CHÉP KINH THOÁT KHỔ - TRÍCH "AN SĨ TOÀN THƯ – KHUYÊN NGƯỜI TIN SÂU NHÂN QUẢ" - CHU AN SĨ

CHÉP KINH THOÁT KHỔ

AN SĨ TOÀN THƯ – KHUYÊN NGƯỜI TIN SÂU NHÂN QUẢ

CHU AN SĨ

–––––o0o–––––

An Sĩ toàn thư là một bộ sách khuyến thiện từng được Đại sư Ấn Quang hết lời ngợi khen. Chu An Sĩ tên thật là Chu Mộng Nhan, còn có tên khác là Tư Nhân, hiệu An Sĩ, là hàng trí thức ở đất Côn Sơn. Ngài thông hiểu Kinh tạng, tin sâu pháp môn Tịnh độ nên tự lấy hiệu là Hoài Tây Cư sĩ. Ngài thường suy xét thấy rằng, tất cả chúng sinh tạo vô số tội nghiệp, trong đó có đến hơn một...
CHÉP KINH THOÁT KHỔ - TRÍCH

Niên hiệu Long Sóc năm thứ ba đời Đường Cao Tông, mẹ vợ của ông Lưu Công Tín ở Trường An qua đời. Không lâu sau, vợ ông là Trần thị cũng đột nhiên chết đi. Trần thị khi ấy nhìn thấy mẹ bà bị giam trong ngục đá, chịu nhiều cực hình, buồn bã nói với con gái: “Hãy mau mau vì mẹ mà chép một bộ kinh Pháp Hoa, giúp mẹ có thể thoát tội.” Vừa nói dứt lời, ngục đá lập tức đóng chặt, Trần thị liền sống lại. Bà đem việc ấy thuật lại với chồng. Lưu Công Tín liền nhờ người em rể là Triệu Sư Tử chép kinh. Họ Triệu bèn lấy một bộ kinh Pháp Hoa đã chép sẵn trước đó, đưa cho họ Lưu trang trí lại rồi dâng cúng. Kỳ thật, bộ kinh đó là do một người họ Phạm trước đây bỏ tiền thuê chép nhưng Lưu Công Tín không hề hay biết. Không lâu sau, Trần thị lại mộng thấy mẹ về giục chép kinh. Trần thị nói đã chép xong, bà mẹ khóc nói rằng: “Mẹ vì bộ kinh đó mà chịu thêm khổ sở. Đó là phúc đức của nhà họ Phạm tạo ra, sao lại cướp công người ta?” Tỉnh dậy bèn tra hỏi, quả nhiên nhà họ Phạm đã bỏ hai trăm lạng bạc thuê chép kinh. Do đó, liền chép riêng một bộ kinh Pháp Hoa khác để cúng dường.

Lời Bàn

Đất Dương Châu có người tên Nghiêm Cung, vào năm đầu niên hiệu Thái Kiến đời Trần chép kinh Pháp hoa để lưu truyền. Lúc bấy giờ, có vị thần miếu ở hồ Cung Đình báo mộng cho một người khách buôn, bảo lấy hết tài vật trong miếu mang đến chỗ ông Nghiêm, để ông ấy dùng vào việc chép kinh. Lại có một hôm, ông Nghiêm vào chợ mua giấy nhưng thiếu mất 3.000 đồng, chợt thấy trong chợ có một người mang 3.000 đồng đến, nói là giúp ông mua giấy. Nói xong liền biến mất.

Đến cuối đời Tùy, giặc cướp kéo đến tận Giang Đô, đều bảo nhau không được xâm phạm vào làng của ông Nghiêm chép kinh Pháp Hoa. Nhờ đó mà người làng phần lớn đều được sống sót.

Đến cuối đời Đường, nhà họ Nghiêm vẫn còn tiếp tục việc chép kinh Pháp Hoa.

Cho nên biết rằng, trong khi kinh sách được in ấn lưu truyền thì các vị thần linh đều rõ biết.

–––––o0o–––––

An Sĩ toàn thư là một bộ sách khuyến thiện từng được Đại sư Ấn Quang hết lời ngợi khen. Chu An Sĩ tên thật là Chu Mộng Nhan, còn có tên khác là Tư Nhân, hiệu An Sĩ, là hàng trí thức ở đất Côn Sơn. Ngài thông hiểu Kinh tạng, tin sâu pháp môn Tịnh độ nên tự lấy hiệu là Hoài Tây Cư sĩ. Ngài thường suy xét thấy rằng, tất cả chúng sinh tạo vô số tội nghiệp, trong đó có đến hơn một nửa là do hai nghiệp tà dâm và giết hại, nhân đó liền soạn ra hai quyển sách để khuyên răn người đời từ bỏ sự tà dâm và giết hại. Sách khuyên người bỏ sự giết hại lấy tên là Vạn thiện tiên tư, lời lẽ thiết tha thành khẩn, ý tứ sâu xa cảm động lòng người. Vào tháng giêng niên hiệu Càn Long năm thứ tư, ngài từ biệt người nhà, nói là sắp về Tây phương Cực Lạc. Người nhà xin nấu nước thơm để tắm rửa, ngài gạt đi mà nói: “Ta vốn tắm nước thơm từ lâu rồi!” Ngài vẫn cười nói vui vẻ an nhiên cho đến lúc qua đời. Khi ấy có mùi hương thơm lạ ngào ngạt tỏa lan khắp nhà. Năm ấy, ngài thọ được 84 tuổi.

–––––o0o–––––

Trích “An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả”

Tác giả: Chu An Sĩ

Người dịch: Nguyễn Minh Tiến

Nhà Xuất Bản Hồng Đức, 2014.

 

Bài viết liên quan