BUÔNG BỎ TÂM VƯỚNG MẮC VÀO NƠI GÂY RA THAM ÁI

BUÔNG BỎ TÂM VƯỚNG MẮC VÀO NƠI GÂY RA THAM ÁI

Bình giảng: BA MƯƠI BẢY PHÁP TU CỦA BỒ TÁT

Đạo Sư Garchen Rinpoche

-----oo0oo-----

Tâm bám luyến người thân khuấy động như sóng nước. Tâm sân hận kẻ thù thiêu đốt như lửa cháy. Tâm vô minh không biết điều gì cần làm và điều gì không nên làm rất che chướng mê lầm.
BUÔNG BỎ TÂM VƯỚNG MẮC VÀO NƠI GÂY RA THAM ÁI

Tâm bám luyến người thân khuấy động như sóng nước. Tâm sân hận kẻ thù thiêu đốt như lửa cháy. Tâm vô minh không biết điều gì cần làm và điều gì không nên làm rất che chướng mê lầm. Hãy rời bỏ quê hương [để buông bỏ tâm vướng mắc vào nơi gây ra tham ái]. Đó là pháp tu của Bồ tát.

Vì sao người ta phải rời bỏ quê hương? Vì sao đức Milarepa lại nói rằng người ta phải rời bỏ quê hương? Người ta phải rời bỏ quê hương để cắt bỏ tận gốc rễ sự yêu thích và ghét bỏ. Sự yêu thích và ghét bỏ luôn luôn là sự yêu thích và ghét bỏ ngay cả khi chúng phát khởi trong bối cảnh của giáo pháp. Khi một người có khuynh hướng thiên vị đối với dòng phái của mình chẳng hạn thì người này không hiểu gì về các phẩm tính chân chính của giáo pháp. Một số người chỉ tranh luận nhưng trong thực tế thì chẳng có gì bất đồng. Nếu chúng ta chỉ lắng nghe giáo pháp rồi sinh lòng yêu thích và ghét bỏ thì sự yêu thích và ghét bỏ này cũng giống như sự yêu thích và ghét bỏ trong tình huống đời thường. Sự yêu thích và ghét bỏ luôn luôn là sự yêu thích và ghét bỏ. Ham muốn là nguyên nhân để đọa sinh thành ngạ quỷ và sân hận là nguyên nhân để sa vào địa ngục. Đức Gampopa đã dạy rằng tất cả tám mươi bốn ngàn pháp môn là biện pháp đối trị các cảm xúc phiền não. Nếu con xem xét cái mình cần và cái mình không cần thì về cơ bản, con phải nhận thức rằng cái con đang cần chính là Bồ đề tâm. Cái gì ngăn trở không cho Bồ đề tâm phát triển? Đó chính là sự yêu thích và ghét bỏ. Đức Phật, đấng Chiến thắng siêu việt đã dạy rằng mọi chúng sinh đều là Phật nhưng lại bị che chướng bởi các ô nhiễm ngoại lai. Ô nhiễm ngoại lai tệ hại nhất là gì? Đó chính là sự yêu thích và ghét bỏ. Chúng chính là lý do khiến ta nên rời quê hương của mình. Đó là lý do vì sao đức Milarepa lại rời bỏ quê hương của ngài. Một số người rời bỏ quê hương rồi đi đến một nơi khác có nhiều người sinh sống đây là điều chẳng có ích lợi gì. Như đức Gampopa đã nói: ‘Một người có thể tuyên bố rằng mình đã buông bỏ sự yêu thích và ghét bỏ, rằng mình đã buông bỏ Luân hồi’. Rồi người đó đến nơi khác phát khởi sự bám luyến vào một gia đình và sự ghét bỏ đối với những người khác’. Điều này chẳng có ích lợi gì. Quan trọng hơn cả là một khi con đã nhận biết ra sự yêu thích và ghét bỏ là những khiếm khuyết thì khi có tình huống làm phát khởi sự yêu thích và ghét bỏ thì con sẽ không quy tội cho tình huống đó mà con phải nghĩ rằng mình phải buông bỏ sự yêu thích và ghét bỏ. Giáo pháp Đại viên mãn dạy rằng kẻ có tâm tham luyến sẽ bị bám chấp ngay cả vào Bổn tôn của mình. Nếu con nghĩ: ‘Ồ Bổn tôn của ta trân quý biết bao’ thì cuối cùng con sẽ bị trói buộc. Nếu con không nhận biết được rằng Bổn tôn là bất khả phân với mình thì con sẽ bị dính mắc. Nhưng lúc này con chưa cần lo đến chuyện này. Trước hết, chúng ta phải thuần thục sự kết nối với Bổn tôn của mình nên lúc này chúng ta cũng cần có chút bám luyến. Nhưng một khi chúng ta đã chứng ngộ được tri kiến thì chúng ta sẽ nhận biết được rằng mình bất khả phân với Bổn tôn. Điều này được giảng giải trong giáo pháp Đại viên mãn. Khi con bám chấp, lòng bi mẫn không thể phát khởi được; lòng bi mẫn sẽ bị các chuyện tầm thường trói buộc. Thật ra thì chẳng cần giải thích nhiều về sự yêu thích và ghét bỏ. Nếu con không sinh tâm yêu thích và ghét bỏ thì chẳng cần phải rời bỏ quê hương. Một khi con nhận thức được rằng ta và người đều là bình đẳng thì con không cần phải rời bỏ quê hương; khi ấy, con có thể tu tập và rồi sự yêu thích và ghét bỏ lại phát khởi trở lại. Dĩ nhiên, ngay trên quê hương của mình. Tam độc là gốc rễ của Luân hồi và vô minh là gốc rễ chính. Vô minh đến từ đâu? Tâm cũng giống như nước trong vậy. Vô minh đầu tiên khởi lên cùng với sự bám luyến vào chính mình. Rồi tiếp theo những ý nghĩ về mình và của mình, sân hận sẽ phát khởi đối với phía bên kia (kẻ thù của mình). Sự phát khởi của những ý nghĩ này cũng giống như việc đổ mực đen hay mực đỏ vào nước trong, làm thay đổi màu sắc của nó. Phật tính của chúng ta bị che chướng như thế đấy. Tâm thức, Phật tính, khởi thủy là thanh tịnh nhưng chúng ta tạo nghiệp do sự yêu thích và ghét bỏ. Đây là nguồn gốc đầu tiên của các cõi địa ngục và ngạ quỷ. Đặc tính cơ bản của vô minh là ý niệm về một cái ngã. Chúng ta phát triển cái ‘ngã’ này thành một vật thể rất quan trọng rồi bám luyến vào đấy. Chúng ta tự xem mình là quan trọng nhất. Khi có điều không mong muốn xảy ra cho cái ‘ngã’ của chúng ta thì chúng ta giận dữ đối đầu với đối phương. Như vậy, chúng ta phát triển sự bám luyến đối với cái ngã và sân hận đối với người khác. Trong cái tâm trạng nhị nguyên này, chúng ta bám luyến vào mọi thứ mà chúng ta tự cho là thuộc về mình: của cải vật chất, bạn bè họ hàng, vợ hoặc chồng và con cái. Từ đó, mọi kẻ thù gây nguy hiểm bắt đầu hiện ra. Ví dụ như khi chúng ta muốn mua một căn nhà, chúng ta không thực sự quan tâm nếu căn nhà đó sụp đổ trước khi chúng ta mua. Nhưng một khi chúng ta là chủ căn nhà, nếu chúng ta thấy có kẻ ném đá vào nhà thì chúng ta sẽ nổi giận. Một ví dụ khác là một ông vua phải chăm lo đến giang sơn của mình. Ý thức về cái ngã và sự sở hữu của vua rất mạnh và vua xem giang sơn của mình là quý báu và đáng giá. Nếu có kẻ cố gắng gây hại cho giang sơn của mình thì nhà vua sẽ tuốt vũ khí ra để chiến đấu. Sự yêu thích và ghét bỏ là như vậy đó.

Để tu tập, chúng ta phải quán tưởng: ‘Kẻ thù phát sinh từ đâu? Bạn bè họ hàng phát sinh từ đâu?’ Trước hết, chúng ta phải quán tính chất vô thường của kẻ thù và bè bạn. Theo pháp tu tập dự bị đặc biệt của dòng truyền thừa Drikung Kagyu, chúng ta phải đặt mọi kẻ thù căm ghét mình ở vị trí cao hơn tất cả những người khác. Đó là bởi vì trong tất cả các cảm xúc phiền não, sân hận là cái tệ hại nhất. Không có cái gì tiêu cực hơn sân hận cả. Vì sao nó lại tệ hại nhất? Vì Bồ đề tâm bao trùm tám mươi bốn ngàn pháp môn nên chúng ta phải hết sức giữ gìn lòng từ ái và bi mẫn; ngược lại với lòng từ ái và bi mẫn chính là sự sân hận. Hai thứ này không cùng tồn tại được, có sân hận thì không có tình yêu thương, có tình yêu thương thì không có sân hận. Chỉ có một ghế ngồi nên một trong hai phải đứng.

Trước hết, chúng ta phải quán tưởng các hậu quả mà sân hận mang lại. Tất cả các lần sân hận kết tụ lại thành một khối sân hận vững chắc và từ đó, dĩ nhiên là địa ngục sẽ phát sinh. Bản chất của sân hận là địa ngục. Chúng ta bứng rễ tâm sân hận bằng cách không ngừng quán về các khiếm khuyết của sân hận. Con xem tất cả chúng sinh như mẹ hiền nhưng khi có chướng ngại nguy hiểm phát sinh thì khó mà phát triển được tình yêu thương. Do đó, con phải quán sát kẻ ‘thù’ này. Kẻ thù này đến từ đâu? Chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể thiêu rụi một núi rơm. Khi tâm sân hận thật mãnh liệt phát khởi, thậm chí trong một người đã thiền định về Bồ đề tâm và dành trọn một đời để nhập thất thiền định, thì tất cả các gốc thiện hạnh của người này sẽ biến thành độc dược, cũng như thuốc chữa bệnh biến thành độc dược vậy. Thiện hạnh gốc sẽ trở thành một loại độc dược rất mạnh. Lúc đó, ước nguyện cho mọi chúng sinh có được hạnh phúc của người này sẽ biến thành ước nguyện hại người. Tinh linh xấu ác nhập vào người phàm như thế đấy. Một khoảnh khắc sân hận có thể thiêu hủy các gốc thiện hạnh hay công đức tích lũy được qua nhiều đại kiếp.

Đức Phật, đấng Chiến thắng siêu việt, dạy chúng ta tích lũy công đức qua ba đại kiếp vô tận. Tất cả chư Phật phải trải qua nhiều gian nan khi tu tập sáu pháp Ba la mật để trưởng dưỡng tình yêu thương. Có được tình yêu thương bao la các ngài có thể đích thực tuyên thuyết rằng các ngài thương yêu tất cả chúng sinh – mẹ hiền nhiều như hư không. Các ngài đã đạt được giác ngộ như thế đấy. Sau khi đạt giác ngộ, chư Phật có khả năng mang lại lợi lạc cho chúng sinh bằng cách thị hiện qua Báo thân và ứng thân. Đó là cách mà con phải quán sát lợi ích của thiện hạnh và hậu quả của sân hận. Rồi con phải nghĩ: ‘Ồ, Bồ đề tâm thực sự trân quý. Mình không thể đánh mất Bồ đề tâm’. Khi sân hận phát khởi trong tâm mình, con phải nhận biết ra ngay rằng đó là một kẻ thù lớn. Nếu con không làm điều này thì khi có kẻ làm phật ý mình, con sẽ nghĩ: ‘Dĩ nhiên là mình sẽ nổi giận vì nó làm việc ấy mà’. Như vậy, con sẽ chỉ làm bùng phát sự sân hận thêm mà thôi. Kẻ thù của mình, những người làm mình nổi giận đến từ đâu? Những kẻ ngăn cách mình với của cải, họ hàng bạn bè hay bất kỳ thứ mà mình ưa thích, đến từ đâu? Trong tiền kiếp, kẻ ‘thù’ này cực kỳ tử tế đối với chúng ta, người đó từng là cha mẹ hay bạn bè mà mình yêu quý. Lúc đó, mình đối xử tệ bạc với người này mà chẳng hề quan tâm đến nhân quả, nghiệp báo. Nếu chúng ta cư xử tệ bạc với người thân thì họ sẽ biến thành kẻ thù phẫn nộ. Chỉ trong một khoảnh khắc, sân hận có thể làm chủ, người đó bám chấp vào sân hận và toan tính việc trả thù. Thông qua năng lực của ước nguyện phát khởi trong tiền kiếp, người đó trở thành kẻ thù của ta trong đời này.

Ngay cả khi con không tạo ác hạnh trực tiếp trong đời này, có thể trước đây con đã mang nghiệp báo lớn cũng giống như một món nợ tài chính vậy. Người mượn nhiều tiền từ một kẻ cho vay nặng lãi có thể bị giết nếu người này không trả được nợ. Như một ví dụ, thầy nghe được câu chuyện về một doanh nhân trẻ sang Trung Quốc mượn tiền của người quen để mở một nhà máy mới. Khi công việc kinh doanh sa sút, anh ta lỗ hàng triệu đồng Nhân dân tệ, mất khả năng chi trả rồi bị người quen đã cho mượn tiền bắn chết. Chắc chắn rằng trong một đời trước, người quen này là cha mẹ của doanh nhân, không phải lúc nào người này cũng là kẻ thù của doanh nhân. Tương tự vậy, bất kỳ kẻ nào đang làm hại mình đã là bạn của mình trước đây. Khi nghĩ như thế, cơn giận sẽ dịu đi và con nhận thức được rằng có lúc người này đã rất thân thiết với mình nhưng mình lại bạc đãi người ta nên nay mình phải nhận ác báo. Và cơn giận đối với kẻ thù sẽ giảm bớt. Cũng có thể là những người mà hiện nay mình đang yêu thương, bạn bè hay thân thuộc, sẽ biến thành kẻ thù của chính mình ngay trong đời này. Nếu các con gây oán đối với những người bạn này nhưng không chuộc lỗi thì họ có thể biến thành kẻ thù và thậm chí cuối cùng có thể giết các con. Rồi họ sẽ có thể tái sinh thành con cái của mình. La hán Katayana là vị có huệ nhãn. Một lần ngài trông thấy một của chúng ta. Khi con xác quyết được thực tại này thì ngay cả khi con đang ở trong một căn phòng đầy người xa lạ, con vẫn sẽ nghĩ rằng họ đã từng là cha mẹ của mình. Khi thấy người trẻ tuổi, hãy nghĩ rằng họ đã từng là bạn bè của mình và khi thấy người già, hãy nghĩ rằng họ đã từng là cha của mình; nếu nghĩ được như thế con sẽ kết nối được với mọi người. Người đàn ông bế con, đang ăn món cá và đá một con chó đang toan tính ăn chực con cá ấy. Ngài nói: ‘Người đàn ông đó đang ăn da của cha anh ta, đá vào chính mẹ ruột của mình và ôm ấp trong lòng kẻ thù mà anh ta đã giết trong đời trước’. Điều này nói lên rằng kẻ thù và bè bạn là vô thường và bất định. Không có chúng sinh nào không từng là cha mẹ

Nếu sự yêu thích và ghét bỏ không khởi lên, con sẽ có được tâm bình đẳng và mọi ý nghĩ thế tục sẽ được tịnh hóa; do đó, nếu con bứng rễ được sự yêu thích và ghét bỏ thì không cần bỏ quê hương ra đi. Nếu các con không bứng rễ được sự yêu thích và ghét bỏ thì các con không thực sự rời bỏ quê hương ngay cả khi các con đang sinh sống tại một nơi khác. Một người mặc dù có sự hiểu biết tốt về nghiệp báo cũng có thể sẽ quên những việc cần làm và những việc cần từ bỏ khi có sự yêu thích và ghét bỏ mạnh mẽ như sân hận chẳng hạn, khởi lên. Rồi anh ta sẽ quên mất nguyên nhân của hạnh phúc, sẽ tự động và cố ý phạm ác hạnh. Khi sân hận khởi lên mạnh mẽ, một kẻ dù biết được sát sanh là ác hạnh, vẫn có thể giết người khác trong cơn thịnh nộ. Hoặc khi lòng ham muốn mãnh liệt khởi lên, người ta có thể có hành vi trộm cắp dù rằng biết thế là ác hạnh. Một số người, xui khiến bởi các cảm xúc phiền não có thể phạm ác hạnh một cách vô thức. Nhưng thậm chí một người, nói chung là có hiểu biết về bản chất của ác hạnh, cũng có thể chủ động phạm ác hạnh nếu sự yêu thích và ghét bỏ khởi lên quá mạnh mẽ. Đó là ý nghĩa của câu kệ ‘tâm vô minh không biết điều gì cần làm và điều gì không nên làm’.

Hãy thử xem việc gì sẽ xảy ra nếu chút ít yêu thích và ghét bỏ khởi lên. Chẳng hạn như khi con giới thiệu người này cho người kia. Nếu đó là bạn con thì con sẽ chỉ nói về các phẩm chất tốt của anh ta; nhưng nếu con hơi ghét anh ta thì con sẽ chỉ nói về khuyết điểm của anh ta. Chúng ta đều trải nghiệm việc này. Nếu anh ta là bạn tôi thì tôi chỉ thấy mặt tốt của anh ta còn nếu như tôi không ưa anh ta thì tôi chỉ toàn thấy khuyết điểm của anh ta. Tôi không nhìn anh ta một cách hoàn toàn khách quan và tôi đã quên những việc cần làm và những việc cần từ bỏ, đó chính là sự vô minh của tôi. Nếu có người chẳng phải là bạn, cũng chẳng phải là kẻ thù của tôi, nếu anh ta chỉ là người tôi không thích, cũng chẳng ghét thì tôi sẽ có thể nêu ra các điểm tốt và xấu của anh ta một cách rất chính xác. Rồi chúng ta sẽ rất trung thực về chuyện này. Khi chúng ta nghĩ về các tình huống ít bị tình cảm chi phối, chúng ta sẽ hiểu được rằng sự hiểu biết chân chính phát khởi từ tâm bình đẳng, một tâm trạng không bị ô nhiễm bởi sự yêu thích và ghét bỏ. Tâm này có thể thẳng thắn xét đoán. Do đó, con cần liên tục quán tâm và lập tức nhận biết yêu thích và ghét bỏ ngay khi chúng khởi lên. Khi con có thể làm được điều này, con sẽ rất tỉnh thức. Ví dụ như khi đang nói chuyện với ai đó, con sẽ lập tức nhận biết khi con muốn nói xấu người khác chỉ vì không thích anh ta lắm. Tuy vậy, khi cảm xúc tiêu cực khởi lên rất mạnh mẽ, nhiều người, vốn biết hành động như vậy là sai trái, nhưng vẫn phạm ác hạnh, như đi gây chiến chẳng hạn. Có bao nhiêu người trên thế giới này đi ra chiến trường? Dĩ nhiên, họ biết giết người là ác hạnh. Có cả các nhà sư cầm súng và chiến đấu.

Sự bám luyến cũng là một khiếm khuyết dù rằng đôi khi sự bám luyến cũng mang tính chất của lòng bi mẫn. Từ tình yêu thương và lòng bi mẫn có thể hình thành sự bám luyến. Người ta có thể dễ dàng lẫn lộn sự bám luyến và tình yêu thương. Yêu thương có nghĩa là cảm nhận tình yêu thương một cách chân thành mà không đòi hỏi đối tượng đó phải thuộc về mình hay không chấp ngã chút nào. Khi con bám luyến vào một người nào đó, bởi vì sự bám luyến hòa quyện với sự chấp ngã nên có thể tồn tại một đặc tính của tình yêu thương hoặc lòng bi mẫn nhưng đây vẫn là nguyên nhân dẫn đến sự chiếm hữu. Các khiếm khuyết của sự bám luyến là gì? Trong đời này, khi chúng ta bám luyến vào các dục lạc gắn liền với ngũ quan thì điều này cũng chưa tệ lắm. Tuy nhiên, sau khi các con lìa đời, nếu sự bám luyến rất mãnh liệt, cái ngã sẽ bị phóng đại lên. Rồi sau khi đã xả bỏ xác thân, ý niệm về cái ngã sẽ trở nên rất mạnh mẽ và các con sẽ không thể nào buông bỏ nó được.

Tuy ý nghĩ cơ bản về ‘Tôi là’ khởi lên nhưng khi chúng ta đi tìm cái tôi ấy, chúng ta sẽ không thể tìm thấy nó được. Khi một vị lạt ma của dòng Drugpa Kagyu đến thỉnh Pháp của một vị thành tựu giả, thành tựu giả trả lời: ‘Trước hết, ngươi phải đưa cho ta ý nghĩ về cái tôi của ngươi’. Vị lạt ma nói rằng ông không tìm thấy nó ở chỗ nào. Thành tựu giả bảo lạt ma hãy đi đi rồi suy tư về điều này. Nhưng vị lạt ma không thể tìm thấy cái tôi và khi Thành tựu giả đến gặp lại và hỏi: ‘Ngươi đang làm gì thế?’ Vị lạt ma đáp: ‘Con đang thực hành Pháp’. Cái tôi lại xuất hiện ở ngay chỗ này. Khi có người hỏi con đang làm gì đấy thì con sẽ trả lời: ‘Tôi đang làm việc này, việc nọ.’ Cái tôi sẽ tự nhiên vọt ra nhưng khi đi tìm nó, con sẽ không thấy nó ở đâu cả. Trừ khi chúng ta tự giải thoát mình khỏi cái tôi này, chúng ta sẽ tạo nhiều nghiệp hơn trong hàng chục ngàn năm và sẽ bị bỏ lại như một sinh vật hóa thạch. Các nhà khoa học nói rằng sinh vật hóa thạch không có sức sống nhưng đức Phật dạy rằng chúng vẫn có sức sống. Chúng ta sẽ phải chịu khổ cho đến khi cái tôi đó bị đoạn diệt. Cái tôi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc trôi lăn trong Luân hồi và cái tôi khởi lên từ sự bám luyến. Do đó, sự bám luyến là một vấn đề nghiêm trọng. Sân hận dẫn đến sự hủy hoại tức thời nhưng nếu con không nhận biết ra sự bám luyến và chuyển hóa nó thành tình yêu thương và lòng bi mẫn bình đẳng thì đây sẽ là một lỗi lầm rất lớn. Khi đã buông bỏ được sân hận và bám luyến, tâm thức con sẽ trở nên trong sáng. Con phải thường xuyên quán chiếu về các tác hại của cả sự yêu thích lẫn ghét bỏ.

Chúng sinh vô minh bởi vì chúng sinh bám chấp vào một cái ngã ở nơi không có ngã. Khi con lĩnh hội được chân nghĩa của Đại thủ ấn thì [sẽ chứng ngộ rằng] chẳng hề có một cái ngã nào cả; nó chẳng hề tồn tại. Trước hết, con phải giải quyết vấn đề cái ngã không tồn tại. Sau đó, con cũng phải buông bỏ ý nghĩ cho rằng nó không tồn tại. Đây là tri kiến của Trung đạo, vốn siêu vượt hai biên kiến tồn tại và không tồn tại. Đây là bản tánh nguyên sơ của thực tại tâm thức. Không thể nói rằng nó tồn tại, cũng không thể nói rằng nó không tồn tại. Sự vô minh thực sự là cái được biết đến như là cái ‘ngã’. Nếu con nhìn vào tâm của chính mình và quán sát cái ‘ngã’ ấy là cái gì thì con có thể nghĩ rằng ‘ngã’ là thân thể mình. Cái tôi không phải là thân thể này, cái tôi không phải là căn nhà này. Con có thể nghĩ rằng cái tôi là tâm thức. Rồi con liên tục nhìn vào tâm của mình và sẽ thấy rằng tâm an trú như hư không. Vậy không thể nói là nó tồn tại hay không tồn tại.

-----oo0oo-----

Trích: “Bình giảng - Ba Mươi Bảy Pháp Tu Của Bồ Tát”

Đạo Sư Garchen Rinpoche

Nguồn: Thư viện Lưu trữ Giáo huấn của Đạo Sư Garchen Triptrul Rinpoche. Ina Bieler chuyển sang Anh ngữ. Kay Candler hiệu đính. Sách xuất bản lần thứ 1 vào tháng 10 năm 2011.

Chuyển Việt ngữ: Tiểu Nhỏ (Konchog Kunzang Tobgyal) và Trần Lan Anh (Konchog Sherab Dronma).

Bản Việt ngữ xuất bản lần đầu tiên vào tháng 12/2013, cúng dường cho chuyến hoằng pháp của Garchen Rinpoche lần 2 tại Việt Nam 1/2014.

Bài viết liên quan