XƯA NAY KHÔNG VỌNG

XƯA NAY KHÔNG VỌNG

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

Sanh tử và tánh cuồng phân biệt chỉ là hý luận, như hý luận tìm hiểu về lông rùa sừng thỏ. ‘‘Nếu ngộ cái đầu vốn sẳn như thế, biết rõ do đâu phát cuồng bỏ chạy’’ bèn phát cười từ đây cho đến mãi mãi về sau.
XƯA NAY KHÔNG VỌNG

Liền khi ấy A Nan ở trong đại chúng đảnh lễ chân Phật rồi đứng dậy bạch Phật :Thế Tôn hiện nói về các nghiệp sát, đạo, dâm, ba duyên đã đoạn nên ba nhân chẳng sanh. Tánh điên trong tâm chàng Diễn Nhã Đạt Đa tự hết, hết tức là Giác ngộ, chẳng từ ai mà được. Đây là nhân duyên, thật là rõ ràng, tại sao Như Lai vội bỏ nghĩa nhân duyên ? Chính con cũng từ nhân duyên mà tâm được khai ngộ.

Bạch Thế Tôn, nghĩa ấy đâu chỉ đối với hàng Thanh Văn hữu học ít tuổi như chúng con, mà nay ở trong hội này như các ngài Đại Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề….nghe được nghĩa nhân duyên của Phật từ trưởng lão Phạm Chí mà tâm phát khai ngộ, được thành vô lậu.

Nay Phật dạy Giác ngộ chẳng do nhân duyên thì thuyết tự nhiên của nhóm Câu Xá Ly ở thành Vương Xá lại thành nghĩa đệ nhất. Cúi mong Phật đại bi khai phát cho chỗ mê mờ của chúng con.

Đây vẫn là ‘‘lỗi lầm vi tế’’, ngài A Nan đã nói khi phát nguyện. Lỗi lầm vi tế ấy là sở tri chướng ngăn che cái biết đích thực.

Nghe Đức Phật nói ‘‘hết tức Giác ngộ’’ nên vẫn nghĩ rằng Giác ngộ do nhân duyên là ‘‘hết sự điên cuồng’’. Thật ra Giác ngộ là Như Lai tạng diệu chân như tánh, thường trụ như vậy dầu có hay không có sự điên cuồng. Sự điên cuồng không có nhân chẳng hề làm nhiễm ô được Giác ngộ.Thế nên Giác ngộ vẫn là Giác ngộ trong khi vẫn có sự điên cuồng không có nhân của chúng sanh.

Nhưng chẳng phải nhân duyên không có nghĩa là tự nhiên. Giác ngộ vốn sẵn, nhưng không phải là tất cả chúng sanh đều tự nhiên đã giác ngộ. Giác ngộ mà tự nhiên vốn sẳn thì hóa ra sanh tử cũng tự nhiên vốn sẳn?

Phật bảo A Nan : Như Diễn Nhã Đạt Đa trong thành, nếu nhân duyên tánh cuồng mà diệt trừ được thì cái tánh không cuồng tự nhiên hiện ra. Cái lý nhân duyên và tự nhiên rốt cuộc chỉ là như vậy.

A Nan,cái đầu Diễn Nhã Đạt Đa vốn tự nhiên, vốn tự như vậy, có khi nào mà không tự nhiên đâu, thì vì nhân duyên gì mà sợ cái đầu, phát điên cuồng bỏ chạy ?

Nếu cái đầu vốn tự nhiên, do nhân duyên nên phát cuồng, thì sao không tự nhiên do nhân duyên mà mất. Cái đầu vốn có sẳn không mất còn sự điên cuồng sợ hãi vọng có ra, chứ nào có bao giờ thay đổi gì mà phải nhờ đến nhân duyên.

Nếu tánh cuồng vốn tự nhiên, vốn có sẳn sự điên cuồng thì cái cuồng ấy núp ở chỗ nào ? Nếu tánh không điên cuồng là tự nhiên, cái đầu vốn không sao cả, tại sao phát cuồng bỏ chạy ?

Tánh không cuồng và cái đầu vốn tự nhiên có sẳn từ xưa nay như vậy. Tánh cuồng bỏ chạy và sự sợ hãi cái đầu trong gương, sợ hãi trước giờ mình không có đầu thì chẳng phải nhân duyên cũng chẳng phải tự nhiên và không từ đâu sanh ra cả.

Như Lai tạng diệu chân như tánh thì vốn có sẳn tự nhiên từ xưa nay như vậy. Còn sanh tử do tánh cuồng phân biệt mà có ra, cả hai sanh tử và tánh cuồng phân biệt thì không do đâu cả, không vì nhân duyên nào cả, không gốc rễ, mối manh. Vì không có nhân duyên nên vọng có, không thật, rốt ráo là vô sanh.

Sanh tử và tánh cuồng phân biệt chỉ là hý luận, như hý luận tìm hiểu về lông rùa sừng thỏ. ‘‘Nếu ngộ cái đầu vốn sẳn như thế, biết rõ do đâu phát cuồng bỏ chạy’’ bèn phát cười từ đây cho đến mãi mãi về sau.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan