TỨ GIA HẠNH - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

TỨ GIA HẠNH

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Con đường Phật giáo ít nói chứng đắc mà nói đến nhẫn: nhẫn chịu sự thật là vô ngã vô pháp, cho đến Vô sanh pháp nhẫn. Đến đây phải nhẫn chịu tánh Không thì mới lọt vào được. Tâm và Phật là tánh Không-Minh, nhưng chưa hợp với tánh được vì chưa thấu thoát qua chấp ngã chấp pháp. Cho nên phải nhẫn chịu, ôm vào thì chẳng dám ôm lâu mà bỏ ra thì mất công phu từ trước đến...
TỨ GIA HẠNH - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

A Nan, người thiện nam ấy qua hết bốn mươi mốt tâm thanh tịnh ấy rồi, cần thành tựu bốn thứ gia hạnh diệu viên.

 

  1. Tức là lấy cái giác của Phật dùng làm tâm mình, như ra nhưng chưa ra, cũng như dùi cây cho ra lửa để đốt lại cây, gọi là Noãn địa.

Sơ tâm Càn huệ địa đầu tiên cũng là cái giác của Phật, nhưng mới chỉ là bóng dáng. Trải qua Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng thì cũng vẫn là cái tâm giác của Phật nhưng càng lúc càng hiện rõ ràng hơn, nhờ sự khai triển sâu rộng hơn của hành giả. Ở một địa vị trong bốn mươi địa vị này mà khai triển cho tột cùng thì đó là tâm giác của Phật không khác. Có địa nào có thể ở ngoài Phật địa đâu?

Cho nên chỉ cần lấy một Trụ, một Hạnh, một Hồi hướng mình thích hợp nhất rồi Văn, Tư, Tu bằng Chỉ, Quán, Thiền như một đề mục duy nhất thì có ngày xuyên thủng mà vào Pháp thân.

Với quá trình công thức và chính thức này, dầu qua hết bốn mươi tâm thanh tịnh, nhưng tâm ấy chưa là một với tâm Phật, cũng tức là Pháp thân của chư Phật. Phải vào Thập Địa mới thật sự là thánh, thật sự từ bỏ sanh tử, vì từ đây mới thật sự đứng trên đất Phật, cùng chung một tâm Phật, cùng chung một Pháp thân với tất cả chư Phật.

Muốn vượt qua cái ngưỡng phân chia sanh tử với Niết bàn, phân chia thức và trí, phân chia bậc Tam hiền (Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng) với bậc thánh Bồ tát Pháp thân thì phải nỗ lực, gia tăng tốc độ (gia hạnh). Thần chú của Bát Nhã Tâm Kinh nói lên ý nghĩa vượt qua này.

Noãn địa, địa của sức nóng, là cái đầu tiên của bốn Gia hạnh vị. Lấy cái giác của Phật làm tâm mình, nghĩa là mượn cái giác của Phật chứ tự tâm mình chưa phải là cái giác của Phật. Thấy như ra thoát nhưng chưa ra thoát, đầu thì lọt vào hư không bao la nhưng thân còn kẹt trong năm ấm. Cho nên nỗ lực tinh tấn, tạo ra sức nóng, như dùi cây cho ra lửa để đốt cháy tiêu cả hai cây. Cháy tiêu cả hai cây, chủ thể và đối tượng, ngã và pháp, tu và đắc, thì mới là tâm Phật.        
 

  1. Lại lấy tâm mình thành chỗ bước của Phật, như nương mà chẳng phải nương, như lên núi cao, thân đã vào hư không mà ở dưới còn chút ngăn ngại, gọi là Đỉnh địa.

Bốn Gia hạnh vị này là các bước chuẩn bị để đi vào Pháp thân hay tánh bổn nhiên, Kinh diễn tả cụ thể những bước chuẩn bị nhảy này.

Đảnh địa là lấy cái tâm gần giống tâm Phật của bốn mươi cấp bậc ở trước mà bước thêm. Lên đến đỉnh của cuộc đời thế gian, như trên đỉnh núi, thân đã vào tánh Không nhưng chân vẫn còn chạm đất. Chân như còn nương y vào đất, còn có chỗ trụ, chưa dám nhảy vào tánh Không vì phiền não chướng và sở tri chướng còn nhiều, chấp ngã chấp pháp còn nặng. Muốn phá thấu vào tánh Không, phải loại trừ hai thứ nghiệp chướng này thêm nữa.

 

  1. Tâm và Phật cả hai đồng, khéo được Trung đạo, như người nhẫn chịu, chẳng phải ôm vào chẳng phải bỏ ra, gọi là Nhẫn địa.

Con đường Phật giáo ít nói chứng đắc mà nói đến nhẫn: nhẫn chịu sự thật là vô ngã vô pháp, cho đến Vô sanh pháp nhẫn.

Đến đây phải nhẫn chịu tánh Không thì mới lọt vào được. Tâm và Phật là tánh Không-Minh, nhưng chưa hợp với tánh được vì chưa thấu thoát qua chấp ngã chấp pháp. Cho nên phải nhẫn chịu, ôm vào thì chẳng dám ôm lâu mà bỏ ra thì mất công phu từ trước đến giờ.

 

  1. Số lượng tiêu diệt, mê, giác và trung đạo cả hai đều không có chỗ để nêu, gọi là Thế đệ nhất địa.

Số lượng là các tướng khác nhau, hữu hạn, theo trật tự thứ lớp. Số lượng tiêu diệt thì cái vô hạn bắt đầu hiện ra.

Các tướng tiêu thì tánh hiện, không chạy theo các bóng trong gương thì gương hiện. Thậm chí các ý niệm mê, giác và trung đạo cũng không còn trong tâm. Ở nơi tâm không còn chỗ trụ này bèn nhảy vào đất thật là tánh Không Minh.

Thế đệ nhất địa là chỗ cao nhất của thế gian ba cõi, nhưng dầu cao nhất như các vua cõi trời thì vẫn ở trong sanh tử.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan