CHẤP TÂM KHÔNG DÍNH MẮC VÀO ĐÂU CẢ - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

Phật thường dạy, cái tâm tánh hiểu biết phân biệt không phải ở trong, cũng không phải ở ngoài, không ở chặng giữa, đều không ở chỗ nào cả. Tất cả không dính mắc, gọi đó là tâm. Vậy nay con không dính mắc có gọi là tâm chăng ?
CHẤP TÂM KHÔNG DÍNH MẮC VÀO ĐÂU CẢ - TRÍCH: KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHẤP TÂM KHÔNG DÍNH MẮC VÀO ĐÂU CẢ

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

A Nan bạch Phật : Bạch Thế Tôn, trước kia con thấy Phật với bốn đại đệ tử là Đại Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na và Xá Lợi Phất cùng chuyển pháp luân. Phật thường dạy, cái tâm tánh hiểu biết phân biệt không phải ở trong, cũng không phải ở ngoài, không ở chặng giữa, đều không ở chỗ nào cả. Tất cả không dính mắc, gọi đó là tâm. Vậy nay con không dính mắc có gọi là tâm chăng ?

Phật bảo A Nan : Ông nói tâm tánh hiểu biết phân biệt đều không ở chỗ nào cả. Các vật có hình tướng trên thế gian như hư không, các loài dưới nước, trên đất, bay, chạy…gọi là tất cả. Vậy cái không dính mắc tất cả ấy là có hay không có ?

Không có thì đồng với lông rùa sừng thỏ, làm sao có cái gọi là không dính mắc ? Còn nếu có cái không dính mắc thì không thể gọi là không. Không có tướng thì không, chẳng phải không thì là có tướng. Có tướng thì có chỗ, làm sao gọi là không dính mắc được ?

Thế nên phải biết, tất cả không dính mắc gọi là tâm hiểu biết, điều ấy không thể có.

Cái tâm dính mắc tất cả, đó là tâm bị trói buộc và lang thang mãi trong sanh tử luân hồi. Đây là cái tâm của chấp ngã.

Còn cái tâm không dính mắc tất cả, cho đến cái tâm nhập diệt thọ tưởng định, cũng vẫn chưa phải là Trung đạo của Phật giáo, vì đây là cái tâm chấp pháp. Chấp pháp là cho rằng tánh Không là tịch diệt, không có gì cả; vô niệm là không có niệm nào cả, vô tướng là không có vật nào cả; vô nguyện hay vô tác là không làm gì cả.

Chân tâm thì không dính mắc cái gì cả, nhưng sống động phi thường, hiểu biết tất cả. Các vật trên thế gian đều nằm trong tâm ấy, đây là nghĩa đại bi; đồng thời tâm ấy không dính mắc vào vật nào cả, đây là nghĩa đại trí.

Đến đây đã là bảy lần A Nan trả lời, và cũng bảy lần Đức Phật bác bỏ. Dù ngài A Nan hay chúng ta có trả lời một trăm lần, một ngàn lần, Đức Phật vẫn bác bỏ. Ở đây không có vấn đề trả lời đúng hay trả lời sai. Tất cả mọi câu trả lời đều sai vì đều là vọng tưởng phân biệt. Tất cả mọi câu trả lời đều sai vì chính câu hỏi đã là một vọng tưởng phân biệt. Đức Phật bác bỏ toàn bộ cái thức của chúng ta để đưa chúng ta đến ngộ, đến căn bản trí, tự nhiên trí, vô sư trí. Mọi câu trả lời, giải đáp đều vô nghĩa khi chúng vẫn nằm trong thức phân biệt tạo thành sanh tử luân hồi.

Để ngộ, để lọt vào căn bản trí, phải dỡ bỏ, phá tan mọi chướng ngại ngăn che chúng ta với Chân Tâm. Chân tâm chưa bao giờ ngăn ngại chúng ta, trái lại nó luôn hiện tiền trước mắt chúng ta. Chỉ có chúng ta tự tạo nên những che chướng đối với nó. Những che chướng ấy gồm lại có hai loại, phiền não chướng và sở tri chướng. Tu là tịnh hóa, phá trừ hai chướng này. Chướng thô nặng hết thì chân tâm hiện ra, càng hết nhiều thì càng hiện rõ, cho đến khi hoàn toàn. Như mây thô nặng hết thì mặt trăng hiện, mây càng hết thì trăng càng hiện, chứ xưa giờ không phải là chưa có mặt trăng.

Cụ thể, trong đoạn này, phiền não chướng của ngài A Nan là sắc tướng của cô Ma Đăng Già, và sở tri chướng của ngài là những quan niệm sai lầm của ngài về nơi chỗ của chân tâm. Dầu có lặp lại lời dạy của Phật thì đó vẫn là sở tri chướng. Đức Phật đã bác bỏ tất cả để làm rơi rụng bớt những quan niệm sai lầm đang ngăn che với chân tâm, hầu có thể chỉ ra chân tâm ở đoạn sau.

Với người tu hành chúng ta, chúng ta phải có đủ tha thiết mong mỏi thấy được cái làm cho chúng ta thoát khỏi sanh tử, phải tinh tấn dùng ba pháp Chỉ, Quán, Chỉ Quán đồng thời để thấy cho được nó. Với sự thực hành nỗ lực như vậy, phiền não chướng và sở tri chướng của riêng chúng ta lần lần mỏng bớt, cho tới lúc nào bản tánh của tâm (tâm tánh) hiển lộ và chúng ta thấy nó một cách trực tiếp, không qua lí luận, không qua quan niệm, không qua Chỉ, Quán, Thiền gì gì nữa.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan