ÂM THANH CỦA SỰ GIÁC NGỘ - TAIZAN MAEZUMI

ÂM THANH CỦA SỰ GIÁC NGỘ

TAIZAN MAEZUMI

-----o0o-----

Phật giáo là giáo lý của sự thức tỉnh, là con đường đi đến giác ngộ. Và giác ngộ là sự nhận biết tính nhất thể hài hòa của chúng ta với ngoại cảnh. Đây là cách để tỉnh thức sau một giấc mộng tệ hại mà trong đó chúng ta tách biệt mình với mọi vật, mọi người, tạo ra đủ loại phiền phức và khó khăn. Nói ngắn gọn, giác ngộ là sự nhận ra âm thanh ấy, âm thanh của thực tính.
ÂM THANH CỦA SỰ GIÁC NGỘ - TAIZAN MAEZUMI

Có một haiku (bài thơ ngắn) nổi tiếng của thi sĩ Nhật Bản Matsuo Basho (1644-1694) như sau:

Trong ao xưa,

Con ếch nhảy vào –

Tiếng nước khua.

Basho không những là một bậc thầy về haiku, ông còn nghiên cứu thiền tông dưới sự chỉ dạy của một tu sĩ có tên là Buccho, và họ đã có một tình bạn thân thiết ngoài mối quan hệ thầy trò. Khi viết những bài haiku đầu tiên của mình, Basho đang sống trong một căn lều nhỏ ở Tokyo. Một ngày kia, sau một trận mưa nhỏ, thiền sư Buccho đến thăm Basho và thay cho lời chào, ông hỏi: “Mấy ngày này, anh thấy thế nào?” Basho đáp, “Mưa đã qua rồi, rêu xanh ẩm ướt”. Buccho gạn hỏi, “Nói thêm điều gì nữa đi”. Đúng lúc ấy, Basho nghe tiếng một con ếch nhảy vào ao nên ông trả lời, “Con ếch nhảy vào/ Tiếng nước khua”. Ở Nhật, bài haiku gồm có bảy tiết và năm âm tiết; là một thi sĩ, Basho dĩ nhiên tả điều này dưới dạng một bài haiku. Và thiền sư Buccho tán dương nhận thức của ông. Sau đó, Basho nói với các môn sinh của mình: “Ta muốn các con thêm một câu năm âm tiết vào phần mở đầu của bài thơ này.” Basho dường như không thi1chc âu nào do các học trò tìm ra nên ông đã tự mình thêm vào: “Trong ao xưa”.

Thiền sư Sengai (Tiên Nhai, 1750-1837) với các bức họa nổi tiếng qua cuốn sách của D.T Suzuki, đã vẽ bức tranh một con ếch, với bài thơ kèm theo như sau:

Trong ao xưa,

Basho nhảy vào –

Tiếng nước khua.

Một lần khác ông vẽ một bức tranh con ếch rồi viết:

Trong ao xưa,

Con ếch nhảy vào –

Một tiếng động.

Chữ “nước khua” đã được bỏ đi ở đây. Một nhà thơ khác, tên là Shiken Taguchi, nhìn thấy bức tranh này đã kêu lên, “Đây không phải là một haiku”. Sengai đáp lại, “Phải, tôi biết. Tôi muốn ông nghe tiếng động ấy”.

Chẳng phải là một câu chuyện thú vị hay sao? Tiếng động ấy là tiếng gì?

Trong bài thơ trước, Sengai nói là Basho nhảy vào ao. Dễ thấy được rằng Sengai không thấy có sự khác biệt nào giữa mình, Basho, và tiếng nước khua do con ếch gây ra. Nói cách khác, mối quan hệ chủ thể - khách thể đã biến mất. Sau đó, Sengai còn nói thêm, “Con ếch nhảy vào/ Một tiếng động”. Ở đây Sengai không phải chỉ thể hiện một âm thanh đặc biệt nào đó mà đang tự bộc lộ mình dưới dạng âm thanh của vạn pháp, hình dạng của vạn pháp và màu sắc của vạn pháp.

Phật giáo là giáo lý của sự thức tỉnh, là con đường đi đến giác ngộ. Và giác ngộ là sự nhận biết tính nhất thể hài hòa của chúng ta với ngoại cảnh. Đây là cách để tỉnh thức sau một giấc mộng tệ hại mà trong đó chúng ta tách biệt mình với mọi vật, mọi người, tạo ra đủ loại phiền phức và khó khăn. Nói ngắn gọn, giác ngộ là sự nhận ra âm thanh ấy, âm thanh của thực tính.

Đức Phật hai nghìn năm trăm năm trước đã nhận thức được điều gì, khi ngài nhìn thấy ngôi sao mai sau sáu năm thiền quán về thực tính của cuộc đời? Trong chương đầu tiên của bộ Truyền quang lục (Denkoroku – Ghi chép về sự truyền thừa ánh sáng đạo pháp), Keizan Zenji (Oánh Sơn thiền sư) đã viết, “Đức Phật nhìn thấy sao mai vào giây phúc thành đạo, đã reo lên, “Ta đây, tất cả thế gian này và mọi chúng sinh đều đã thành đạo””. Việc này nói lên điều gì? Chúng ta có thể nói rằng Basho đã thấy được ngôi sao mai ấy khi ông nghe tiếng nước trong ao. Việc tu tập của chúng ta là để nghe được âm thanh ấy, để thấy được hình dạng ấy. Chúng ta có thể gọi đây là sự “thanh vô thanh”, “sắc vô sắc”. Cái sắc vô sắc này không phải là thứ ta không nhìn thấy được, mà trái lại nữa. Hình sắc của chính chúng ta và của vạn pháp chẳng là gì cả ngoài cái sắc vô sắc này.

Trong “Hoa Nghiêm kinh” có nói rằng một tất cả, tất cả là một. Và trong “Diệu pháp liên hoa kinh” thì “Vạn pháp chính là thực tại”. Thấy được điều này là đã thành đạo.

Nói về “Diệu pháp liên hoa kinh”, tôi vẫn còn nhớ rất rõ rằng khi còn tu học với thiền sư Watanane Genshu, chánh trụ trì chùa Sojiji, ông nói với tôi rằng tinh thần chính, cốt lõi của “Liên hoa kinh” là “Đi sâu vào trạng thái ‘định’ và nhìn thấy chư Phật ở khắp mười phương”. Thiền sư Dogen nói, “Quan trọng nhất là để làm sáng tỏ sự sống và cái chết”. Trong “Liên Hoa Kinh”, tầm quan trọng to lớn này được giải thích là “mở con mắt của trí huệ”. Thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên, cháu nội của Lục tổ, cũng tuyên bố rõ ràng rằng “Vấn đề quan trọng là đánh thức trí huệ của Phật”.

Đôi khi chúng ta được nghe nói rằng không nên cố tìm sự giác ngộ. Điều này thực sự muốn nói là chúng ta không nên tìm kiếm sự giác ngộ ở bên ngoài, mà chúng ta nên tìm kiếm chính mình, nghĩa là con người thực của mình. Đó là điều mà tất cả các đạo sư đã làm. Nếu không tìm kiếm điều này, chúng ta sẽ không đi đến đâu cả. Vậy cho nên hãy dành thì giờ để kiên nhẫn và siêng năng làm rõ vấn đề nghiêm trọng ấy.

Về đặc điểm tu tập của các tông phái Lâm tế (Rinzai) và Tào động (Soto), chúng ta có thể nói rằng Lâm Tế Tông chú trọng vào việc đạt tới giác ngộ và làm sáng tỏ sự giác ngộ, còn trong tông phái Tào Động thì chú trọng vào chính công việc tu tập. Điều này không có nghĩa là không cần nhận thức trí huệ của Đức Phật; đó là điểm khởi đầu, nhưng còn phải đi xa hơn nữa. Đó là điều mà thiền sư Dogen (Đạo Nguyên) muốn nói trong cuốn Fukanzazengi (Phổ khuyến tọa thiền nghi) khi viết rằng, “Dù bạn có tự hào về sự hiểu biết và sáng suốt của mình, chỉ nhìn thoáng qua là đã đạt được trí tuệ, dù bạn có thấy được đường tu và làm cho đầu óc minh mẫn, giúp cho linh hồn dễ dàng lên tới thiên đàng, nhưng bạn có thể chỉ vất vưởng nơi cửa vào và vẫn còn thiếu một thứ gì đó của con đường giải thoát tối thượng.” Dogen không nói đến sự giác ngộ, ông chỉ nói rằng đây không phải là sự thành tựu sau cùng. Vào thời của ông, xu hướng chung là sau khi đạt được sự giác ngộ, người ta không còn tu tập nữa, và thậm chí họ còn cho là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Tác giả cảnh báo mọi người trước khuynh hướng này. Không có điểm cuối cùng nào cho mức độ thành tựu của chúng ta.

Ta hãy xem tính chất tương tự sau đây của một người nghèo và một nhà triệu phú trong kinh Liên Hoa. Đây là một ẩn dụ tuyệt vời cho sự tu tập và cho chuyện người ta có thể đạt tới giác ngộ sâu sắc như thế nào.

Người con trai của một triệu phú bỏ nhà ra đi và bắt đầu một cuộc sống lang thang. Ngôi nhà của người cha, với tài sản bao la, là ẩn dụ mái nhà của Đức Phật, mái nhà của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta đã rời khỏi mái nhà chân ngã của chúng ta.

Chẳng bao lâu sau, người con lâm vào cảnh nghèo khó và nếm trải đủ mọi đau đớn, khổ sở, trong khi người cha thì hết năm này qua năm khác lo âu tìm kiếm anh ta. Cuối cùng, qua nhiều năm trời lang thang đây đó, người con tình cờ đến trước ngôi nhà nơi anh ta đã lớn lên, nhưng vì đã quá lâu năm cho nên anh ta không thể nhận ra nó. Thực ra, anh ta đâm ra rụt rè vì ngôi nhà quá rộng, quá lớn, nhưng vì tò mò, anh ta đưa mắt nhìn quanh.

Tình cờ người cha cũng nhìn thấy anh, và mặc dù con mình thay đổi khá nhiều, ông đã lập tức nhận ra anh và cho người ra đón anh vào. Nhưng khi nhìn thấy nhiều người từ trong cổng nhà chạy ra và tiến đến gần mình, người con nghĩ là họ sắp bắt mình vì mình đã lảng vảng nơi đây, nên anh bỏ chạy. Những người khi trở vào nhà báo cáo với người cha và hỏi: “Ta có nên bắt lấy anh ta rồi đưa vào đây không” Người cha nói, “Không, đừng đuổi theo. Chúng ta sẽ cho một người đi theo và bảo với nó rằng ‘Ông chủ nhà này là một người rất tử tế. Chúng tôi đang làm việc với chúng tôi. Cậu không còn phải lo về miếng ăn, chỗ ở nữa.’ Người con đồng ý, và mặc dù có phần lưỡng lự, đã đi vào nhà.

Liên hệ trở lại với việc tu tập, nhiều người đã bắt đầu nhưng rồi lại bỏ ngang. Những người không tin tưởng vào việc tu tập có thể so sánh với người con trai khi bước vào trong nhà, nghĩa là vào trong thiền đường và ngồi xuống với những người tương tự như mình để cùng làm việc trong ngôi nhà kia.

Người cha từ từ cổ vũ cho đứa con của mình. Tương tự, năm này qua năm khác trong việc tu tập, chúng ta dùng tới đủ loại phương tiện kỹ xảo, như các công án để rồi trưởng thành từng chút một. Qua việc tọa thiền, chúng ta càng lúc càng trở nên vững vàng hơn.

Sau nhiều năm làm lục, người con đã ổn định việc làm ăn một cách vũng vàng, cũng giống như chúng ta sau nhiều năm tu tập, cũng bắt đầu ổn định. Người cha bảo con trai hãy đảm đương các vấn đề tài chính, giao cho anh ta chịu trách nhiệm gần như mọi thứ. Thế nhưng người con vẫn chưa xem tất cả những tài sản quý báu này là của mình; chúng vẫn còn có vẻ như thuộc về một người nào khác. Cuối cùng, khi thời điểm đã chín muồi và người con đã sẵn sàng, người cha bèn tiết lộ sự thật. Đến lúc ấy, điều này không gây ngạc nhiên chút nào cho người con trai. Thời điểm ấy có thể so sánh với thời điểm của sự giác ngộ. Trước khi đến thời điểm ấy, người con trai hẳn đã nhận thức được sự tiến triển lên các địa vị cao hơn của mình, anh đã thấy mình ngày càng tự tin hơn và đủ khả năng để ứng phó với mọi người và giải quyết công việc.

Tuy nhiên, thừa kế địa vị một nhà quản lý chưa phải là đủ, cũng như đạt tới giác ngộ chưa phải là đủ. Vậy thì còn gì nữa? Một lần nữa, con đường tu tập của chúng ta lại tương ứng một cách kỳ diệu với câu chuyện này. Chẳng hạn, một người hành xử theo kiểu bề trên không phải là một ông chủ thực sự. Trưởng thành lên đến địa vị cao, nếm trải đủ mùi đời, người ta trở nên hòa dịu hơn, hiểu biết hơn và thông cảm hơn. Sau cùng, người ta chín muồi đầy đủ để trở thành một ông chủ. Điều này cũng có đúng với việc tu tập của chúng ta. Sau khi đạt tới giác ngộ hay là sau khi kế thừa chánh pháp, chúng ta hãy con non nớt. Chúng ta cần phải trưởng thành nhiều hơn, nhiều hơn nữa, cho đến khi những tính cách thô bạo của chúng ta được mài giũa, những phẩm chất kém cỏi của chúng ta được khắc chế. Như vậy chúng ta sẽ nhập làm một với toàn thể gia đình, toàn thể xã hội. Khi ấy chúng ta mới thực sự là những ông chủ, và công việc tu tập của chúng ta, cuộc sống của chúng ta mới thực sự được hoàn thành.

Giờ đây chúng ta hãy đọc một bài thơ của thiền sư Dogen có tên là “Liên Hoa Kinh”:

Khi bạn đã quán triệt

Cốt lỗi bộ kinh này

Thì ngay cả những lời lẽ

Bán mua ngoài chợ

Cũng nói lên chánh pháp.

Khi bạn đã quán triệt cốt lõi bộ kinh này… “Cốt lõi” ở đây cũng có dịch là “cái tâm”… thì ngay cả những lời lẽ bán mua ngoài chợ cũng nói lên chánh pháp. Thiền sư Dogen cũng muốn nói đến những âm thanh của xe cộ qua lại ngoài đường, của chim chóc ríu rít nơi sân sau, tiếng chó sủa, tiếng trẻ nhỏ gào la, tiếng trực thăng quạt gió trên đầu, tất cả đều không có gì đáng kể ngoài việc “nói lên chánh pháp”.

Chúng ta nhận biết đâu là cốt lõi của bộ kinh này”? Trong kinh Kim Cương (Vajracchedika Sutra) có câu: “Tất cả các vị Phật và lời dạy của các vị Phật đều từ kinh này mà ra”. Đó là Phật tính, là chân ngã. Kinh Kim Cương còn nói: “Nếu một người cố gắng để nhìn thấy Như Lai qua những sắc và thanh thì người đó không thấy được Như Lai.” Câu này có ý nghĩa như thế nào? Nếu chúng ta cố gắng để thấy một điều gì, chúng ta sẽ không thấy được nó. Một cách nào đó, đây là điều nan giải của chúng ta. Khi chúng ta cố gắng để thấy một “điều gì đó”, người ta thấy và đối tượng thấy sẽ tách biệt nhau, thì sẽ có một mối quan hệ chủ thể / khách thể; đây là cấp độ hoạt động thông thường của ý thức. Bản thân sự lưỡng phân hay sự nhị nguyên không có gì sai. Về mặt nào đó thì mọi thức đều là nhị nguyên: giác ngộ và ảo tưởng, thiên đàng và mặt đất, đàn ông và đàn bà, chồng và vợ, cha và mẹ và con cái, thầy và trò, bên phải và bên trái, đúng và sai, đêm và ngày, vô minh và trí huệ… Vấn đề là chúng ta phải vượt lên trên sự lưỡng phân và nhìn thấy sự nhất thể tiềm ẩn nơi vạn pháp.

Thiền sư Bankei (Bàn Khuê) là một thiền sư thuộc tông Lâm Tế của Nhật Bản, ông sống khoảng 250 năm trước và là bạn của thiền sư Tenkei Senson (Thiên Quê Truyền Tôn), một vị tổ của tông phái Tào Động. Một ngày kia, thiền sự Bankei nói với một đám đông, “Các bạn đến đây để nghe bài nói chuyện của tôi, và tôi đang nói với các bạn. Các bạn cần hiểu những gì tôi nói. Cái tâm này như thế nào? Một con chó sủa ngoài kia. Khi bạn nghe con chó ấy thì bạn không cố làm việc gì cả, bạn chỉ cảm nhận nói mà thôi. Đó là cái tâm của Phật.” Điều này rất đúng: Khi không cố gắng để làm điều gì cả thì bạn sống hoàn toàn thỏa mãn. Thấy một điều gì, chúng ta tự nhiên có phản ứng. Nghe một âm thanh gì, chúng ta tự nhiên có phản ứng. Làm một việc gì, chúng ta, một cách tự nhiên, thì chỉ làm việc ấy thôi. Như vậy thì không có vấn đề gì. Nói cách khác, hãy để cho tâm thức hoạt động như một tâm thức. Nhưng một cách nào đó chúng ta luôn luôn thêm vào một điều gì khác, và điều này gây ra nhiều rắc rối. Hiểu theo một cách nào đó thì việc tu tập của chúng ta là để xén gọt đi những cái thêm vào ấy.

Thiền sư Vô Môn Huệ Khai (1183-1260) khuyên những người làm việc với công án “Vô” hãy gạt bỏ mọi suy nghĩ, e dẻ, và hoàn toàn tập trung vào chữ “Vô”. Thiền sự Dogen cũng nói một điều giống như thế: “Hãy ngăn cản ý thức ngay từ gốc”. Nói cách khác, hãy là con người đơn giản, đích thực của mình. Tình trạng này thường được so sánh với một tấm gương. Giải thích câu nói trong Bát Nhã Tâm Kinh, “Không cấu uế, không thanh tịnh”, thiền sư Bankei nói rằng một tấm gương soi phản chiếu một bãi phân chó, rồi khi ta đã dọn sạch bãi phân ấy đi, sẽ không còn có sự cấu uế nào trong tấm gương cả. Tấm gương cũng phản chiếu một bông hoa đẹp, và khi chúng ta cắt cảnh hoa ấy đi thì chẳng còn cái đẹp nào cả. Ông cũng giảng như thế với câu “Không tăng, không giảm.” Một vật nặng được phản chiếu trong gương, nhưng rồi không vật nặng nào còn lại. Không có vật nhẹ, không có vật lớn, không có vật nhò nào còn lại cả. Đó là điều được gọi là “vô tâm” hay “vô ngã”. Khi chúng ta thực sự cởi mở và không bị chi phối bởi bất cứ ý tưởng hoặc tiêu chuẩn nào thì lúc ấy chúng ta đang sống.

Tôi còn nhớ câu nói nổi tiếng của thiền sư Dogen, “Nghiên cứu cái tôi tức là quên cái tôi đi”, ý muốn nói là hãy trở thành một tấm gương trong suốt. Bằng cách này, chúng ta có thể phản chiếu mọi thứ đúng như sự thực của nó, chúng ta có thể “giác ngộ bằng vạn pháp”. Không có sự phân chia nào cả, chỉ có sự nhất thể và hài hòa. Sự hài hòa hay nhất thể như thế không có tính tĩnh, nó vốn năng động. Đôi khi việc tu thiền giống như là leo núi vậy. Nếu không leo lên, chúng ta sẽ không thực sự hiểu được cảm giác ngây ngất của việc đứng trên đỉnh núi. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể biết được thế nào là sự tuyệt vời và khó khăn khi leo lên đến đỉnh. Lên tới đỉnh ngọn núi có thể so sánh với sự đạt tới giác ngộ; ở lại đó là bất động và vô tích sự, như trong một cái bẫy lớn, vậy nên ta phải leo xuống. trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có kể ra mười lăm thứ bẫy, và cái bẫy tai hại nhất trong số đó là nghĩ rằng mình đã thành tựu đủ rồi.

Chúng ta đi xuống núi để chia sẻ niềm vui của chúng ta với những người khác và khuyến khích họ cũng tự mình leo núi. Trước hết, chúng ta từ nhà ra đi, tức là từ nơi chính mình. Thiền sư Dogen nói, “Nghiên cứu Phật giáo chính là nghiên cứu cái tôi.” Đây là xuất phất điểm của chúng ta. “Nghiên cứu cái tôi tức là quên đi cái tôi đi.” Đó là sự leo núi. “Quên cái tôi đi tức là giác ngộ bằng vạn pháp”. Đó là sự leo tới đỉnh núi. Sau khi đạt được giác ngộ, chúng ta cần thể hiện trí huệ dưới dạng từ bi. Đây là phần khó. Đây là điều mà thiền sư Dogen ám chỉ khi ông nói: “Sự giác ngộ không tì vết này sẽ còn tiếp tục đến vô cùng”. Nói cách khác, với việc nhìn thấy mọi vật và mọi người như là một phần của chính mình, chúng ta đang quan tâm nhiều tới họ. Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự quan tâm, mỗi người chúng ta phải thực sự xem đây là việc tu tập của mình. Bất kể là chúng ta hoàn thành được ít hay nhiều, hoàn thành được việc gì, chúng ta đều vận dụng cả trí huệ và lòng từ bi. Đây là điều tôi muốn bạn thực sự nhận thức.

Vì sao cần phải giúp đỡ hoặc cứu vớt những người khác? Điều quan trọng là phải hiểu được cuộc sống diễn ra như thế nào. Trên quan điểm tự tính, tất cả chúng ta đều là những vị Phật, nhưng ít nhiều chúng ta không thực sự thỏa mạn với điều này, phải tự mình nhìn thấy điều này đúng như thế nào. Nhưng cho dù có thấy được điều này cũng không phải là đủ, chúng ta còn phải liên tục hành trì. Đó là điều mà thiền sư Dogen gọi là cái vòng tu tập nối tiếp: nuôi dưỡng bồ đề tâm, tu tập, đi với giác ngộ, và đạt đế niết bàn. Việc tu tập cứ diễn ra theo cách này mãi mãi.

Phật A-Di-Đà đã nói, “Khi tất cả các chúng sinh còn chưa đạt đến giác ngộ thì ta sẽ không vào Đại Bát Niết Bàn”. Trong bộ Kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti Sutra), cư sĩ Duy Ma Cật nói rằng, “Chúng sinh bệnh nên tôi bệnh”. Và trong Lâm Tế Tông, chúng ta sử dụng công án “Chưa đâu, chưa đủ” của thiền sư Bạch Vân (Hakuun). Cho dù chúng ta có tu tập được bao nhiêu, cũng vẫn chưa đủ, chưa xong. Vậy thì giác ngộ là gì?

Đại sư Soen Nagakawa có làm một bài haiku đầu năm Thìn (1976) mà tôi thấy là thích hợp để kết thúc chương bàn về giác ngộ:

Leo lên sườn dốc,

Leo xuống cũng sườn dốc ấy –

Mùa xuân năm con rồng.

-----o0o-----

Trích: “Ánh Trăng Huyền Ảo Của Sự Giác Ngộ”

Tác giả: Taizan Maezumi và Bernie Glassman

Dịch: Chương Ngọc

Nhà Xuất Bản Hồng Đức-2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan