VÌ SAO CẢM XÚC QUAN TRỌNG VÀ CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ VỚI CHÚNG - JONICE WEBB & CHRISTINE MUSELLO - LẤP ĐẦY TRỐNG RỖNG

VÌ SAO CẢM XÚC QUAN TRỌNG VÀ CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ VỚI CHÚNG

LẤP ĐẦY TRỐNG RỖNG – JONICE WEBB & CHRISTINE MUSELLO

-----o0o-----

“Mặc dù nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ mình là những sinh vật lý trí biết cảm nhận, nhưng về mặt sinh học, chúng ta là những sinh vật đang cảm nhận rằng mình có lý trí".
VÌ SAO CẢM XÚC QUAN TRỌNG VÀ CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ VỚI CHÚNG - JONICE WEBB & CHRISTINE MUSELLO - LẤP ĐẦY TRỐNG RỖNG

VÌ SAO CẢM XÚC QUAN TRỌNG VÀ CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ VỚI CHÚNG

LẤP ĐẦY TRỐNG RỖNG – JONICE WEBB & CHRISTINE MUSELLO

-----o0o-----

“Mặc dù nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ mình là những sinh vật lý trí biết cảm nhận, nhưng về mặt sinh học, chúng ta là những sinh vật đang cảm nhận rằng mình có lý trí".

– Tiến sĩ Jill Bolte Taylor, Diễn giả, Nhà thần kinh học người Mỹ

1. Hiểu mục đích và giá trị của cảm xúc

Trong xã hội của chúng ta, cảm xúc thường bị đánh giá thấp. Nó thường bị coi là một điều phiền toái. Các từ ngữ để mô tả nó như “khờ khạo”, “ủy mị" hoặc "quá nhạy cảm". Sự xúc động thường được cho là trẻ con, nhu nhược hoặc yếu tố đó được coi là đối lập với sự sâu sắc. Chúng ta có xu hướng cho rằng những người thông minh không phải là những người tình cảm và những người giàu cảm xúc thì không thông minh. Thực tế là những người thông minh nhất là những người sử dụng cảm xúc của họ để giúp họ suy nghĩ và những người sử dụng suy nghĩ của họ để quản lý cảm xúc. Điều quan trọng là sử dụng cảm xúc một cách cân bằng và lành mạnh. Lắng nghe những gì cảm giác của bạn đang nói với bạn, và sau đó tìm ra cách hành động để cải thiện tình hình, cuộc sống của bạn hoặc thế giới xung quanh bạn. Nhiều khám phá khoa học có giá trị nhất đã được thực hiện bởi vì một nhà khoa học có đam mê với chủ đề của mình. Ví dụ, niềm đam mê của nhà khoa học có thể được thúc đẩy bởi sự đau buồn hoặc mong muốn khám phá ra cách giúp đỡ một người thân yêu đang chịu đựng một điều gì đó. Vậy nên những người thành công đều do cảm tính điều khiển.

Các nhà khoa học thần kinh đã nghiên cứu sâu rộng về sự phát triển mang tính tiến hóa của não người. Đối với con người, khả năng cảm nhận cảm xúc đã phát triển hàng triệu năm trước khả năng suy nghĩ. Cảm xúc của con người bắt nguồn từ hệ Limbic, được chôn sâu bên dưới vỏ não, phần não nơi bắt nguồn suy nghĩ. Theo cách này, cảm xúc là một phần cơ bản của con người hơn là suy nghĩ của chúng ta. Chúng là một bộ phận sinh lý của cơ thể chúng ta, giống như móng tay hoặc đầu gối. Cảm xúc của chúng ta không thể bị xóa và sẽ không bị chối, không dễ như việc chúng ta có thể xóa bỏ hoặc phủ nhận cơn đói hay khát.

Tại sao cảm xúc lại phát triển trước tiên vậy? Đôi khi, đặc biệt là với những người bị thờ ơ, bỏ mặc về tình cảm, cảm xúc giống như một gánh nặng. Chẳng phải là sẽ tốt hơn nếu chúng ta không cảm thấy buồn khi xung đột với một người bạn, tức giận khi bị ai đó cắt ngang tầm nhìn khi ta đang lái xe, hay lo lắng trước một cuộc phỏng vấn xin việc hay sao? Nhìn bề ngoài, có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta không phải cảm thấy những điều đó. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta không có cảm xúc, cuộc sống sẽ không thể tốt đẹp hơn. Trên thực tế, nó sẽ không bền vững.

Cảm xúc là cần thiết để tồn tại. Cảm xúc cho chúng ta biết khi nào chúng ta gặp nguy hiểm, khi nào nên bỏ chạy, khi nào nên chiến đấu và điều gì đáng để chiến đấu. Cảm xúc là cách cơ thể giao tiếp với chúng ta và thúc đẩy chúng ta làm mọi việc. Dưới đây là một số ví dụ về mục đích của một vài cảm xúc:

Cảm xúc - Chức năng

Sợ hãi - Nói với chúng ta hãy bỏ trốn/tự phòng vệ

Tức giận - Thúc đẩy chúng ta chiến đấu lại/tự bảo vệ

Yêu thương - Thúc đẩy chúng ta quan tâm tới vợ chồng, con cái và những người khác

Đam mê - Thúc đẩy chúng ta sáng tạo và phát minh

Đau khổ - Thúc đẩy chúng ta sửa chữa một tình huống

Buồn bã - Nói với chúng ta rằng ta đang mất một thứ gì đó quan trọng

Trắc ẩn - Thúc đẩy ta giúp đỡ người khác

Ghê tởm - Nói với ta tránh xa thứ gì đó

Tò mò - Thúc đẩy ta khám phá và học hỏi

Giờ thì bạn đã hiểu. Mỗi một cảm xúc tương ứng với một mục đích. Cảm xúc là công cụ vô cùng hữu ích giúp chúng ta thích nghi, tồn tại và phát triển. Những người bị thờ ơ, bỏ mặc về mặt cảm xúc được rèn luyện để cố gắng xóa bỏ, phủ nhận, ẩn đi và trong một số trường hợp, phải xấu hổ về hệ thống phản hồi tích hợp sẵn có vô giá này. Bởi vì họ không lắng nghe cảm xúc của họ, họ đang gặp bất lợi so với tất cả chúng ta. Chối bỏ nguồn thông tin quan trọng này khiến họ dễ bị tổn thương và phản ứng kém hiệu quả hơn trong nhiều khía cạnh. Nó cũng khiến họ khó trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn nhất.

Tuy nhiên, cảm xúc có nhiều tác dụng hơn là thúc đẩy chúng ta làm mọi việc. Chúng cũng nuôi dưỡng các mối liên hệ giữa con người với nhau để mang đến cho cuộc sống chiều sâu và sự phong phú, thứ khiến nó trở nên đáng giá. Chính nhờ chiều sâu và sự phong phú này mà tôi tin rằng đã cung cấp câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi, “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?” Những mối liên kết cảm xúc với những người khác giúp chúng ta ngăn chặn cảm giác trống rỗng cũng như nỗi đau hiện sinh.

2. Xác định và đặt tên cho cảm xúc của bạn

Bạn có nhớ Cal, ví dụ của chúng ta cho sự mù cảm xúc trong chương 3? Một phần quan trọng trong vấn đề của Cal là anh ta không nhận thức được rằng cảm xúc của chính mình tồn tại. Điều này đúng ở một mức độ nào đó (mặc dù không phải lúc nào cũng nghiêm trọng như vậy) ở tất cả những người bị thờ ơ, bỏ mặc về mặt tình cảm. Bạn có thể nhớ lại rằng những cảm xúc chưa được làm rõ, bị che giấu trong thâm tâm của Cal bủa vây bên trong anh ta, chỉ nổi lên là sự tức giận và bực bội.

Cảm xúc có thể tạo ra nhiều tác động khác nhau khi chúng bị ẩn đi hoặc bị phớt lờ. Chúng có thể:

• trở thành các vấn đề thể chất như các vấn đề về đường tiêu hóa, đau đầu hoặc đau lưng

• chuyển thành trầm cảm, gây ra các vấn đề về ăn, ngủ, trí nhớ, khả năng tập trung hoặc tự cô lập bản thân

• làm tiêu hao năng lượng của bạn

• khiến bạn “phát điên” vào những thời điểm bất kỳ, hoặc phát rồ mà “không có lý do gì cả”

• làm trầm trọng thêm sự lo lắng và/hoặc các cơn hoảng loạn

• khiến cho các mối quan hệ và tình bạn của bạn hời hợt và thiếu chiều sâu

• khiến bạn cảm thấy trống rỗng và không thỏa mãn

• khiến bạn đặt câu hỏi về mục đích và giá trị sống của chính bạn.

Bước đầu tiên để ngăn chặn (hoặc ngăn ngừa) bất kỳ điều nào ở trên xảy ra với bạn là học cách nhận ra cảm xúc của bạn và diễn đạt chúng thành lời. Có một điều gì đó gần như kỳ diệu khi nói, “Tôi cảm thấy buồn”, “Tôi thất vọng” hoặc “Bạn đã làm tổn thương tôi khi bạn làm điều đó.” Khi bạn xác định và đặt tên cho cảm xúc của mình với chính mình hoặc với người khác, là bạn đang nắm lấy tay lái và nhấn ga. Bạn đang lấy một cái gì đó từ bên trong và mang nó ra bên ngoài. Bạn đang làm cho điều chưa biết được biết đến. Bạn đang chịu trách nhiệm. Và bạn đang tận dụng tối đa một nguồn lực quý giá: cảm xúc của bạn, nhiên liệu của bạn cho cuộc sống.

3. Học cách tự theo dõi cảm xúc của bản thân

Xác định và đặt tên cho cảm xúc là một kỹ năng. Cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, nó phải được rèn luyện và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng để phát triển. Trong phần này chúng ta cùng tìm hiểu một bài tập sẽ giúp bạn làm điều đó. Khi bạn mới tập bài này, điều quan trọng là bạn phải ở trong phòng một mình, không bị phân tâm.

Bài tập nhận dạng và đặt tên cảm xúc

Bước 1: Nhắm mắt lại. Hình dung ra một màn hình trống chiếm lấy tâm trí bạn, xua tan mọi suy nghĩ. Tập trung tất cả sự chú ý của bạn vào màn hình, hướng sự chú ý của bạn vào bên trong nội tâm.

Bước 2: Tự hỏi bản thân câu hỏi:

“Bây giờ mình đang cảm thấy điều gì?”

Bước 3: Tập trung vào trải nghiệm bên trong của bạn. Hãy để ý đến bất kỳ suy nghĩ nào có thể nảy ra trong đầu bạn và nhanh chóng xóa chúng đi. Hãy đặt sự tập trung vào câu hỏi:

“Bây giờ mình đang cảm thấy điều gì?”

Bước 4: Cố gắng xác định các từ ngữ về cảm giác để diễn đạt nó. Bạn có thể cần nhiều hơn một từ.

Bước 5: Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xác định bất kỳ cảm giác nào, hãy đọc lướt qua Danh sách Từ vựng về cảm giác và cảm xúc trong phần Tài liệu dành cho việc chữa lành ở cuối sách và xem liệu một hoặc nhiều từ có nảy ra trong đầu hay không.

Bước 6: Khi đã tìm được từ mô tả cảm giác của mình, bạn đã sẵn sàng chuyển sang bước tiếp theo, đó là cố gắng tìm ra lý do tại sao bạn lại cảm thấy như vậy.

Vì vậy, bây giờ hãy tự hỏi bản thân:

“Tại sao bây giờ tôi lại cảm thấy _____?”

Việc xác định lý do đằng sau một cảm giác có thể rất khó hiểu đối với nhiều người, đặc biệt là đối với những người bị thờ ơ, thiếu quan tâm về mặt cảm xúc. Đặt câu hỏi cho bản thân về cảm giác có thể giúp bạn hiểu tại sao bạn đang cảm thấy nó. Vì vậy, hãy sử dụng một ví dụ ở đây để minh họa cách bạn có thể thực hiện với vấn đề này. Giả sử rằng cảm giác mà bạn xác định là buồn.

Một lần nữa, hãy nhắm mắt lại, hướng sự chú ý vào trong và tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây nếu cần để bạn thực sự hiểu biết về cảm giác của chính mình.

“Điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của tôi ngay lúc này khiến tôi cảm thấy buồn?”

“Có điều gì đó đã xảy ra gần đây làm tôi khó chịu không?”

“Có điều gì đó buồn hoặc rắc rối trong quá khứ được gợi lại bởi các sự kiện gần đây không?”

“Cảm giác buồn bã này có quen thuộc với tôi không?”

“Tôi có thường xuyên cảm thấy nỗi buồn này trước đây không?”

“Nếu vậy, khi nào và tại sao?”

“Đây có phải là cảm giác tiềm ẩn thường xảy ra với tôi không?”

“Nếu vậy, điều gì đã xảy ra trong quá khứ của tôi có thể đã gây ra điều đó ngay từ đầu?”

Bài tập này tưởng chừng như đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào. Những người bị thờ ơ, thiếu quan tâm về cảm xúc thường rất khó ngồi lại với chính mình, và đó là yêu cầu để bài tập này phát huy tác dụng. Nó có thể rất khó trong lần đầu tiên bạn thử nó, hoặc thậm chí là không thể, nhưng bạn phải tiếp tục cố gắng. Một số người thấy hữu ích khi tham gia một lớp học yoga hoặc thiền để giúp xây dựng các kỹ năng tập trung vào bên trong, vốn rất quan trọng ở đây. Bạn đang buộc bộ não của bạn thực hiện một số hoạt động mới lạ. Về bản chất, bạn đang rèn luyện cho các mạng nơ-ron mới mạnh hơn và hoạt động ngày càng tốt hơn mỗi khi bạn làm điều đó, ngay cả khi bạn không thành công.

Sử dụng Bảng cảm nhận sau đây làm mẫu để ghi lại cảm xúc của bạn ít nhất 3 lần mỗi ngày. Mục tiêu của bạn sẽ là dần dần có khả năng tập trung vào nội tâm hơn, để bạn có thể điều chỉnh cảm xúc của mình một cách tự nhiên khi chúng xảy ra. Khi nhận thức này bắt đầu xảy ra, cuối cùng bạn sẽ có quyền lại gần tất cả các sức mạnh mà cảm xúc mang lại cho bạn. Và bạn sẽ được giải phóng khởi công việc nặng nhọc và có tính chất hủy hoại của việc đè nén chúng.

-----o0o-----

Trích: “Lấp Đầy Trống Rỗng”.

Tác giả: Jonice Webb & Christine Musello.

Việt dịch: Việt Tú.

NXB Thiện Tri Thức – 2021.

Ảnh nguồn Internet.

Bài viết liên quan