CÁC NGÀI NÓI GÌ VỀ CHÍNH MÌNH

CÁC NGÀI NÓI GÌ VỀ CHÍNH MÌNH

FRÉDÉRIC LENOIR - SOCRATE ĐỨC GIÊSU VÀ ĐỨC PHẬT: BA TÔN SƯ SỰ SỐNG

---o0o---

Cuối cuộc hành trình, trong hình thức các tiểu sử bắt chéo nhau, hai vấn đề quan trọng còn đó: theo truyền thống ban đầu, Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu nói gì về chính các ngài? Và truyền thống về sau nói gì về các ngài?
CÁC NGÀI NÓI GÌ VỀ CHÍNH MÌNH

 

CÁC NGÀI NÓI GÌ VỀ CHÍNH MÌNH

Cuối cuộc hành trình, trong hình thức các tiểu sử bắt chéo nhau, hai vấn đề quan trọng còn đó: theo truyền thống ban đầu, Đức Phật, Socrate và Đức Giêsu nói gì về chính các ngài? Và truyền thống về sau nói gì về các ngài? Những câu hỏi này có giá trị trước hết đối với Đức Phật và đối với Đức Giêsu, vì hai hệ thống tín ngưỡng đã dần dần được xây dựng trên nhân cách của họ, và do đó, quy chế siêu nhân không ngừng được khẳng định. Nhưng hình ảnh của Socrate cũng đã biến đổi nhiều qua các thế kỷ; dù ông luôn luôn được coi như một con người và không bao giờ là đối tượng của việc thờ cúng trong tôn giáo. Vậy chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi thứ nhất: Các ngài nói gì về chính mình?

 

SOCRATE, NGƯỜI NGU DỐT LUÔN TRA HỎI

Chúng ta đã thấy Socrate đùa bỡn, đánh giá thấp bản thân trước các cử tọa, và gào to trong mọi quảng trường đừng giữ lại "bất kỳ sự khôn ngoan nào dù lớn hay nhỏ” rồi ông bỏ đi và lặp lại: “Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì cả” (Apologie, 21d5). Ông có thật sự tin mình như thế trong phát biểu ấy?

Khi nhìn kỹ, ta nhận thấy rằng Socrate không phải không biết giá trị thật của mình. Ông tự nhủ mình thiếu mọi kiến thức ? Tuy nhiên trong Gorgias, cuối một cuộc đối thoại dài, khi Polos phải thừa nhận rằng luận để của Socrate về công bằng khó mà bác bỏ được, Socrate lạnh lùng đáp lại Polos: “Này Polos, không phải khó mà là không thể bác bỏ. Bởi lẽ điều gì đúng không thể bị bác bỏ.” (473b) Ở chỗ khác, Socrate thường thích lặp lại nơi công cộng rằng mình chỉ có vai trò của một bà đỡ đẻ, và nghệ thuật của ông là hộ sản nghĩa là nghệ thuật giúp sản phụ sinh con, thế nhưng trong Théétète của Platon, ông thừa nhận rằng công việc của nữ hộ sinh thì thấp hơn của ông (150a), vì bà này chỉ đỡ đẻ cho những thân xác, trong khi ông đỡ đẻ cho các tinh thần. Và công việc này “nhờ vào thần linh và nhờ vào tôi” (150d).

Thật vậy, bí quyết của Socrate là như thế : triết gia này xác quyết với lý trí sáng suốt ông được trao cho một sứ mạng thiêng liêng: “Thần linh đã lệnh cho tôi sống để làm triết học, khi thực hiện sự sát hạch chính mình và người khác” (Apologie, 28e). Ông tin chắc mình hành động chỉ bởi ý muốn của thần linh ấy mà ông không nêu tên nhưng đó là vị thần mà ông nói trong vụ án xử ông: “Tôi lặp lại với các ông rằng tôi chỉ hành động để hoàn thành mệnh lệnh mà thần linh đã ban cho tôi qua tiếng nói của các sấm ngôn, bởi tiếng nói trong các giấc mộng và bởi mọi phương tiện mà không một quyền lực trên trời nào đã từng dùng đến để thông ban ý muốn của quyền lực siêu nhiên ấy cho một con người” (Apologie, 33c). Vả lại, ngay cả kết quả việc giáo huấn của ông cũng tùy thuộc vào ý muốn thần linh: “Những người gắn bó với tôi, dù lúc đầu một số người có vẻ hoàn toàn ngu dốt, trong những lần trao đổi với tôi, nhờ thần linh cho phép họ, họ đạt được những tiến bộ tuyệt vời, không chỉ trong phán đoán của họ, mà cả trong phán đoán của những người khác” (Théétète,150d). Phải chăng ông sẽ bị kết án chết? Ông châm biếm các quan tòa, cho họ biết rằng có lẽ ông không phải là sứ giả cuối cùng mà các thần linh gởi đến: “Các ông muốn giết tôi chết không chút đắn đo; và rồi sau đó các ông sẽ mãi mãi rơi vào trong một giấc mộng bơ thờ, và trừ khi thần linh thương xót các ông, lại gởi đến cho các ông một người giống như tôi...” (Apologie, 31a).

Quy chế của Socrate là gì? Socrate nhận mình là triết gia: “Chừng nào tôi còn sống và còn có chút sức lực, tôi sẽ không ngừng chuyên tâm vào triết học” (Apologie, 29d). Ông đắn đo hơn khi nhận mình là thầy: “Tôi không bao giờ là thầy ai, nhưng nếu một người nào đó, trẻ hay già, muốn nói chuyện với tôi, và xem xét tôi mang nợ với sứ mạng của tôi như thế nào, tôi đã không khước từ một ai yêu cầu đó của họ” (Apologie, 33a). Chắc chắn ông coi mình như “người giải thích sấm ngôn” mà sứ mạng là làm cho những người dân Athène thấy rằng họ “không phải là những hiện nhân” (Apologie, 23b). Một người giải thích hoàn toàn nhân bản? Trong suốt cuộc xử án, ông tuyên bố: “Có một điều còn nhận bản hơn việc trong bao nhiêu năm các ông đã thờ ơ với công việc của tôi để gắn tôi vào công việc của các ông, khi mỗi người các ông coi mình như một người cha, một người anh cả có thể làm và không ngừng tự khen mình là những người chuyên cần sống theo đức hạnh” (Apologie 31a-b).

Vậy Socrate tự giới thiệu như một con người được thần linh giao cho sứ mạng, sứ mạng này có một chiều kích vượt trên con người. Dù sao, trước tiên ông được thừa nhận như một công dân thành Athènes, chắc hẳn ông là công dân đích thực duy nhất của một thành phố mà ông không thể rời xa, dù chỉ tạm thời, công dân duy nhất toàn tâm toàn ý với thành phố của mình. Dưới ngòi bút của Xenophon, khi Antiphon hỏi ông: “Làm thế nào mà ông có thể cho mình là người dân Athènes làm chính trị, trong khi người ta không bao giờ thấy ông trong một hội đồng nào và không thấy ông tham gia vào công việc gì?”, ông tự hào đáp lại: “Khi đào tạo ra những người có khả năng hướng dẫn mọi người dân” (Mémorables 1, 6, 15).

 

CON NGƯỜI GIÁC NGỘ

Các bản văn Phật giáo cổ cho thấy rằng Shiddhârta từ lúc Giác Ngộ, ngài không có chút nghi ngờ về quy chế của ngài: ngài là một vị Phật kế thừa các vị Phật đã đi trước ngài, là người tiên phong cho các vị Phật sẽ theo sau ngài. Đức Phật không phải thần linh nhưng vượt trên thần linh trong mức độ ngài đã đạt đến Giác ngộ và thoát khỏi vòng sinh tử, đây không phải là trường hợp các chư thiên của phẩm trật chư thần hiểu theo Phật giáo. Đã hẳn các chư thiên ở trên một bình diện cao trên bậc thang trần thế và nhờ công nghiệp tích lũy trong các kiếp trước mà có được các quyền năng cao hơn của con người, và một đời sống không bị trói buộc, nhưng chỉ có một sự tái sinh làm người, trong phận người mới giúp chư thiên một ngày nào đó sẽ giác ngộ, giai đoạn sau cùng của cuộc tiến hóa tâm linh của các hữu thể.

Vậy một vị Phật là gì? Từ này, lấy từ nguyên ngữ sanskri “bukh, nghĩa đen là “tỉnh thức” hoặc “đã được tỉnh ngộ”. Vậy một vị Phật là một người sau khi đã qua những lần tái sinh liên tiếp đã đạt đến sự khôn ngoan thuần túy, đến bồ đề, boddhi: sự minh chiếu, sự hiểu biết, tri kiến sâu xa. Khi đạt đến Giác Ngộ, người ấy ý thức đầy đủ, hiểu biết bản tính tối hậu của mình, tức là “Phật tính”: người ấy thoát khỏi vòng sinh tử và đạt đến Niết Bàn, mà định nghĩa duy nhất người ta có thể đưa ra là vượt qua đau khổ và sau cùng đạt đến tự do trọn vẹn.

Từ lúc Đức Phật biết được sự biến đổi nội tâm thâm sâu ấy, ngài nhận thức được quả vị mới của ngài. Tuy nhiên đấng Giác Ngộ từ chối được coi như một hữu thể siêu nhiên, và trở thành chủ thể được thờ phượng. Suốt cả cuộc đời ngài, ngài sẽ lặp lại rằng giáo huấn của ngài được thiết lập trên kinh nghiệm của ngài, và chỉ kinh nghiệm giúp ngài vượt qua luân hồi. Trong kinh Trung bộ, ở bài giảng về việc phá hủy lòng khát ái (Majjhima Nikaya, 38), ngài nhấn mạnh đến việc thanh luyện để được thanh khiết nhờ việc thiền định là cái duy nhất có khả năng sinh ra cho mỗi người một quả vị mới. Nói cách khác, để đến lượt họ cũng được giác ngộ, các môn đệ chỉ cần đi theo con đường đạo của ngài, vả lại cũng không do ngài sáng chế: đó là một đạo rất cổ mà con người đã từng đi theo ở một thời kỳ xa xưa” (Samyutta Nikaya, 12, 65), đã được các vị Phật khác dạy dỗ cho đến khi những giáo huấn ấy đã bị quên đi. Một con đường không đòi hỏi bất kỳ một sự can thiệp siêu nhiên nào.

Theo các văn bản, Đức Phật gạt bỏ mọi sự thờ phượng nhân cách. Tuy nhiên một giai thoại vẫn còn là ngạc nhiên. Trong những ngày trước khi ngài thuyết giáo bài giảng đầu tiên, truyền thống Pali nói, trước cả khi tăng hội sangha được hình thành, hai anh em thương gia Tapussa và Bhallika nhìn thấy Đức Phật dưới một cây liền xúc động bởi cung cách của vị hiền triết. Rõ ràng vị này đã đạt được giai đoạn cao của tri kiến. Họ trò chuyện với ngài và theo truyền thống, trở thành hai môn đệ cư sĩ đầu tiên. Rồi trước khi cáo từ để tiếp tục lên đường, họ hỏi ngài: “Ngài có thể cho chúng tôi một vài sợi tóc để chúng tôi mang về quê hương một cái gì đó của ngài để thờ phượng?” Đức Phật đưa cho họ tám sợi tóc. Thành tích này ngày nay được tìm thấy trong ngôi chùa nguy nga Shwedagon, Rangoon (Myanmar), một phức thể khổng lồ dát bằng những lá vàng mà bảo tháp, stupa chính, cất giữ tám sợi tóc ấy, bên trên đặt một quả cầu vàng khảm 4350 viên kim cương và một viên ngọc lục bảo to nặng 75 ca-ra. Khi tình hình chính trị Myanmar cho phép, các Phật tử trên toàn thế giới – thuộc mọi tông phái – đổ dồn về đó để tôn thờ các “thánh tích ấy”. Một câu nói của Đức Phật, mà truyền thống Theravada nhấn mạnh cũng làm người ta ngạc nhiên như giai thoại trên. “Người nào thấy ta, thì thấy pháp. Người nào thấy pháp, thì thấy ta”, Đức Phật đã nói như thế trong bài giảng mà kinh Samyutta Nikaya [Tương Ưng bộ] thuật lại. Khi tự động nhất ngài với Đạo, đấng Giác Ngộ chẳng phải đã gợi ý ngài sở hữu một yếu tố làm ngài khác những người khác, yếu tố ấy trao cho ngài một quả vị đặc thù và phổ quát sao? Vấn đề này vẫn còn tranh cãi trong nội bộ Phật giáo. Câu nói này chắc hẳn nhắc chúng ta nhớ đến lời Đức Giêsu đáp lại Tôma khi ông này hỏi ngài: “Làm thế nào chúng con biết đường?” Và Đức Giêsu đáp lại: “Thầy là con Đường, sự Thật và sự Sống. Không ai đến với Cha mà không qua thầy. Nếu anh em biết thầy, anh em cũng sẽ biết Cha thầy, ngay lúc này anh em biết Người và anh em đã thấy Người” (Gioan, 14,6-7).

 

CON NGƯỜI

Diễn từ của Đức Giêsu về chính ngài mà bốn Phúc Âm thuật lại bao gồm một dãy rộng các căn cước. Nói chung các môn đệ coi ngài như một ông thầy “đi khắp các làng mạc để giảng dạy” (Máccô 6,6) – một “ráp-bi”, như họ gọi ngài để tỏ lòng tôn trọng. Danh hiệu này Đức Giêsu lãnh nhận trọn vẹn, hành động cách rõ ràng như người thầy duy nhất (Mt 23, 8). Nhưng ngài còn đi xa hơn và tuyên bố ngài là tiên tri: khái niệm tiên tri hay ngôn sứ này đã bắt rễ trong truyền thống Kinh Thánh. Ngôn sứ là những người mà Thiên Chúa chọn để nói với dân Do Thái, dạy dỗ và đưa họ về chính lộ. Khi ngài trở về Nadarét và gặp những người dân hồ nghi, ngài vặn lại họ: “Có ngôn sứ nào được tôn trọng tại quê hương , giữa vòng bà con và nhà mình đâu” (Mc 6,4). Sau này khi những người Pharisêu báo ngài biết Hêrôđê muốn giết ngài, ngài giải thích ngài phải theo đuổi con đường của ngài, vì một ngôn sứ không nên chết bên ngoài thành Giêrusalem” (Lc 13,33). Mặt khác, ngài còn nói với thành đó bằng những lời này: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh...mà các ngươi không muốn” (Lc 13, 34).

Đức Giê-su cũng đòi một danh hiệu đối với người Do Thái quan trọng hơn danh hiệu ráp-bi hoặc ngôn sứ: danh hiệu Đấng Mêsia. Chính quỷ bị Đức Giê-su trục xuất, trừ khử đã tiết lộ điều đó, và Luca đã xác nhận ngay khi thuật lại sự cố đó. “Nhưng ngài quát mắng chúng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết ngài là Đấng Kitô” (4, 41). Đấng Kitô, tiếng Hy Lạp Christos, có nghĩa là đấng được Thiên Chúa xức dầu, được dịch từ một từ ngữ híp-ri là Mashia’h, Mêsia. Trong truyền thống Kinh Thánh, đấng Mêsia là một người xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít, sẽ mang lại một kỷ nguyên hòa bình và hạnh phúc làm cho mọi quốc gia trên thế giới sẽ được hưởng phước. Vào thời kỳ Đức Giêsu sống, người ta hết lòng chờ đợi Đấng Mêsia vì hy vọng rằng khi ngài đến vào thời kỳ sau cùng này, ngài sẽ giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ của người Rô-ma đô hộ. Đức Giêsu đòi hỏi danh hiệu đấng Mêsia trước sự hiện diện của các môn đệ thân cận nhất. Ở Xêdarê, khi ngài hỏi Phê-rô: “dân chúng nói thầy là ai?”, ông này kể lại những hình ảnh các ngôn sứ: Gioan Tẩy giả, Êli, Giêrêmi. Lúc đó Đức Giêsu nhấn mạnh: “Còn anh em, anh em bảo thấy là ai?” Ông Phê rô thưa: “Thầy là đấng Mêsia, Con Thiên Chúa hằng sống!”. Trong giai thoại này mà cả ba Tin Mừng nhất lãm đều thừa nhận, Đức Giêsu truyền cho các môn đệ không được tiết lộ căn cước đấng Mêsia của ngài, nhưng không vì thế mà khước từ danh hiệu cao cả ấy mà người Do Thái có thể trao cho một người (Luca 9, 18-21). Một lần nữa ngài sử dụng danh hiệu ấy để chỉ chính ngài khi ngài tuyên bố với các môn đệ: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về đấng Kitô, thì thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9, 41).Và sau cùng, khi ra trước Thượng Hội Đồng, vị thượng tế chất vấn Đức Giêsu về diễn ngữ ấy: “Ông có phải là đấng Kitô, Con của Đấng Được Chúc Tụng không? – “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”, Đức Giêsu đáp lại vị thượng tế (Mc 14, 61-62). Có mặt trong cả bốn Phúc Âm, danh hiệu đấng Mêsia. đặt cạnh danh Giêsu, trở thành một tên riêng trong các sách khác của Tân Ước, ở đó Đấng Phục Sinh hầu như được nói đến bởi các tên gọi như Đức Kitô, Đức Giêsu Kitô hoặc Chúa Giêsu Kitô.

Vào lúc Đức Giêsu ly trần, một viên bách quản đã kêu lên: “Quả thật người này là con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Ông này không phải là người đầu tiên đưa ra nhận xét ấy: Ma quỷ đã từng hét to: “Ông là con Thiên Chúa”, khi bị Đức Giêsu trục chúng ra khỏi những người bị quỷ ám lúc ngài bắt đầu việc rao giảng. Thật vậy ngài đã cố ý gọi Thiên Chúa là cha ngài (abba), Đấng đã sai ngài đến và trao cho ngài, với danh hiệu ấy các quyền năng phi thường. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha; cũng không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho”, ngài đã nói với các môn đệ ngài như thế (Mátthêu 11,27). Trong Kinh Thánh, tên gọi Beni Elohim, nghĩa đen là “các con của Thiên Chúa” cũng dành cho các thiên thần, những tạo vật gần với Thiên Chúa nhất.

Đức Giêsu còn bày tỏ sự thân cận đặc biệt với Thiên Chúa khi chỉ về ngài như chàng rể, nhân dịp các người Pharisêu và Các môn đệ của Gioan Tẩy giả ăn chay, nhưng các môn đệ của ngài thì không. Để đáp lại sự trách móc của hai nhóm trên ngài nói: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó” (Mc 2,19-20). Vả lại, trong truyền thống Kinh Thánh, được minh họa tuyệt vời trong sách Diễm ca, hôn phu (chàng rể) là Thiên Chúa trong tương quan với dân người. Tuy nhiên phần lớn những nhà chú giải loại bỏ giả thuyết rằng Đức Giê-su muốn nói về quy chế Thiên Chúa của ngài qua diễn ngữ đó, vì dọc dài các Phúc Âm ngài nhấn mạnh trên sự kiện ngài được Thiên Chúa sai đến, và không phải là chính Thiên Chúa: “Ai tiếp đón thầy, không phải là tiếp đón thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai thầy” (Mc 9,37). Điều này không ngăn cản ngài, như chúng ta đã được giới thiệu, như đấng trung gian duy nhất dẫn đưa về Thiên Chúa và ơn cứu độ: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua thầy” (Gioan 14,6).

Nhưng diễn ngữ Đức Giêsu thường dùng nhất để nói về chính ngài là “Con Người”/ Con [của] Người. Trong bốn Phúc Âm, công thức này khá bí hiểm được chính miệng Đức Giêsu nói bảy mươi lần, nhưng chỉ được nói đến một lần trong phần còn lại của Tân Ước (Công vụ 7,56). Để hiểu ý nghĩa diễn ngữ ấy. Phải dựa vào Cựu Ước, nơi diễn ngữ thường được nhắc đến và ít nhất nó có ba nghĩa khác nhau. Trong Thánh vịnh, nó chỉ con người bình thường, với những giới hạn của nó: “Khi tôi nhìn các tầng trời là công việc của ngón tay ngài, mặt trăng và các ngôi sao mà ngài đã dựng lên, loài người là gì mà ngài nhớ đến? Hỡi con người, người lo lắng gì về điều đó?” (Tv 8). Nơi ngôn sứ Êdêkien, Con Người (Con viết hoa như trong các Phúc Âm) xác định chức vụ điển hình của một ngôn sứ. “Ngài phán cùng tôi: này Con người, hãy đứng lên, ta sẽ phán với ngươi. Ngay khi ngài nói với tôi những lời ấy, thần khí nhập vào tối làm tôi đứng dậy trên chân mình; và tôi nghe Đấng đã phán cùng tôi. Ngài nói: này Con Người, ta sai người đến cùng con cái Ítraen, đến cùng các dân phản nghịch đã nổi loạn chống lại ta. Chúng và tổ tiên chúng nó đã phạm tội chống lại ta cho đến ngày nay. Ta sai người đến cùng các con dân mặt mày lì lợm, tấm lòng chai đá; ta sai người đến cùng chúng và nói rằng Đức Chúa, Đấng hằng hữu phán như vầy” (Êdêkien 2, 1-4). Sau cùng trong sách Đanien, có nói đến Con Người mà Thiên Chúa ban cho mọi quyền năng trên các quốc gia, điều này tương ứng với quy chế đấng Mêsia: “Trong thị kiến ban đêm, tôi nhìn thấy một vị hình dáng như con người ngự mây trời mà đến. Người tiến lại gần vị Thái Cổ và đến trước mặt Ngài, ngài trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương quốc. Mọi người thuộc mọi quốc gia, dân tộc và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người còn đời đời, chẳng hề chuyển dịch; vương quốc Người chẳng hề suy vong” (Daniel 7, 13-14) Khi Đức Giêsu nhận ngài là “Con Người”, ngài muốn hiểu điều gì? Rất có thể ngài nhận nơi ngài cả ba ý nghĩa theo Kinh Thánh của diễn ngữ ấy: ngài là một con người như mọi người khác, ngài là một ngôn sứ, ngài là đấng Mêsia mà Đanten đã loan báo. Thật vậy, những tư cách ngài tự xác nhận như thế thường có liên quan đến sứ mạng của đấng Mêsia và loan báo triều đại của Thiên Chúa đang đến. Như thế, khi ngài tuyên bố Con Người “có quyền tha tội ở dưới đất này” (Mc 2,10), khi ngài nói ngài “làm chủ cả ngày sa-bát” (Mc 2, 28), hoặc khi ngài loan báo lúc thời gian kết thúc, “bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mc 13, 26), hoặc “khi ngài nói tiên tri ngài sẽ sống lại “sau ba ngày” (Mc 8, 31).

---o0o---

Trích: “Socrate Đức Giêsu Và Đức Phật: Ba Tôn Sư Sự Sống”

Tác giả: Frédéric Lenoir

Người dịch: Vĩnh An

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan