ĐẠO SƯ VÀ M - SWAMI NIKHILANANDA - PHÚC ÂM CỦA SRI RAMAKRISHNA TẬP 2

ĐẠO SƯ VÀ M.

SWAMI NIKHILANANDA

Trích: PHÚC ÂM CỦA SRI RAMAKRISHNA TẬP 2; Việt dịch: Minh Đạo.

-------o0o-------

 

Thời điểm đầu của đời sống tâm linh thì người tín đồ nên tiến hành các nghi thức như hành hương, đeo chuỗi hạt quanh cổ,... Nhưng các lễ tế bên ngoài vẫn sẽ bỏ đi khi anh ta đạt tới mục tiêu, là thấy được Thượng Đế. Lúc ấy hành động duy nhất của anh ta là lặp lại tên Thượng Đế, thiền và quán về Ngài.
ĐẠO SƯ VÀ M - SWAMI NIKHILANANDA - PHÚC ÂM CỦA SRI RAMAKRISHNA TẬP 2

Cha của Balaram là một người giàu có với nhiều nhà ở nhiều nơi ở Orissa. Là một thành viên của dòng phái Vaishnava truyền thống, ông ta đã xây đền và tổ chức cúng dường thực phẩm cho các đoàn hành hương ở nhiều thánh địa. Ông ta đã ở Vrindavan trong nhiều năm đời mình. Tín đồ Vaishnava, hầu hết là bảo thủ với cách nhìn về tôn giáo của họ. Nhiều người ẩn chứa các quan kiến ác tâm đối với các tín đồ Tantra và Vedanta. Nhưng Sri Ramakrishna không bao giờ cổ vũ những quan điểm hạn hẹp như thế. Theo các lời giảng của ông, nhờ việc tha thiết và khao khát thì tất cả những người yêu Thượng Đế cuối cùng cũng sẽ tới cùng một cái đích. Đạo Sư bắt đầu cuộc nói chuyện để mở rộng quan điểm tôn giáo của cha Balaram.

ĐẠO SƯ (nói với M.): “Có một lần ta nghĩ: “Tại sao ta lại chỉ nên ở một phía nhỉ?” Do đó ta nhập môn vào Vaishnava tại Vrindavan và mặc quần áo tu sĩ Vaishnava. Ta dùng ba ngày để thực hành kỷ luật Vaishnava. Mặt khác, tại Dakshineswar ta được nhập môn vào bí truyền của lễ tế Rama. Ta vẽ trán với vạch dài và đặt một sợi dây có kim cương quanh cổ. Nhưng sau ít ngày ta bỏ chúng đi.

“Một người đàn ông nọ có một cái chậu. Người ta đến chỗ ông ta để nhuộm quần áo. Cái chậu đựng dung dịch nhuộm. Người đó muốn quần áo màu gì, thì ông ta sẽ ngâm vải vào chậu. Một người thấy ngạc nhiên khi chứng kiến điều này và nói với người nhuộm vải: “Xin hãy cho tôi đồ nhuộm mà ông có trong chậu này”.

Có phải Đạo Sư ngụ ý rằng con người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau sẽ tới với ông và được thức tỉnh tâm linh tùy thuộc vào lý tưởng của chính họ không?

ĐẠO SƯ (nói với cha của Balaram): “Đừng đọc sách nữa. Nhưng ông có thể đọc các cuốn sách về sùng mộ, ví dụ như cuộc đời của Chaitanya”.

“Tất cả chỉ là yêu Thượng Đế và nếm trải mật ngọt của Ngài. Ngài là mật ngọt và tín đồ là người hưởng thụ nó. Tín đồ uống mật ngọt của Phúc Lạc nơi Thượng Đế. Hơn nữa, Thượng Đế là hoa sen và tín đồ là con ong. Người tín đồ hút mật từ hoa sen.

“Khi người tín đồ không thể sống thiếu Thượng Đế, thì Thượng Đế cũng không thể sống thiếu tín đồ của Ngài. Lúc ấy người tín đồ trở thành mật ngọt, và Thượng Đế là người hưởng thụ nó. Hơn nữa, Thượng Đế là hoa sen và tín đồ là con ong. Chính Thượng Đế đã trở thành cả hai để hưởng thụ chính Phúc Lạc của Nó. Đó là ý nghĩa câu chuyện về Radha và Krishna.

“Thời điểm đầu của đời sống tâm linh thì người tín đồ nên tiến hành các nghi thức như hành hương, đeo chuỗi hạt quanh cổ,... Nhưng các lễ tế bên ngoài vẫn sẽ bỏ đi khi anh ta đạt tới mục tiêu, là thấy được Thượng Đế. Lúc ấy hành động duy nhất của anh ta là lặp lại tên Thượng Đế, thiền và quán về Ngài.

“Số đồng xu tương đương với mười sáu ru-pi sẽ tạo ra một đống lớn. Nhưng mười sáu đồng bạc thì trông lại không lớn lắm. Mặt khác, số lượng sẽ trở thành nhỏ hơn nhiều khi anh đổi mười sáu ru-pi thành một đồng tiền vàng. Và nếu anh đổi vàng thành một mẩu kim cương bé tí, thì người ta còn chẳng thể nhìn ra nó”.

Các tín đồ Vaishnava truyền thống quá bám chấp vào các dấu hiệu tâm linh bên ngoài. Họ chỉ trích bất cứ tín đồ nào không mang các cái đó. Có phải đó là lý do Đạo Sư nói rằng, sau khi thấy Thượng Đế, thì người tín đồ sẽ trở nên không còn phân biệt các dấu hiệu bên ngoài, buông bỏ các tế lễ theo nghi thức khi đã đạt được mục tiêu của đời sống tâm linh?

ĐẠO SƯ (nói với cha của Balaram): “Kartabhajas gom các tín đồ vào bốn nhóm: nhóm sơ cơ, nhóm thực hành, nhóm thành tựu, và nhóm thành tựu của thành tựu. Những người sơ cơ, hay những người mới bắt đầu, đặt các dấu chỉ tôn giáo họ lên trán, đeo các chuỗi hạt quanh cổ và tiến hành các truyền thống bên ngoài. Những người thực hành, các tín đồ tinh tấn, không quá quan tâm đến các lễ nghi phức tạp. Một ví dụ của nhóm này là Baul. Những người thành tựu, những người hoàn hảo, xác quyết rằng Thượng Đế có hiện hữu. Những người thành tựu của thành tựu, những người toàn hảo tối thượng, giống như Chaitanya, không chỉ nhận ra Thượng Đế mà còn trở nên thân thiết với Ngài và lúc nào cũng nói chuyện cùng Ngài. Đây là giới hạn cuối cùng của chứng ngộ.

“Có rất nhiều loại hành giả tâm linh. Những người có phẩm tính sattva sẽ thực hiện thực hành tâm linh của họ trong bí mật. Trông họ như người bình thường, nhưng họ thiền định bên trong màn muỗi.

“Các hành giả có phẩm tính rajas sẽ phô trương sự rực rỡ bên ngoài - những chuỗi hạt quanh cổ, dấu chỉ trên trán, áo choàng nâu, và quần áo lụa, chuỗi hạt vàng, vân vân... Họ giống như những kẻ trông hàng đang quảng cáo đồ cùng với các biển hiệu.

“Mọi tôn giáo và mọi con đường đều kêu gọi các tín đồ của họ nên cầu nguyện tới một và cùng một Thượng Đế. Do đó một người không nên tỏ ra bất kính với bất kì tôn giáo hay quan điểm tôn giáo nào. Chính là Thượng Đế, được gọi là Satchidananda Brahman trong kinh điển Vệ Đà, Satchidananda Krishna trong kinh sách Purana, và Satchidananda Siva trong các Tantra. Chỉ có một và chỉ một Satchidananda.

“Có nhiều dòng Vaishnava khác nhau. Thứ được gọi là Brahman trong kinh điển Vệ Đà thì được gọi là Alekh-Niranjan trong một dòng của Vaishnava. “Alekh” nghĩa là Cái Đó, thứ không được chỉ ra hay thấy bằng các giác quan. Theo dòng phái này, thì Radha và Krishna chỉ là hai bong bóng của Alekh.

“Theo trường phái Vedanta, thì không có Hóa Thân của Thượng Đế. Các nhà Vedanta nói rằng Rama và Krishna là hai con sóng của Đại Dương Satchidananda.

Thực tế không có hai. Chỉ có Một thôi. Một người có thể gọi Thượng Đế bằng bất cứ cái tên nào; nếu người đó thuần thành trong lời cầu nguyện thì người đó chắc chắn sẽ chạm tới Ngài. Người đó sẽ thành công nếu người đó có khao khát”.

Khi Sri Ramakrishna nói những lời này cho các tín đồ, ông bị choáng ngợp bởi nhiệt tâm linh thánh. Khi đi xuống thức từng phần của thế gian, ông nói với cha Balaram: “Ông có phải là cha của Balaram không?”

Tất cả ngồi lặng yên. Người cha già của Balaram lặng lẽ lần tràng hạt.

ĐẠO SƯ (nói với M. và những người khác): “Rồi, những người thực hành rất nhiều trì tụng và tới nhiều thánh địa, nhưng tại sao họ lại như thế này? Tại sao họ lại không có tiến bộ? Trong trường hợp của họ thì cứ như thể một năm có mười tám tháng.

“Có một lần ta nói với Harish: “Đi tới Benares thì có tác dụng gì nếu như một người không cảm thấy thao thức vì Thượng Đế? Và nếu một người cảm thấy khao khát, thì nơi này đây chính là Benares”.

“Họ thực hiện hành hương quá nhiều và tụng tên Thượng Đế quá nhiều, nhưng tại sao họ lại chẳng nhận ra điều gì hết? Đó là vì họ không khao khát Thượng Đế. Thượng Đế tự hiển lộ cho người tín đồ chỉ khi anh ta gọi tên Ngài với trái tim khao khát.

“Ban đầu của một buổi biểu diễn yatra, người ta có thể thấy nhiều bồn chồn trên sân khấu. Lúc ấy người ta không thấy Krishna. Tiếp theo khi hiền triết Narada đi tới với cây sáo của ông và hát tha thiết: “Govinda hỡi! Ôi Cuộc Sống của tôi! Ôi Tâm Hồn của tôi! Lúc ấy Krishna không còn có thể xa cách nữa mà sẽ hiện diện cùng các cậu bé chăn bò”.

-------o0o-------

Ảnh: Nguồn Interne.

Bài viết liên quan