CHỈ RÕ Ý NGHĨA TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THẤY, VIÊN MÃN BỒ ĐỀ

CHỈ RÕ Ý NGHĨA TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THẤY, VIÊN MÃN BỒ ĐỀ

KINH LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

Người Dịch: HT. Nhẫn Tế, khai sơn chùa Tây Tạng, Bình Dương

“Anan, như cái Vọng Kiến Biệt Nghiệp của chúng sanh kia, thấy nơi ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy giống như tiền cảnh mà thật ra là do bệnh nhặm của người ấy tạo thành. Nhặm thì mắt lòa, chẳng phải sắc tạo ra. Nhưng cái thấy được bệnh lòa vẫn không có lỗi lầm gì về sự thấy cả.
CHỈ RÕ Ý NGHĨA TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THẤY, VIÊN MÃN BỒ ĐỀ

Kinh: “Anan, nay Ta đem hai việc ấy lui tới, kết hợp mà chỉ rõ.

“Anan, như cái Vọng Kiến Biệt Nghiệp của chúng sanh kia, thấy nơi ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy giống như tiền cảnh mà thật ra là do bệnh nhặm của người ấy tạo thành. Nhặm thì mắt lòa, chẳng phải sắc tạo ra. Nhưng cái thấy được bệnh lòa vẫn không có lỗi lầm gì về sự thấy cả.

“So sánh với hiện giờ, ông dùng con mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sanh, đều là do cái bệnh thấy từ vô thủy tạo thành. Cái thấy và cái được thấy hình như hiện ra tiền cảnh, thật ra vốn chỉ là cái bệnh lòa, thấy có năng kiến và sở kiến ở trong cái Giác Minh mà thôi.

“Những sự thấy, biết đều là bệnh nhặm, còn cái Bổn Giác Minh Tâm thấu suốt các duyên vốn không có bệnh nhặm. Cái biết và cái được biết đều là bệnh nhặm, còn cái Bổn Giác thì không ở trong bệnh nhặm. Đó là cái Tánh Thấy hằng thấy, làm sao gọi được là sự thấy, nghe, hay, biết?

“Vậy nên, nay ông nhìn thấy Ta, nhìn thấy ông, cùng mười loại chúng sanh trong thế gian đều là cái thấy Nhặm, mà chẳng phải là cái thấy chân thật thấy được bệnh nhặm. Cái Tánh Thấy chân thật kia vốn chẳng hề nhặm, cho nên không gọi là thấy nữa.

Thông rằng: Lấy cái bóng tròn mà so với tiền cảnh, lấy mắt nhắm mà so với cái bệnh thấy, lấy cái thấy lòa mà so với cái Giác Minh, lấy cái thấy được bệnh nhặm so với Tánh Bản Giác thì không gì mà chẳng rõ. Dù văn nghĩa khúc mắc, nhưng không có chỗ nào không phát minh cái thấy là bệnh nhặm, mà cái Tánh Thấy hằng thấy vốn chẳng hề nhặm. Cái thấy và cái được thấy, đó là căn và cảnh hòa hợp, mà hiện ra có núi sông, cõi nước và chúng sanh, cũng giống như sự hiện ra của cảnh vật trước mắt, thật cũng chỉ như cái bóng tròn thấy nơi ngọn đèn. Bóng tròn chẳng do sắc tạo ra, thì các thứ trên cũng không phải do cảnh tạo ra. Nguyên là cái giác minh của ta vọng thấy có chỗ duyên, như con mắt nhặm thì thành ra có bóng tròn.

Cái giác minh này vọng thấy, nhân ở Minh mà lập ra Cái Sở, rồi lại duyên bám theo ngoại cảnh, đó là bệnh nhặm. Còn cái Bổn Giác Minh Tâm nào rơi vào nơi chốn, thường giác các tướng sanh khởi của các duyên, chẳng đuổi theo các duyên mà trôi lăn, thì vốn chẳng hề nhặm. Vậy, nên biết do cái Giác Minh của ta duyên nơi tiền cảnh mà thành cái Sở Giác (Cái Được Biết). Cái Sở Giác là bệnh nhặm, mà cái Tánh Bổn Giác thật là cái Thường Biết. Cái Bổn Giác Minh Tâm đã thường tỏ biết cái nhặm, biết cái nhặm là bệnh, vốn tự tại, nào có sa vào chuyện nhặm? Nói là “Cái biết và cái được biết đều là bệnh nhặm”, nghĩa là cái Giác Minh của ta thấy có chỗ duyên bèn là bệnh nhặm, lấy cái biết và được biết ấy làm duyên mà có. Nói là “Cái Bổn Giác không ở trong bệnh nhặm”, là tương ứng với Cái Bổn Giác Minh Tâm thường rõ các duyên, mà không có bệnh nhặm; ở nơi phù trần chưa khởi, chẳng sa vào cái nhặm của thức giới. Đây chẳng phải là cảnh giới của thấy, nghe, hay, biết cho nên nói “Đây thật là Tánh Thấy hằng thấy, sao gọi được là sự thấy, nghe, hay, biết?”

Nếu lấy cái sự thấy, nghe, hay, biết mà cho đó là tánh, thì chẳng khác nào lấy con mắt nhặm mà cho là con mắt trong sạch, sao mà thông cho nổi?

Ngài Tam Bình có bài kệ:

“Chỉ thấy, nghe này chẳng phải thấy, nghe

Tuyệt không thanh, sắc để trình ông

Trong đây nếu rõ, toàn vô sự

Thể, dụng nào cần phân, chẳng phân.”

(Chỉ thử kiến văn phi kiến văn

Vô dư thanh, sắc khả trình quân

Cá trung nhược liễu toàn vô sự

Thể, dụng hà phòng phân, bất phân.)

Tổ Vân Môn nêu ra: “Ngay “Chỉ thấy, nghe này chẳng phải thấy, nghe”: gọi cái gì là thấy, nghe? “Tuyệt không thanh, sắc để trình ông”: có thanh, sắc nào ở nơi miệng? “Trong đây nếu rõ, toàn vô sự”: có chuyện gì đâu? “Thể, dụng nào cần phân, chẳng phân”: lời nói là thể, hay thể là lời nói?”

Ngài lại đưa cây trụ trượng lên mà nói: “Trụ trượng là thể, đèn lồng là dụng, thế là phân hay chẳng phân? Chẳng thấy nói “Nhất Thiết Trí Thanh Tịnh” ư?”

Sau, Ngài Bạch Vân Đoan nêu ra rằng: “Vân Môn chỉ hiểu y theo khuôn sáo mà vẽ chân mày, viên thông thì chẳng thế!

“Ngay “Thấy, nghe này chẳng phải thấy, nghe. Tuyệt không thanh, sắc để trình ông”: mắt là mắt, tai là tai!

“Trong đây nếu rõ, toàn vô sự. Thể, dụng nào cần phân, chẳng phân”: Bốn, năm trăm cành hoa liễu (trong) ngõ. Hai ba ngàn chỗ xướng ca lầu.”

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

“Thật gặp nhau, chẳng giao thiệp

Sáu cửa mở toang, bốn đường tuyệt dấu

Khắp cõi là quang minh, suốt thân không sau trước

Sợi tơ chẳng bận chuyện con thoi

Hoa mỹ tung hoành riêng ý khác.”

Ngài Tam Bình riêng có một bài tụng:

“Thấy, nghe, hay, biết vốn chẳng (nguyên) nhân

Đương thể rỗng mầu, tuyệt vọng, chân

Thấy tướng, chẳng sanh si ái nghiệp

Rỗng nhiên, toàn hết: Thích Ca Thân.”

Lại nữa, Tổ Huệ Siêu thượng đường dạy rằng: “Này các Thượng tọa, thấy, nghe, hay, biết thì chẳng phải là thấy, nghe, hay, biết. Thể hội chăng? Cùng với các vị Thượng tọa nói rõ lắm rồi đó, nhưng phải chờ chư vị ngộ mới được!”

Hợp các đoạn trên để chú giải đoạn kinh này.

Bài viết liên quan