TỰ XÉT VỀ CÁI GÌ CHỨ ĐỪNG HỎI “TẠI SAO” - BRIAN SOLIS - SỐNG THÔNG MINH

TỰ XÉT VỀ CÁI GÌ CHỨ ĐỪNG HỎI “TẠI SAO”

BRIAN SOLIS

SỐNG THÔNG MINH

-------o0o-------

Hỏi “tại sao” là một phần trong hành trình phát triển ý thức của chúng ta về bản thân như một cá thể độc lập, bắt đầu quá trình tìm hiểu cách thức vận hành của thế giới.
TỰ XÉT VỀ CÁI GÌ CHỨ ĐỪNG HỎI “TẠI SAO” - BRIAN SOLIS - SỐNG THÔNG MINH

Trong một bài phát biểu về chủ đề này tại TEDxMileHigh, nhà tâm lý học Tasha Eurich bày tỏ sự thấu cảm sâu sắc về sai lầm quan trọng mà hầu hết chúng ta mắc phải khi cố gắng tự nhận thức hơn về bản thân. “Bạn biết đấy, cách bạn đang kiểm chứng những suy nghĩ, cảm xúc và động cơ của mình bạn là sự tự xét. Chà, có lẽ bạn đang làm điều đó... hoàn toàn sai. Có một lý do khiến rất ít người trong chúng ta tự nhận thức được bản thân”, cô nói.

Nghiên cứu của cô phát hiện ra rằng những nỗ lực của chúng ta nhằm trở nên tự nhận thức về bản thân thông qua sự tự xét thực sự khiến chúng ta căng thẳng và thất vọng hơn. Cô cũng phát hiện ra khi cố gắng kiểm soát cuộc sống của mình theo cách này, trớ trêu thay, chúng ta lại cảm thấy ít kiểm soát cuộc sống của mình hơn. Theo cô, tự phân tích bản thân “có thể nhốt chúng ta vào một địa ngục tinh thần do chính chúng ta tạo ra”.

Cô phát hiện ra rằng vấn đề là chúng ta đã đặt câu hỏi sai. Khi cố gắng nhận thức về bản thân, chúng ta hỏi tại sao? Chúng ta thường tập trung vào việc cố gắng tìm ra lý do tại sao điều gì đó lại xảy ra với chúng ta - tại sao lại là tôi?

“Tại sao điều này xảy ra với tôi?”

“Tại sao tôi cảm thấy thế này?”

“Tại sao tất cả mọi người lại cố gắng bắt chẹt tôi?”

“Tại sao mọi thứ không thể suôn sẻ với tôi?”

“Tại sao tôi không thể tập trung?”

“Tại sao tôi không thể sáng tạo theo cách mà tôi đã từng?”

Điều này có vẻ hoàn toàn hợp lý đối với chúng ta. Rốt cuộc, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã học được rằng nếu muốn hiểu mọi thứ, chúng ta nên đặt câu hỏi tại sao. Hỏi “tại sao” là một phần trong hành trình phát triển ý thức của chúng ta về bản thân như một cá thể độc lập, bắt đầu quá trình tìm hiểu cách thức vận hành của thế giới. Hầu hết trẻ em đều trải qua giai đoạn phát triển nhận thức về bản thân như một cá thể độc lập, thường là từ hai đến ba tuổi, khi không ngừng hỏi tại sao. Với tư cách là cha mẹ, tôi có thể nói đó là một giai đoạn tuyệt vời – cho đến khi không phải vậy. Tất cả những câu hỏi tại sao bắt đầu khiến bạn phát điên, một phần vì bạn biết quá ít câu trả lời!

Muốn biết tại sao mọi thứ lại như chúng vốn có là một dấu hiệu của việc chấp nhận bản thân như chúng ta vốn thế trong thế giới này. Thật không may, khi nói đến nhận thức về bản thân, việc hỏi tại sao lại chống lại chúng ta. Tasha Eurich phát hiện ra, “Khi hỏi tại sao, câu hỏi này không dẫn chúng ta đến với sự thật về bản thân mà dẫn chúng ta ra khỏi đó.” Chúng ta bị cuốn vào việc ngoái lại phía sau, cố gắng thiết lập một chuỗi sự kiện có quan hệ nhân quả đã dẫn chúng ta đến vị trí hiện tại thay vì tập trung vào các khả năng của hiện tại và cách chúng ta có thể tiến lên phía trước. Nói cách khác, chúng ta bị mắc kẹt trong hệ thống cái tôi.

Eurich nói rằng chúng ta phải thoát ra khỏi cái bẫy tại sao.

Trong nghiên cứu của mình, cô phát hiện ra rằng những người thực sự tự nhận thức được về bản thân đều có một điểm chung thú vị nào đó. Họ không hỏi tại sao. Thay vào đó, họ tập trung vào điều gì. Họ tự hỏi mình những câu hỏi như:

“Điều gì quan trọng đối với tôi?”

“Những tình huống nào khiến tôi cảm thấy khủng khiếp và chúng có điểm gì chung?”

“Mục đích sống của tôi ngay bây giờ là gì, và tôi sẽ cần gì để hoàn thành nó?”

Eurich tin rằng trong khi câu hỏi tại sao buộc chúng ta phải nhìn vào tấm gương chiếu hậu, hành động đã ngăn chặn hoặc khiến sự tự nhận thức về bản thân đi sai hướng thì câu hỏi điều gì thôi thúc chúng ta tiến về phía trước một cách hiệu quả, giúp chúng ta đi đến câu trả lời cho phép hành động tự xét và tự đánh giá tích cực.

Để ngăn tâm trí của chúng ta không quay trở lại câu hỏi tại sao và tôi thì sao?! để hướng sang câu hỏi điều gì, đòi hỏi sự lưu tâm, khả năng nhận thức được những suy nghĩ của chúng ta và chuyển hướng chúng. Nếu chúng ta không xây dựng khả năng lưu tâm của mình, thì như tiểu thuyết gia David Foster Wallace từng phát biểu trong một bài diễn văn khai giảng, chúng ta chắc chắn lại bị cuốn vào hệ sinh thái cái tôi:

Nếu tôi không đưa ra một quyết định tỉnh táo về cách nghĩ và điều cần chú ý đến, thì lần nào tôi cũng sẽ bực mình và đau khổ... bởi bản thân tôi mặc định rằng mọi tình huống... đều do tôi và vì tôi.

Tin tốt là việc trau dồi sự lưu tâm là một nguồn vui lớn – một kiểu giải trí có ý nghĩa và trọn vẹn làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng biết rất nhiều về cách làm điều đó. Bước tiếp theo trong hành trình nâng tầm cuộc sống là dành một chút thời gian để lưu tâm.

-------o0o-------

Trích: Sống Thông Minh

Tác giả: Brian Solis

Dịch: Phí Mai

NXB Thái Hà Books

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan