DANH HOẠ NGUYỄN GIA TRÍ - SÁNG TẠO

DANH HOẠ NGUYỄN GIA TRÍ - SÁNG TẠO

-----o0o-----

21-07-1984 Tâm Vương chỉ có nhất tâm. Có những người không bao giờ nghe hoặc biết Tâm Vương, huống chi được gặp.
DANH HOẠ NGUYỄN GIA TRÍ - SÁNG TẠO

Tiểu sử: Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) quê ở xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1936, ông tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Đông Dương. Nghệ nhân Nguyễn Gia Trí là người đứng đầu trong thời kỳ đỉnh cao sơn mài trong giai đoạn 1938-1944. Những tác phẩm của ông với những đường nét thanh lịch vừa thực vừa ảo, in khắc giữa các lớp sơn mài tạo nên được những bức kiệt tác nghệ thuật.

-----o0o-----

21-07-1984

Tâm Vương chỉ có nhất tâm.

Có những người không bao giờ nghe hoặc biết Tâm Vương, huống chi được gặp.

Trong nghệ thuật, luật lệ do mình đặt ra, không có gì phải sợ cả.

Mỗi nghệ sĩ thích nghi sơn theo cách riêng của mình.

“Chẳng cùng phàm thánh đồng triền.

Vượt hết mà lên gọi là Tổ”.

- Bồ Đề Đạt Ma

Nếu không tự giải phóng, giải thoát thì rơi vào luân hồi.

Những gì làm quen nhiều thì trở thành máy móc.

Sơn mài mà cứ làm thủ công, thì suốt đời không ngẩng mặt lên được. Phải có khách hàng lớn, cỡ mấy ông vua dầu hỏa, chẳng hạn.

Duy thức học là một thứ học phức tạp, chỉ để tra cứu như từ điển. Nghệ sĩ luôn luôn làm ngược lại. Họ làm ra rồi mới học hỏi, và học theo cách riêng.

Hỏi: Kinh của các tôn giáo hay nói đến “ngoại đạo”. “Ngoại đạo” là gì?

Đáp: Ngoại đạo: vật, đối lập với tâm, với đạo ở trong.

Phải luôn rũ bỏ mình, quên mọi cái đã làm và tiếp tục đi, thì mới thấy cái mới.

Những nước xa Đạo, là những nước sống ở ngọn. Còn người gần Đạo là người sống ở gốc.

Socrate nói: “Mày hãy biết mày”.

Bản chất mình như thế nào, thì thể hiện ra trung thực như thế. Có thể thô bạo, vụng về, hay tinh tế…

Học và đọc sách phải có tiêu hóa. Nếu ăn mà không tiêu thì chết, trong bụng toàn cơm.

Tâm: Trí, Tình, Ý. Dụng: Giải, Tín, Hành. Nghệ thuật là tình, là tín chứ không phải là trí. Tuy nhiên chúng vẫn xen vào nhau.

Sống chết là một. Chết chỉ là giấc ngủ, để hôm sau thấy mình tỉnh lại.

Làm sơn mài để tìm hiểu nhịp sống của nó. Giữa người vẽ và tranh phải tương ứng.

Trong Kinh Di Lặc nói: “Đất Cực Lạc là ở bên trong. Do mình kiến tạo, chứ không phải bên ngoài. Không phải chết đi, rồi vãng sanh qua chỗ khác”.

Cái dụng của tâm rất mềm dẻo, biến hóa, phải dùng và luyện thì mới biết.

Cái ngã như đường viền contour trong hội họa cổ điển, ta bị đường viền ấy chia cắt với người khác.

Vẽ giỏi là để vẽ cái đó, để vẽ cái không.

Nếu mình biết, thì sẽ thấy chúng sinh do mình đẻ nó ra. Như các màu không thực có mà chỉ có màu trắng là duy nhất, màu đen cũng không.

Chữ cúng dường cũng là cung dưỡng, là nuôi dưỡng tâm.

Nét contour biến chuyển đậm nhạt, là do biến chuyển của Tâm.

Picasso cũng có Đạo, Đạo của ông ấy. Nếu không có Đạo, thì không thể vượt thoát ra được.

Đường nét là do tâm. Nếu chỉ do lý trí và đầu óc, thì nó vô cảm, cứng nhắc.

Cái phẳng của sơn mài là cái phẳng động. Nếu do máy móc làm, thì không có nghĩa gì cả.

Vẽ là đồng nhất giữa họa sĩ và tranh. Và cũng triển nở đồng nhất một cái nữa trong tâm họa sĩ.

Họa sĩ là ở con mắt, chứ không phải ở hai bàn tay.

Ẩn tướng thì tốt, chứ lộ tướng là không hay.

Thơ có cái lờ mờ, bên ngoài ý và hình. Nếu hình rõ, thì hại cái tinh vi u ẩn. Quá tinh vi u ẩn, thì hại cái hình.

Vẽ, viết hoặc nói, nếu không dùng nhiều ở khu vực sâu, thì khó biết, khó dùng.

Một vì sao triệu triệu năm sắp tắt và một vì sao non trẻ mới sáng, người ta cũng nhìn thấy như nhau.

Tác phẩm hội họa cũng như đồng tiền của một quốc gia. Và chữ ký của họa sĩ là giá trị công nhận đồng tiền đó, đừng để nó lạm phát.

Những người hay “kịch”, ra mặt kiểu cách, là thứ người nông thiển.

Muốn thấy Chúa, trước tiên phải dọn mình.

Không của Phật giáo cũng là tất cả.

Ăn tinh thần cũng là ăn, ăn vật chất, cũng là ăn. Thân xác cũng là tinh thần.

Mình là họa sĩ thì viết chữ Hán sẽ đẹp rồi. Lấy một cái chổi quét màu lên cũng còn đẹp nữa là.

Người vẽ giỏi là người sẽ được cái không.

-----o0o-----

Trích: “Nguyễn Gia Trí - Sáng Tạo”.

Tác giả: Nguyễn Xuân Việt.

NXB Văn Hoá – Văn Nghệ, 2018.

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan