TỰ-GIẢI THOÁT QUA THẤY VỚI TÁNH GIÁC TRẦN TRỤI - PADMASAMBHAVA - BÌNH GIẢNG BỞI VAJRANATHA

TỰ-GIẢI THOÁT QUA THẤY VỚI TÁNH GIÁC TRẦN TRỤI - PADMASAMBHAVA

BÌNH GIẢNG BỞI VAJRANATHA (JOHN MYRDHIN REYNOLDS)

Việt dịch: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

NXB Thiện Tri Thức, 2012

-----o0o-----

Khi con được đưa vào như vậy qua phương pháp cực kỳ mạnh mẽ này để đi vào thực hành, (Con trực tiếp khám phá) rằng tánh giác tự thân trực tiếp tức thời của con chính là cái này (và không cái gì khác),
TỰ-GIẢI THOÁT QUA THẤY VỚI TÁNH GIÁC TRẦN TRỤI - PADMASAMBHAVA - BÌNH GIẢNG BỞI VAJRANATHA

9. Khi con được đưa vào như vậy qua phương pháp cực kỳ mạnh mẽ này để đi vào thực hành,

(Con trực tiếp khám phá) rằng tánh giác tự thân trực tiếp tức thời của con chính là cái này (và không cái gì khác),

Và rằng nó có sự trong sáng tự thân vốn sẵn hoàn toàn không do chế tạo.

Bấy giờ làm sao con có thể nói không hiểu bản tánh của tâm?

Hơn nữa, bởi vì con đang thiền định mà không tìm thấy cái gì ở đó để thiền định về,

Làm sao con có thể nói thiền định của con tiến hành không tốt đẹp?

Bởi vì tánh giác nội tại biểu lộ của con chỉ là cái này,

Làm sao con có thể nói con không thể tìm thấy tự tâm con?

Tâm chỉ là cái đang suy nghĩ đây;

Nhưng nếu con đã tìm kiếm, làm sao con có thể nói con không tìm thấy nó?

Về điều này, không đâu có cái người là nguyên nhân của hoạt động tâm thức.

Và tuy nhiên, bởi vì hoạt động là có, làm sao con có thể nói hoạt động ấy không sanh khởi?

Bởi vì chỉ cho phép (những tư tưởng) an trụ trong thể trạng của chính chúng, không cố gắng sửa sang chúng theo bất kỳ cách gì, thế là đủ,

Làm sao con có thể nói không thể ở yên trong một trạng thái an bình?

Bởi vì để cho (những tư tưởng) là chỉ như chúng là, không cố gắng làm gì với chúng, thế là đủ,

Làm sao con có thể nói con không thể làm gì với chúng?

Bởi vì trong sáng, tánh giác và tánh Không là không thể tách lìa và tự hoàn thiện một cách tự phát,

Làm sao con có thể nói rằng không có gì được hoàn thành bởi thực hành của con?

Bởi vì (tánh giác nội tại) là tự phát sanh và tự toàn thiện một cách tự nhiên mà không có bất kỳ những nhân hay duyên nào trước nó,

Làm sao con có thể nói không thể thành tựu cái gì bởi những nỗ lực của con?

Bởi vì sự sanh khởi của những tư tưởng lan man và sự được giải thoát của chúng xảy ra đồng thời,

Làm sao con có thể nói con không thể áp dụng một đối trị?

Bởi vì tánh giác tức thời của chính con chỉ là cái này,

Làm sao con có thể nói con không biết cái gì về nó?

Khi chúng ta được dẫn nhập nhờ phương pháp đầy năng lực này để đi vào thực hành (jug tshul btsan thabs), chúng ta khám phá tánh giác trực tiếp vốn sẵn của chính chúng ta vào ngay khoảnh khắc này, mà bản thân nó ở ngoài ba thời. Sự sáng tỏ vốn sẵn của nó hoàn toàn không do chế tạo; nó là một trí thông minh thuần túy, hoàn toàn hiện tiền và tỉnh giác, không bị điều kiện hóa bởi những phán xét hay khái niệm nào. Bản tánh của tâm chỉ là cái này.

Bây giờ đạo sư Padmasambhava hỏi chúng ta một loạt những câu hỏi để kích phát sự thấu hiểu và chứng ngộ của chúng ta về tánh giác. Sự hướng dẫn như vậy gọi là sem-ti, “hướng dẫn tâm”. Nó có hình thức một đối thoại giữa vị thầy và đệ tử để đưa người sau vào kinh nghiệm tự nhận biết. Vào khoảnh khắc hiện tại chúng ta đang kinh nghiệm tánh giác tự thân trực tiếp này, và bản tánh của nó là sáng tỏ tự thân không do tạo tác. Với cái được chỉ ra ở đây, làm sao chúng ta có thể nói chúng ta không thể hiểu bản tánh của tâm nghĩa là gì? Nhưng khi tự quan sát mình trong khi thực hành thiền định, chúng ta không tìm thấy có ai đang thiền định, bởi vì tâm không phải là một thực thể vật chất có những phẩm tính như hình dạng màu sắc… Khi không có người đang thiền định và không có cái gì để thiền định về, làm thế nào chúng ta có thể nói sự thiền định của chúng ta không tiến hành tốt?

Bởi vì tánh giác nội tại biểu lộ của chúng ta chỉ là cái này mà đạo sư đã chỉ ra, làm thế nào chúng ta có thể nói chúng ta không tìm thấy tự tâm mình? Với sự sáng tỏ và tánh giác không đứt đoạn này, làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta không thấy khuôn mặt (hay tinh túy) của tự tâm chúng ta? Ai là người đang nghĩ “Tâm ở đâu?” Tuy nhiên tâm là chính ngay đây như nó đang là và không có cái gì khác. Chúng ta có thể nghĩ rằng chính chúng ta là người đang suy nghĩ nhờ tiến trình tâm thức này, nhưng khi tìm kiếm cái người này và không tìm thấy y ở đâu cả, làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta không tìm thấy tinh túy của tự tâm chúng ta? Chính sự không thể tìm thấy người suy nghĩ hay thiền định là điểm chính yếu. Tinh túy của tâm là chính ngay đây như nó đang là.

Như thế, không có cái gì để làm, không có cái gì để chỉnh trị, sửa chữa. Thế nên làm sao chúng ta có thể nói những hành động của chúng ta được thực hiện đúng hay sai. Bởi vì rốt ráo, không có cái gì được làm ngoại trừ cứ để tâm trong trạng thái đúng như tự bản thân nó, chúng ta cho phép tánh giác ở yên trong thể trạng của chính nó mà không thử chỉnh sửa theo bất cứ cách nào. Thế là đủ.

Thế nên tại sao chúng ta có thể nói chúng ta không có khả năng đi vào trạng thái chánh định? Bởi vì chỉ để cho nó như là, không có bất kỳ cố gắng nào để làm gì nó cả, là đã đủ, thế sao chúng ta có thể nói chúng ta không có khả năng thiền định? Chúng ta không cần làm gì cả, mà chỉ để cho tâm ở nơi nó vốn là. Có người nói rằng họ đã hoàn thành điều gì đó và có người nói họ không hoàn thành được cái gì cả. Nhưng bởi vì tánh sáng tỏ và tánh giác và tánh Không thì không thể chia tách và mọi sự tự nhiên là tự hoàn thiện, làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta không hoàn thành cái gì cả nhờ sự thực hành của chúng ta? Bởi vì mọi sự trong vũ trụ là sự phản chiếu hay tiềm năng của tánh giác, có cái gì là không hoàn thành ở đây? Bởi vì mọi sự là tự sanh và tự nhiên tự hoàn thiện không có những nguyên nhân và những điều kiện đi trước, làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta không có khả năng hoàn thành cái gì do cố gắng của chúng ta? Bởi vì sự sanh khởi của những tư tưởng phóng dật và sự được giải thoát của chúng xảy ra đồng thời, làm sao chúng ta có thể nói chúng ta không có khả năng áp dụng cái đối trị thích hợp? Nhưng thật ra chúng ta không cần áp dụng đối trị, như được làm trong những phương pháp của hệ thống Kinh, bởi vì ngay khi một tư tưởng phóng dật khởi lên, nó được cho phép giải thoát, như một đám mây tan trong bầu trời. Bởi vì tánh giác trực tiếp chỉ là sự hiện diện này và không phải cái gì khác, làm sao chúng ta có thể nói chúng ta không biết gì về nó?

10. Quả thật bản tánh của tâm thì trống không và không có bất kỳ nền tảng nào cả.

Tự tâm con thì không chất thể như bầu trời trống không.

Con phải nhìn thẳng vào tâm con để thấy nó giống như thế hay không.

Không có cái thấy nào, điều ấy xác quyết nó là trống không,

Quả thật tánh giác nguyên sơ tự phát sanh ấy thì trong sáng quang minh từ sơ thủy,

Giống như trái tim của mặt trời, nó tự phát sanh chính nó.

Con phải nhìn thẳng vào tâm con để thấy nó giống như thế hay không.

Quả thật tánh giác hay cái biết nguyên sơ này, nó là tánh giác nội tại của con, là không ngừng dứt,

Giống như dòng chính của một con sông chảy trôi không dứt.

Con phải nhìn thẳng vào tâm con để thấy nó giống như thế hay không.

Quả thật sự sai khác của những chuyển động (sanh khởi trong tâm) thì trí nhớ không thể nắm bắt được,

Chúng như những làn gió nhẹ không chất thể di chuyển qua không khí.

Con phải nhìn thẳng vào tâm con để thấy nó giống như thế hay không.

Quả thật bất cứ hình tướng gì xảy ra, tất cả chúng là tự biểu lộ,

Giống như những hình bóng trong một tấm gương là những tự biểu lộ chúng chỉ xuất hiện như vậy mà thôi.

Con phải nhìn thẳng vào tâm con để thấy nó giống như thế hay không.

Quả thật tất cả những tính cách sai khác của sự vật được giải thoát vào thể trạng của chính chúng,

Giống như những đám mây trong bầu trời là tự phát sanh và tự giải thoát.

Con phải nhìn thẳng vào tâm con để thấy nó giống như thế hay không.

Bây giờ tác giả đã dùng một loạt những tương tự để làm rõ bản tánh của tâm và mời chúng ta nhìn vào trong chúng ta và quan sát để xem nó giống hay không giống như vậy. Bản tánh của tâm là trống không và không có căn cứ nào. Tâm chúng ta thì không thể nắm bắt và không có vật chất – nó giống như bầu trời trống không và trong sáng, không có mây. Nhưng tâm này không chỉ là một cái không có gì cả, bởi vì, là cái biết tự sanh hay tánh giác nguyên sơ, nó là trong sáng quang minh và vốn đã như vậy từ nguyên thủy. Sự trong sáng này giống như tâm mặt trời, bản thân tự sanh. Chúng ta nên quan sát tâm ta xem nó có giống như vậy hay không. Sự trong sáng của tánh giác nội tại luôn luôn hiện diện, như mặt trời hiện diện trong bầu trời, dù quỹ đạo có thể thấy của nó có thể bị che mờ bởi những đám mây. Không có sự hiện diện này của mặt trời, dù nó không thể thấy sau những đám mây, thế giới chúng ta sẽ không có chút ánh sáng nào.

Tánh giác nguyên sơ này là tánh giác nội tại hay hiện diện tức thời thì không ngừng và không đứt đoạn, giống như dòng chảy chính của một sông lớn. Sự khác biệt của những chuyển động của tư tưởng và trí nhớ sanh khởi trong tâm không phải là cái gì có thể nắm bắt giữ lấy. Chúng giống như những ngọn gió nhẹ di chuyển qua không khí. Bất kỳ hình tướng nào xuất hiện đều là những tự biểu lộ (rang snang), giống như những phản chiếu trong một tấm gương là những tự biểu lộ – chúng chỉ xuất hiện và không là cái gì khác hơn chính chúng. Và theo cách này, những đặc tính của những sự vật trở nên được giải thoát vào thể trạng của chính chúng (rang sar grol-ba). Giống như những đám mây trong bầu trời chỉ xuất hiện và lại biến mất, chúng là tự phát sanh và tự giải thoát, không để dấu vết nào lại sau.

-----o0o-----

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan