CĂN VÀ TÁNH - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - Dịch và Giảng: Đương Đạo

CĂN VÀ TÁNH

KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI

Dịch và Giảng: Đương Đạo

-----oo0oo-----

Do hai thứ sáng và tối hiển bày lẫn nhau trong tánh diệu viên, dính vào tánh trong lặng, phát sanh ra cái thấy. Cái thấy chiếu hiện (ánh hiện) ra sắc, kết sắc thành căn. Gốc căn gọi là bốn đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể con mắt như trái bồ đào...
CĂN VÀ TÁNH - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - Dịch và Giảng: Đương Đạo

A Nan bạch Phật rằng : Bạch Thế Tôn, làm sao ngược dòng vào sâu một cửa lại có thể khiến cho sáu căn cùng một lúc đều thanh tịnh ?

Phật bảo A Nan : Nay ông đã đắc quả Tu Đà Hoàn, đã diệt được kiến sở đoạn hoặc của chúng sanh thế gian ba cõi, nhưng còn chưa hết những tập khí hư vọng chứa nhóm trong căn từ vô thủy. Các tập khí kia cần phải do tu mới đoạn được. Huống gì trong đó còn nhiều những phân loại số mục sanh trụ dị diệt.

Tu Đà Hoàn là Nhập Lưu hay Kiến đạo, địa vị thấy đạo. Khi thấy đạo thì đoạn được thân kiến, nghi, giới cấm thủ, nhưng còn bảy cái kia trong mười kiết sử thì còn. Phải tiếp tục đi vào Tu đạo mới hoàn toàn giải thoát, đắc quả A La Hán. Con đường này tương đương với Sơ địa cho đến Địa Thứ Tám của Đại thừa.

Còn nhiều sanh trụ dị diệt là còn nhiều các niệm phân biệt hư vọng. Chúng phát sanh từ những tập khí chủng tử ở trong thức thứ tám A Lại Da.

Đi sâu vào một cửa, một căn cho đến nguồn gốc là A Lại Da hay Như Lai tạng có nhiễm ô để tịnh hóa tất cả tập khí là con đường Tu Đạo.

Nay ông hãy xem hiện giờ sáu căn là một hay sáu ?

A Nan, nếu nói là một thì tại sao tai chẳng thấy, mắt chẳng nghe, đầu sao chẳng đi, chân sao chẳng nói ?

Nếu nói sáu căn ấy nhất định là sáu, như nay ta ở trong hội này vì các ông tuyên nói pháp môn vi diệu, vậy trong sáu căn của ông cái nào đang lãnh thọ ?

A Nan thưa : Con dùng tai nghe.

Phật bảo: Tai ông tự nghe thì liên quan gì đến miệng và thân, mà miệng thì hỏi nghĩa, còn thân thì đứng dậy kính vâng. Thế nên phải biết, chẳng phải một mà cuối cùng là sáu, chẳng phải sáu mà cuối cùng là một. Rốt cuộc căn của ông chẳng phải nguyên là một hay nguyên là sáu.

A Nan, phải biết căn ấy chẳng phải là một, chẳng phải là sáu. Chỉ do từ vô thủy đến nay điên đảo vướng vít, chất chồng, nên ở nơi tánh trong lặng toàn khắp lại sanh ra nghĩa một và sáu. Ông là Tu Đà Hoàn, tuy được cái chấp sáu đã tiêu, nhưng vẫn chưa mất hết cái một.

Như hư không bao la, chung hợp với các vật dụng, do vật dụng có hình dạng khác nhau mà gọi là hư không có khác nhau. Nếu bỏ các vật dụng, xem hư không thì nói hư không là một. Hư không bao la kia đâu có vì ông mà thành đồng hay chẳng đồng. Huống chi gọi đó là một hay chẳng phải một. Thế thì ông biết sáu căn thọ dụng cũng lại như vậy.

Sáu căn chẳng phải nguyên là một hay nguyên là sáu. Chỉ có tưởng phân biệt phân chia vướng vít, chất chồng nên ở ngay nơi tánh trong lặng tròn khắp mà cho là rồi thành sáu hay là một. Các căn thông nhau nên chẳng phải là sáu. Nhưng cũng chẳng có một trung tâm để tập trung về, nên chẳng phải một.

Như hư không bao la tùy theo các vật dụng mà có hình, hư không thì không thể phân chia hình này hình khác. Như các tướng hiện giờ ở trước mắt, nói chúng là khác thì không được vì cùng một cái thấy, nói chúng là một cũng không được vì đâu phải thấy chúng như thấy hư không.

Cho nên ngày nào còn thấy tướng là còn lạc vào sanh tử tạo bằng mâu thuẫn và nghịch lý. Thế nên, dù ngài A Nan đã được tướng Sáu đã tiêu, sáu căn không còn vướng mắc nơi trần, nhưng còn tu đạo để mất hết tướng Một. Một là một tâm; còn tâm tức là còn trần cảnh, chưa thể tiêu dung mà giải thoát. Bởi vì còn Một thì còn đối đãi với Nhiều, còn một trung tâm, dù lớn đến đâu thì vẫn chưa toàn khắp được.

Khi căn là tánh bèn sáu mất một tiêu, không có gì ngoài Như Lai tạng diệu chân như tánh.

Do hai thứ sáng và tối hiển bày lẫn nhau trong tánh diệu viên, dính vào tánh trong lặng, phát sanh ra cái thấy. Cái thấy chiếu hiện (ánh hiện) ra sắc, kết sắc thành căn. Gốc căn gọi là bốn đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể con mắt như trái bồ đào. Phù căn bốn trần rong ruổi chạy theo sắc.

Do hai thứ động và tĩnh đối chọi lẫn nhau trong tánh diệu viên, dính vào tánh trong lặng, phát sanh ra cái nghe. Cái nghe chiếu hiện ra thanh, cuốn cái thanh lại thành căn. Gốc căn gọi là bốn đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể lỗ tai như lá mới cuốn. Phù căn bốn trần rong ruổi chạy theo thanh.

Do hai thứ thông và bít phát hiện lẫn nhau trong tánh diệu viên, dính vào tánh trong lặng, phát sanh ra cái ngửi. Cái ngửi chiếu hiện ra hương, thu nạp các hương thành căn. Gốc căn gọi là bốn đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể lỗ mũi như hai móng tay rủ xuống. Phù căn bốn trần rong ruổi chạy theo hương.

Do hai thứ nhạt và có vị xen lẫn nhau trong tánh diệu viên, dính vào tánh trong lặng phát ra cái nếm. Cái nếm chiếu hiện ra vị, thắt kết vị thành căn. Gốc căn gọi là bốn đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể cái lưỡi như vành trăng non. Phù căn bốn trần rong ruỗi chạy theo vị.

Do hai thứ lìa và hợp cọ xát lẫn nhau trong tánh diệu viên, dính vào tánh trong lặng phát ra cái biết xúc chạm. Cái biết xúc chiếu hiện ra xúc, kết cái xúc thành căn. Gốc căn gọi là bốn đại thanh tịnh, nhân đó gọi hình thể cái thân như cái trống nhỏ. Phù căn bốn trần rong ruổi chạy theo xúc.

Do hai thứ sanh và diệt nối tiếp lẫn nhau trong tánh diệu viên, dính vào tánh trong lặng phát sanh ra cái biết. Cái biết chiếu hiện ra các pháp, tóm thu các pháp thành căn. Gốc căn gọi là bốn đại thanh tịnh, nhân đó gọi cái ý nghĩ như cái thấy trong nhà tối. Phù căn bốn trần rong ruổi chạy theo pháp.

Phù căn trần là hình thể bên ngoài của căn.

Trong tánh diệu viên trong lặng, một khi sự phân chia, phân biệt đã khởi động thì dính vào đó mà dần dần phát sanh các cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, biết. Từ sáu cái ‘biết’ này chiếu hiện ra các đối tượng của chúng, và “kết, cuốn, thu nạp, thắt kết, kết, tóm thu” các đối tượng ấy thành các căn. Các căn là sự giới hạn ở mức vật chất của cái biết ban đầu, tức là tánh giác trong lặng, toàn khắp.

Sự phân chia ban đầu vi tế cùng cực, vô minh căn bản, là phân chia năng minh sở minh, năng giác sở giác. Từ đó thói quen (nghiệp) tích tập dần, dựa vào bốn đại thanh tịnh mà thành các căn. Rồi mỗi căn rong ruổi chạy theo đối tượng của mình, thành ra vòng sanh tử luân hồi.

Nhưng dù phân chia thô nặng đến đâu, sự phân chia ấy cũng xảy ra trên nền tảng tánh diệu viên trong lặng. Cho nên nơi sự phân chia thô nặng thành các căn vẫn có nền tảng tánh diệu viên trong lặng. Nếu không có nền tảng này thì không tu được, không có sự trở về, sự ‘‘quay đầu là bờ’’, không có con đường viên thông. Còn nơi một căn mà thấy ra cái viên thông ‘‘diệu viên trong lặng’’ấy, bèn tức thời giải thoát.

Vấn đề là nơi đối tượng của căn, chúng ta có thấy đó là sự chiếu hiện (ánh hiện) của tánh diệu viên hay không. Thấy được các trần tướng là sự chiếu hiện của ánh sáng (minh) của tánh diệu viên, như các hình ảnh đèn chiếu lên trên tường, cho nên không thật, như huyễn, như trò chơi của ánh sáng. Thấy các trần tướng là sự chiếu hiện của ánh sáng tánh diệu viên thông qua các căn thì các trần tướng bèn thành giải thoát.

A Nan, sáu căn như vậy do cái giác minh kia có cái năng minh liền có cái minh giác, mất đi tánh sáng suốt tinh thuần, dính với vọng mà phát ra hay biết.

Do đó mà nay ông rời tối rời sáng thì không có cái thể của thấy ở đâu cả. Rời động rời tĩnh thì vốn không có cái chất của nghe ở đâu cả. Không có thông, không có bít thì tính của ngửi chẳng sanh. Chẳng phải vị chẳng phải nhạt thì cái nếm không đâu mà ra. Chẳng lìa chẳng hợp, thì cái biết do xúc chạm vốn không có. Không có diệt không có sanh thì cái tỏ biết không có chỗ ở.

Khi không có năng và sở thì không mất đi tánh sáng tinh thuần, bèn là tánh sáng không phân chia vốn sẳn xưa nay.

Khi thấy biết rõ các căn ‘‘không có ở đâu cả, không từ đâu mà ra (và do đó cũng không đi đâu), vốn không có, không có chỗ ở’’ thì ngay đây là tánh giác ‘‘thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới’’.

Khi thấy biết các trần tướng chỉ là sự ánh hiện của ánh sáng, chúng chính là ánh sáng, căn trần chỉ là ánh sáng, tâm cảnh chỉ là ánh sáng, thì đây là tánh Minh viên thông.

Đây chính là về nguồn, là viên thông.

Ông chỉ không theo mười hai tướng hữu vi động tĩnh, lìa hợp, nhạt vị, thông bít, sanh diệt, sáng tối kia, tùy chỗ bứt một căn ra khỏi sự dính, phục về bên trong, trở lại nguồn chân, phát ra cội nguồn sáng suốt rực rỡ. Tánh sáng rực rỡ đã hiện ra rõ ràng thì năm cái dính kia cũng bứt ra, giải thoát hoàn toàn.

Khi ấy, cái thấy biết hiện diện mà chẳng do tiền trần, vốn sáng tỏ mà chẳng theo căn, chỉ gá nơi căn mà tánh sáng phát ra. Bởi thế sáu căn có thể dùng thay lẫn nhau.

Cội nguồn sáng suốt rực rỡ luôn luôn hiện diện, chiếu sáng từ trong ra ngoài, từ gốc tâm cho đến ngọn là các căn. Chỉ vì phù căn bốn trần rong ruỗi chạy theo trần, bị dính theo những ‘‘chiếu hiện’’ của chúng mà bỏ quên tánh sáng rực rỡ này.

Cội nguồn vốn sáng tỏ này chẳng theo căn, chỉ gá nơi căn mà tánh sáng phát ra: tham thiền cho thấu đạt điều này thì đây là cửa giải thoát. Từ đây không sống theo căn chịu sanh diệt mà sống trong cội nguồn vốn sáng tỏ luôn luôn hiện tiền thường trụ.

Mắt mở mà cái thấy biết sáng tỏ vẫn hiện diện không do tiền trần, không nhờ vào căn, nghĩa là thấu thoát qua căn trần thức, thì đây là chỗ bắt đầu của tánh thấy biết.

Chỉ cần không theo các tướng hữu vi, nhổ bứt được một căn ra khỏi sự dính, phục về bên trong, trở lại nguồn chân thì tánh sáng rực rỡ hiện tiền. Thực sự nhổ bứt được một căn ra khỏi sự dính để nguồn chân rực rỡ hiện tiền, đó gọi là ngộ. Tiếp tục giữ gìn sự không dính này của tánh sáng rực rỡ là tiệm tu, cho đến lúc muốn dính cũng không dính được. Khi hoàn toàn đạt đến nguồn chân của các căn, không còn bị cái gì chướng ngại thì các căn có thể dùng thay nhau.

Khi cái thấy biết rực rỡ hiện diện, thường trụ mà chẳng do tiền trần, bấy giờ tiền trần trở thành những ‘‘chiếu hiện’’, trò phô diễn trong tự do và giải thoát của tánh sáng.

Một vị Bồ tát, tuy chiếu hiện trên cùng một cọng nghiệp của chúng sanh, cũng núi sông đất đai như mọi người, nhưng từ cội nguồn sáng suốt rực rỡ thanh tịnh nên tất cả đều thanh tịnh và thanh tịnh đồng nghĩa với như huyễn. Đây là điều các kinh thường nói chúng sanh thì thấy là sanh tử, Bồ tát thì thấy là Niết bàn.

A Nan, ông há chẳng biết nay ở trong hội này ông A Na Luật Đà không có mắt mà vẫn thấy, rồng Bạt Nan Đà không có tai mà vẫn nghe, thần nữ Căng Già không có lỗ mũi mà ngửi được mùi hương, ông Kiều Phạm Bát Đề lưỡi khác với người mà vẫn nếm được vị, thần Thuấn Nhã Đa không có thân mà biết được xúc, trong hào quang Như Lai chiếu ra mà tạm hiện có thân, chứ bản chất của ông là gió làm gì có thân thể. Các vị Thanh Văn được tịch diệt trong diệt tận định như Ma Ha Ca Diếp trong hội này đã diệt ý căn từ lâu mà vẫn rõ biết sáng suốt trọn vẹn không do tâm niệm.

Cái thấy biết một khi đạt đến cội nguồn sáng suốt rực rỡ thì chẳng do tiền trần, chẳng nhờ theo căn. Tánh giác hay cái thấy biết này bây giờ hoàn toàn tự do tự tại, gọi là trí huệ tự tại vì chẳng nương vào đâu cả.

Ở trên là những thí dụ có trong các loài, nói lên cái dụng kỳ diệu của tánh giác, chứ không phải là mục tiêu để đạt đến. Mục tiêu để đạt đến là cội nguồn sáng suốt rực rỡ hay là tánh giác Minh Diệu, nơi gồm về của tất cả các căn.

A Nan, bây giờ các căn của ông nếu đã hoàn toàn nhổ bứt, thì cái sáng chói bên trong phát ra. Như thế các phù trần căn và các tướng biến hóa của thế gian vật chất đều tiêu mất như băng gặp nước sôi, lập tức hóa thành tri giác vô thượng.

Khi các căn đã hoàn toàn nhổ bứt, nghĩa là đã hoàn toàn về đến, viên thông với cội nguồn sáng suốt rực rỡ, thì ánh sáng chói lọi của cội nguồn phát ra chiếu soi làm tiêu tan, nghĩa là chuyển hóa, các căn cũng như thế giới vật chất thành một vị tri giác vô thượng. Tri giác vô thượng là thấy, nghe, chạm, nghĩ….đều chỉ có một vị là Niết bàn.

Khi các cửa (các căn) đã mở toang, thì tất cả đều là Giác.

Đoạn này Đức Phật nói về quả Tri giác vô thượng để khuyến khích chúng ta sùng mộ, tinh tấn và nỗ lực trong từng phút giây. Bởi vì dù không nhổ bứt hoàn toàn được căn, nhưng nhổ tới đâu thì tri giác vô thượng hiện ra tới đó, khiến cho người thực sự tu hành nếm được phần nào cái ‘‘một vị sanh tử tức Niết bàn’’.

A Nan, như người thế gian kia gom cái thấy ở nơi con mắt. Nếu bảo nhắm lại thì tướng tối hiện ra trước mắt, sáu căn đều tối, đầu và chân cũng thế. Người ấy lấy tay rờ quanh thân thì tuy chẳng thấy mà một phen nhận biết đầu và chân thì cái tri giác vẫn đồng như trước.

Do vì cái thấy nhân nơi sáng, khi tối thành ra không thấy. Còn cái thấy mà không nhân nơi cái sáng mà tự phát ra thì các tướng tối chẳng bao giờ làm mờ tối được. Căn và trần đã tiêu tan, làm sao cái giác minh chẳng trở thành mầu diệu cùng khắp?

Căn chỉ là nơi để tánh giác sáng tỏ gá vào mà hiển lộ cho chúng ta, căn có thể đổi thay nhau, nhưng “cái tri giác sáng tỏ vẫn đồng như trước”.

Cái thấy của cội nguồn sáng chói thì căn và trần không che tối được. Khi đã về nguồn tánh thì căn trần chướng ngại đã tiêu tan, cái giác minh bị phân chia nơi các căn trở thành hợp nhất, tức là tánh giác thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới.

Nếu biết trần tướng là sự chiếu hiện từ cội nguồn sáng suốt rực rỡ, thì các trần tướng chính là ánh sáng của cội nguồn. Từ gốc đến ngọn, từ nguồn tánh đến căn đến cảnh đều là một ánh sáng viên thông, còn đâu cái gọi là sanh tử?

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan