CHUYẾT CHUYẾT TỔ SƯ (1590 – 1644) NGỮ LỤC - Trích: Chuyết Chuyết Tổ Sư Ngữ Lục/ Nguyễn Quang Khải – Thích Nguyên Đạt dịch; - NXB Thanh Hóa; 2017.

CHUYẾT CHUYẾT TỔ SƯ (1590 – 1644) NGỮ LỤC

Trích: Chuyết Chuyết Tổ Sư Ngữ Lục/ Nguyễn Quang Khải – Thích Nguyên Đạt dịch; - NXB Thanh Hóa; 2017.

Ảnh: nhục thân của ngài Chuyết Chuyết thiền sư ở chùa Phật Tích (nguồn: Google hình ảnh)

--o0o--

Đạo, có Thế gian đạo, có Xuất thế gian đạo; tâm, có Chúng sinh tâm, có Chân như tâm; tính, có Bản lai tính, có Tập khí tính; Phật, có Thập phương Phật, có Tự kỷ Phật (đức Phật nơi chính mình).
CHUYẾT CHUYẾT TỔ SƯ (1590 – 1644) NGỮ LỤC - Trích: Chuyết Chuyết Tổ Sư Ngữ Lục/ Nguyễn Quang Khải – Thích Nguyên Đạt dịch; - NXB Thanh Hóa; 2017.

 

Sư nói: Học đạo, minh tâm, kiến tính, thành Phật. Bốn việc đó đều chu toàn, thì mới thành tựu nhất lý, lý - sự không sai, công phu không mất. Con người ngày nay, học đạo mà không biết minh tâm, biết minh tâm mà không biết kiến tính, biết kiến tính mà không biết thành Phật, cho nên rốt cuộc vẫn không thành đạo được. Vì vậy, trước hết phải hiểu đạo thì mới có thể học đạo; phải hiểu tâm thì mới có thể minh tâm; phải hiểu tính thì mới có thể kiến tính; phải hiểu Phật thì mới có thể thành Phật được. Bằng không tức là đang lấy việc tai nghe, miệng nói cho là học đạo; lấy vọng tưởng phân biệt cho là minh tâm; lấy cảnh vật xấu đẹp cho là kiến tính; lấy tượng đất, tượng vàng, tượng gỗ... cho là thành Phật. Học đạo như thế, đến một lúc nào đó rồi sẽ phải hối hận, rốt cuộc không được gì cả. Ví như nấu sỏi để làm cơm ăn, không thể nào mà no bụng được. Vì sao vậy? Vì sỏi chẳng phải là cội gốc (bản) của cơm. Do đó, sách Luận Ngữ viết: “Bản lập nhi đạo sinh” (cội gốc vững chắc thì đạo tự nhiên phát sinh)(1), nhân nơi cội gốc mà được lợi ích. Người người đều có gốc đạo, gốc tâm, gốc tính, gốc Phật. Có gốc mà không hiểu gốc, lại đi cầu cái ngọn bên ngoài. Như vậy thì tuy nói là học đạo, nhưng sự thật là đang kết nghiệp. Do đó, Tổ sư nói: Học đạo để lìa bỏ oan gia, cầu ra khỏi luân hồi. Nhưng nếu học Phật mà không hiểu Phật thì lại trở thành oan gia Phật; học đạo mà không hiểu đạo thì lại trở thành luân hồi đạo. Đây chính là cái bệnh nặng của người học đạo xưa nay. Người có trí tuệ thì không thể không quán sát. Lại phải truy vấn cho đến cùng: Đạo là thế nào? Phật là thế nào? Đạo từ đâu đến? Phật từ đâu sinh khởi? Tâm do đâu mà sáng tỏ? Tính do đâu mà thấy được? Nếu không suy cứu đến cùng nguồn gốc của vấn đề này, thì chưa từng có ai trước học đạo mà sau không bị đạo trói buộc.

Đạo, có Thế gian đạo, có Xuất thế gian đạo; tâm, có Chúng sinh tâm, có Chân như tâm; tính, có Bản lai tính, có Tập khí tính; Phật, có Thập phương Phật, có Tự kỷ Phật (đức Phật nơi chính mình). Lục đạo là Thế gian đạo, Niết bàn là Xuất thế gian đạo; Như như là Bản lai tính, thiện ác là Tập khí tính; vọng tưởng là Chúng sinh tâm, trí tuệ là Chân như tâm; tất cả Thánh Hiền là Thập phương Phật, tâm ta là Tự kỷ Phật. Buộc phải phân định rõ ràng thì mới có thể tu học. Nhân duyên gì mà sinh Lục đạo? Nhân duyên gì mà sinh Xuất thế gian đạo? Nhân duyên gì mà sinh Vọng tưởng tâm? Nhân duyên gì mà sinh Chân như tâm? Nhân duyên gì mà sinh Bản lai tính? Nhân duyên gì mà sinh Tập khí tính? Nhân duyên gì mà thấy Thập phương Phật? Nhân duyên gì mà sinh Tự kỷ Phật? Sự vật có chân, có giả; đạo lý có chính, có tà. Phải hiểu rõ chân - giả, tà - chính trước, nếu không hiểu tức là trước thì bị người lừa dối, mê hoặc; sau lại lừa dối, mê hoặc người; đó gọi là một người mù dẫn theo đám người mù, dắt tay nhau đi vào hầm lửa.

Lại nữa, thế gian pháp thì lấy việc tu phúc làm đầu; xuất thế gian pháp thì lấy việc tu tuệ làm đầu. Phúc thì có hạn, tuệ dụng không cùng. Phúc là sự nghiệp hữu vi, tuệ là sự nghiệp vô vi. Hai cái này cách nhau một trời một vực. Phúc chỉ vui thích một đời, tuệ thì an lạc vạn kiếp. Kẻ phàm phu do Tam độc, Thập ác nên đọa vào Tam đồ, Thập đại địa ngục, vì vậy khuyên họ tu phúc để tránh khổ ách. Người học đạo do nhị chấp Ngũ uẩn, nên khuyên tu tuệ, hòng đạt được cứu cánh giải thoát. Đây gọi là Giải thoát đạo.

Ở trên chính là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Còn, trước tu phúc, sau tu tuệ, phúc tuệ song tu thì gọi là Bình đẳng đạo. Cái này phải là người có sức mạnh lớn mới có thể được như vậy. Bằng không thì phúc còn không tu huống nữa là tuệ! Địa ngục lúc sinh thời còn chẳng sợ, huống hồ lại sợ địa ngục sau khi chết! Cho nên, con người ta nếu chịu tín tâm tu học, trước tiên phải có phúc đức lớn, chứ chẳng phải là ngẫu nhiên vậy. Nên biết một ngày tương phùng, nhân duyên vạn kiếp. Tu học chẳng có pháp nào khác ngoài 4 chữ: Đạo, tâm, tính, Phật và 3 việc: thân, tâm, thế giới mà thôi. Con người ta có thân mà không biết thân này từ đâu đến, có tâm mà không biết tâm này từ đâu đến, có thế giới mà không biết thế giới do đâu khởi lên. Hạng hạ nhân chỉ biết thế giới, không quan tâm đến thân; hạng trung nhân tham tiếc thân, không để ý đến tâm; hạng thượng nhân giữ tâm, không quan tâm đến thân mạng và thế giới; bậc thượng thượng nhân thì khác, đối với 3 yếu tố thân, tâm và thế giới, họ đều không quan tâm đến, cũng chẳng phải không quan tâm đến. Nghĩa là, tự nơi bản thân ta có cái thân, tâm, thế giới chân thật, vì vậy chẳng cần phải quan tâm đến cái thân, tâm, thế giới giả tạm. Nhưng, phải mượn cái giả tạm để tu cái chân thật, vậy nên lại cũng không bỏ cái thân, tâm, thế giới giả tạm này. Tuy nhiên, ở đây không như kẻ phàm phu yêu mến một cách thái quá. Thế nên nói:

Hoại thân, hoại thể vị cầu chân

Cầu chân hoàn tu tá giả tầm

Giả xứ, y chân, chân phi giả

Giả, chân thức phá thủy minh tâm.

(Hoại thân, hoại thể vì cầu chân

Cầu chân phải nhờ giả để tìm

Chỗ giả, nương chân, chân không giả

Giả - Chân hiểu rõ mới minh tâm)

Hai chữ "chân - giả", từ xưa đến nay đã trói buộc biết bao nhiêu người. Người ngu chấp giả là chân, bậc trí hiểu chân, biết giả. Cái thân, tâm, thế giới giả tạm là vô thường, khổ, không, vô ngã và bất tịnh; còn cái thân, tâm, thế giới chân thật mới là thường, lạc, ngã, tịnh. Vô thường, khổ, không, vô ngã và bất tịnh, cái giả này dễ biết, tuy người ngu nhưng cũng hiểu, chỉ là cố ý chấp chặt, cố ý tạo tác, cố ý thụ nhận, cố ý gánh lấy, vì vậy địa ngục chẳng xử trị oan cho người. Cái thân, tâm, thế giới chân thật, khó biết, khó ngộ, tuy thông minh nhưng không hiểu, mà phải học thật sâu, tham cứu thật sâu, thế nên thành Phật đâu có dễ dàng. Kinh nói:

"Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp

Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ"

(Giáo pháp vi diệu sâu xa chẳng gì hơn,

trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được)

Đâu phải như những việc tầm thường, nhỏ nhặt, há có thể hí luận (nói chơi) được ư?

Muốn hiểu việc này thì phải phát Bồ đề tâm. Bồ đề tâm chính là vô thượng đạo tâm (tâm cầu đạo vô thượng). Sao gọi là vô thượng đạo tâm? Nghĩa là, sinh từ đâu đến? Chết đi về đâu? Đường sinh tử, đến đi tỏ tường; nẻo Tứ sinh, Lục đạo rõ ràng. Người trí lẽ nào lại chui đầu vào đó? Tất cả đều do vô minh, bất giác. Hoặc có giác nhưng không tin nhận, như thế cũng đồng nghĩa với bất giác. Tất cả đều vì sự - lý không rõ, học vấn nông cạn, lại còn là tầng lớp thấp kém, không có trí tuệ, không nghĩ sâu xa. Việc này không thể nói với hạng người hạ căn được. Vì sao? Bởi vì, căn cơ của họ thấp kém [không lĩnh hội được] vậy. Nay, người học đạo thì nhiều, nhưng người học đạo chân chính thì ít; người học đạo chân chính thì nhiều, nhưng người đạt được lối đi chân chính thì ít. Vì sao lại như vậy? Nguyên nhân là do người ta bị vô minh che mắt, dẫn lối vậy. Ta chẳng dám tự nói mình là người mắt sáng, chẳng dám tự nói mình là người tỏ đạo, chỉ là biết được chút ít cái lý này, hiểu được chút ít cửa ra lối vào, không khiến người đi lầm đường mà thôi. Người có chí học Bát nhã, cầu thoát sinh tử, thì hãy mau mau thâm vấn (hỏi sâu hơn nữa). Nếu không, e rằng nhân duyên cách trở, Nam Bắc chia trời, có hối tiếc thì cũng đã muộn.

Sư nói: Vốn là nhất tâm, do bất giác mà trở thành thức, mê hoặc khởi lên nên tạo nghiệp, rồi chịu khổ vô cùng. Vả lại, tâm vốn vô tướng, vin nơi cảnh mà sinh. Tâm vin nơi Lục trần, Lục trần dựa vào Tứ đại, Tứ đại nương vào Lục căn, Lục căn dựa vào Lục thức, Lục thức lại dựa vào Lục trần. Nếu như thức tính tỏ ngộ, thì thành tựu được tám vạn bốn ngàn môn trí tuệ, mãi mãi an lạc, tịch diệt. Còn nếu thức tính mê mờ, thì sẽ thành tựu tám vạn bốn ngàn môn phiền não, sinh tử luân chuyển vô cùng. Vậy nên, 3 thứ căn, trần, thức có hòa hợp thì sự nghiệp mới có thể thành được. Ví như lửa ở trong gỗ, nhưng phải có tay người cầm dùi khoan vào thì mới có thể lấy được lửa. Tính chất của lửa đó chẳng phải xuất ra từ nơi khúc gỗ, chẳng phải xuất ra từ nơi tay người, cũng chẳng phải xuất ra từ nơi cái dùi, mà phải cả 3 yếu tố kết hợp hài hòa mới có thể được lửa. Vì vậy, pháp do nhân duyên mà sinh, cũng do nhân duyên mà diệt. Diệt là sinh diệt pháp (pháp giả tạm), thị pháp (pháp đúng đắn, chân thật) thì không sinh diệt. Vì vậy, hỏa tướng(2) (tướng của lửa) thường trụ vô sinh, do nhân duyên hòa hợp mà có sinh tướng. Chân như biến đủ, không có khởi diệt, chỉ do nghiệp vô minh hưng khởi, nên tự vọng tưởng cho là có vãng lai (qua lại). Nếu như thông suốt được vạn pháp tòng duyên (vạn pháp do nhân duyên mà có), thì vọng sẽ trở về chân. Nương chân vọng khởi, chấp vọng mê chân; phản vọng quy chân, chân chẳng theo vọng. Kệ rằng:

Chư hành vô thường

Thị sinh diệt pháp

Sinh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc.

(Các hành vô thường

Là pháp sinh diệt

Sinh diệt diệt hết

Tịch diệt là vui).

Vì vậy, chúng sinh đều do nơi vọng tưởng mà rơi vào sinh tử, cũng từ nơi vọng tưởng mà ra khỏi sinh tử. Tâm huyễn hóa sẽ tan biến theo sự huyễn hóa, còn sự phi huyễn (những thứ không thuộc phạm trù của huyễn hóa giả tạm, tức là sự chân thật hay chân tướng) thì bất diệt. Ví như việc lau chùi bụi bẩn bám trên tấm gương, bụi bẩn sẽ mất đi, gương sáng thì tồn tại. Cái thân, tâm và thế giới này đều là huyễn mộng, mộng tỉnh thì huyễn hết, mười phương thanh tịnh. Vì thế, người học đạo chỉ cần một niệm nghĩ rằng có sinh tử, liền rơi ngay vào địa ngục nhanh như tên bắn, đây là do không hiểu nguyên lý bất sinh bất diệt vậy. Bất sinh bất diệt nghĩa là: vốn dĩ không sinh, nay cũng không mất. Vả lại, thân diệt nhưng tính không diệt. Kẻ phàm phu đều hiểu như thế, nhưng sao còn chấp trước Tứ đại, tạo tác cái thấy sinh diệt, tham sống sợ chết. Bản thân mình mê muội, làm sao học được pháp vô sinh; làm sao học được đạo giải thoát; làm sao ngộ được pháp chân như; làm sao đạt được thường, lạc, ngã, tịnh. Chỉ lo nhận không đúng "chủ", lưu chuyến theo vọng, càng vào càng sâu, xuất ra càng khó. Lại nữa, tính tuy bất diệt, nhưng phải minh tâm thì mới thấy được. Còn như chúng sinh chịu khổ trong Tam đồ, mỗi mỗi cũng đều có cái tính tồn tại, tuy nói là bất diệt, nhưng như vậy thì phỏng có ích gì đâu? Phải thật biết hết lòng yêu thích, gắng chí tiến tu; thấu suốt Tam không, Nhị vô ngã; suy cùng Ngũ uẩn, Bát thức tàng. Muốn đạt đến bước cuối cùng, tất cả ở nơi một niệm đầu tiên. Hãy tham cứu cho rõ ràng, tỉ mỉ, cẩn thận chớ để sai lầm.

--o0o--

Ghi chú:

(1). Luận Ngữ, thiên Học Nhi, tiết 2. Nguyên văn là: Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh (Quân tử chuyên tâm lo cái gốc, gốc vững chắc thì đạo tự nhiên phát sinh).

(2). Có lẽ là hoa tính thì đúng hơn.

Bài viết liên quan