CẨM NANG TƯ DUY ĐẠO ĐỨC - RICHARD PAUL – LINDA ELDER - CẨM NANG TƯ DUY ĐẠO ĐỨC

CẨM NANG TƯ DUY ĐẠO ĐỨC
RICHARD PAUL – LINDA ELDER

-------o0o-------

Ta có thể kiểm tra các giả định của mình trước khi đi đến các kết luận. Ta có thể xác định liệu có cần xem xét nhiều hơn một quan điểm đạo đức. Và ta có thể theo đến cùng các hàm ý đạo đức trong các quyết định của mình.
CẨM NANG TƯ DUY ĐẠO ĐỨC - RICHARD PAUL – LINDA ELDER - CẨM NANG TƯ DUY ĐẠO ĐỨC

CẨM NANG TƯ DUY ĐẠO ĐỨC
RICHARD PAUL – LINDA ELDER

-------o0o-------


Những Yếu Tố Của Lập Luận Đạo Đức

Lập luận đạo đức có cùng các cấu trúc cơ bản nằm bên dưới mọi lập luận. Nếu muốn lập luận đạo đức tốt, ta phải học cách nhận diện và đánh giá cách dùng các cấu trúc trí tuệ cơ bản đó trong lập luận đạo đức của mình.
Ý chính: Bất kể khi nào tư duy, ta tư duy về một mục đích, bên trong một góc nhìn, dựa trên các giả định, dẫn đến các hàm ý và hệ quả. Ta sử dụng các khái niệm, các ý tưởng và các lý thuyết để diễn giải các dữ kiện, các sự kiện và các kinh nghiệm nhằm trả lời các câu hỏi, giải quyết vấn đề và xử lý các vấn đề đang tranh cãi.
Nói khác đi, mọi tư duy sẽ:
• Làm phát sinh các mục đích
• Nêu ra các câu hỏi
• Sử dụng các thông tin
• Sử dụng các khái niệm
• Tạo ra các suy luận
• Đưa ra các giả định
• Làm phát sinh các hàm ý
• Chứa đựng một góc nhìn

Qua việc hiểu các yếu tố này, ta có thể phân tích lập luận đạo đức tốt hơn. Ta có thể tạo ra các câu hỏi đạo đức theo nhiều cách khác nhau để nhận diện câu hỏi đúng với vấn đề nhất. Ta có thể xác định thông tin nào ta cần để giải quyết vấn đề đạo đức. Ta có thể nhận diện các suy luận mình đang đưa ra và xem xét những suy luận và kết luận thay thế khác. Ta có thể vạch ra các khái niệm và nguyên tắc đạo đức mình đang sử dụng để lập luận xuyên suốt vấn đề. Ta có thể kiểm tra các giả định của mình trước khi đi đến các kết luận. Ta có thể xác định liệu có cần xem xét nhiều hơn một quan điểm đạo đức. Và ta có thể theo đến cùng các hàm ý đạo đức trong các quyết định của mình.

Các Đặc Trưng Đạo Đức Cốt Lõi

- Khiêm tốn Trí tuệ

Khiêm tốn trí tuệ là việc có ý thức về những ranh giới trong nhận thức của mình, gồm cả việc có sự nhạy cảm trước những tình huống trong đó bản tính tự nhiên lấy cái Tôi làm trung tâm của ta có vẻ đang phỉnh phờ ta; nhạy cảm trước sự thiên lệch, định kiến và những giới hạn trong góc nhìn của mình. Khiêm tốn trí tuệ phụ thuộc vào việc nhận ra rằng ta không nên phát biểu nhiều hơn những gì ta thực sự biết. Khiêm tốn trí tuệ không phải là nhu nhược hay phục tùng. Khiêm tốn trí tuệ là việc không có sự tự phụ, khoác lác hay ngạo mạn về mặt trí tuệ, cùng với việc có một nhận thức về những nền tảng lôgic, hay về việc thiếu những nền tảng ấy, trong những niềm tin của ta.

- Cam đảm Trí tuệ

Can đảm trí tuệ là việc sẵn lòng đối mặt và đánh giá một cách công bằng những ý niệm/ ý tưởng, niềm tin hay những quan điểm đạo đức khiến ta có những cảm xúc rất tiêu cực. Lòng can đảm này nảy sinh từ việc nhận ra rằng những ý niệm/ ý tưởng được xem là nguy hiểm hay phi lý có đôi khi lại được biện minh (toàn bộ hay một phần) một cách hợp lý, và những kết luận hay niềm tin đạo đức được khắc sâu trong chúng ta có đôi khi lại là sai lầm và khiến ta lầm lạc.

- Cảm thông Trí tuệ

Cảm thông trí tuệ là việc có ý thức về sự cần thiết phải tưởng tượng đặt mình vào vị trí của người khác để thật sự hiểu họ, điều này đòi hỏi ta phải có ý thức về khuynh hướng lấy cái Tôi làm trung tâm của ta khi nhìn nhận sự thật bằng những nhận thức trực tiếp về tư tưởng hay niềm tin lâu đời của mình. Đặc trưng này có liên quan đến năng lực tái tạo một cách chính xác những điểm nhìn và lập luận đạo đức của người khác và lập luận từ những tiền đề, giả định và ý niệm đạo đức của người khác hơn là của chính mình. Đặc trưng này cũng liên quan đến việc sẵn sàng nhớ lại những lần ta đã sai đạo đức trong quá khứ, cho dù ta luôn có xác tín rất mạnh mẽ rằng ta đúng, và có liên quan đến năng lực hình dung mình có thể bị lừa giống như lúc trước ngay trong trường hợp hiện nay.

- Chính trực Trí tuệ

Chính trực trí tuệ là việc nhận ra sự cần thiết phải chân thật với chính tư duy đạo đức của mình; phải nhất quán với những chuẩn đạo đức mà ta đang áp dụng; phải giữ cho mình những chuẩn mực nghiêm ngặt như nhau về bằng chứng và chứng minh mà ta đưa ra cho những người phản đối mình; phải thực hiện những gì ta tán thành về mặt đạo đức cho những người khác; và phải thực lòng thừa nhận những sự không thống nhất và những sự thiếu nhất quán về mặt đạo đức trong tư tưởng và hành động của mình.

- Bền bỉ Trí tuệ

Bền bỉ trí tuệ là việc có ý thức về sự cần thiết phải theo đuổi những nhận thức và chân lý đạo đức, bất chấp những khó khăn, trở ngại và thất vọng; bám chắc vào những nguyên tắc đạo đức bất chấp sự đối lập phi lý của người khác; có ý thức về sự cần thiết phải tranh đấu với sự lẫn lộn và những câu hỏi không vững chắc trong một thời gian dài để đạt được hiểu biết hay nhận thức đạo đức sâu hơn.

- Công Bằng

Công bằng là việc có ý thức về sự cần thiết phải đối xử cảm thông như nhau đối với mọi góc nhìn đạo đức và đánh giá chúng bằng cùng các chuẩn trí tuệ giống nhau, mà không viện đến những tình cảm hay lợi ích cá nhân của mình, hay những tình cảm hay lợi ích cá nhân của bạn bè, cộng đồng hay quốc gia mình. Công bằng hàm ý việc tuân theo những chuẩn đạo đức mà không viện đến lợi thế riêng của mình hay nhóm của mình.


-------o0o-------

Trích “Cẩm Nang Tư Duy Đạo Đức - Dựa Trên Các Khái Niệm Và Công Cụ Tư Duy Phản Biện”
Tác giả: Richard Paul – Linda Elder
Người dịch: Hoàng Nguyễn Đăng Sơn
Hiệu đính: Bùi Văn Nam Sơn
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016.

 

Bài viết liên quan