SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ - ADYASHANTI – SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ CON ĐƯỜNG BÌNH AN VÀ TỰ DO

SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ

ADYASHANTI – SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ CON ĐƯỜNG BÌNH AN VÀ TỰ DO

–––––o0o–––––

Tôi muốn chia sẽ một số khía cạnh trên hành trình giải thoát của mình. Chúng ta từng nói về sự chuyển biến, từ cái mà tôi gọi là thức tỉnh tạm thời đến thức tỉnh vĩnh viễn. Cũng như hầu hết mọi người, sau lần thức tỉnh ban đầu, rất tuyệt vời, diễn ra năm tôi 25 tuổi, tôi đã trải qua một quá trình giải thoát đời mình , kéo dài khoảng bảy năm. Tôi đã nói chuyện về một số...
SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ - ADYASHANTI – SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ CON ĐƯỜNG BÌNH AN VÀ TỰ DO

SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ

ADYASHANTI – SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ CON ĐƯỜNG BÌNH AN VÀ TỰ DO

–––––o0o–––––

CUỘC SỐNG TỰ NÓ LÀ MỘT TẤM GƯƠNG SOI SỰ THỨC TỈNH CỦA CHÚNG TA

Tôi muốn chia sẽ một số khía cạnh trên hành trình giải thoát của mình. Chúng ta từng nói về sự chuyển biến, từ cái mà tôi gọi là thức tỉnh tạm thời đến thức tỉnh vĩnh viễn. Cũng như hầu hết mọi người, sau lần thức tỉnh ban đầu, rất tuyệt vời, diễn ra năm tôi 25 tuổi, tôi đã trải qua một quá trình giải thoát đời mình , kéo dài khoảng bảy năm. Tôi đã nói chuyện về một số điều từng xảy ra với mình. Nhưng tôi muốn miêu tả một điều khác, thường hay bị coi nhẹ trong các cuộc thảo luận tâm linh, rằng: chính đời sống, cuộc sống hằng ngày của chúng ta có thể là người thầy quý nhất của chúng ta như thế nào. Tôi sẽ dùng một số kinh nghiệm của chính mình để minh họa cho điểm này.

Gần như từ khi chào đời, tôi đã có một bản chất cạnh tranh. Trong phần lớn cuộc đời tôi, nó được thể hiện qua các môn thể thao khác nhau. Năm 13 tuổi, tôi đua xe đạp. Những năm sau này và ở lứa tuổi hai mươi, tôi thi đấu ở mức khá cao. Rèn luyện và thi thố chiếm một phần lớn cuộc đời tôi. Vì thế, khi có khoảnh khắc thức tỉnh năm 25 tuổi và bắt đầu có một quá trình hoàn toàn khác trong đời mình, tôi rất kinh ngạc. Tôi thực sự đã không ngờ.

Thời gian trôi qua, tôi có cảm giác rằng nhận thức mà mình đã trải nghiệm vẫn chưa hoàn chỉnh – tôi có thể gọi ra những phần trong tính cách cái tôi của mình không phù hợp lắm với điều tôi từng nhận thức và biết. Tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề này qua thực hành tâm linh, lúc đó chủ yếu là thiền và tự truy vấn bằng cách viết ra.

Còn trên cả thực hành tâm linh của chúng ta chính là cuộc sống. Trong khoảng một năm từ lần thức tỉnh này, đôi khi tôi bị suy sụp với một loạt các bệnh tật thực sự quật tôi nằm bẹp. Khó khăn về thể chất đã đành, mà còn rất khó khăn với phần còn lại của tính cách cá nhân của tôi. Một phần lớn bản ngã của tôi trong mười lăm năm trước đó đã được xây nên như một vận động viên có thể chất phù hợp, hơn hẳn 99% những người tôi biết.

Như lẽ thường, tôi đã tạo ra một ý thức thật sự về bản ngã xung quanh việc trở thành một người thắng thế về vật chất. Thắng thế không nhất thiết là phải to con, bởi vì tôi không thế. Tôi khá thấp, nhẹ cân, nhưng là một tay đua xe đạp cạnh tranh,tôi không cần phải to con mới có lợi thế. Cơ bản là có thể chất phù hợp hơn so với bạn bè, và tôi đã có một cái tôi cỡ bự được xây nên từ ưu thế kiểu này.

Trong lúc đau ốm này, cái tôi đó đã bị xóa sổ. Khi đang rũ ra trên giường, thật khó để tự xưng Tôi là vận động viên, mà lại là một vận động viên ưu tú.

Trong giai đoạn đầu bị bệnh, mỗi lần bắt đầu cảm thấy khá hơn một chút, tôi lại tót lên xe đạp. Điều này tất nhiên khiến cơ thể tôi lại bị đánh gục và tôi ốm tiếp. Hàng tháng trời, tôi cứ hết ốm lại cố gắng rèn luyện thể thao, khiến bản thân ngày càng yếu trong quá trình này. Cuối cùng, tôi đã làm mình ốm liệt giường khoảng sáu tháng. Vào cuối giai đoạn đó, tôi đã có một nhận thức lớn lao. Nó không giống như giác ngộ hay thức tỉnh, nhưng là một nhận thức quan trọng. Tôi nhận ra rằng tôi đã không còn là một vận động viên. Tôi không còn đủ tiêu chuẩn để đánh giá mình là vận động viên: tôi không khỏe mạnh, không có sức chịu đựng cao, và không còn là một đấu thủ đáng gờm nữa. Con người “vận động viên” kia không còn là tôi.

Khi bắt đầu cảm thấy khá hơn, tôi đã có một cảm giác nhẹ nhõm đáng kinh ngạc bởi vì tôi không buộc phải là người có ưu thế thể chất nữa. Tất nhiên, cái nhìn thức tỉnh thoáng qua lúc 25 tuổi đã cho tôi thấy tôi không thực sự là người đó. Nhưng như trường hợp thường thấy sau trải nghiệm giác ngộ, bản ngã không chịu đầu hàng một cách dễ dàng. Vì vậy, khi khỏe lại, tôi bắt đầu thấy bệnh tật của mình là một món quà thực sự, một dạng ân sủng. Nó đúng là đã hạ bệ tôi xuống như một con cún yếu đuối, và trong quá trình ấy, nó giúp tôi thoát khỏi cái nghĩa vụ Tôi-là-vận-động-viên. Thật là nhẹ nhõm khi thực sự không phải là ai hết. Nó cho tôi một cảm giác sâu sắc từ bên trong cơ thể về những gì tôi đã nhận ra năm 25 tuổi – rằng tôi không là ai hết, không sinh, không diệt, và không được tạo ra. Thật tuyệt vời khi cảm nhận điều này – không là ai, không là gì - ở mức độ sâu sắc đến thế của con người.

Giá như tôi có thể báo cáo rằng ý thức bản ngã của cái tôi đã hoàn toàn tan rã và bị nghiền nát vào thời điểm đó. Nhưng khi hơi cảm thấy khá hơn, tôi bắt đầu tập thể dục lại. Tôi luôn yêu thích tập thể dục. Cơ thể tôi thích vận động, và tôi rất khoái hoạt động thể chất. Thật là một niềm vui lớn khi lại nhảy lên chiếc xe đạp của mình – đạp xuyên qua rừng, qua núi, quanh nơi tôi sống. Nó thậm chí còn thú vị hơn trước, bởi vì niềm vui được vận động lại kết hợp với thực tế là tôi không phải cạnh tranh nữa. Tôi không buộc phải có thể chất hơn người; tôi chỉ có thể đi xe đạp.

Nhưng dần dà, tôi nhận thấy mình không còn chỉ đạp xe và tận hưởng nữa. Tôi bắt đầu thay đổi một cách tinh tế, bước vào một chế độ tập luyện như thể tôi lại là một tay đua xe đạp cạnh tranh. Tôi không còn là một tay đua xe đạp cạnh tranh nữa. Tôi đã giải nghệ vài năm trước. Thế mà tôi thấy mình đang tập luyện như thể chuẩn bị thi đấu. Tôi đã ý thức về quá trình này khi nó xảy ra. Tôi thực sự tự nhủ: “Mình biết lý do duy nhất mình tập luyện là để có thể khôi phục lại cái tôi của mình”. Tôi đã có ý thức về những gì xảy ra, nhưng lại không đủ ý thức để buông bỏ nó. Tôi chưa sẵn sàng từ bỏ việc khôi phục cái tôi. Kết quả là, tôi thấy mình tập luyện như thể sắp dự giải Olympics. Và một năm sau tôi lại ốm, nằm bẹp trên giường thêm sáu tháng nữa, với một chứng bệnh ngặt nghèo khác. Một lần nữa, toàn bộ bản ngã xoay quanh ưu thế thể chất đã bị tống khỏi con người tôi, và tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải là một ai đó, không phải thấy mình đặc biệt gì.

Sau trận ốm thứ hai, tôi không bao giờ khao khát phục hồi lại con người cũ đó, người có ưu thế thể chất từng là tôi. Tôi vẫn cảm thấy niềm vui khi luyện tập, sử dụng cơ thể của mình, nhưng trận ốm thứ hai này đã tận diệt được xu hướng bản ngã tìm cách khẳng định mình qua hình ảnh cơ thể. Đây là một sự buông bỏ lớn và là niềm vui lớn.

Sẽ rất tuyệt nếu nói rằng tôi đạt được điều này nhờ thực hành tâm linh, truy vấn hoặc thiền. Nhưng trong trường hợp của tôi – mà tôi nghĩ cũng giống với rất nhiều người – giải pháp tuyệt vời nhất cho bản ngã lại được tìm thấy chính trong cuộc sống của tôi. Nó nằm trong từng thớ sợi dệt nên tồn tại của chúng ta, là sỏi đá đường trần, những gì thực sự xảy ra trong trải nghiệm hằng ngày của chúng ta.

Khi chúng ta không muốn nhìn thấy cái mà cuộc sống đang cố gắng chỉ cho chúng ta, nó sẽ tiếp tục tăng cường độ cho đến khi chúng ta chịu thấy những gì mình cần phải thấy. Theo cách này, chính cuộc sống là đồng minh vĩ đại nhất của chúng ta. Thật sáo mòn khi nói rằng cuộc sống là người thầy vĩ đại nhất của chúng ta. Các học viên gật gù như thể đã biết điều đó nghĩa là gì. Nhưng chúng ta chỉ có thể biết nó có nghĩa gì khi tự mình trải qua nó, khi chúng ta chấp nhận để cuộc sống giơ tấm gương lên cho chúng ta soi vào, thấy bản ngã của mình một cách rõ ràng.

–––––o0o–––––

Trích: "Sự Thực Về Giác Ngộ"

Tác giả: Adyashanti

Người dịch: Phạm Hải Anh

NXB: Văn Hóa-Văn Nghệ,- 2018

Bài viết liên quan