TỰ LỰC TRONG TU HÀNH - SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC - TAITETSU UNNO

Khi tôi suy nghĩ về sự việc này, tôi tự hỏi, tôi đã hiến tặng cho ai ? Rõ ràng, không phải cho bệnh viện hay những sự phục vụ của nó – chỉ thuần cho riêng tôi. Mối quan tâm tối hậu của tôi không phải là bệnh viện mà là tham muốn không vơi được biết đến, dù chỉ trong hình thức một món quà rẻ tiền. Ý định tốt của tôi bị che ám bởi vì tôi luôn luôn “ý thức làm việc tốt”.
TỰ LỰC TRONG TU HÀNH - SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC - TAITETSU UNNO

TỰ LỰC TRONG TU HÀNH

SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC - TAITETSU UNNO

–––––o0o–––––

Từ ngữ tự lực, ngược với Tha Lực, không nên được cho là một tự lực phủ định trong đời sống hàng ngày. Để trở thành một người lớn trưởng thành, độc lập, chúng ta phải nương dựa vào những năng lực được phát triển trong chính mình – lý trí, tâm lý và trực giác. Chính trong lĩnh vực tìm kiếm có tính tôn giáo mà tự lực thành một vấn đề thật sự.Theo Thân Loan, tự lực trở nên biểu lộ trong một số đường lối. Trước hết, bất cứ khi nào người ta, “ý thức làm việc tốt” trong bất kỳ hình thức nào gồm cả thực hành tôn giáo, thậm chí khi xướng danh hiệu Phật, tự lực bèn vận hành. Không ý thức được trò chơi quy ngã ẩn núp phía sau, người ta tự cho mình là đúng và tự phụ, có những phê phán đúng sai đối với những người khác.

Thứ hai, bất cứ khi nào người ta tin vào khả năng của mình để “thêm rối rắm trong thân, ngữ, ý” qua một số phương tiện, như thực hành thiền định, tự lực bèn tác động. Bấy giờ người ta quay qua những đức Phật và bổn tôn khác để cầu xin, và đi vào những thực hành khác với niệm Phật. Người ta chỉ dựa vào những ý thích thất thường của mình để khơi dẫn cho đời sống tôn giáo.

Thứ ba, bất cứ khi nào người ta kiêu căng tin vào khả năng tự biết mình, đó là sự vận hành của tự lực. Điều này bao gồm việc tự cho mình là nhận biết trọn vẹn sự giới hạn, bất toàn và sai lầm của mình nhờ năng lực của chỉ sự suy nghĩ lý trí tự mình.

Cuối cùng, khi sự thực hành tôn giáo của người ta, bất kể cam kết và hướng nguyện bao nhiêu, cũng không có hiệu quả, không sanh sôi nảy nở, tự lực đã đạt đến điểm chết. Đó là thời điểm cái ta mở ra với công việc của Tha Lực, nó là thấm nhuần khắp và hộ trì tất cả.

Trong đời sống hàng ngày, tự lực biểu lộ thành những thôi thúc vô thức, ích kỷ ăn sâu. Chúng ta hiếm khi nhận ra điều này, bởi vì mắt chúng ta luôn luôn phóng ra ngoài và chúng ta không thể thấy chính mình. Chúng ta thường trực phê phán và chỉ trích những người khác, hoàn toàn không biết gì về sự tự tri cạn cợt, bề ngoài của mình. Sự vô minh này dẫn đến mọi loại hỗn loạn không cần thiết trong đời sống cá nhân và trong thế giới. Như Carl Jung có lần viết, “Làm sao có thể nhìn thẳng trực tiếp khi thậm chí nó không nhìn chính nó và nhìn vào cái tối tăm đó mà nó tự mang theo một cách vô thức vào trong mọi xử sự của nó.”

Một ví dụ đơn giản minh họa cái ngã tính toán phân biệt như thế nào khi nó nghĩ nó đang làm việc tốt. Bệnh viện địa phương ở thị xã tôi có một quỹ nộp vào cuối mỗi năm. Tôi là một người nhiều khi đã hưởng những phục vụ tuyệt hảo của nó, đó là một nơi tôi đóng góp hàng năm. Vào cuối năm báo cáo tài chính của quỹ được thông báo với danh sách tên những nhà tài trợ theo các mục hiến tặng khác nhau. Dù tôi đã cho với động cơ biết ơn, điều đầu tiên tôi làm khi nhận báo cáo này là xem tên tôi có trong đó không, viết có đúng không và đặt có đúng chỗ không.

Một năm nọ, văn phòng bệnh viện loan báo sẽ tặng những đồng hồ số bằng plastic như một vật cám ơn cho những người hiến tặng. Tôi đã gởi tiền, tôi chờ món quà đến. Tôi chờ mãi. Tôi chờ trong sáu tuần, nhưng nó không đến. Thế nên, một hôm tôi không chờ nữa và quyết định gọi văn phòng. Với một giọng lịch sự, tôi nói, “Dù bản thân tôi không quan tâm tôi có được cái đồng hồ số hay không, tôi nghĩ rằng bạn cần biết có một số người đã chưa nhận được. Nếu chúng tôi không có, bạn có thể không có phần hiến tặng vào năm tới !” Điều tôi thật sự muốn nói thì thẳng thừng hơn – “Hừ, tôi chưa nhận được đồng hồ của tôi. Nếu bạn không gởi cho tôi một cái, năm tới chẳng có món cho nào đâu !” Hai ngày sau cái đồng hồ plastic rẻ tiền mà đáng yêu đến bằng đường bưu điện. Nó đã ngưng hoạt động sau vài tháng. Dù sao, việc đó cũng không gây thích thú gì ghê gớm.

Khi tôi suy nghĩ về sự việc này, tôi tự hỏi, tôi đã hiến tặng cho ai ? Rõ ràng, không phải cho bệnh viện hay những sự phục vụ của nó – chỉ thuần cho riêng tôi. Mối quan tâm tối hậu của tôi không phải là bệnh viện mà là tham muốn không vơi được biết đến, dù chỉ trong hình thức một món quà rẻ tiền. Ý định tốt của tôi bị che ám bởi vì tôi luôn luôn “ý thức làm việc tốt”.

Myokonin Kichibei (1803-81) là một người bán rong có đức tin sâu thẳm. Người ta hướng về ông khi họ có những câu hỏi về đức tin Chân tông. Ông nói bằng những thí dụ đơn giản, ngày thường. Một lần ông minh họa bản chất ương ngạnh của tự lực bằng câu chuyện sau.

Dù cá sống trong đại dương, trong nước muối, muối không bao giờ thấm vào thân nó. Nếu tôi giải thích lý do, đấy bởi cá đang sống. Nhưng nếu bạn ướp muối cá chết đã được lưới lên, muối vào thẳng trong thân để duy trì cá. Và bất kể bạn cố gắng théá nào để trục muối ra, cá vẫn mặn. Đúng thế, chúng ta giống như con cá, sống mỗi ngày ngập trong Phật Pháp, tuy nhiên Pháp không hề thấm vào cuộc sống chúng ta. Tại sao thế ? Bởi vì bản ngã chúng ta còn sống, còn vẫy vùng bằng tự lực.

Tự lực từ chối lời dạy của Phật như là không liên quan và vô nghĩa cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bao giờ tự lực còn sống và khỏe mạnh, bản ngã còn cưỡng chống lại Phật Pháp, dựng lên mọi loại phòng thủ, che chắn. Nhưng sớm hay muộn, có lúc chúng ta nhận ra sự phá sản của tự lực. Khi ấy, pháp sẽ thấm vào thân tâm chúng ta để truyền thấm vào một ý nghĩa mới mẻ và đầy sức sống của cuộc đời.

–––––o0o–––––

Trích: Sông Lửa Sông Nước

Tác Giả: Taitetsu Unno

Dịch Giả: An Cư

NXB: Thiện Tri Thức in năm 2001

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan