng bi mẫn, Bồ đề tâm, rằng cội gốc của đau khổ của tất cả chúng sanh là sự chấp ngã, và liều thuốc duy nhất cho sự chấp ngã đó là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Chúng ta phải tư duy điều này liên tục. Như vậy, bản chất của tư duy là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Sau đó chúng ta thiền định, điều này thực sự có nghĩa là duy trì tình yêu thương và lòng bi mẫn liên tục.

Chúng ta phải hiểu bản chất đau khổ của sanh tử: sanh tử là một đại dương của đau khổ. Nếu bạn muốn thoát khỏi đau khổ, con tàu duy nhất sẽ đưa bạn qua đại dương này là thân người quý báu. Tất cả chúng sanh trong các cõi khác không có cơ hội này. Nhưng khi có được một thân người quý báu, chúng ta có một cơ hội để đạt được giác ngộ chỉ trong một đời. Tất cả chúng sanh trong các cõi khác đều có Phật tánh, nhưng nó chưa trưởng thành. Tâm của họ như hạt giống của một bông hoa – họ không có thiện nghiệp và công đức cần thiết, những nguyên nhân và những điều kiện cần thiết làm cho hạt giống phát triển. Một thân người quý báu phải gặp những điều kiện thích hợp, giống như hạt giống phải gặp đất, nước và hơi ấm thì mới nảy mầm và sinh sôi. Tâm của các Bậc Thầy tâm linh và của chư Phật thì giống như một bông hoa đang nở. Đức Phật nói “Hãy hoàn toàn chế ngự tâm của chính con.” Tại sao chúng ta chưa chứng ngộ bản tánh của tâm? Đó là do chấp ngã và tất cả những cảm xúc phiền não khác. Để tịnh hóa và chứng ngộ bản tánh của tâm, Đức Phật đã đưa ra những giáo lý khác nhau. Ngài Longchen Rabjam Toàn Giác đã nói, “Khi bạn chứng ngộ bản tánh của tâm không do tạo tác như nó là, thì không cần phải nghiên cứu kinh sách.” Một khi bạn thấu hiểu nó, bạn có thể đơn giản ngã lưng và hạnh phúc.

“Đi vào con đường không xao lãng của học hỏi, tư duy, và thiền định” là dòng thứ 3 của câu kệ Trung ấm Đời Sống và nó chứa đựng tinh túy của những câu kệ chính của Sáu Trung Ấm. Mặc dù chúng ta đã thọ nhận được những giáo lý, chúng ta vẫn chưa phát triển được sự chắc chắn về chúng. Chúng ta không tin hoàn toàn vào những giáo lý. Đã thọ nhận được những giáo lý, chúng ta đã ghi những dấu ấn tốt đẹp vào trong tâm chúng ta, nhưng do thiếu trí huệ và chánh niệm, chúng ta không hoàn toàn tin tưởng vào những giáo lý. Một số người đã phát triển một mức độ nhất định về tánh giác và niềm tin vào những giáo lý, đặc biệt là vào nghiệp. Những người khác nghi ngờ hơn. Trong quá khứ, ngay cả tôi cũng có một số nghi ngờ, bởi vì mọi người kể những câu chuyện khác nhau, và người ta không biết tin vào điều gì. Ví dụ, chúng ta nghe về những phẩm tính của các cõi Tịnh độ và sự đau khổ của các cõi thấp, các cõi địa ngục, các cõi ngạ quỷ, và vân vân. Một cách rốt ráo, chúng là một sự tạo tác của tâm. Tôi nghi ngờ rằng cõi địa ngục không thể tồi tệ như vậy nếu tất cả chỉ là tâm. Loại nghi ngờ này thực sự là một sự hiểu lầm rất nghiêm trọng. Đúng là tâm tạo ra các cõi địa ngục; chính lòng thù hận tạo ra địa ngục, và chính Bồ đề tâm tạo ra các cõi Tịnh độ. Đức Phật nói rằng thế giới con người và đời sống ở các cõi khác như một giấc mộng hay một ảo ảnh. Tuy nhiên, đây không phải là cách mà chúng ta thường tri giác những hiện tướng. Chúng ta tin vào sự thực của đời sống này. Nếu đời sống này là thật đối với bạn, thì theo cách tương tự địa ngục là thật và các cõi Tịnh độ là thật. Chúng đều là một sự sáng tạo của tâm. Nếu bạn thật sự chứng ngộ được đời sống này như một giấc mộng hoặc một ảo ảnh, và nếu bạn thật sự không nắm bắt vào bất kỳ cái thực nào, thì bạn cũng có thể thấy bản chất huyễn ảo của các cõi địa ngục và các cõi Tịnh độ. Một tâm thanh tịnh không tri giác một cõi địa ngục thật sự. Nếu không có phiền não, các cõi địa ngục không thể xuất hiện, vì tất cả những kinh nghiệm đều là những phóng chiếu của tự tâm chúng ta. Các cõi Tịnh độ là một phóng chiếu của Bồ đề tâm. Nhưng nghĩ rằng đời sống này là có thật trong khi địa ngục chỉ là tâm (và do đó không có thật) là một sai lầm lớn. Các cõi địa ngục cũng thật như đời sống này, hay chúng ta có thể nói chúng cũng giống như mộng như đời sống này. Phải hiểu rõ điểm này là điều rất quan trọng.

Giáo huấn quan trọng nhất là trưởng dưỡng và lòng tin vào tình yêu thương và lòng bi mẫn. Để trưởng dưỡng tình yêu thương đối với tất cả chúng sanh, bạn nên xem xét rằng mỗi một chúng sanh đều đã từng là cha mẹ trong những đời quá khứ. Nếu bạn quen thuộc với tư tưởng này, thì ngay cả khi bạn thấy một con côn trùng nhỏ bạn sẽ nhớ rằng đó cũng từng là mẹ của bạn. Khi bạn nhìn thấy sự đau khổ của những chúng sanh này, bạn sẽ muốn giúp họ thoát khỏi đau khổ. Ban đầu, khi chúng ta bắt đầu trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn, chúng ta làm điều đó nhiều hơn bởi vì chúng ta biết rằng điều đó sẽ có lợi nhất cho chúng ta. Vì vậy, ngay từ đầu, chúng ta thật sự trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn vì lợi ích chính mình bởi vì chúng ta nghĩ rằng, “Nếu tôi không trưởng dưỡng tình yêu thương, tôi sẽ không bao giờ được giải thoát khỏi sanh tử.” Mặc dù ban đầu chúng ta làm điều đó cho bản thân, khi chúng ta quen không nghĩ đến chính mình mà nghĩ đến người khác, tâm chúng ta sẽ dần dần thay đổi. Với thân và khẩu chúng ta phải thực hiện mục đích của chính mình, nhưng trong tâm, chúng ta nghĩ về người khác. Với sự tập làm quen, tâm ích kỷ từ từ sẽ chuyển thành Bồ đề tâm tương đối.

Trong một trong những đời sống quá khứ chưa được thanh tịnh của Đức Phật, ngài sanh ra là con trai của một thương gia. Người con trai này đã giết mẹ ruột của mình và một kết quả là đã sanh ra trong cõi địa ngục. Trong địa ngục ngài nhìn thấy sự đau khổ của chúng sanh địa ngục, khiến ngài khởi sanh lòng bi mẫn. Sau đó, ngài được giải thoát khỏi địa ngục. Khi bạn nghĩ về người khác, không có khái niệm về một cái tôi. Nếu không có khái niệm về một cái tôi, không có gốc rễ của đau khổ. Khái niệm về một cái tôi là nơi lưu trữ tất cả nghiệp và những dấu ấn, giống như những bộ phim được lưu trữ trên một đĩa DVD. Nếu không có cái tôi, giống như là thiếu đầu đĩa DVD và ti vi, vì vậy phim không thể được chiếu. Tương tự như vậy, không có đau khổ nào có thể được phóng chiếu mà không có niềm tin vào một cái tôi. Phương pháp trưởng dưỡng tình yêu thương là tối cao bởi vì chỉ nhờ tình yêu thương mà các cõi Tịnh độ có thể hiển lộ.

Trong Kim Cương Thừa, chúng ta thực hành Bổn tôn (tiếng Tạng: Yidam). Đối với một số hành giả, hình tướng của Bổn tôn không tạo một sự khác biệt, trong khi đối với những người khác thì có sự khác biệt lớn. Ví dụ một người đàn ông có thể thích một Bổn tôn nam như ngài Quán Thế Âm và Bổn tôn nữ như ngài Tara. Nhưng thực ra không có sự khác biệt. Bạn có thể thực hành bất kỳ Bổn tôn nào bạn muốn, miễn là bạn thực hành liên tục với một Bổn tôn. Bạn cần nghĩ đến Bổn tôn đó mọi lúc, để bạn sẽ không bao giờ quên Bổn tôn đó. Nếu bạn không bao giờ quên Bổn tôn, bạn sẽ luôn luôn cảm thấy tình yêu thương lớn cho vị ấy. Một quán tưởng rõ ràng là phụ để bạn tin tưởng vào Bổn tôn. Sau đó, khi bạn gặp những khó khăn bạn sẽ có thể nhớ đến Bổn tôn. Điều này rất quan trọng. Việc nhớ đến sự thanh tịnh sẽ đến một cách tự nhiên thông qua việc tin tưởng mình chính là Bổn tôn. Nếu bạn có thể nhớ Bổn tôn, thì sau này trong trung ấm bạn sẽ cũng có thể nhớ nó, và sau đó chắc chắn rằng bạn sẽ hợp nhất vĩnh viễn với Bổn tôn – bạn sẽ trở thành Bổn tôn. Vì lý do này, giai đoạn phát sanh là rất quan trọng. Thực hành Bổn tôn có nghĩa là bạn luôn thấy mình là Bổn tôn. Nếu bạn cũng thực hành những Bổn tôn khác, bạn có thể quán tưởng họ trong không gian trước mặt bạn. Vào cuối buổi thực hành của bạn, các Bổn tôn này sau đó hòa tan vào bạn. Bằng cách này, bạn nhận được sự tự quán đảnh.

Dòng thứ tư của câu kệ gốc đầu tiên liên quan đến thói quen tạo ra những phóng chiếu của chúng ta và chỉ dẫn chúng ta nhớ đến con đường để chúng ta có thể thành tựu ba thân. Lời cầu nguyện đức Phổ Hiền nói về “sự biểu lộ tự nhiên của năm trí huệ.” Tất cả các hiện tượng trong sanh tử và niết bàn, tất cả những hiện tướng là những biểu hiện tự nhiên của tâm, xuất hiện như một cầu vồng. Các hiện tượng trong sanh tử và niết bàn dường như có thật đối với chúng sanh bình phàm. Những chúng sanh bình phàm bám chấp vào sự có thật của những tư tưởng của họ, không nhận biết rằng mọi thứ đều khởi sanh từ tâm của họ, và vì lý do này mà họ đau khổ, tâm của họ như một khối băng.

Tất cả những tri giác đều là tâm, và tự tâm là tánh Không. Làm thế nào để chúng ta chứng ngộ điều này? Tất cả các hiện tượng của sanh tử và niết bàn đều có tính chất của ba thân: Pháp thân, Báo thân, và Hóa thân, và có những Hóa thân thanh tịnh và bất tịnh. Trong thế giới của chúng ta, có những vị thầy tâm linh thuần hóa chúng sanh, và có những chúng sanh được thuần hóa: tất cả họ đều là những Hóa thân. Như vậy, tất cả chúng sanh trong sáu sanh tử cõi sanh tử luân hồi là những Hóa thân bởi vì họ đều có một tâm. Tâm của tất cả chư Phật và tâm của tất cả chúng sanh (có hoặc không có thân), tâm của bất kỳ chúng sanh nào và tâm của tất cả chúng sanh trong ba cõi, đều như nhau. Chính từ tâm này mà tất cả chư Phật khởi sanh. Bất cứ ai chứng ngộ bản tánh của tâm sẽ chứng ngộ nền tảng duy nhất của sanh tử và niết bàn. Những ai chưa chứng ngộ được bản tánh của tâm không thể thật sự hiểu được điều này. Đó là một điểm rất quan trọng vì tâm của bất kỳ chúng sanh nào, kể cả động vật, đều có nhân của giác ngộ, Phật tánh. Bởi vì mọi người đều có một tâm, ai cũng muốn được hạnh phúc và có những phiền não như nhau, dù là một người hay một sinh vật nhỏ bé. Chỉ do những nghiệp quả khác nhau tạm thời và những dấu ấn thói quen mà chúng sanh xuất hiện khác nhau. Đức Jigten Sumgon đã nói, “Nhân và Quả là sự biểu hiện tạm thời của những tư tưởng.” Chẳng hạn, một con rắn độc là một biểu hiện của lòng căm thù, đã chín thành sau khi đã thoát khỏi địa ngục. Mặc dù đó là biểu hiện của tâm của chính mình, nó sẽ không luôn luôn như vậy. Nó sẽ ở trong hình tướng này cho đến khi nghiệp riêng biệt này chấm dứt. Khi nghiệp tiêu hết thì giống như dầu của một đèn bơ đã cháy hết. Tương tự như vậy, khi tất cả nghiệp và những dấu ấn được tiêu hết, người ta trở lại Phật tánh, nơi chúng sanh không hiện hữu. Bất cứ ai chứng ngộ bản tánh của tâm đều chứng ngộ rằng tất cả hiện tượng của sanh tử và niết bàn có bản tánh của ba thân. Vì đó là bản tánh thật của họ, chúng sanh có thể thật sự chứng ngộ ba thân. Nếu bạn hiểu rằng ba thân là thật sự đầy đủ trong tâm bạn, thì trong khoảnh khắc đó bạn sẽ thấy ba thân thật sự thấm nhuần tất cả sanh tử và niết bàn như thế nào, vì tất cả đều là tâm. Khi bạn chứng ngộ điều đó, bạn sẽ có thể làm lợi ích cho chúng sanh mà không bao giờ mệt mỏi. Khi bạn chứng ngộ tánh Không, bạn sẽ thật sự hiểu được nổi khổ của chúng sanh và biết cách để loại bỏ sự đau khổ của họ. Ngược lại, Nếu người ta chưa chứng ngộ tánh Không và người ta nhìn thấy nỗi thống khổ của chúng sanh, người ta sẽ phát điên. Người ta không có phương pháp, không có lối thoát. Nhưng chúng ta có phương pháp dẫn đến sự hiểu biết rằng bản tánh của tâm chúng ta thật sự có bản tánh của ba thân. Khi ba thân thành hiện thực, bạn chứng ngộ rằng nó là cái thức bao giờ cũng hiện hữu này tham gia vào mọi hoạt động trong thế giới và trong Phật pháp. Chúng ta phát triển những loại tư tưởng khác nhau, thiện hạnh và bất thiện hạnh; những hoạt động này được thực hiện bởi thức, vốn luôn ở đây. Những cái đến và đi là những tư tưởng trong tâm, nhưng tâm vẫn luôn luôn tồn tại. Hãy quán sát tâm, hãy quán sát những tư tưởng đến như thế nào và hòa tan trở lại vào trong nó. Tánh giác sáng tỏ nhận biết bất cứ điều gì khởi sanh, thì luôn luôn tồn tại. Tánh giác này không bao giờ rời khỏi hoặc bắt đầu – nó luôn luôn ở đây. Đó là thức bình thường. Ngài Milarepa đã nói “Tôi không thấy thức, tôi chỉ thấy tánh giác nguyên sơ.” Khi một tư tưởng khởi sanh, hãy biết rằng nó là vô thường, xuất hiện giống như một ảo ảnh, không có bất kỳ sự hiện hữu thực sự nào. Tánh giác luôn luôn ở đó, làm nền tảng cho mọi sự kiện tâm thức; nó chứng kiến mọi sự sanh và diệt của mọi tư tưởng. Nó luôn tồn tại như nó là, không thay đổi. Nó giống như không gian, vĩnh cửu và không bị cản trở. Tánh giác này đã có mặt từ vô thủy trong sanh tử. Chúng ta chưa bao giờ và sẽ không lìa khỏi nó. Nó ở đó trong quá khứ, nó ở đó bây giờ, và sẽ luôn luôn ở đó trong tương lai. Đó là phẩm tính không thay đổi của Pháp thân như không gian. Khi bạn thấy bản tánh của thức của bạn, bạn sẽ chứng ngộ tánh giác nguyên sơ. Bạn thấy rằng tánh giác luôn luôn ở đó để bạn có thể bắt đầu. Đây là tánh giác biết rõ bản tánh của mọi sự vật hiện tượng.

Dòng cuối của đoạn kệ đầu nói: “Không có thời gian trên con đường để cho tâm xao lãng.” Khi bạn mất tỉnh giác và trở nên bị xao lãng, bạn quên mất tình yêu thương và lòng bi mẫn. Do đó bạn phải chánh niệm. Chánh niệm biết rằng tình yêu thương và lòng bi mẫn rất quý báu. Biết được điều này, bạn sẽ không cho phép tình yêu thương và lòng bi mẫn suy yếu, ngay cả khi trả giá bằng mạng sống của mình. Ngài Milarepa đã nói: “Căn nguyên của các cõi thấp là thù hận. Do đó, hãy tu tập tính kham nhẫn ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của mình”. Bạn nên nghĩ, “Ngay cả khi ai đó đã giết tôi, tôi sẽ không bao giờ từ bỏ tình yêu thương và lòng bi mẫn.” Hoạt động của chánh niệm là duy trì tình yêu thương và lòng bi mẫn. Bản chất của thiền định là thoát khỏi xao lãng. Có nói rằng thoát khỏi xao lãng là con đường của tất cả chư Phật và sự chăm chú đó là nền tảng cho mọi phẩm tính tốt đẹp. Một khi chúng ta không xao lãng, chúng ta làm gì với sự không xao lãng này? Đây thật sự là một điểm rất quan trọng, vì vậy bạn nên xem xét nó cẩn thận. Điểm cốt yếu của điều bạn cần làm với sự không xao lãng là thực sự phi thường. Công việc của bạn đưa những phóng chiếu của tâm vào con đường, là chứng ngộ ba thân. Theo Ba Mươi Bảy Pháp Tu, “Những hiện tướng là tự tâm của tôi. Ngay từ ban đầu, bản tánh của tâm giải thoát khỏi mọi thái cực của tạo tác.” Một ai đó thực hành không xao lãng thì rõ biết rằng những hiện tướng là tự tâm của mình. Chúng ta, những chúng sanh bình phàm vẫn tách biệt giữa đối tượng tri giác bên ngoài và chủ thể tri giác bên trong. Ví dụ, chúng ta nói “Tôi đến từ Mỹ,” ngụ ý sự tách biệt với những người khác, sự tách biệt giữa “tôi” và sự xuất hiện của “Mỹ.” Nhưng không có sự tách biệt thật sự. Tri giác này chỉ là một sự chế tạo của tâm thức.

Những phóng chiếu của tâm là tất cả những đối tượng bên ngoài, những tri giác của chúng ta, các hiện tượng mà chúng ta nắm bắt được khi chúng xuất hiện với chúng ta. Dường như có một tâm bên trong đang nắm bắt các đối tượng bên ngoài. Nhưng mối quan hệ thật sự giữa mối quan hệ tâm bên trong và những đối tượng bên ngoài là gì? Đôi khi có những tư tưởng bám luyến và ghét bỏ rất mạnh mẽ trong tâm, dữ dội đến mức chúng ta không thể để chúng đi, và vì vậy chúng liên tục khởi sanh trong tâm. Tại sao chúng ta không thể để chúng đi? Đó là bởi vì chúng ta tin vào sự hiện hữu thực sự của cái chúng ta tri giác được. Chúng ta tin rằng các đối tượng được tri giác bên ngoài là thật và hiện hữu riêng biệt với chúng ta. Bởi vì niềm tin này, chúng ta khởi sanh nhiều tư tưởng của bám luyến và ghét bỏ liên quan đến các đối tượng và chúng sanh bên ngoài. Chúng ta phải nhận biết rằng những tri giác này là những phóng chiếu của tâm chúng ta, và tự tâm là trống không. Vũ trụ được phóng chiếu ra bên ngoài xuất hiện với chúng ta là sự sáng tạo của nghiệp tập thể và những dấu ấn thói quen của chúng sanh. Mọi thứ đều do tâm tạo. Ví dụ, tòa nhà này mà chúng ta ở và nhận những giáo lý là được tạo ra bởi tâm. Đầu tiên, một tâm con người tưởng tượng ra nó, nó trở thành một ý tưởng, dẫn họ đến việc xây dựng tòa nhà. Như vậy, tòa nhà này thì được tạo ra bởi tâm của con người. Tương tự như vậy, mọi thứ khác, ngay cả thân thể chúng ta, đều là một sự sáng tạo của tâm. Tất cả những gì được tạo ra, mọi thứ xuất hiện và hiện hữu, đều có bản chất là vô thường; những hiện tướng là những hiện tượng hữu vi. Do đó, chúng sẽ không hiện hữu lâu dài mà sẽ tan rã. Toàn bộ vũ trụ bên ngoài sẽ tan rã và không có một chúng sanh nào mà không tan rã. Tất cả mọi thứ sẽ sụp đổ, xuất hiện rồi lại sụp đổ. Tất cả những hiện tướng bên ngoài đều là những sáng tạo của nghiệp và những dấu ấn thói quen của chúng ta. Đôi khi chúng xuất hiện trong một thời gian dài hơn như một kết quả của một số nghiệp, nhưng cuối cùng chúng sẽ tan rã. Toàn bộ vũ trụ là sự sáng tạo của nghiệp tập thể và những dấu ấn thói quen của tất cả chúng sanh. Hiểu được điều này, bạn sẽ thấy toàn bộ vũ trụ như một giấc mộng, một sự phóng chiếu đơn thuần của nghiệp và những dấu ấn thói quen của chính bạn. Khi bạn nhìn vào người đang tạo ra tất cả những thứ ấy, chính là tâm, bạn sẽ thấy rằng tâm cũng giống như không gian. Người chứng ngộ bản tánh của tâm sẽ chứng ngộ bản tánh của toàn bộ vũ trụ và tất cả chúng sanh. Chúng ta phải chứng ngộ rằng mọi hiện tướng đều được tạo ra bởi tâm, và cái mà được tạo ra, không có sự hiện hữu cố hữu, không có bất kỳ đặc tính nào. Khi người ta nhìn vào tâm, người mà đã tạo ra tất cả những thứ ấy, nó không thể được tìm thấy. Nó không thể được nói là hiện hữu cũng như không thể được nói là không hiện hữu. Nó thoát khỏi mọi giới hạn như vậy; cuối cùng nó là trống không. Vì vậy, có nói, “tất cả mọi hiện tướng đều là tâm của chính mình.” Vũ trụ bên ngoài và chúng sanh bên trong được tạo ra bởi tâm, và khi bạn cố gắng để tìm tâm, bạn không thể tìm thấy bất cứ thứ gì có bất cứ sự hiện hữu thực sự nào. Sự không thấy bất kỳ điều gì này là chân lý tối hậu.

Ngài Milarepa đã nói “Tôi không thấy những hiện tượng, tôi thấy bản tánh của những hiện tượng.” Những sự vật xuất hiện nhưng chúng không có tự tánh; chúng trống không, nhưng chúng xuất hiện. Trong Tâm Kinh có nói, “sắc là tánh Không và tánh Không là sắc. Sắc không khác với tánh Không, và tánh Không thì không khác sắc.” Các nhà khoa học nghiên cứu các hạt nguyên tử, cố gắng tìm ra thứ gì đó không thể giản lược được hoặc hoàn toàn có thể biết được, nhưng họ đã không thể. Bằng cách này, họ chạm trán tánh Không, nhưng họ chưa tìm thấy một tên cho nó. Đức Phật đã tìm một tên cho nó và gọi nó là tánh Không. Chúng ta có thể hiểu rõ điều này khi chúng ta so sánh Trung ấm Đời sống với Trung ấm Giấc mộng. Giống như trong những giấc mộng của chúng ta, mọi thứ đều do tâm tạo. Đức Phật dạy rằng vũ trụ bên ngoài thì được tạo ra bởi nghiệp chung và những khuynh hướng của chúng sanh. Ví dụ, mọi người nhìn vào hộ chiếu của họ và nghĩ rằng họ là người Mỹ hoặc người Singapore hoặc người Đức. Hàng tỷ người trên thế giới xác nhận bản thân theo cách này.

Hiện tượng của giấc mộng giúp chúng ta hiểu được cách tâm tạo ra thế giới. Như chúng ta đã nói, thế giới bên ngoài được tạo ra bởi nghiệp tập thể và những khuynh hướng thói quen. Mỗi chúng sanh là kết quả của nghiệp cá nhân, công đức hoặc những hành động tiêu cực của chính họ. Điều này tạo ra một lượng lớn chúng sanh khác nhau, xuất hiện dưới các hình tướng khác nhau: người hoặc thú, chúng sanh có thân và không có thân và vân vân. Làm thế nào vũ trụ do tâm tạo? Hãy nghĩ một người đang ngủ trên giường của họ; thân thể thì bất động, nhưng tâm đang mộng, tạo ra cả một vũ trụ và những chúng sanh trong thế giới mộng. Người mộng tham gia vào nhiều hoạt động, anh ta gặp những chúng sanh khác, có những kẻ thù và những bạn bè; anh ta có một gia đình và trải qua hạnh phúc và đau khổ. Đó là kinh nghiệm cá nhân của anh ấy. Một người ngồi cạnh giường chỉ thấy anh ta đang ngủ và không nhìn thấy được những gì mà anh ta đang thấy.

Sau này, sau khi chúng ta chết, đời sống này sẽ xuất hiện như một giấc mộng. Đức Phật nói rằng khi chúng ta chết và đi vào trung ấm, cũng giống như đi ra khỏi một giấc mộng và tỉnh dậy trong giấc mộng của trung ấm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không tỉnh dậy trở lại trong cuộc đời này; nó đã trôi qua. Hạnh phúc là thật và đau khổ là thật, từ quan điểm của một người tin vào sự thực của những kinh nghiệm đó. Do sự bám nắm này, tâm trở nên giống như một khối băng, và tạo ra sanh tử. Bằng cách này, chính chúng ta tạo ra sanh tử. Vũ trụ bên ngoài là vô hạn và tất cả mọi thứ bên trong nó là vô hạn, nhưng tất cả đều bao gồm trong năm đại và do đó có cùng một bản tánh. Ví dụ, nếu bạn lấy lên một ít đất, nó cùng bản chất với toàn bộ hành tinh trái đất. Khi bạn thổi vào nó, nó phân tán và biến mất. Bản tánh của chúng sanh đều như nhau. Tạm thời, họ bám nắm vào một cái được cho là thật, vào một cái gì đó không thật sự hiện hữu, điều này khiến tâm của họ trở nên giống như một khối băng, và điều này tạo ra sanh tử.

Khi bạn bám víu vào sự thật của tư tưởng của bạn và bị chúng thúc đẩy, tham gia vào các hành động, bạn tích lũy nghiệp và hình thành những khuôn khổ thói quen. Những khuynh hướng này, những dấu ấn này trong tâm là tảng băng của bạn. Nhưng cuối cùng, nước trong tảng băng không phải là cứng vĩnh viễn. Trong những điều kiện nhất định nó có thể tan chảy. Bản tánh của nước thì chứa đựng trong nước đá, nước, hơi nước, và vân vân. Đây là cách chúng ta có thể hiểu được tâm. Dù có nhiều chúng sanh trong sanh tử, nền tảng của tâm họ thì hoàn toàn như nhau. Nó giống như sự khác biệt giữa băng và nước. Một ví dụ khác là năng lượng ánh sáng, có nhiều dạng. Có ánh sáng, nhiệt, sóng âm, và điện. Năng lượng ánh sáng biểu hiện theo nhiều cách, nhưng cuối cùng nó vẫn là một năng lượng như nhau. Bằng cách này, chúng ta xác quyết rằng tất cả những hiện tướng đều là tâm, rằng mọi thứ đều do tâm tạo.

Tâm của một sinh vật nhỏ bé, tâm của một chúng sanh không có một thân, và tâm của chính bạn có cùng bản tánh. Hãy xem xét một người bạn. Bạn đó có thật không? Làm thế nào để anh ta hiện hữu? Thân thể anh ta là một hợp chất. Bây giờ có sự sống trong thân thể, nhưng một khi thân thể chết đi, nó chỉ là một cái xác và nó trở thành không có gì. Vì vậy, bạn có thể xác định rằng người bạn của bạn không phải là thân thể. Vậy thì anh ấy có thể là tâm. Nhưng làm sao bạn có thể biết tâm người bạn của bạn? Bạn không thể biết nó trừ khi bạn biết tâm của chính mình. Vì vậy, trước tiên bạn phải nhìn vào tâm của chính mình. Sau đó, khi bạn chứng ngộ được bản tánh của tâm, bạn tự nhiên chứng ngộ được bản tánh của mọi hiện tượng của sanh tử và niết bàn. Sau khi chứng ngộ bản tánh của tâm, bạn thấy rằng tâm của chính bạn và tâm người bạn của bạn có cùng một nền tảng. Nếu bạn hiểu được điều này, bạn có thể đạt được một sự hiểu biết về tánh giác nguyên sơ bất nhị. Khi bạn chứng ngộ rằng tâm của bạn không thật sự hiện hữu nhưng thường trụ như không gian, thì bạn cũng sẽ chứng ngộ rằng tâm người bạn của bạn và tâm của mọi người cũng có cùng bản tánh. Chứng ngộ điều này, bạn sẽ không bám nắm vào sự có thật của những gì xuất hiện với bạn.

Mặc dù chúng ta hiểu được tính rỗng rang của tâm bất nhị, vẫn còn khái niệm “ta” và “người.” Chúng xuất hiện với chúng ta. Chúng ta có thể thấy chúng. Chúng dường như thật sự ở đó. Nhưng mặc dù chúng dường như có mặt ở đó, chúng thật ra không thật sự hiện hữu. Chúng không có bất kỳ bản chất hiện hữu cá thể nào. Chúng không hiện hữu theo cách chúng xuất hiện. Đây là cách được giải thích trong những giáo lý về suy luận logic: Khi bạn tìm kiếm một thứ gì hiện hữu vĩnh viễn, bạn sẽ không tìm thấy nó. Cái bạn sẽ tìm thấy khi bạn nhìn vào tâm của bạn là bản tánh như không gian - Phật tánh. Bản tánh này không thể được gọi “hiện hữu” hay “không hiện hữu”. Bạn không thể phân tích nó, bạn chỉ có thể an trụ trong nó. Khi bạn an trụ trong bản tánh của tâm, không có khái niệm có một đối tượng, tuy nhiên, nó không phải là không có gì cả. Bất cứ điều gì khởi sanh trong tâm đều là tạm thời. Những tư tưởng và những cảm xúc phiền não tạm thời khởi sanh do những hoàn cảnh tạm thời khác nhau. Mặc dù những tư tưởng khởi sanh, tâm, Phật tánh, tiếp tục thường trụ như không gian.

Đức Phật nói, “Chúng sanh bị che ám bởi những vết bẩn ngẫu nhiên.” Những vết bẩn này không thật sự hiện hữu – chúng chỉ là tạm thời. Chúng ta đã xác minh rằng con người không thật sự hiện hữu – rằng thân thể không thật sự hiện hữu. Khi chúng ta nhìn vào tâm, chúng ta có thể thấy những tư tưởng và những cảm xúc phiền não đó chỉ là tạm thời; chúng không thực sự hiện hữu. Khi bạn hiểu được bản tánh của tâm và tiếp tục an trụ bên trong nó, thì dần dần, khối băng của sự bám nắm sẽ bị tan rã và tất cả mọi sự bám nắm sẽ bị tan biến. Để bắt đầu, những tư tưởng chưa bao giờ thật sự hiện hữu. Dựa trên sự hiểu biết này, chúng ta thực hành con đường. Trên con đường, chúng ta nên thiền định thoát khỏi xao lãng, tập trung vào trạng thái thoát khỏi xao lãng này. Chúng ta tập làm quen bằng cách không bám nắm bất cứ cái gì khởi sanh: những tư tưởng và những cảm xúc phiền não. Đây là cách bạn trở nên được giải thoát. Khi bạn được giải thoát, bạn chứng ngộ điều gì? Ban đầu bạn chứng ngộ rằng các hiện tướng là tâm. Sau đó, khi bạn chứng ngộ tâm, bạn chứng ngộ rằng nó là tánh Không. Người đã tạo ra mọi thứ là tánh Không. Bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ sự hiện hữu thực sự nào. Bạn chứng ngộ rằng, dù ta và người xuất hiện, họ không hiện hữu thực sự. Khi bạn chứng ngộ bản tánh của tâm, bạn chứng ngộ nền tảng duy nhất của cả hai, sanh tử và niết bàn. Bằng cách này, bạn nên quan sát bản tánh của tâm, biết rằng hiện tướng và hiện hữu đều do tâm tạo. Khi bạn chứng ngộ bản tánh của tâm chính mình, bạn sẽ hiểu bản tánh của mọi hiện tượng trong sanh tử và niết bàn.

Dòng thứ năm và thứ sáu của đoạn kệ gốc đầu tiên củng cố những điểm mà chúng ta đã từng làm: “bây giờ tôi đã có được một thân người, không có thời gian trên con đường để cho tâm xao lãng.” Bởi vì vô cùng khó khăn để tìm một thân người quý báu, bạn nên lưu tâm nó mỗi ngày. Vào buổi sáng, trước khi thức dậy, bạn nên nhớ lại sự khó khăn để tìm thấy một thân người quý báu, bằng cách tư duy kỹ lưỡng các câu kệ trong Ba Mươi Bảy Pháp Tu Bồ Tát. Buổi tối, trước khi đi ngủ, bạn nên nhớ đến cái chết và sự vô thường. Đây là hai điểm quan trọng nhất cần nhớ mỗi ngày, đặc biệt là đối với chúng ta, những người bắt đầu tu học. Sự tư duy này đã mang lại lợi ích cho tôi rất nhiều.

Người ta đôi khi nói họ hiểu rằng họ đã tìm thấy một thân người quý báu và họ thực sự muốn nhập thất và thực hành Pháp, mà tiếc rằng họ không có nghiệp thiện và may mắn để thực sự nhập thất. Thứ nhất, chỉ có tâm nguyện nhập thất và thực hành Phật pháp đã là một công đức không thể nghĩ bàn. Thứ hai, nếu bạn tin rằng bạn không có cơ hội bây giờ để thực hành và có lẽ bạn sẽ có cơ hội vào một thời điểm nào đó trong tương lai, thì bạn đã sai lầm. Mục đích thực sự của Pháp là gì? Đức Phật đã giải thích lặp đi và lặp lại rằng mục đích của Pháp là để thuần hóa tâm của chính mình, để tịnh hóa tâm. Chúng ta cũng có thể tịnh hóa tâm của mình trong khi tham gia vào các hoạt động thế gian. Chúng ta có thể trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng bi mẫn, và sự kiên nhẫn với gia đình và những người xung quanh, trong khi sống một đời sống trần tục. Nếu chúng ta thực hành theo cách này, chúng ta là những hành giả chân chính, không cần phải tự cô lập mình trong một ẩn thất trên núi. Nếu chúng ta không thực hành điểm cốt yếu này, chúng ta có thể tự cô lập mình, trì chú trong nhiều năm, nhưng nếu chúng ta không buông bỏ sự chấp ngã, chỉ có thể có cùng lắm là một kết quả tạm thời. Cuối cùng, chúng ta sẽ không đạt được giác ngộ, và như là một kết quả trạng thái phiền não phổ biến, chúng ta thậm chí có thể rơi vào các cõi thấp. Làm thế nào để chúng ta duy trì tình yêu thương và lòng bi mẫn? Chúng ta duy trì chúng thông qua chánh niệm và một phương pháp để duy trì chánh niệm là Trì tụng Kim Cương OM AH HUNG. Chánh niệm tịnh hóa tâm. Ví dụ, đọc những lời cầu nguyện cúng dường thực phẩm trước khi ăn, là một phương pháp để duy trì một sự liên tục của chánh niệm.

Một vị thầy của Atisha đã từng làm việc chăm chỉ trong ba năm với tư cách là một người thợ may của một gia đình du mục. Ngài phải dùng da thú để sản xuất đồ bằng da, khuấy sữa và mang vác nặng. Một mình ngài làm việc cho ba người, điều này tạo ấn tượng với gia đình chủ nhà. Đây là một ví dụ của một hành giả Pháp chân chính. Nếu người ta có một động cơ quý báu, thì ngay cả khi người ta tham gia vào những hoạt động thế gian, nó trở thành thiện hạnh. Thiện hạnh và bất thiện hạnh phụ thuộc vào ý định bên trong tâm. Thiện hạnh không nhất thiết phải được xác định bởi những hành động bên ngoài, bởi vì thực hành Pháp có nghĩa là tịnh hóa tâm. Nếu bạn duy trì chánh niệm trong mọi lúc, bất cứ điều gì bạn làm sẽ là Pháp. Không xao lãng là con đường của tất cả chư Phật. Chánh niệm chính là Phật. Khi bạn nhận được lời nguyện Quy Y, bạn được giới thiệu về Phật bên trong. Phật bên trong này là chánh niệm của bạn. Đó là cái biết phân biệt để biết những gì nên làm và những gì không nên làm. Cái biết này cần được duy trì thoát khỏi xao lãng. Khi bạn chứng ngộ bản tánh của cái biết này và duy trì nó thoát khỏi xao lãng, bạn sẽ đạt được giác ngộ. Giác ngộ có nghĩa rằng tất cả những bám nắm được xóa bỏ, tâm an trú tự nhiên, như nó là, rộng lớn như không gian. Bản tánh của tâm, đó là sự hợp nhất của tánh giác sáng tỏ và tính Không, là Phật. Phương pháp để hiện thực hóa nó, phương pháp để đạt giác ngộ, là Pháp. Thiền định có nghĩa là trưởng dưỡng sự hợp nhất của tính Không và lòng bi mẫn. Đạo sư Đại Toàn Thiện Patrul Rinpoche đã giải thích rằng thiền định thật sự là để trau dồi và duy trì sự hợp nhất của tánh Không và lòng bi mẫn. Duy trì lòng bi mẫn thoát khỏi xao lãng là cách thiền định tốt nhất. Nếu bạn luôn duy trì lòng bi mẫn mọi lúc, thì sẽ không còn cơ hội cho chấp ngã tồn tại. Không có thiền định nào cao hơn thế.

Câu hỏi: Chuẩn bị tốt nhất cho cái chết là gì?

Garchen Rinpoche: Cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết và những đời sống tương lai, trong khi chúng ta vẫn còn sống, là trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu bạn tin tưởng vào tình yêu thương của bạn dành cho tất cả chúng sanh, thì không nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ tạm thời được sanh lên những cõi cao hơn trong tất cả đời sống tương lai và cuối cùng đạt được trạng thái giác ngộ. Vì vậy, cách chuẩn bị tốt nhất là trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn, và tin tưởng vào tình yêu thương của mình. Đừng trở nên bị điều khiển bởi sân hận và ghen tị, mà hãy bảo vệ lòng bi mẫn của bạn với sự kiên nhẫn, vì mất kiên nhẫn cũng là nguyên nhân mất lòng bi mẫn.

Điểm chính để hiểu trong bối cảnh của Trung Ấm Đời Sống là khó khăn trong việc tìm kiếm một thân người quý báu. Hãy nhớ đến thân người quý báu vào mỗi buổi sáng, cái chết và sự vô thường vào mỗi buổi tối, và trong suốt cả ngày của bạn hãy tịnh hóa tâm của bạn bằng cách nhớ lại nghiệp, hay nhân và quả.

---*---

Người dịch : Ngộ Châu

Hiệu đính : Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Bài viết liên quan