ÁNH SÁNG KHÔNG BỊ NGĂN NGẠI - TAITETSU UNNO - SÔNG LỬA, SÔNG NƯỚC

ÁNH SÁNG KHÔNG BỊ NGĂN NGẠI

TAITETSU UNNO - SÔNG LỬA, SÔNG NƯỚC

-------o0o-------

Như Lai này là ánh sáng. Ánh sáng không gì khác hơn là trí huệ ; trí huệ là hình tướng của ánh sáng. Hơn nữa, trí huệ là vô hình tướng ; bởi vì Như Lai này là Phật của ánh sáng không thể quan niệm. Như Lai này lấp đầy vô số thế giới trong mười phương, bởi thế được gọi là “Phật Vô Lượng Quang”.
ÁNH SÁNG KHÔNG BỊ NGĂN NGẠI - TAITETSU UNNO - SÔNG LỬA, SÔNG NƯỚC

Cùng làm việc với Danh Hiệu để nuôi dưỡng tâm đạo là Ánh Sáng Không Bị Ngăn Ngại. Thân Loan nhận xét rằng đời sống tôn giáo thật sự được nuôi dưỡng bởi Danh Hiệu như là cha bi mẫn của chúng ta và Ánh Sáng như là mẹ bi mẫn của chúng ta. Chúng ta đã làm sáng tỏ ý nghĩa của Danh Hiệu nhưng đâu là chức năng của Ánh Sáng ? Nó liên hệ với sự thực hành lắng nghe sâu xa của chúng ta như thế nào ?

Trong Phật giáo, Ánh Sáng soi sáng cái ngã bị nghiệp ràng buộc và đem lại sự chuyển hóa cho nó. Nó là “hình tướng” mà trí huệ mang lấy để giải thoát chúng ta khỏi mê lầm. Như tình thương là trừu tượng cho đến khi nào nó thể hiện trong tương quan với một “hình tướng” cụ thể của một người riêng biệt – mẹ, cha, con, người yêu, bạn... – cũng thế trí huệ là trừu tượng cho đến khi nó chạm đến chúng ta trong “hình tướng” Ánh Sáng để soi rọi cho cuộc đời chúng ta. Theo lời của Thân Loan : 

Như Lai này là ánh sáng. Ánh sáng không gì khác hơn là trí huệ ; trí huệ là hình tướng của ánh sáng. Hơn nữa, trí huệ là vô hình tướng ; bởi vì Như Lai này là Phật của ánh sáng không thể quan niệm. Như Lai này lấp đầy vô số thế giới trong mười phương, bởi thế được gọi là “Phật Vô Lượng Quang”. Bồ tát Thế Thân đã đặt tên “Như Lai của ánh sáng không bị ngăn ngại lấp đầy mười phương”.

Ở Đông Á, danh từ Như Lai được dùng như một đồng nghĩa của Phật và có nghĩa “Bậc đến từ cõi giới như vậy (thực tại như nó là)”. Bởi vì không có gì có thể ngăn ngại công việc của Như Lai, Như Lai cũng được ám chỉ như là Ánh Sáng Không Bị Ngăn Ngại. Ánh sáng của mặt trời và mặt trăng soi chiếu thế giới, nhưng nó không thấu qua vật và hắt bóng. Ngược lại, Ánh Sáng Không Bị Ngăn Ngại thấu qua cả thể chất cứng đặc nhất trong thế gian, tức là vỏ cái ngã của chúng sanh nặng nghiệp mà không bao giờ hắt bóng. Không có gì có thể ngăn ngại sự sáng tỏ của nó.

Ánh sáng xua tan bóng tối của vô minh ;

Như thế A Di Đà được gọi là “Phật của Ánh Sáng Trí Huệ”.

Tất cả chư Phật và thánh của ba thừa

Cùng dâng lên lời tán thán của các ngài.

Alfred Bloom, tác giả của Phúc Âm của Ân Sủng Thuần Khiếtcủa Thân Loan, diễn tả tư tưởng tôn giáo của Thân Loan như là thần học về ánh sáng. Đây là một diễn tả rất thông minh, bởi vì những bản văn Tịnh Độ chứa đầy những ám chỉ đến Ánh Sáng. Tiểu Kinh, chẳng hạn, nói : “Ánh sáng của đức Phật này là vô lượng. Nó chiếu không ngại trong các cõi Phật trong mười phương. Bởi thế, ngài được gọi là A Di Đà.” Và Quản Kinh cho chúng ta một hình ảnh tỉ mỉ, rõ ràng :

Phật A Di Đà có tám mươi bốn ngàn đặc tính hình thể, mỗi đặc tính có tám mươi bốn ngàn tướng phụ tuyệt hảo. Mỗi tướng phụ phát ra tám mươi bốn ngàn tia sáng; mỗi tia sáng chiếu khắp vũ trụ mười phương cõi nước, ôm trùm và không bỏ sót người nào chánh niệm về Phật.

Thân Loan cũng nói về Phật như là Mười Hai Ánh Sáng, miêu tả những chiều kích khác nhau của công việc của trí huệ. Những ánh sáng đó gồm chư Phật như là Ánh Sáng Chói Bừng, Ánh Sáng Vô Nhiễm, Ánh Sáng Trí Huệ, Ánh Sáng Không Đoạn Đứt, Ánh Sáng Không Thể Quan Niệm, Ánh Sáng Không Thể Diễn tả, Ánh Sáng Uy Nghiêm, Ánh Sáng Hoan Hỷ, Ánh Sáng Vượt Mặt Trời và Mặt Trăng.

Nội dung của ánh sáng trên một người được Saichi diễn tả bằng ngôn ngữ khúc chiết, thường ngày :

84.000 mê lầm, phiền não,

84.000 ánh sáng,

84.000 niềm vui tràn ngập.

Saichi đầy mê lầm, phiền não – tám mươi bốn ngàn, nghĩa là vô số – mỗi cái được soi sáng và chuyển hóa bởi một số lượng ánh sáng tương đương. Chứng thực điều này là biết được niềm vui không cùng của cuộc sống.

Hình tượng của ánh sáng và ý nghĩa của nó được Eikichi Ikeyama, là một giáo sư tiếng Đức ở Đại học Otami và ảnh hưởng cả một thế hệ trí thức Chân tông, nói lên bằng ngôn ngữ đương thời : 

Cái Tôi Thanh Tịnh, nó là không-phải-tôi,

Ở trong tôi, phát hiện cho tôi,

Cái tôi nhiễm ô này.

Cái Tôi Thanh Tịnh là một phương diện của Ánh Sáng Không Bị ngăn Ngại vượt khỏi ý thức bình thường, nó soi sáng mặt che dấu của cái ngã. Nhưng sớm hay muộn cái bóng này, cái tôi nhiễm ô, cũng bị phát hiện do công việc của Ánh Sáng Nó là một phần thiết yếu của mình. Cả hai, cái tôi thanh tịnh và cái tôi nhiễm ô đều cần thiết cho một người để đạt được toàn thể tánh. Khi cả hai được đưa đến tỉnh giác trọn vẹn, chúng ta có một con người thức tỉnh, đích thực.

Một khi chúng ta hiểu chức năng này của Ánh Sáng Không Bị Ngăn Ngại, chúng ta cũng đồng cảm một thành ngữ khá bất thường trong các tác phẩm của Thân Loan : “lắng nghe sâu xa Ánh Sáng.” Câu này có ý nghĩa, khi chúng ta nhận biết rằng Danh Hiệu và Ánh Sáng là đồng nghĩa bởi cả hai là những biểu lộ của sự vận hành của đại bi. Như thế, lắng nghe sâu xa Danh Hiệu dẫn đến sự việc được soi sáng bởi Ánh Sáng ; và được soi sáng như thế tức là thức tỉnh với Danh Hiệu như một thực tại nền tảng. Một câu nói nổi tiếng của Chân tông tóm tắt sự liên kết mật thiết giữa hai cái : “Danh Hiệu là sự biểu lộ thành tiếng nói của Ánh Sáng, và Ánh Sáng là sự biểu lộ không tiếng nói của Danh Hiệu”

Ánh Sáng Vô Ngại không chỉ xuyên qua cái tự ngã là chất cứng đặc nhất trong thế gian, mà còn chuyển hóa nó thành cái hoàn toàn nghịch lại, làm cho nó mềm dịu, nhu nhuyễn, dễ uốn nắn. Sự chuyển hóa xảy ra do sự ấm áp nuôi dưỡng và bi mẫn của Ánh Sáng Vô Ngại. Điều đó cũng tự nhiên như nước đá tan thành nước. Thân Loan tuyên bố :

Đã chứng thực sự tin cậy chân thật hùng vĩ và vô biên

Do công việc của Ánh Sáng Vô Ngại,

Tảng băng của phiền não mù quáng tan ra hoàn toàn

Để tức thời trở thành nước của giác ngộ.

Dù cho Danh Hiệu (cha bi mẫn) và Ánh Sáng (mẹ bi mẫn) là cần thiết cho sự thức tỉnh tôn giáo, cả hai vẫn là những nguyên nhân ở ngoài. Chỉ khi nào chúng cùng làm việc với nhân duyên bên trong, đức tin hay sự tin cậy chân thật, thì một đời sống mới được sanh ra. Thân Loan tóm kết mối tương quan của ba cái :

Thực sự chúng ta biết rằng không có Danh Hiệu đức hạnh, người cha bi mẫn của chúng ta, chúng ta sẽ không có nguyên nhân trực tiếp cho sự sanh ra. Không có Ánh Sáng, người mẹ bi mẫn của chúng ta, chúng ta sẽ tách lìa ngoài nguyên nhân gián tiếp của sự sanh ra. Dù cả hai nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp cùng có mặt, nếu nghiệp thức của tín tâm không có, người ta sẽ không đạt đến xứ sở của ánh sáng. Nghiệp thức của tín tâm chân thật và thực sự là nguyên nhân bên trong. Danh Hiệu và Ánh Sáng – cha và mẹ của chúng ta – là nguyên nhân bên ngoài. Khi những nguyên nhân bên trong và bên ngoài hợp nhất, người ta chứng thực thân chân thật trong xứ sở ước nguyện.

Bây giờ chúng ta đi đến sự minh giải về tin cậy chân thật, hay cái mà Thân Loan gọi là “nghiệp thức của tín tâm”.

-------o0o-------

Tác giả: TAITETSU UNNO

Trích: Sông Lửa Sông Nước.

Việt dịch: An Cư

NXB Thiện Tri Thức

Ảnh: nguồn Internet.

Bài viết liên quan