CHẤP NHẬN MỌI NGƯỜI MỌI VẬT ĐỀU BÌNH ĐẲNG - KHI SÔ-CÔ-LA BIẾN MẤT – LAMA YESHE

CHẤP NHẬN MỌI NGƯỜI MỌI VẬT ĐỀU BÌNH ĐẲNG

KHI SÔ-CÔ-LA BIẾN MẤT – LAMA YESHE

-----o0o-----

Chúng ta thường chọn chỉ một thứ nhỏ bé, một sự vật nhỏ bé, một con người nào đó, và nghĩ: “Đây là cái dành cho mình; đây là cái phù hợp nhất, đối tượng duy nhất của tình yêu thương và từ bi.”
CHẤP NHẬN MỌI NGƯỜI MỌI VẬT ĐỀU BÌNH ĐẲNG - KHI SÔ-CÔ-LA BIẾN MẤT – LAMA YESHE

Chúng ta thường chọn chỉ một thứ nhỏ bé, một sự vật nhỏ bé, một con người nào đó, và nghĩ: “Đây là cái dành cho mình; đây là cái phù hợp nhất, đối tượng duy nhất của tình yêu thương và từ bi.” Trái đất này chứa vô số sự vật nhưng bạn chọn chỉ có một: “Tôi yêu thứ này. Tôi thực sự yêu thứ này. Tôi không chắc về thứ kia.” Đây là cách tâm trí của chúng ta tồn tại. Chúng ta tạo ra những cực hạn của giá trị. Chúng ta phóng đại giá trị của những gì chúng ta thích và xem thường những cái khác. Điều này không tốt cho chúng ta, không tốt cho sự an bình tâm trí của chúng ta.

Hãy cố gắng tỉnh táo thay vì bị ám ảnh bởi chỉ có một thứ trên đời. Hãy chấp nhận toàn thể thay vì những mảnh vụn.

Bình thường khi chúng ta nói: “Tôi yêu bạn”, ý chúng ta muốn nói là: “Tôi dính mắc vào bạn.” Tình yêu bình thường thì hẹp hòi và dễ thay đổi.

Sự dính mắc và tình yêu đích thực về bản chất hoàn toàn khác nhau.

Bạn có thể bắt đầu phát triển tình yêu khác thường bằng cách nhận biết rằng mọi niềm hạnh phúc và lợi ích bạn từng trải nghiệm là đến từ người khác. Khi bạn được sinh ra, bạn đến từ bụng mẹ, không sở hữu một thứ gì cả. Cha mẹ bạn cho bạn quần áo, sữa, sự chăm chút, và quan tâm. Bây giờ vì bạn đã lớn, bạn có nhiều thứ khác. Chúng đến từ đâu? Chúng đến từ công sức của những người khác. Có lẽ bạn nghĩ là vì mình có tiền. Nếu những người khác không chế tạo ra vải vóc, bạn sẽ không có bất kỳ thứ quần áo nào. Bánh ngọt và sô-cô-la bạn thích ăn cũng là kết quả của những công sức của người khác. Nếu họ không bỏ công sức để làm ra những cái bánh và thỏi sô-cô-la, bạn sẽ chẳng có gì. Nó cũng tương tự như mọi lạc thú tận hưởng luân hồi khác của bạn, tất cả đến từ những chúng sinh khác.

Không nhận được sự tử tế liên tục của người khác, bạn sẽ thấy mình không thể sống nổi.

Khi chúng ta nhắm tới việc chấp nhận mọi con người là bình đẳng, chúng ta đang cố gắng nhận thức một cách bình đẳng rằng cái gì thì bình đẳng? Chúng ta đang cố vượt lên trên sự bóp méo xuyên tạc của sự bất bình đẳng được phóng chiếu bởi cái tôi và sự dính mắc, từ đó khiến chúng ta trải nghiệm hai thứ cực đoan là lòng ham muốn vô bờ và sự ghét bỏ dữ dội.

Tình yêu quảng đại lớn lên chầm chậm,

Vững chắc và từng bước một

Bồ đề tâm là trái tim quảng đại ôm lấy mọi chúng sinh một cách bình đẳng, từ sâu thẳm ao ước được phục vụ cho mọi chúng sinh, rằng họ cũng có thể được giải thoát.

Thiền định có thể làm phát sinh phúc lành, nhưng đừng nghĩ rằng trải nghiệm phúc lành nội tâm, vì lý do này hay lý do khác, chỉ là ích kỷ. Càng hài lòng sâu xa bên trong bao nhiêu, chúng ta càng có thể mang lại cho người khác sự hài lòng nhiều bấy nhiêu.

Nói cách khác, nếu chúng ta bị kẹt trong cố gắng muốn có trải nghiệm hạnh phúc cá nhân đến mức lơ là không dâng hiến mình cho hạnh phúc của người khác, lơ là phát triển bồ đề tâm, không có cách gì để chúng ta có thể thành công trong bất kỳ sự thực hành nào của mình. Toàn bộ sự thực hành con đường Phật giáo chính là mang lại lợi ích tối đa cho người khác.

Khi bạn đã phát triển được bồ đề tâm, mọi điều tốt đẹp trong đời sẽ được thu hút tới bạn, và không cần một nỗ lực nào, chúng sẽ tuôn chảy lên bạn như cơn mưa trút nước.

Chăm lo mọi chúng sinh là một vấn đề khẩn cấp

Điều gì sẽ xảy ra nếu bà mẹ thân yêu của bạn bị bỏng trong một ngọn lửa lớn? Bạn sẽ không thư thái mà nói: “Tôi không có thời gian để cứu bà ngay lúc này. Lát nữa tôi sẽ đến.” Dĩ nhiên là bạn sẽ dùng bất kỳ công việc gì bạn đang làm, cho dù có quan trọng tới đâu, và ngay lập tức chạy tới cứu bà. Chúng ta phải xem chúng sinh như mẹ mình – và thấy họ thực sự đang bị mắc kẹt và bị thiêu cháy trong ngọn lửa của những nhận thức sai lầm và tiêu cực. Chúng ta không được lơ là trễ nải việc này. Chúng ta phải biến đổi mọi hành động- ăn, ngủ, làm việc – thành trí tuệ Đạo pháp.

Nhưng có phải chúng ta lười biếng không? Tâm trí không thanh tịnh của chúng ta cho phép chúng ta sống cuộc sống như thể nó là một bữa tiệc trà: “Hãy để cho ngọn lửa cháy – tôi sẽ kéo bà ra khỏi đám cháy khi tôi tận hưởng xong bữa tiệc này.” Dĩ nhiên là chúng ta không nói những lời như thế, nhưng cảm giác bên trong của chúng ta, vượt lên trên lời nói, phản ánh thái độ ấy. Hãy cẩn thận, chúng ta thường cư xử như thế!

Tương tự, chúng ta cũng không cần tỏ ra quá đa cảm. Nếu tôi làm bạn quá phấn khích, bạn sẽ không muốn làm bất kỳ điều gì ngoại trừ chạy tới hang núi để thiền định hoặc háo hức thuyết giảng rằng mọi người phải thực hành giáo lý tương tự như bạn đang làm. Điều đó lại trở thành một vấn đề khác nữa.

Có trí tuệ trầm tĩnh, chậm rãi vun đắp bồ đề tâm thì tốt hơn nhiều.

Khi bắt đầu hiện thực hóa bồ đề tâm, bạn sẽ tìm ra nhiều cách để giúp những chúng sinh khác. Nếu cảm thấy mình không làm được điều gì có ích và không thể giúp được bất kỳ chúng sinh nào, bạn tỏ ra không sáng suốt. Mối quan tâm đối với những vấn đề của mình sẽ làm cho tâm trí bạn ngày một hẹp hòi hơn. Bạn bị ám ảnh: “Tôi có quá nhiều vấn đề... vấn đề này... vấn đề kia... vấn đề của tôi... vấn đề của tôi... tôi, tôi, tôi, của tôi, của tôi, của tôi,” và vì vậy, không ý thức được về vấn đề cấp bách của những bà mẹ khác ở khắp mọi nơi. Suy nghĩ theo cách này không giúp nảy sinh lòng từ bi.

Hướnng năng lượng tinh thần mạnh mẽ của mình vào mục đích làm lợi cho mọi chúng sinh thay vì để nó phát tán không thể kiểm soát được như một con voi điên, hủy hoại mình và người khác.

Nhiều tôn giáo dạy tầm quan trọng của tình yêu quảng đại, những câu hỏi đặt ra là: Làm cách nào bạn có thể phát triển nó trong chính mình? Bước đầu tiên là phát triển một tâm trí cân bằng hướng tới mọi chúng sinh, trước khi bạn có thể đạt được tình yêu quảng đại, bạn phải cảm thấy có tâm trí cân bằng đối với mọi chúng sinh trong vũ trụ này.

Hãy đối xử với chính mình, với tâm trí của mình một cách đồng cảm, với tâm từ ái. Nếu bạn dịu dàng với chính mình, bạn sẽ trở nên dịu dàng với người khác - vì vậy, đừng thúc ép.

-----o0o-----

Trích: “Khi Sô Cô La Biến Mất”

Tác giả: Lama Yeshe

Việt Dịch: Nguyễn Tư Thắng

Nhà Xuất Bản Hồng Đức – 2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan