BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG – CON SƯ TỬ BỊ THƯƠNG VẪN MUỐN GẦM - RANDY PAUSCH & JEFFREY ZASLOW

Việc đó đã thành thông lệ ở các trường đại học. Các giáo sư được yêu cầu nói về những thất bại và về những gì có ý nghĩa nhất đối với họ. Và trong khi họ thuyết trình, cử tọa cũng day dứt với cùng câu hỏi: có thể truyền đạt những thông điệp gì nếu đây là cơ hội cuối cùng của ta? Nếu ngày mai phải ra đi, ta muốn để lại gì?
BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG – CON SƯ TỬ BỊ THƯƠNG VẪN MUỐN GẦM - RANDY PAUSCH & JEFFREY ZASLOW

BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG – CON SƯ TỬ BỊ THƯƠNG VẪN MUỐN GẦM

RANDY PAUSCH & JEFFREY ZASLOW

---*---

Rất nhiều giáo sư đã có những buổi nói chuyện nhan đề “Bài giảng cuối cùng”. Và có thể bạn đã dự một buổi như vậy.

Việc đó đã thành thông lệ ở các trường đại học. Các giáo sư được yêu cầu nói về những thất bại và về những gì có ý nghĩa nhất đối với họ. Và trong khi họ thuyết trình, cử tọa cũng day dứt với cùng câu hỏi: có thể truyền đạt những thông điệp gì nếu đây là cơ hội cuối cùng của ta? Nếu ngày mai phải ra đi, ta muốn để lại gì?

Từ nhiều năm nay, Carnegie Mellon có chương trình “Bài giảng cuối cùng”. Vào thời điểm mời tôi tham gia, ban tổ chức đã đổi tên chương trình thành “Những hành trình”, chọn một số giáo sư nêu lên những suy nghĩ về hành trình cá nhân và nghề nghiệp của họ. Ðó chẳng phải là một tiêu đề thật thú vị, nhưng tôi đã nhận lời và được xếp lịch thuyết trình trong tháng chín.

Lúc ấy, tôi đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy nhưng vẫn lạc quan. Biết đâu, tôi thuộc những người may mắn sẽ sống sót. Trong khi đang chữa trị, ban tổ chức chương trình gửi mấy email hỏi tôi: “Ông sẽ thuyết trình về điều gì? Xin hãy cho một tóm tắt.” Có những quy
định không thể bỏ qua, kể cả khi ta đang bận rộn với những việc khác, chẳng hạn như đang cố gắng để thoát chết. Giữa tháng tám, tôi được báo là cần phải in một áp phích cho bài giảng của tôi, do vậy tôi phải quyết định về chủ đề.

Và cũng đúng tuần lễ đó, tôi nhận được tin phương thức điều trị gần đây nhất của tôi không đạt hiệu quả. Tôi chỉ còn vài tháng để sống.
Tôi biết mình có thể hủy bài giảng. Mọi người sẽ cảm thông. Bỗng nhiên, tôi thấy còn biết bao việc khác cần phải hoàn thành. Tôi phải đối diện với nỗi đau của mình và với nỗi buồn của những người yêu thương tôi. Tôi phải dành tâm sức để thu xếp ổn thỏa các công việc gia đình. Mặc dù thế, tôi vẫn không thể dứt bỏ được ý tưởng thực hiện bài giảng. Tôi bị kích thích bởi ý nghĩ mình sẽ làm một bài giảng mà nó thực sự là bài giảng cuối cùng. Tôi sẽ nói những gì? Những điều đó sẽ được đón nhận ra sao? Liệu tôi có thể thực hiện nó một cách trọn vẹn không?

“Họ sẽ cho anh rút lui.” – tôi nói với Jai, vợ tôi. – “Nhưng thật tình là anh muốn thực hiện nó.”

Jai (phát âm là “Jay”) luôn là cổ động viên của tôi. Khi tôi yêu thích điều gì, thì cô cũng yêu thích điều đó. Tuy nhiên cô đã hoài nghi toàn bộ ý tưởng về bài giảng cuối cùng này. Chúng tôi vừa chuyển từ Pittsburgh[2] về vùng Ðông Nam Virginia để sau khi tôi mất, Jai và các con được ở gần bên ngoại. Jai thấy tôi nên dành khoảng thời gian rất quý báu của mình cho các con, hoặc để thu xếp chỗ ở mới, thay vì phung phí cho việc soạn bài giảng và bay tới Pittsburgh để thuyết trình.

“Cứ cho là em ích kỷ.” – Jai bảo tôi. – “Nhưng em muốn có anh. Bất cứ lúc nào anh dành cho việc chuẩn bị bài giảng đều là khoảng thời gian đánh mất, vì những lúc đó anh sẽ tách khỏi em và các con.”

Tôi hiểu suy nghĩ của Jai. Kể từ lúc bị bệnh, tôi đã tự hứa là phải chiều ý Jai và làm theo những mong muốn của cô. Tôi thấy trách nhiệm của mình là làm tất cả những gì có thể để giảm bớt những gánh nặng mà bệnh tật của tôi đã mang đến cho cuộc đời cô. Đó là lý do tôi đã dành nhiều thời gian sắp xếp cho tương lai thiếu vắng tôi của gia đình. Vậy mà tôi vẫn không thoát được sự thôi thúc thuyết trình bài giảng cuối cùng.

Trong sự nghiệp khoa học của mình, tôi đã có một số buổi thuyết trình khá thú vị. Nhưng được coi là người thuyết trình giỏi nhất của khoa Tin học cũng giống như là người cao nhất trong Bảy Chú Lùn. Lúc đó, tôi có cảm giác mình còn có nhiều khả năng hơn, nếu quyết tâm, tôi có thể đề xuất cho mọi người một điều gì đó thật sự đặc biệt. “Sự thông thái” là một từ nặng ký, nhưng có thể đó chính là nó.

Jai vẫn không hài lòng. Cuối cùng chúng tôi đưa chuyện này ra bàn với Michele Reiss, bác sĩ tâm lý mà chúng tôi đã bắt đầu gặp gỡ từ mấy tháng trước. Bà chuyên giúp các gia đình có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo.

“Tôi biết Randy.” – Jai nói với bác sĩ Reiss. – “Anh ấy say công việc. Tôi biết anh ấy sẽ ra sao khi bắt đầu việc soạn bài giảng. Nó sẽ choán hết mọi thứ.” Bài giảng, cô tranh luận, sẽ là một sự phân tâm không cần thiết đối với biết bao việc chúng tôi phải làm lúc này.

Một điều nữa làm Jai thất vọng: để thuyết trình đúng kế hoạch, tôi phải bay tới Pittsburgh ngày hôm trước, đúng vào sinh nhật lần thứ bốn mươi mốt của Jai. “Ðó là sinh nhật cuối cùng của em mà chúng mình cùng kỷ niệm với nhau.” – cô nói với tôi. – “Anh thực sự sẽ bỏ đi đúng vào sinh nhật của em ư?”

Hẳn thế, phải rời bỏ Jai vào ngày đó khiến tôi đau khổ. Tuy thế, tôi vẫn không thoát đươc ý nghĩ về bài giảng. Tôi coi đó là thời khắc cuối cùng trong sự nghiệp của mình, là một cách để nói lời từ biệt với bạn bè và đồng nghiệp. Tôi tưởng tượng việc thuyết trình bài giảng cuối cùng cũng giống như việc một cầu thủ bóng chày kết thúc sự nghiệp bằng bàn đưa quả bóng về đích. Tôi rất thích cảnh cuối trong phim The Natural[3] khi cầu thủ cao niên Roy Hobbs, người thấm máu, đánh đường bóng tuyệt đẹp để ghi bàn.

Bác sĩ Reiss lắng nghe Jai và tôi. Bà nói, ở Jai, bà thấy một người phụ nữ mạnh mẽ, đáng yêu, muốn dành nhiều năm tháng để xây đắp một cuộc sống trọn vẹn với chồng và để nuôi con khôn lớn. Còn ở tôi, bà thấy một người đàn ông chưa hoàn toàn sẵn sàng rút lui trở về cuộc sống gia đình, và chắc chắn là chưa sẵn sàng để leo lên giường bệnh. “Bài giảng này là lần cuối cũng để nhiều người mà tôi quý mến có thể nhìn thấy tôi bằng da bằng thịt.” – tôi nói dứt khoát với bà. – “Tôi có một cơ hội để suy nghĩ về những gì thật sự có ý nghĩa đối với tôi, để chốt kết những gì mọi người sẽ nhớ về tôi, và để làm bất cứ điều gì tốt trước khi tôi đi xa.”

Ðã hơn một lần, bác sĩ Reiss dõi nhìn Jai và tôi ngồi trên ghế phòng khám của bà, nắm chặt tay nhau, cả hai cùng trào nước mắt. Bà nói bà có thể thấy được sự tôn trọng sâu sắc mà chúng tôi dành cho nhau, và rất xúc động vì chúng tôi đã nhất định sống trọn vẹn những ngày cuối cùng có nhau. Nhưng bà cũng nói không phải trách nhiệm của bà để cân nhắc xem tôi có nên thưc hiện bài giảng hay không. “Anh phải tự quyết định việc này.” – bà nói, và động viên chúng tôi hãy thực sự lắng nghe nhau để có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho cả hai người.

Do tính trầm lặng của Jai, tôi biết mình cần trung thực xem lại những động cơ của bản thân. Tại sao buổi thuyết trình này lại quan trọng đối với tôi như vậy? Có phải đó là một cách để nhắc nhở tôi và mọi người rằng tôi vẫn còn sống? Ðể chứng tỏ tôi vẫn còn dũng khí để làm việc? Có phải đó là sự thôi thúc gây chú ý để khoe khoang một lần cuối? Câu trả lời là đúng đối với tất cả. “Một con sư tử bị thương muốn biết nó có còn gầm nổi không.” – tôi nói với Jai. – “Đó là phẩm giá và lòng tự trọng, không hẳn giống như tính kiêu căng.”

Ngoài ra cũng còn một việc nữa. Tôi phải bắt đầu coi bài giảng là một phương tiện cho tôi bước vào tương lai mà tôi sẽ không bao giờ được thấy.

Tôi nhắc Jai về tuổi của các con: năm, hai và một. “Xem này.” – tôi nói. – “Với năm tuổi, anh chắc Dylan lớn lên sẽ có vài ký ức về anh. Nhưng, nó sẽ thật sự nhớ được bao nhiêu? Em và anh, mình còn nhớ những gì lúc mình năm tuổi? Liệu Dylan có nhớ anh đã chơi với nó như thế nào, hay nó và anh đã cuời đùa với nhau về những gì? Chắc là sẽ rất mơ hồ.”

“Còn với Logan và Chloe thì sao? Chắc chúng sẽ chẳng có ký ức nào cả. Hoàn toàn không. Nhất là Choloe. Và anh có thể nói với em rằng, khi các con lớn thêm, chúng sẽ trải qua giai đoạn có nhu cầu bức thiết phải hỏi em:

‘Ai là cha của con? Cha con là người như thế nào?’ Bài giảng này có thể cho chúng một câu trả lời.” Tôi nói với Jai là sẽ đảm bảo để Carnegie Mellon ghi hình buổi thuyết trình. “Anh sẽ có một đĩa hình cho em. Khi các con lớn hơn, em có thể cho chúng xem. Nó sẽ giúp chúng hiểu anh là ai và anh yêu quý những gì.” Jai nghe tôi, rồi đặt câu hỏi rất hiển nhiên. “Nếu anh có những điều cần nói với các con, hoặc những lời khuyên nhủ chúng, sao không dùng máy quay để ghì hình ngay ở nhà?”

Có thể cô đã thuyết phục được tôi. Hoặc có thể không. Như con sư tử sống trong rừng, nơi ở thiên nhiên của tôi vẫn là trong khuôn viên đại học, trước mặt các sinh viên. “Một điều anh đã học được” – tôi nói với Jai. – “Là sẽ chẳng thiệt hại gì khi những điều cha mẹ nói với con cái được thêm người ngoài phê chuẩn. Nếu cử tọa của anh tán thưởng và vỗ tay đúng lúc, thì sẽ góp thêm sức nặng cho những gì anh muốn nói với các con.”

Jai cười với tôi, người đàn ông đang chết dần của cô, và cuối cùng đã chấp thuận. Cô biết tôi ao ước tìm cách để lại một di sản cho các con. Vâng. Có lẽ bài giảng này sẽ là một phương cách để làm điều đó.

Và như vậy, với đèn xanh của Jai, tôi đã có một thách thức trước mặt. Làm thế nào để biến bài giảng hàn lâm thành thứ tiếng dội, vang vọng đến các con tôi trong một thập kỷ hay lâu hơn nữa?

Tôi không muốn bài giảng tập trung vào căn bệnh của mình. Trường thiên bệnh tình của tôi là như vậy, và tôi đã trải nghiệm nó. Tôi không muốn đưa ra tranh luận, ví như, tôi đã đương đầu với bệnh tật ra sao, hoặc nó đã cho tôi những viễn cảnh mới nào. Nhiều người có thể trông đợi một bài thuyết trình về cái chết. Nhưng nó phải nói về sự sống.

“Cái gì khiến tôi trở nên độc đáo?”

Ðó là câu hỏi tôi thấy buộc phải đề cập. Trả lời câu hỏi đó sẽ giúp tôi hình dung mình cần nói những gì. Ngồi cùng Jai chờ kết quả xét nghiệm trong phòng đợi ở Johns Hopkins[4], tôi nói những suy nghĩ của mình với cô.

“Ung thư không làm anh thành độc đáo.” – tôi nói. Không phải tranh cãi gì vể điều này. Mỗi năm, hơn 37.000 người Mỹ bị mắc bệnh ung thư tụy. Tôi ngẫm nghĩ để tự xác định mình: là một thầy giáo, một nhà tin học, một người chồng, một người cha, một người con, một người bạn, một người em, một cố vấn viên dày dặn kinh nghiệm của sinh viên. Tất cả các vai đó tôi trân trọng. Nhưng, có vai nào đã làm tôi thành người đặc biệt?

Vì luôn có ý thức nghiêm túc về chính mình, tôi biết bài giảng này cần nhiều thứ hơn là một sự phách lối táo bạo. Tôi tự hỏi: “Tôi thật sự có gì để truyền đạt?”

Rồi ngay tại phòng đợi, tôi đột nhiên biết rất chính xác đó là cái gì. Nó đến với tôi như một tia chớp: Tất cả những gì tôi đạt được, những gì tôi yêu quý, đều bắt nguồn từ những ước mơ và những mục đích mà tôi đã có khi còn là một đứa trẻ thơ… và trên đường đời, tôi đã đạt được hầu như tất cả những ước mơ và mục đích đó. Điểm độc đáo của tôi, tôi thấy, đã tới từ sự đặc biệt của tất cả các ước mơ – từ cực kỳ có ý nghĩa tới khá kỳ quặc – nó đã xác định bốn mươi sáu năm của đời tôi. Ngồi đó, tôi biết mặc dù bị ung thư, tôi vẫn là người may mắn bởi đã được sống qua những ước mơ. Và tôi đạt được những ước mơ, phần lớn, là nhờ những gì tôi được dạy dỗ bởi những con người thật đặc biệt. Nếu tôi có thể kể câu chuyện của mình với cảm xúc mạnh mẽ, bài giảng của tôi sẽ giúp những người khác cũng tìm được con đường để hoàn thành những ước mơ của họ.

Với chiếc máy tính mang theo, và được khích động bởi sự hiển linh, tôi gõ nhanh một email cho ban tổ chức. Tôi nói cuối cũng tôi đã có tiêu đề bài giảng cho họ. “Tôi xin lỗi về sự chậm trễ.” – tôi viết. – “Hãy gọi bài giảng là: Thật Sự Đạt Được Những Ước Mơ Tuổi Thơ.”

---*---

Trích: Bài giảng cuối cùng;

Randy Pausch & Jeffrey Zaslow;

Việt dịch: Vũ Huy Mẫn;

NXB. Trẻ; 2009

 

Bài viết liên quan