ĐẠI THỦ ẤN HAY ĐẠI VIÊN MÃN - ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE - TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU

ĐẠI THỦ ẤN HAY ĐẠI VIÊN MÃN

ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU

---o0o---

​​​​​​​Nói về Đại Thủ Ấn hay Đại Viên Mãn: chúng ta có thể mô tả bằng các tên khác nhau như Đại Thủ Ấn (Mahamudra) hay Đại Viên Mãn (Dzogchen) hay Trung Quán (Madhyamaka). Có vẻ như là có các khái niệm khác nhau và do đó một số người nghĩ rằng Đại Thủ Ấn là trân quý nhất, một số khác lại nghĩ Đại Viên Mãn là trân quý nhất.
ĐẠI THỦ ẤN HAY ĐẠI VIÊN MÃN - ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE - TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU

Nói về Đại Thủ Ấn hay Đại Viên Mãn: chúng ta có thể mô tả bằng các tên khác nhau như Đại Thủ Ấn (Mahamudra) hay Đại Viên Mãn (Dzogchen) hay Trung Quán (Madhyamaka). Có vẻ như là có các khái niệm khác nhau và do đó một số người nghĩ rằng Đại Thủ Ấn là trân quý nhất, một số khác lại nghĩ Đại Viên Mãn là trân quý nhất. Một số người đi theo dòng truyền thừa kinh điển và học thuật uyên thâm lại nghĩ Trung Quán là rất trân quý. Tuy nhiên đó chỉ là những quan niệm mang tính cá nhân. Đức Milarepa đã nói: “đừng cố để hiểu gốc rễ của những hiện tượng mà hãy hiểu bản tánh của tâm mình, hãy hiểu gốc rễ của tâm con”. Khi chúng ta được giới thiệu về Cái thấy thì tâm là quan trọng nhất, vì thế thứ mà chúng ta cần hiểu là bản tánh của tâm. Ví dụ, nếu một người cố để hiểu bản tánh của mọi hiện tượng thì cũng giống như cố để hiểu các phẩm tính của một bông hoa thông qua những cấu phần khác nhau như màu sắc, mùi hương hay vị mật ngọt – tức là người ấy bị tán tâm bởi những đặc tính khác nhau. Mọi hiện tượng đều khởi sanh từ một nền tảng duy nhất, chính là tâm. Đó là thứ mà chúng ta cần thấu hiểu đầu tiên. Đức Phật dạy rằng, “Hoàn toàn điều phục tâm mình”. Mọi hiện tượng mà chúng ta cố gắng để hiểu đều vốn sinh khởi từ chính tâm.

Điều này cũng được giải thích trong bài Cầu Nguyện Phổ Hiền Như Lai . Nền tảng duy nhất này là bản tâm và mọi thứ sinh khởi từ bản tâm ấy. Luân hồi và niết bàn bao la nhưng đều sinh khởi từ một nền tảng duy nhất. Đầu tiên bạn cần phải hiểu về nền tảng duy nhất này – đó là bản tâm của bạn. Rồi thì bạn sẽ hiểu được rằng tất cả mọi hành động thiện lành hay bất thiện đều được tạo ra bởi tâm – tâm thật sự là chủ thể đã thực hiện tất cả các hành động này. Nếu đầu tiên một người hiểu được bản tánh của mình thì dần dần người ấy sẽ hiểu được bản tánh của mọi hiện tượng trong luân hồi và niết bàn. Trong Dzogchen chúng ta được giới thiệu về cái thấy hay về tánh giác, là chúng ta đang nói về nền tảng duy nhất này. Chúng ta cần hiểu được lợi ích của việc thấu hiểu về nền tảng duy nhất này và lỗi lầm của việc không hiểu biết về nó. Một số người bước vào con đường Phật Pháp vì họ gặp khó khăn và đau khổ. Họ tìm kiếm những hạnh phúc tạm thời và sự tự do tạm thời khỏi khổ đau. Đây là dấu hiệu cho thấy họ chưa hiểu được về điểm tinh yếu. Mục đích thực sự của việc thọ nhận giáo Pháp là gì? Để hiểu được điều này thì cần thiết phải hiểu về một nền tảng duy nhất với hai con đường và hai kết quả. Hai con đường này là gì? Nếu bạn cho thuốc vào nước sạch thì bất kỳ ai uống sẽ được chữa khỏi bệnh, còn nếu bạn cho thuốc độc vào trong cốc nước sạch thì ai uống nước có thuốc độc đó sẽ bị chết. Nước thì vẫn như thế, giống như bản tâm. Phụ thuộc vào hoàn cảnh nước gặp phải, nó sẽ chuyển hóa. Trong 37 Pháp Tu Bồ Tát có nói rằng “Tất cả mọi khổ đau đều xuất phát từ việc mong cầu hạnh phúc cho riêng mình, chư Phật toàn giác xuất phát từ tâm vị tha”. Trích dẫn này chỉ cho thấy hai con đường. Nền tảng duy nhất là tánh giác tự sẳn có – rigpa. Tánh giác này là cái biết trong sáng, nó biết mọi thứ - đó là nền tảng duy nhất. Và từ đó có con đường của tâm ích kỷ xuất phát từ các cảm xúc ô nhiễm, từ ba độc. Mặc dù không ai muốn đau khổ, nhưng chúng ta vẫn cứ tạo đau khổ và tiếp tục trôi lăn trong sáu cõi luân hồi. Con đường thứ hai là con đường của tâm vị tha, sẽ dẫn đến hạnh phúc tạm thời của ba cõi cao và tối hậu là đạt được trạng thái giác ngộ. Vì thế điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rõ về nền tảng duy nhất, về hai con đường và hai kết quả. Khi ấy sự hiểu biết của chúng ta sẽ dần trở nên sâu sắc hơn.

Chúng ta được giới thiệu về tánh giác nhằm đạt được tự do giải thoát. Chúng ta có hoàn thành được mục đích này hay không phụ thuộc vào nỗ lực của chính chúng ta. Đức Longchen Rabjam nói trong Kho Tàng Những Chỉ Dẫn Cốt Lõi (Men-ngag Dzö) rằng, khi một người đã chứng ngộ được bản tâm vô tạo tác thì người ấy không cần phải nghiên cứu nhiều kinh điển nữa. Nếu bạn đã chứng ngộ được bản tâm thì không cần phải đi tìm kiếm Phật ở đâu nữa bởi vì chính tâm ấy là Phật. Chúng ta đã được giới thiệu về bản tâm và một số trong các bạn có thể đã thấy tánh giác, cái đang thấy mọi niệm tưởng.

Có nhiều cách để nhận biết tánh giác. Ví dụ khi tôi còn nhỏ và khi lần đầu tiên được giới thiệu về tánh giác, tôi nghĩ mình đã nhận ra tánh giác đang biết mọi suy nghĩ hay niệm tưởng. Về sau trong quá trình tiếp tục việc tu học, tôi đã đọc một số kinh sách về Đại Thủ Ấn hay Đại Viên Mãn nói rằng, tất cả những hiện tượng trong luân hồi và niết bàn được bao hàm trong tâm ấy. Khi ấy sự hồ nghi đầu tiên của tôi xuất hiện. Tôi nghĩ “Làm sao thế được? Làm sao mọi hiện tượng lại có thể được bao hàm trong tâm? Vậy thì có khả năng là nó không phải chỉ là cái tánh giác nhận biết được mọi niệm tưởng mà trước đây mình nghĩ mình đã thấy”. Vì vậy tôi đã có một vài hồ nghi về sự thấu hiểu trước đó về bản tâm. Sau đó tôi tiếp tục thực hành và dần dần thuần thục và đã có thêm trải nghiệm về việc nhận ra các niệm tưởng thông qua chánh niệm. Theo cách này tôi phát hiện ra rằng các niệm tưởng và cảm xúc luôn luôn tan biến. Sau đó tôi gặp Đạo sư của mình là Ngài Chime Dorje và nhận được ban phước của Ngài. Một lần có một sự kiện hội tụ đông người và thông qua năng lực gia trì từ Ngài, tôi đã thấu hiểu rằng nền tảng của tâm của mọi người trong phòng đó chính xác là như nhau. Tôi thấu hiểu rằng, bản tánh tâm của mọi người ở đó thật sự là một và chưa từng bao giờ khác nhau dù chỉ một khoảnh khắc. Trước đây tôi có một số hoài nghi nhưng thật ra tôi đã từng thấu hiểu nền tảng đó hồi ấy, chỉ là tôi không chắc chắn mà thôi. Sau này khi tôi gặp Khenpo Munsel Rinpoche, Ngài nói với tôi rằng, bản tánh mà tôi đã nhận ra khi còn là một cậu bé, được cha tôi chỉ cho thấy, thực chất chính là bản tâm chứ chẳng phải là gì khác cả. Và thông qua năng lực gia trì từ Đạo sư, tôi đã hoàn toàn vượt thoát được mọi nghi ngờ và xác quyết rằng bản tâm chính là cái mà tôi đã nhìn thấy từ trước.

Thứ thật sự ngăn cản làm cho chúng ta không tin tưởng, chính là sự hoài nghi. Tôi đã có được một số kinh nghiệm cá nhân và tôi đang chia sẻ những kinh nghiệm này như là lời khuyên từ đáy lòng của tôi dành cho các bạn, các đạo hữu của tôi. Có nhiều câu chuyện kể về các vị Đạo sư vĩ đại trong quá khứ như đại học giả Naropa hay Gampopa, những vị đã viên thành các phẩm tánh của nghiên cứu học hỏi cũng như các phẩm tánh của các giai đoạn và đạo lộ Bồ tát. Tuy thế họ vẫn có một số hồ nghi về bản tâm. Ví dụ chỉ khi Gampopa gặp Milarepa thì khi ấy Gampopa mới được giới thiệu về bản tâm. Milarepa đã chỉ ra bản tâm ấy không là gì khác ngoài cái thức trần trụi bình thường hiện diện ngay vào lúc này. Chúng ta cần nhận biết và làm quen với cái thức bình thường này. Đức Milarepa thật sự là vị Phật trong hình tướng con người. Khi Gampopa được giới thiệu về bản tâm theo cách ấy, Ngài đã hết sức sửng sốt. Vài vị Geshe (một danh hiệu tương đương tiến sỹ Phật học dòng Kadampa mà trước đó đức Gampopa đã theo học, không hài lòng, vì những vị ấy nghĩ rằng họ đã dạy Gampopa mọi thứ, ấy vậy mà Ngài bây giờ lại đi theo người ăn mày Milarepa. Họ có chút ghen tỵ với đức Milarepa nhưng điều Ngài dạy là chân lý. Điều này cho thấy rằng thậm chí một đại học giả đã chứng ngộ bản tâm chỉ bằng cách nương tựa vào dòng truyền thừa thực hành mang ân phước gia trì. Thứ mà Gampopa đã chứng ngộ thì chẳng là gì khác mà chính là cái thức thông thường vẫn hiện hữu ngay đây và ngay lúc này. Thứ ngăn cản không cho chúng ta nhìn thấy bản tâm chính là hoài nghi của chúng ta về bản tâm, nhưng nó luôn luôn ở đó và có thể luôn luôn được thấy vào bất kỳ khoảnh khắc nào.

---o0o---

Trích: “Tuệ Đăng Phổ Chiếu”

Phiên dịch Anh – Việt: Trần Thị Lan Anh

Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Nhà Xuất Bản Hồng Đức - 2019

 

Bài viết liên quan