BÍ QUYẾT LÀM VIỆC - TINH HOA TRIẾT HỌC VEDANTA – SWAMI VIVEKANANDA

BÍ QUYẾT LÀM VIỆC

TINH HOA TRIẾT HỌC VEDANTA – SWAMI VIVEKANANDA

Dịch Việt: Huỳnh Ngọc Chiến - Nhà Xuất Bản Tri Thức 2016.

--o0o--

Chỉ bằng cách làm việc không thôi, con người vẫn có thể đạt đến cảnh giới mà Đức Phật đạt đến phần lớn bằng thiền định, và đấng Christ đạt đến bằng cầu nguyện
BÍ QUYẾT LÀM VIỆC - TINH HOA TRIẾT HỌC VEDANTA – SWAMI VIVEKANANDA

     Còn có một trạng thái cao hơn trạng thái có được xu hướng tốt đẹp này, đó là khát vọng giải thoát. Các bạn nên nhớ rằng giải thoát linh hồn là mục tiêu của mọi pháp môn yoga, và pháp môn nào cũng dẫn đến cùng một thành quả. Chỉ bằng cách làm việc không thôi, con người vẫn có thể đạt đến cảnh giới mà Đức Phật đạt đến phần lớn bằng thiền định, và đấng Christ đạt đến bằng cầu nguyện. Đức Phật là một jnāni hoạt động, còn Chúa Jesus là một bhakta, song cả hai vị đều đạt đến cùng một mục tiêu. Điểm khó khăn nằm ở chỗ này. Giải thoát có nghĩa là tự do trọn vẹn – thoát ra khỏi vòng trái buộc của thiện lẫn ác. Một dây xích bằng vàng vẫn là một dây xích, chẳng khác gì một dây xích bằng sắt. Giả sử có một cây gai mặc trong ngón tay tôi, và tôi dùng cây gai khác để lấy nó ra; khi đã lấy được cây gai kia ra rồi thì tôi phải vất cả hai cây gai đi; tôi chẳng cần phải giữ lại cây gai thứ hai làm gì, vì dù sao chúng vẫn chỉ là những cây gai. Do đó, những xu hướng ác cần phải được hóa giải bởi những xu hướng thiện, những ấn tượng xấu trong tâm trí cần phải được loại bỏ băng những làn sóng của ấn tượng tốt, cho đến khi tất cả những điều xấu ác hầu như mất hết, hoặc bị chế ngự và kìm hãm tại một xó trong tâm trí. Nhưng rốt cuộc thì những xu hướng tốt cũng cần phải bị khuất phục. Như thế thì “ràng buộc” sẽ biến thành "không ràng buộc”. Hãy làm việc, nhưng đừng để hành động hay tư tưởng tạo ra một ấn tượng sâu sắc nào trong tâm trí. Hãy để cho những gợn sóng cứ đến rồi đi, hãy để những hành động to tát xuất phát từ cơ bắp và bộ não, nhưng đừng để chúng gây ra những ấn tượng sâu sắc nào trên linh hồn.

     Làm thế nào để làm được điều này? Chúng ta thấy rằng bất kỳ hành động nào mà chúng ta quyến luyến cũng đều lưu lại ấn tượng. Tôi có thể gặp cả trăm người trong ngày, và trong số đó tôi cũng gặp một người mà tôi yêu thích; đến tối về khi đi nghỉ, tôi có thể cố mường tượng lại tất cả những gương mặt mà tôi đã thấy, nhưng gương mặt duy nhất hiện ra trước tâm trí tôi là gương mặt mà tôi có thể chỉ gặp thoáng qua trong một phút và là gương mặt tôi yêu thích. Tất cả những gương mặt khác đều biến mất. Lòng quyến luyến của tôi đối với nhân vật đặc biệt đó đã tạo ra trong tâm trí tôi một ấn tượng sâu sắc hơn những gương mặt khác. Xét về khía cạnh sinh lý học thì những ấn tượng đó đều giống nhau; mỗi gương mặt tôi nhìn thấy đều lưu hình ảnh trên võng mạc, và não bộ ghi nhận hình ảnh đó; tuy nhiên, hiệu quả mà chúng tác động trên tâm trí lại chẳng hề tương đồng. Có thể hầu hết những gương mặt đó đều hoàn toàn mới lạ, mà trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới, thế nhưng chỉ có gương mặt duy nhất mà tôi mới nhìn thoáng qua đó lại tìm được những mối liên kết tiềm ẩn bên trong. Có thể tôi đã lưu hình ảnh của người đó trong tâm trí nhiều năm rồi, đã biết hàng trăm điều về người đó, và cái nhìn duy nhất về người đó lần đầu tiên đã đánh thức hàng trăm kỷ niệm đang yên ngủ trong tâm trí tôi; và ấn tượng duy nhất này, do được lặp đi lặp lại có lẽ đến hàng trăm lần so với những gương mặt khác, đã tạo nên hiệu quả mãnh liệt trên tâm trí tôi.

     Bởi vậy, hãy giữ tinh thần “vô luyến cảm”. Cứ để sự vật vận động, cứ để trí não tập trung vào công việc, cứ làm việc không ngừng, nhưng chớ để một gợn sóng nào chế ngự tâm trí. Hãy làm việc như thể các bạn là một kẻ xa lạ trên mảnh đất này, như một kẻ ngụ cư. Hãy làm việc không ngừng, nhưng đừng tự trói buộc lấy mình; trói buộc là điều khủng khiếp. Thế gian này không phải là nơi chúng ta cư trú, nó chỉ là một trong nhiều giai đoạn mà chúng ta phải trải qua. Hãy nhớ lại lời nói vĩ đại của trường phái triết học Sāmkhya: “Toàn thể thiên nhiên dành để phụng sự cho linh hồn, chứ không phải linh hồn dành để phụng sự cho thiên nhiên”. Lý do thực sự để thiên nhiên tồn tại là để giáo dục linh hồn, ngoài ra nó chẳng có ý nghĩa nào khác. Thiên nhiên hiện hữu ra đó vì linh hồn cần phải có tri thức, và nhờ tri thức mới tự giải thoát được cho mình. Nếu hiểu được điều này thì chúng ta sẽ không bao giờ bị trói buộc vào thiên nhiên nữa; chúng ta sẽ hiểu rằng thiên nhiên là một cuốn sách mà ta phải đọc, và khi đã thu thập được tri thức cần thiết rồi thì cuốn sách đó không còn giá trị gì với chúng ta nữa. Tuy nhiên, thay vì điều đó, chúng ta lại tự đồng nhất mình với thiên nhiên, chúng ta nghĩ rằng linh hồn là dành để phụng sự cho thiên nhiên, tinh thần dành để phụng sự cho thể xác, và như một câu nói phổ biến, chúng ta nghĩ rằng con người “sống để mà ăn” chứ không phải “ăn để mà sống”. Chúng ta liên tục mắc phải sai lầm; chúng ta xem thiên nhiên như là bản thân chúng ta và tự trói buộc mình vào nó; và khi sự trói buộc này xảy đến thì tạo ra ấn tượng sâu sắc trên linh hồn, ấn tượng đó ghìm chúng ta xuống và khiến cho chúng ta không còn làm việc với tinh thần tự do, mà như những kẻ nô lệ.

     Trọn phần tinh túy của lời giáo huấn này là như vầy: các bạn nên làm việc như một chủ nhân, chứ không phải như một nô lệ; hãy làm việc không ngừng, nhưng đừng làm công việc của kẻ nô lệ, Các bạn há không thấy mọi người làm việc như thế nào hay sao? Không một ai được nghỉ ngơi hoàn toàn; chín mươi chín phần trăm nhân loại như nô lệ, và hậu quả là sự khốn khổ; đó toàn là những công việc vị kỷ. Hãy làm việc bằng tinh thần tự do! Hãy làm việc bằng tình yêu! Từ “tình yêu” rất khó hiểu; tình yêu không bao giờ đến khi chưa có tự do. Không thể có tình yêu thực sự nơi một kẻ nô lệ. Nếu các bạn mua một kẻ nô lệ, dùng xiêng xích cùm anh ta lại và bắt anh ta làm việc cho các bạn thì anh ta sẽ làm việc như trâu ngựa, nhưng sẽ không bao giờ có được tình yêu nơi anh ta. Bởi vậy, khi chính chúng ta làm việc như những kẻ nô lệ vì những sự vật gian này thì trong ta không thể có tình yêu, và công việc của chúng ta không phải là công việc chân thực. Điều này đúng với những công việc làm vì người thân, vì bè bạn, và cũng đúng với những công việc làm cho chính bản thân chúng ta. Công việc vị kỷ là công việc của kẻ nô lệ. Và đây là cách thử nghiệm: Mọi hành vi thương yêu đều mang đến hạnh phúc; không một hành vi thương yêu nào lại không mang lại phản ứng là bình yên và lạc phúc. Tồn tại chân thực, tri thức chân thực, thương yêu chân thực vĩnh viễn kết hợp với nhau, cả ba trong một: Hễ nơi nào có một trong ba thì phải có hai cái kia; chúng cùng là ba khía cạnh bình đẳng của một Nhất Thể, không có cái nào thứ yếu, Tồn Tại - Tri Thức - Lạc Phúc. Khi Tồn Tại đó trở thành tương đối thì chúng ta thấy nó như là thế giới; Tri Thức đó, đến lượt nó, chuyển biến thành tri thức về sự vật trong thế giới; và Lạc Phúc đó tạo nền tảng cho tình thương yêu chân thực mà trái tim con người từng biết đến.

     Bởi vậy, tình yêu chân thực không bao giờ có thể phản ứng bằng cách gây ra đau khổ cho người đang yêu và kẻ được yêu. Giả sử người đàn ông kia yêu một phụ nữ; anh ta muốn chiếm hữu nàng trọn vẹn, và cảm thấy ghen lồng lộn với mọi hành động của nàng; anh ta muốn nàng ngồi kế bên mình, đứng sát bên mình, ăn uống và hành động theo mệnh lệnh của anh ta. Anh ta là nô lệ của nàng và muốn chiếm hữu nàng như nô lệ của mình. Đó không phải là tình yêu, mà là loại tình cảm bệnh hoạn của kẻ nô lệ, tự khoác lên mình lớp vỏ như là tình yêu. Nó không thể là tình yêu, vì nó mang lại đau khổ; nếu nàng ta không làm theo những gì anh ta muốn thì điều đó sẽ khiến anh ta đau khổ. Với tình yêu thì không hề có phản ứng mang lại khổ đau, nó chỉ đem đến lạc phúc; nếu không phải là thế thì đó không phải là tình yêu, đó là sự nhầm lẫn một thứ gì khác mà ta ngỡ là tình yêu. Khi bạn đã thương yêu trọn vẹn chồng, vợ, con cái, toàn thể thế gian, thương yêu cả vũ trụ này đến mức không còn cảm thấy một phản ứng nào mang lại khổ đau hay lòng ghen tỵ, không còn một cảm xúc vị kỷ nào thì các bạn đang ở trong trạng thái tự do, không còn bị trói buộc.

Đấng Krisha nói: “Này Arjuna, hãy nhìn ta đây! Nếu ta ngừng làm việc chỉ trong một giây phút thôi thì toàn bộ vũ trụ này sẽ bị hủy diệt. Ta chẳng nhận được gì từ công việc mình làm; ta là đấng Chúa Tể duy nhất, nhưng vì sao ta phải làm việc? Bởi vì ta thương yêu thế gian này". Thượng Để không còn bị trói buộc, và cứ ung dung tự tại vì Ngài thương yêu. Tình thương yêu chân thật đó giúp chúng ta thoát vòng trói buộc. Bất cứ nơi nào có sự trói buộc, còn luyến cảm với sự vật trần gian thì các bạn phải biết rằng tất cả điều đó là lực hấp dẫn giữa các phân tử vật chất – đó là lực luôn kéo hai thể xác lại càng lúc càng gần với nhau hơn, và nếu hai thể xác đó không thể đến đủ gần nhau thì phát sinh đau khổ; còn nơi nào có thương yêu chân thực thì tình yêu đó hoàn toàn không dựa trên sự ràng buộc thể xác. Những cặp tình nhân như thế dù có cách xa nhau hàng ngàn dặm thì tình yêu của họ vẫn thủy chung không đổi, tình yêu đó không hề chết, và sẽ không bao giờ tạo ra bất kỳ phản ứng gây khổ đau nào.

     Đạt đến tinh thần tự tại, vô luyến cảm này là công việc phải làm suốt cả đời người, nhưng ngay khi đạt đến cảnh giới đó thì chúng ta thành tựu mục tiêu của thương yêu và được giải thoát. Mọi ràng buộc của thiên nhiên biến mất và chúng ta thấy thiên nhiên hiển lộ toàn chân, nó không còn rèn đúc xiềng xích để trói buộc chúng ta nữa; chúng ta hoàn toàn tự do, và chẳng còn quan tâm đến kết quả của việc làm nữa, vậy thì ai còn quan tâm chỉ đến kết quả sẽ ra sao?

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan