VÔ SẮC GIỚI - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

VÔ SẮC GIỚI

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

Tóm lại, dù một cái định ở cấp thấp thì khi xuất định, người ta phải sáng tỏ thêm một điều gì, thấy ra một sự thật gì, đây là kết quả của huệ quán. Còn không chỉ là định vô ký. Mục đích của đạo Phật là trí huệ, thấy được “thật tướng tất cả các pháp”, cũng là thật tướng của ba cõi. Thật tướng ấy là tánh Không.
VÔ SẮC GIỚI - KINH LĂNG NGHIÊM-HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

 

Lại nữa, A Nan, từ chỗ cao tột của Sắc giới này lại có hai đường tẻ.

Nếu nơi tâm xả phát minh được trí huệ, ánh sáng trí huệ viên thông bèn ra khỏi cõi trần, thành A La Hán vào Bồ tát thừa. Một hạng như vậy gọi là Hồi tâm đại A La Hán.

 

Tâm xả cùng tột thì trí huệ tánh Không phát minh, ánh sáng trí huệ viên thông, hoàn toàn giải thoát khỏi ba cõi. Nếu trước đã có bổn nguyện đại bi cứu độ chúng sanh thì không nhập vào tánh Không rốt ráo (học Không bất chứng) mà hồi tâm vào con đường Bồ tát.

 

Nếu nơi tâm xả, thành tựu sự chán xả, biết thân là ngăn ngại, tiêu tan cái ngại ấy vào cái không. Một hạng như vậy gọi là Không (vô biên) xứ.

Các ngăn ngại đã tiêu, không có cái ngại nào không diệt, trong ấy chỉ còn lại thức A lại da và nửa phần vi tế của thức Mạt na. Một hạng như vậy gọi là Thức (vô biên) xứ.

Sắc và không đã hết, thức tâm đều diệt, mười phương vắng lặng, tuyệt không có gì qua lại. Một hạng như vậy gọi là Vô sở hữu xứ.

Thức tánh bất động, dùng cái diệt mà diệt đến cùng, trong chỗ không tận mà thấy có cái tận, như còn mà chẳng còn, như tận mà chẳng tận. Một loại như vậy gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Những hạng ấy đã đi đến cùng tột cái không nhưng không tột tánh Không. Từ Bất hoàn thiên mà đi tột cùng thánh đạo, một hạng như vậy gọi là Bất hồi tâm Độn A La Hán.           

Nếu từ cõi trời Vô tưởng của ngoại đạo mà đi đến cùng cái không, chẳng biết trở lại, mê lầm không nghe chánh pháp thì sẽ vào luân hồi.

A Nan, trên các cõi trời ấy mỗi mỗi trời người đều là phàm phu hưởng sự báo đáp của nghiệp quả, khi báo đáp hết thì vào lại luân hồi. Thiên vương của các cõi ấy thường là Bồ tát dùng tam ma địa lần lượt tiến lên nhưng hồi hướng về con đường tu hành Phật đạo.

A Nan, các cõi trời Tứ không ấy, thân tâm diệt hết, tánh định hiện tiền, không có sắc pháp của nghiệp quả. Từ đây đến cuối cùng gọi là Vô sắc giới.

Những hạng đó đều do chẳng rõ Diệu Giác minh tâm, chứa nhóm vọng tưởng mà phát sanh, vọng có ba cõi. Ở trong đó vọng theo bảy nẻo chìm đắm, thọ mạng đều theo từng loại.

 

Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, và Phi tưởng phi phi tưởng xứ là bốn cõi vi tế và do đó vô biên của tâm thức. Bốn cõi đó được kinh nghiệm là do định. Nhưng như trên đã nói, nếu trong đó không có huệ, là kết quả của quán, thì tập khí phiền não vẫn còn ngủ ngầm (tùy miên) trong đó, “chỉ còn lại thức A lại da và nửa phần vi tế của thức chấp ngã Mạt na”.

Kết quả là khi vào định để đi vào các cõi ấy, các phiền não tạm thời lắng dịu, ngủ yên, nhưng khi xuất định chúng sống trở lại. Như nước còn dơ, khi đông lại thành băng thì không thấy bụi, nhưng khi tan lại thành nước thì thấy bụi vẫn còn trong đó.

Tóm lại, dù một cái định ở cấp thấp thì khi xuất định, người ta phải sáng tỏ thêm một điều gì, thấy ra một sự thật gì, đây là kết quả của huệ quán. Còn không chỉ là định vô ký.

Mục đích của đạo Phật là trí huệ, thấy được “thật tướng tất cả các pháp”, cũng là thật tướng của ba cõi. Thật tướng ấy là tánh Không. Mục đích của đạo Phật không phải là kinh nghiệm các cõi trời Tứ không ấy, cũng là bốn trạng thái cao tột của tâm thức, mà là thấy biết được tánh Không của toàn bộ tâm thức. Biết được tánh Không của tâm và cảnh, đó là giải thoát và giác ngộ.

Ba cõi là do tâm thức, là vọng tưởng của tâm thức hư vọng. Để giải thoát ba cõi và tâm thức hư vọng ấy, không phải là thể nghiệm ba cõi và tâm thức, mà là thấy biết cho được bản tánh của ba cõi và của tâm thức ấy. Bản tánh của tâm thức là tánh Không hay là Diệu Giác minh tâm, đây cũng là chủ đề của toàn bộ cuốn Kinh.

 

BỐN LOÀI A TU LA

 

Lại nữa, A Nan, trong ba cõi ấy lại có bốn loài A Tu La:

Nếu từ loài quỷ, do sức bảo hộ chánh pháp được thần thông nhập vào hư không, hạng A Tu La này từ trứng mà sanh, thuộc về loài quỷ.

Nếu từ loài trời, do đức kém phải sa đọa thì chỗ ở gần mặt trời mặt trăng, hạng A Tu La này từ thai mà sanh, thuộc về loài người.     
Có vua A Tu La nắm giữ thế giới, sức mạnh không phải sợ ai, hay tranh quyền với Phạm vương, Đế Thích, Tứ thiên vương, hạng A Tu La này do biến hóa mà có, thuộc về loài trời.

A Nan, lại có một số A Tu La thấp kém, sanh trong loài biển cả, tối về ngủ dưới nước, hạng A Tu La này do thấp khí mà có, thuộc về loài súc sanh.

 

A Tu La là loài bán thiên, một nửa của loài trời. Ở đây nói theo sự sanh: từ trứng sanh, từ thai sanh, hóa sanh và ẩm thấp sanh, cho nên có khi thuộc về loài quỷ, có khi thuộc về loài người, loài trời, loài súc sanh. Nghiệp của A Tu La thì có đủ, tham, sân, si, mạn; sức mạnh thì hơn loài người, nhưng về chuyện tu hành Phật đạo thì hẳn là thua loài người.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan