CÔNG ÁN KHÔNG – JAMES ISHMAEL & MELISSA MYOZEN BLACKER

CÔNG ÁN KHÔNG – JAMES ISHMAEL & MELISSA MYOZEN BLACKER

-------o0o-------

PHÁP LÀ GÌ? Sâu sắc không lường và vi tế vô cùng, rất khó gặp. Trong hàng triệu kiếp, rất khó gặp, khó thấy. Sao vậy? Ông thấy Pháp, nghe, nhận được, và hộ trì. Điều đó nghĩa gì?
CÔNG ÁN KHÔNG – JAMES ISHMAEL & MELISSA MYOZEN BLACKER

[15] KHÔNG - Taizan Maezumi

Anton Tenkei Coppens biên tập

PHÁP LÀ GÌ? Sâu sắc không lường và vi tế vô cùng, rất khó gặp. Trong hàng triệu kiếp, rất khó gặp, khó thấy. Sao vậy? Ông thấy Pháp, nghe, nhận được, và hộ trì. Điều đó nghĩa gì?

Bài chúng ta vừa tụng là Kệ Khai Kinh. Kinh là gì? Kinh tương đương với Pháp.

 Ông bảo tôi nói về công án. Đó là điều tôi vừa nói. Tuy nhiên tôi còn một ngày nữa để tóm tắt lại công án là gì và cách hành trì.

Thật ra một số các ông đang tham công án, vài người tham chữ Không. Nhưng tất cả chúng ta bằng cách này hay cách khác đang tham chữ Không.

Theo cách nào đó ông biết câu trả lời và đó là vấn đề. Một người đến trong buổi độc tham than phiền, dạ thưa, thầy đánh lừa chúng con. Chữ Không, chữ Không là gì? Không có cái gì là như thế!

Nếu không có cái gì là như thế, chúng tôi đã không bảo ông tham. Không là gì? Có phải là chuyện khùng điên phải đối phó? Không thể nào như thế, phải không?

Tăng hỏi Triệu Châu con chó có Phật tánh hay không. Ngài nói không. Không nên để tâm vào mình nhiều quá mà nên chú ý thêm vào con chó! Không? Tại sao không làm như thế?

Con chó có Phật tánh hay không? Ông sẽ trả lời ra sao? Lần tới hãy hỏi Thầy về vụ này. Trong Vô Môn Quan, công án đầu tiên là Con Chó của Triệu Châu, Quan cũng có trong Thung Dung Lục. Cùng một công án, nhưng hơi khác.

Có khi Triệu Châu nói, Không. Lần khác, nói Có. Không phải lúc nào ngài cũng nói Không Không Không! Chúng tôi không tạo khó khăn cho ông, nhưng ông tự gây rắc rối cho mình. Chữ Không là gì? Và nếu ông nói, tôi là Không—Không phải. Ông không phải là Không! Phải không? Trả lời đi!

Điều tôi đang nói là phần súc tích nhất trong pháp tu công án. Đúng không?

Đạo Nguyên nói tất cả mọi loài. Giống như thế, cá và nước, chim và trời. “Chim là sự sống, và cá là sự sống. Sự sống là chim và sự sống là cá. Ngoài ra còn có nhiều sự liên đới và chia chẽ khác nữa. Bây giờ nếu một con chim hay con cá cố đạt tới giới hạn môi trường của nó trước khi bước vào được, chim hay cá không thể tìm được đường đi hay chỗ đến. Nhận biết chỗ này, đời sống thường ngày là chứng ngộ thực tại rốt ráo, là hiện thành công án. Nhận biết đường đạo này, đời sống thường ngày của mỗi người là chứng ngộ thực tại rốt ráo, là hiện thành công án.”

Nơi chỗ và đường đạo này là gì? Đó là điều Triệu Châu nói đến, chỗ ngay đây và đường đạo này.

Và khi ông hiểu được thế, công án hiện thành, công án tự hiển lộ. Chỗ này thật hấp dẫn.

“Vì nơi chỗ và đường đạo không lớn, cũng không phải chủ thể hay đối tượng, trước đó chưa có và bây giờ cũng không có, vì thế hiện hữu như thị.” Nghe không có âm vang, phải vậy không? Đó là điều Nam Tuyền và Lục Tổ nói. Ông là ai? Ai ở trước mặt tôi? Ông từ đâu tới? Đời ông ra sao? Ông không thể nói là lớn hay nhỏ, thế này hay thế kia, quá khứ hay tương lai, và ngay cả hiện tại. Đây là công án nổi tiếng, cả ba thời, quá khứ, hiện tại, tương lai. Tất cả bất khả đắc.

Nếu không thể nắm bắt làm thế nào ông thấy như thế? Tôi đang hỏi ông! Không là gì? Chắc chắn rằng Đạo Nguyên không nói là không hiện hữu. Thấy không, chỉ hiện hữu. Đó là cái gì? Thậm chí ông không hỏi được. Ông có thể làm được gì? Câu trả lời tốt nhất là gì? Chỉ quản đả tọa (chỉ việc ngồi.)

Ông làm đủ mọi việc bên lề; khiến ông rối rắm. Ví như pháp tu của ông là Chỉ quản đả tọa và rốt cuộc ông chẳng tu Chỉ quản đả tọa mà làm việc khác. Ông đến với tôi và nói rằng, “Con đang tu Chỉ quản đả tọa, con đang đếm từ một tới mười, và đang tham công án.” Một mặt nào đó có lý, mặt khác kỳ quặc! Thật ra ông đang tạo khó khăn cho mình. Hôm qua Tiên sinh nói với tôi, “Ta cho một bài pháp về chữ Không. Và hoàn toàn chẳng có âm vang. “Họ không hiểu ta nói gì.” Vâng, trên một phương diện, đó là một cách để hiểu.

Chữ Không. Là gì? Có quá nhiều chỉ dẫn về cách tham công án. Tất cả những điều nên làm là ông chỉ việc tham! Đó là việc ông được bảo phải làm, là phương cách dễ nhất, chắc chắn nhất. Nếu ông chỉ làm một việc thôi, sẽ có kết quả. Đây là cách dụng công. Dĩ nhiên mọi thứ đều có mặt lợi và bất lợi. Đó là lý do tại sao chúng ta có nhiều cách tu tập khác nhau. Vì thế tôi nghĩ rằng Sư phụ xử sự rất khéo, đôi khi nhấn mạnh vào công án, đôi khi chỉ để ông tọa thiền.

Và bằng cách này hay cách khác, đời sống của ông là một thung lũng không âm vang. Bất kể ông sống ra sao, đây là một điều toàn hảo. Hành động, chống đối, phản ứng, không phản ứng. Thăng và trầm. Tất cả tự xảy ra không dư âm.

Có lẽ một điều quan trọng cần nêu lên ở đây là Đức Phật bảo đảm với chúng ta là đời sống chúng ta, không có ngoại lệ, không gì khác hơn là trí tuệ và từ bi của Như Lai. Không quan trọng dù ông chối bỏ hay không. Dù công nhận hay không, sự việc là như thế.

Thiền sư Bạch Ẩn nói trong tác phẩm nổi tiếng Tọa Thiền Hòa Tán: Mọi chúng sinh xưa nay là Phật. Ngài có cách loại suy thú vị—việc này giống như nước và băng. Không có nước thì không có băng. Không có chúng sinh thì không có chư Phật. Khác nhau chỗ nào? Băng và nuớc. Đập mạnh băng vào đồ vật, sẽ thấy cứng. Vì thế chúng ta nên cho băng tan chảy nếu muốn có thể lỏng. Vì vậy làm cách nào cho băng tan?

Đó là việc chúng ta hành trì, để thật sự chứng nghiệm được trạng thái lỏng của băng. Không phải thể rắn. Dĩ nhiên thể rắn thì tốt, nhưng thể lỏng dễ trôi chảy thì tốt hơn. Vậy làm thế nào để băng thành lỏng? Đạo Nguyên nói, “Buông bỏ bản ngã.” Không cũng là thế. Hãy hòa tan vào Không! Đừng bám dính vào ngã khi tham chữ Không. Vài người nói với tôi, “Con để Không ngay dạ dày.” Cách đó không được, ông sẽ bị đau dạ dày. Sau đó có lúc Không chạy lên đầu và ông sẽ khùng điên.

Vì thế cách nào cũng được—hãy để Không chiếm ngự ông hoàn toàn hay ông hiến tặng cả sinh mạng cho Không. Cách nào cũng được. Nhưng đừng nửa vời. Tu Chỉ quản đả tọa cũng thế, nếu thực sự công phu, ông hiểu Đạo Nguyên nói gì. Nếu có khoảng hở, ông sẽ không nhận biết tính viên mãn tuyệt đối nơi đời sống của mình, của việc tọa thiền, của hơi thở, sự dụng công. Nhưng khi thật sự nhận biết, ông sẽ cảm kích. Rồi công án hiện thành đời sống chính mình.

Đó là những gì thiền sư Đạo Nguyên nói trong Biện Đạo Thoại. Biện Đạo Thoại là một tập sách hay. Tôi muốn ông học thuộc lòng hết quyển sách và lấy bất kỳ đoạn nào làm một công án. Đoạn sách nào cũng là một công án hay. Ngay cả trong câu đầu tiên tôi thấy cả chục công án. Ngay cả từng chữ một.

“Tất cả chư Phật, Như Lai cùng nhau truyền lại diệu pháp.” Để làm gì?

Để xác nhận Vô thượng Chánh đẳng chánh giác (tam-miệu tam-bồ-đề). Chỉ quản đả tọa là thế. Nhưng tại sao chỉ quản đả tọa lại thù thắng như thế? Đó là Tự chủ tam-muội, tự duy trì, tự khép kín, tự thực hiện, tự thành tựu tam-muội! Đó là tự chủ. Tất cả đều tự vận hành? Tự chủ tam-muội, đó là chìa khóa! Vì thế tham chữ Không, ông không thể bị Không làm rối loạn. Ông là người duy nhất bảo trọng công án, dù đó là Không hay có hoặc không, âm và dương. Không thành vấn đề, chỉ bảo trọng.

Đây là điều rất thú vị. Đạo Nguyên nói cổng chính để vào tự chủ tam-muội là ngồi thẳng (đoan tọa) và tham thiền. Hai cách này là chìa khóa vào cổng chính. Trên một phương diện, ngài nói tu thiền như là phương tiện để vào nhà—dù trong nhà có bất cứ vật gì, có bất cứ ai— thấu ngay qua cổng chính. Vì vậy chúng ta không nên chấp dính quá nhiều vào bất cứ ý niệm đặc biệt nào, chúng ta sẽ tự làm tê liệt mình. Vì thế ta nên linh động. Điều thực sự quan trọng là xác nhận đời sống mình như Bát Nhã Tâm Kinh nói, như Đạo Nguyên nói—không chủ thể, không đối tượng, không này hay nọ, không âm và dương. Đừng mọc rễ! Đừng kẹt vào bất cứ nơi nào! Bằng cách này hay cách khác, chúng ta cứ thế mà làm. Không có chỗ để kẹt dính vào, vậy vấn đề là gì? Đó là thể cách của chữ Không. Nếu nói, “Đây là Không,” ông sẽ mắc kẹt. Không phải thế.

Vậy ông phải nói gì? Bất cứ thứ gì? Mọi thứ? Ngay tại đó ông mắc kẹt. Ngay đời sống chính mình, ông chẳng làm được gì! Phải vậy không? Đời sống của ông là gì với mọi thứ ấy? Bất cứ thứ gì? Mọi thứ? Vì thế đó không phải là ý niệm; ở đây Đạo Nguyên nói thế.

Chỉ hiện hữu thế thôi!

Đó là gì?

Kinh Kim Cương nói “bất khả đắc.” Có phải là không thể nắm bắt? Chắc chắn nắm được. Hãy véo mũi xem! Tôi không đùa đâu. Thế thì sao lại không nắm được? Nắm được và tuy vậy không nắm được. Đó là gì? Có niềm đau, nỗi vui, và nói chung là chúng ta tin rằng có một cái gì hiện hữu như là cái tôi. Không quan trọng nếu đó là bản ngã, sự sống còn, hữu thức hay vô thức, to hay nhỏ, vô minh hay giác ngộ. Chúng ta cho là có cái gì đó ở đây. Và Tâm Kinh nói gì? Không được, không mất, không có gì, không trí tuệ. Không cả không trí tuệ nữa, thật khôi hài. Không cả không trí tuệ. Không trí tuệ, không chứng đắc, ý nghĩa như thế!

Chúng ta nói là có ngã, không ngã. Nhưng chúng ta hiện hữu như thị, như tự ngã. Và Bồ-tát Quán Tự Tại là vị tự thấy mình hiện hữu như tự ngã, tự mình, của mình, vì mình, rất là dân chủ!

Tôi nêu lên vì đó là như thế, ông có thể là Bồ-tát Quan Thế Âm! Như thế, ông có thể thực sự thấy việc gì đang xảy ra và ông có thể làm gì.

Tôi thích đoạn trong kinh Pháp Hoa chỗ ngài Quan Thế Âm giảng Pháp cho chư Phật. Ngài xuất hiện trước chư Phật như một vị Phật. Đối với hàng thanh văn và bích chi Phật ngài xuất hiện như một vị thanh văn và bích chi Phật. Điều đó có nghĩa gì? Để giảng Pháp ngài Quan Thế Âm thị hiện ba mươi ba thân: phụ nữ, trẻ em, thầy tu, nam nữ cư sĩ, ngay cả súc sinh. Nghĩa là gì?

Đó là hiện thành công án tuyệt diệu! Tất cả các ông tu tập đều là Quan Thế Âm. Hãy sống cuộc đời của Quan Thế Âm Bồ-tát. Có cuộc sống nào tốt đẹp hơn?

Khi ông thọ giới, đó là gì? Phần quan trọng nhất của việc thọ giới là nhận ra cuộc đời mình là Không! Đó là ý nghĩa thọ giới!

Dĩ nhiên, dù ông nhận ra được hay không, chỉ là như thế. Không lựa chọn. Tôi không đùa đâu. Ai có thể nói tu tập Không là hư giả? Nếu là hư giả thì chúng ta làm cho hư giả. Thật ra không phải. Đời sống của ông không thể nào hư giả được!

Thọ giới là về nương tựa Tam Bảo, Phật, Pháp, và Tăng. Điều đó quan trọng. Phật Bảo là gì? Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Là gì? Cây không rễ. Cao tột, vô thượng, con đường tốt đẹp nhất. Nơi không chướng ngại. Không một vật để bám giữ.

Và Pháp Bảo là gì? Đạo Nguyên đơn giản định nghĩa là thanh tịnh, trong sạch, và bất nhiễm. Làm sao chúng ta có thể làm sự vật thành cấu nhiễm, tốt, xấu, đúng, sai, sạch, dơ? Ngay cả khi nói thanh tịnh và chân chánh một mặt nào đó cũng là cấu nhiễm. Nhưng chúng ta phải nói một điều gì đó. Chân chánh, tách biệt khỏi cấu nhiễm, đó là Pháp Bảo. Không âm và dương, không chủ thể, đối tượng. Không phân biệt. Nếu không phân biệt làm sao ông có thể so sánh việc này tốt hay xấu hơn việc kia?

Pháp Bảo vi diệu tối thượng không gì khác mà chính là đời sống chúng ta. Ngay khi gọi là thanh tịnh chân chánh, đã thêm thắt. Điều chân chánh, vững chắc, đẹp đẽ, hiệp nhất, như đời sống chúng ta hiện hữu như thị, là thung lũng không âm vang mà Đạo Nguyên nói.

Một hiền nữ hỏi các huynh đệ, “Xác ở đây, người đi đâu rồi? ”

Cái gì còn lại? Phật tánh còn lại. Đó có phải là một cách tế nhị để nói ra? Nếu ông không tin, tôi không thể làm gì khác. Nếu Phật tánh mất rồi, cái gì còn lại? Ông còn lại như đang là. Không phải vậy sao?

Tôi đang cố sắp xếp lại với nhau—bản tắc công án ý nghĩa gì, hiện thành công án ý nghĩa gì, đời sống chúng ta ý nghĩa thế nào, thọ giới ý nghĩa ra sao. Và Bồ-tát Quan Thế Âm là ai? Ông làm gì với đời sống của mình?

Tất cả chung lại, chẳng là gì ngoài công án. Giải đáp thế nào? Nói cách khác, thái độ như thế đã ngoài lề rồi. Có gì để giải? Công án đã giải xong. Và nói rằng giải rồi cũng không đúng nữa. Công án chưa bao giờ là một vấn đề! Tôi vui thấy ông cười!

Nhiều công án như thế. “Tâm con đang bất an. Xin Thầy an tâm cho con.” Có phải ông hỏi thế? Mang tâm bất an ra đây! Không có một tâm như thế! “Con không được tự do, xin giải thoát cho con.” Ai trói buộc ông?

Không phải ràng ràng như thế sao?

Về công án “có” “không” này, dù có hay không, không thành vấn đề. Phật tánh là gì? Đó là điều Đạo Nguyên nói: thay vì suy nghĩ về Không ở đâu hay Không là gì, hãy quán chiếu Phật tánh là gì. Đó cũng là ý Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói. Nhận ra Phật tánh nơi chính mình là thọ giới, thọ giới để truyền giới. Giới thực sự, đó là Phật tánh.

Công án là gì? Không gì khác hơn đời sống của tôi. Không phải là đời sống của ông hay của họ—luôn luôn là đời sống của tôi. Và khi tôi thực sự biến đời mình thành đời sống của Tam Bảo, mọi sự sẽ thành đời sống của mình. Đó thật sự Phật là gì. Vì là “Phật tử, con của Phật” chúng ta cố trưởng thành. Vì vậy cùng nhau, bằng cách này hay cách khác, đó là hiện thành công án tuyệt diệu. Thế nên xin hãy tạ ơn cuộc đời mình.

[16] PHÁP TU - Thích Thiên-Ân

CÓ THỂ XỬ DỤNG KHÔNG như một thủ thuật thiền định. Truyền thống Thiền Lâm Tế chủ yếu ứng dụng pháp tu này, đặc biệt nhấn mạnh công án “Không”. Thân giữ thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau đặt trên đùi, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau tạo thành vòng tròn. Vòng tròn này biểu trưng cho Không, mặt trăng và rỗng lặng. Thời gian tọa thiền giữ tâm trong trạng thái rỗng lặng. Thiền giả khán mình là Không, mọi chúng sanh là Không, mọi vật là Không. Bởi vì tất cả là Không nên không có ngã tính biệt lập. Mọi người tương quan và tương duyên, tất cả đều mở rộng đối với nhau. Qua pháp thiền này chúng ta có thể nhận biết nhất tính của vạn pháp. Trong nhất tính, chúng ta có thể khám phá chân ngã và học cách sống hòa hợp với mọi người khác và sống hiệp nhất với toàn thể vũ trụ. Chúng ta hãy sống với Không, tham khán Không, và cảm nhận Không—không nhiều không ít.

[17] CHỨNG NGHIỆM KHÔNG - Sheng Yen

VÀO CỬA THIỀN bằng Không. Khi tham khán Không, chúng ta hỏi, “Không là gì?” Đi vào Không, chúng ta thể nghiệm tánh Không; chúng ta không biết chính mình hay thế gian hiện hữu.

Đây là mức sơ đẳng của Không; nếu là chứng ngộ, đó là chứng ngộ nông cạn. Khi công phu thâm sâu hơn, mọi vật hiện hữu trở lại. Chúng ta khám phá tâm phản ánh mọi vật. Đây là mức độ thâm ngộ Không.

Vào cửa giác ngộ, có tánh Không. Ra khỏi giác ngộ, có hiện hữu. Những câu này không dễ hiểu. Khi vào Không, chúng ta tìm cầu gì? Không một vật. Không có gì có thể đuổi bắt và tìm cầu. Đó là Không, “không một vật” hay “không có.” Nhưng khi thâm ngộ, điều gì xảy ra? Lúc đó không việc gì trên đời gây rối ren, mê lầm, hay tạo ra khó khăn được. Chúng ta như thể trải dài rộng lớn như thời gian và không gian. Vì thế chúng ta nói là bước vào cảnh giới của Không, có tánh Không, tiến sâu nữa vào Không, ta trở lại trạng thái hiện hữu. Không và hiện hữu không phải là hai vật tách rời nhau, chỉ là một. Từ nền tảng, Không và hiện hữu chẳng khác. Nếu có hiện hữu trong thâm ngộ, vậy có ngã nữa sao? Có. Nếu không có ngã, ông sẽ không làm được gì. Đúng ra, sự bám chấp vào ngã biến mất.

Vì thế, ông không nên nghĩ là cái ngã ngưng hiện hữu khi giác ngộ. Cái ngã giác ngộ hiện hữu vì lợi lạc cho tất cả sự vật. Tuy nhiên, giác ngộ ở mức độ thâm sâu nhất ta không hiện hữu vì một điều gì, ta chỉ hiện hữu, thế thôi.

Đạo Phật thường nói đến trạng thái giác ngộ như “vô ngã” vì chúng ta không có chữ nào hay hơn. Câu này diễn tả, ở giai tầng này, là hiện hữu không tùy thuộc vào ngã, nhân hay bất cứ điều gì khác. Đó là hiện hữu tự nhiên, tự phát. Do vậy, ta giúp đỡ chúng sinh không phải vì mình, cũng không phải vì người; chỉ tự nhiên giúp đỡ thôi.

Người thâm ngộ không cần duy trì bản sắc riêng; họ không cần vị thế hay chỗ đứng. Họ cũng không cần nhận cho mình một bản sắc nào để ứng hợp với những chúng sinh đang giúp đỡ. Bồ-tát không có quan điểm đặc biệt. Giống như tấm gương, các ngài chỉ là sự phản chiếu của chúng sinh. Các ngài không nói, “Ta sẽ hành xử như thế này hay như thế kia để giúp người.” Các ngài phản chiếu những phiền toái và tâm thái của chúng sinh, nhưng cơ bản những phiền toái này không hiện hữu đối với các ngài. Ngược lại, tất nhiên các ngài sẽ cần một quan điểm. Khi ta hiện hữu không phải vì mình cũng không phải vì người, mà chỉ tự nhiên giúp đỡ chúng sanh, đây gọi là “vô công.” Nếu ông có nhãn kiến riêng tư, sẽ không còn là “vô công.” Khi nghĩ đến công dụng, ông sẽ còn nghĩ đến “mong cầu, mục đích …” Vì thế chúng ta nói ‘vô công.’ Đây là Không, tánh Không.

-------o0o-------

Trích: “Công Án Không ”.

Tác giả: James Ishmael & Melissa Myozen Blacker.

Việt Dịch: Thuần Bạch - Huệ Thiện.

NXB Hồng Đức – 2018.

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan