CÁC PHƯƠNG TIỆN CHUYỂN HÓA - TAI SITUPA – ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ

CÁC PHƯƠNG TIỆN CHUYỂN HÓA

TAI SITUPA – ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ

---o0o---

người có Bồ đề tâm luôn thấy vui vì hạnh phúc của người khác. Ngay cả những điều không may của bạn cũng trở thành nguyên nhân cho hạnh phúc, bởi vì đây là những cơ hội để học hỏi và thanh tịnh nghiệp tiêu cực của bạn. Đây là một loại chuyển hóa biến đổi mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta trong cõi luân hồi. Cuộc đời không phải chỉ còn là gánh nặng, mà là một nguồn hỷ lạc...
CÁC PHƯƠNG TIỆN CHUYỂN HÓA - TAI SITUPA – ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ

Thực hành Phật giáo thường bắt đầu từ việc quy y vào Phật, Pháp và Tăng. Một người trở thành Phật tử chính thức theo cách này. Có thể nói rằng mọi chúng sinh vốn bẩm sinh là một Phật tử, bởi vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Do vậy, quy y chỉ mang tính hình thức.

Cách hiểu này về Phật giáo – như là một bản chất tồn tại (Phật tính) trong mỗi chúng sinh – vượt qua khỏi giới hạn quan niệm về Phật giáo như là một loại giáo phái hay là một tôn giáo riêng biệt. Thực tế, Phật giáo bị giới hạn bởi cái tên. Nó bị trở thành một “chủ nghĩa/tôn giáo) (ism) và bị đặt vào trong một phân loại thông thường và nông cạn. Phật giáo bị trở thành một cái cớ để hình thành những tầng lớp và khiến nó trở thành một loại kinh doanh. Không có ai trong loại này thực hành những lời giảng thực sự của Đức Phật. Tất nhiên, có lý do để loại như vậy đang diễn ra. Đó là cách thức mà con người luôn liên hệ tới mọi thứ: là một phần của sự huyễn hoặc, và không thể tránh. Với quan niệm như vậy, mọi người nên nhìn vượt qua những cái cạm bẫy như thế để thực hành Phật giáo thực sự. Thực hành Phật pháp đúng đắn không đòi hỏi phải có những cái cồng hay chuông của Nhật đắt tiền, những tấm thảm và bàn chạm khắc của Tây Tạng, những chén bằng sứ của Trung Hoa, hay là bức tượng Phật thời triều đại nhà Minh. Điều quan trọng là chúng ta cần tự đánh giá trung thực, suy niệm, và trong từng khoảnh khắc cam kết dỡ bỏ cái kén của huyễn hoặc. Chúng ta có thể thực hành bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, bộ quần áo nào, trong phòng có bất kỳ loại trang trí nào.

Khởi đầu là quy y vào Phật, Pháp và Tăng. Chúng ta quy y Đức Phật vì Ngài là người thầy đạt giác ngộ tuyệt đối. Vì vậy, trở thành Phật cũng là mục đích. Chúng ta quy y Pháp vì đó là con đường, cách thức để đạt được mục đích, thông qua quá trình tuần tự. Tăng là những người thầy hướng dẫn trên con đường, là những người bạn ban cho sự giúp đỡ khi ta học hỏi. Khi Phật tử quy y không phải là với ý nghĩa quy y thông thường, vào bất kỳ ai hay là bất kỳ điều gì có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Phật, Pháp và Tăng là luôn luôn là những nguồn nương tựa đáng tin cậy.

Khi quy y đúng đắn sẽ là một hành động chuyển hóa. Theo cách thông thường, thì đó là bước đầu tiên của sự chuyển hoa. Nhưng đấy cũng là một quan niệm còn nông cạn. Một chúng sinh có thể đã thực hiện bước chuyển hóa cách đây một thời gian dài, có lẽ cách đây nhiều kiếp sống. Quy y trong kiếp sống hiện tại là một cách chính thức khẳng định hay là tái khẳng định sự cam kết chuyển hóa.

Quy y Phật cho bạn một sự khao khát hướng tới giác ngộ một nguồn tin tưởng và cảm hứng vô tận. Không có gì về Phật mà không thể tin tưởng được. Quy y đúng cách là bạn tin tưởng hoàn toàn và không lay chuyển vào Đức Phật. Điều này không gây hại, bởi lẽ Đức Phật là vị đã giác ngộ đầy đủ để dẫn dắt chúng ta đi đúng đường. Niềm tin sâu sắc của bạn có thể được xác lập ngay khi bạn vừa quy y. Đây là một sự chuyển hóa ở thời điểm của người quy y. Đây là một sự chuyển hóa ở thời điểm của người quy y. Từ một người không có niềm tin vào bất cứ điều gì sau một thời gian bị thất vọng bởi những thứ không đáng tin cậy, bạn có thể đạt được sự vô hạn, an toàn, và có nền tảng tin tưởng vững chắc vào vị giác ngộ, người siêu việt đã thành tựu tất cả một cách sâu sắc nhất.

Ở mức độ khác của sự quy y Phật là nhìn quả vị Phật như là mục tiêu hay là mục đích của cuộc sống. Chúng ta tiếp tục hoàn thiện cho đến khi trở thành Phật là thành quả cao nhất của chúng ta. Một vị Phật cũng phát triển từ một người bình thường, ô nhiễm, cũng vị trí như chúng ta bắt đầu quy y. Rồi vị Phật đạt được tỉnh giác vô hạn. Biết được điều này, một người quy y gặt hái được mục đích, biết được khả năng tối thượng và cái đích đến. Đây là lợi ích không thể phủ nhận để thay đổi một người yếu ớt bị huyễn hoặc, không có mục đích hoặc là không có lòng tin, trở thành người vững vàng trong hiểu biết về mục đích của mình.

Quy y Pháp giúp phát triển hơn nữa lòng tin này của bạn bằng cách cung cấp cho bạn những phương tiện để đạt được mục đích. Không có phương pháp, tư tưởng giác ngộ chỉ là một mớ lý thuyết. Pháp Phật dạy chúng ta xác định quá trình tuần tự mà chúng ta phải trải qua để chuyển chúng ta ra khỏi tình trạng vô minh hiện tại và đạt tới sự quán xét và tỉnh giác ngày càng to lớn hơn. Những người được nghe chính Đức Phật dạy có giới hạn. Thời gian đã là một giới hạn. Lúc đó Đức Phật không thể truyền dạy hơn 84000 pháp môn khác nhau trong những năm Ngài giảng Pháp. Dù vậy, những pháp môn này được áp dụng cho tất cả chúng sinh với căn cơ và nhu cầu của họ. Có đủ phương pháp cho tất cả chúng ta để đạt tới giác ngộ. Chúng ta có thể tin tưởng hoàn toàn vào con đường đưa chúng ta đến đích nếu theo chỉ dẫn rõ ràng đã được ban cho. Ngay cả một người bị bế tắc trong lầm lẫn và đau khổ bởi vô minh thì vẫn có thể được chuyển hóa trong kiến thức quí giá và chỉ dẫn cụ thể, như một bản đồ được đánh dấu rõ ràng, để hướng tới giải thoát từ từ như thế nào, cho đến khi đạt được giác ngộ cuối cùng.

Chư tăng là những cá nhân – các vị bồ tát, thầy giáo tinh thần, và người bạn tinh thần – những người giúp chúng ta tinh tấn. Chúng ta học hỏi từ họ, cùng thực hành, cùng chia sẻ kinh nghiệm trên con đường tu tập. Trong Phật giáo Tây Tạng, chư tăng nghĩa là như vậy. Nếu không có chư tăng, chúng ta là những người bình thường khó có thể hiểu được những lời dạy sâu sắc của Đức Phật. Bạn có thể hiểu được những lời dạy sâu sắc của Đức Phật. Bạn có thể tìm thấy một chủ đề kỳ diệu, đọc qua các tập sách, cố gắng hiểu và thực hành, nhưng có một số điều sẽ bị bạn bỏ qua.Làm thế nào bạn có thể chắc rằng bạn hiểu chủ đề đó truyền tâm và thực hành đúng? Không có sự hướng dẫn của người có sự truyền tâm và thực hành đặc biệt, bạn không thể chắc là bạn làm đúng. Làm thế nào bạn biết rõ nếu bạn không có kinh nghiệm? Không có sự chỉ dẫn chính xác và kinh nghiệm hướng dẫn, bạn có thể thực hành sai ngày nhiều hơn, đôi khi là sai lầm nghiêm trọng có thể làm trì trệ sự tinh tấn của bạn.

Chư tăng là những đệ tử của Đức Phật đã và đang thực hành những lời dạy và sự chỉ dẫn của Ngài cho đến nay, sau 2500 năm của dòng truyền thừa không gián đoạn. Chúng ta học hỏi từ các vị Tăng và biết rằng sự hướng dẫn là đúng đắn, thanh khiết, và không sai đường. Vì những điều đó được kiểm chứng từ các đạo sự và được truyền lại, rồi lại kiểm chứng qua các thế hệ đệ tử tu tập. Việc truyền trao kinh nghiệm và kiến thức này đến với sự ban phúc mạnh mẽ và được củng cố bởi sự hồi hướng và lòng từ bi của các đạo sư. Đức Phật đã làm như vậy đối với các đệ tử của Ngài, và những người này truyền giao lại cho các đệ tử tận tâm khác – những người là các hành giả và người thầy. Nhiều năng lực đã được tích tụ trong các giáo lý trải qua nhiều thế kỷ chuyển giao.

Quy y Tăng là bước đầu tiên hướng tới việc nhận cùng dòng truyền thừa và được lợi lạc từ những kinh nghiệm của tất cả những người nhận nó trước bạn. Nhờ vào quy y Tăng, bạn đã tìm đúng người bạn đồng hành, những người mà bạn tin tưởng, và hướng dẫn đúng để bạn có thể trông cậy, và nhận sự ban phúc từ Đức Phật, cách thức quy y này chưa khi nào bị gián đoạn từ thời Đức Phật đến giờ. Tương tự như vậy, bạn quy y Pháp. Pháp là những lời dạy. Đây là sự quy y đi cùng nhau, bởi vì Tăng là người chuyển giao những lời Phật dạy. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần xem xét người thầy cẩn thận để chắc chắn rằng người thầy có đủ phẩm chất, không chỉ là kiến thức mà cả kinh nghiệm, mức độ tỉnh giác, và lòng từ bi. Đối với việc tìm thầy cũng có những hướng dẫn.

Bồ đề tâm là mức độ tiếp theo của thực hành dẫn đến việc chuyển hóa, điều này rất quan trọng trong cả hai truyền thống Phật giáo Đại thừa và Kim Cương thừa. Bồ đề tâm và bốn phẩm tính để phát triển là: từ, bi, hỷ, xả, đây là những phẩm tính cần thiết cho chuyển hóa tâm. Không có những phẩm tính này, bạn không thể tinh tấn bởi vì bạn sẽ bị vướng mắc trong sự đố kỵ tầm thường, sự tham ái, oán giận, kiêu mạn, và vô minh. Người không có Bồ đề tâm luôn đau khổ khi nhìn thấy sự thành công của người khác và đau khổ mãnh liệt hơn khi họ gặp bất hạnh. Ngược lại, người có Bồ đề tâm luôn thấy vui vì hạnh phúc của người khác. Ngay cả những điều không may của bạn cũng trở thành nguyên nhân cho hạnh phúc, bởi vì đây là những cơ hội để học hỏi và thanh tịnh nghiệp tiêu cực của bạn. Đây là một loại chuyển hóa biến đổi mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta trong cõi luân hồi. Cuộc đời không phải chỉ còn là gánh nặng, mà là một nguồn hỷ lạc cho sự tinh tấn hơn nữa. Đây là kết quả của phát triển Bồ đề tâm. Mặc dù có nghi lễ để đánh dấu sự cam kết thực hành Bồ đề tâm – như lời Thệ nguyện của Bồ tát – nhưng quan trọng nhất là ở bên trong bạn, phát khởi Bồ đề tâm hàng ngày. Đấy là một sự chuyển hóa đầy ý nghĩa mang tính liên tục, với Bồ đề tâm luôn hiện diện trong bạn.

---o0o---

Trích “Đánh thức vị Phật đang ngủ”

Tác giả: Tai Situpa thứ 12

Người dịch: Nguyên Toàn

NXB Tôn Giáo, 2010

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan