DẠY THIỀN NHÂN NGƯNG SÚC KHÔNG - Trích “MỘNG DU TẬP” - Tác giả: Thiền Sư Hám Sơn

DẠY THIỀN NHÂN NGƯNG SÚC KHÔNG

Trích “MỘNG DU TẬP”

Tác giả: Thiền Sư Hám Sơn

Người dịch: Hạnh Huệ

--o0o--

Mỗi ngày sáng sớm dậy lễ Phật tụng một quyền kinh Di-Đà hoặc một quyển kinh Kim Cang, rồi trì, lần chuỗi niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, hoặc năm ba ngàn tiếng hoặc một vạn tiếng. Xong rồi thì đến trước Phật hồi hướng phát nguyện vãng sanh nước Cực Lạc, lời ở trong kinh công khóa.
DẠY THIỀN NHÂN NGƯNG SÚC KHÔNG - Trích “MỘNG DU TẬP” - Tác giả: Thiền Sư Hám Sơn

 

Sự tu hành của Phật Tổ cốt yếu chỉ có 2 môn Thiền, Tịnh, kiêm dùng vạn hạnh trang nghiêm. Đó là con đường tu hành chánh yếu. Trong số người đến học, người tham thiền phần nhiều bị tà sư lầm lẫn dẫn vào rừng rậm tà kiến, đọa vào ma ngã mạn, tăng hột giống ngoại đạo. Thật rất đáng lo. Huống nữa trong mười người không được một người đến chỗ giải thoát. Như thế chẳng những tự lầm mà làm lầm người khác. Không đáng sợ sao ? Thế nên Lão nhân cực lực chủ trương chân tu tịnh độ. Người đời chẳng biết đều khinh thị là tầm thường, chẳng biết cái diệu của niệm Phật, nên phần nhiều lầm lẫn vậy. Vả lại, niệm Phật tức là tham thiền không phải hai pháp khác nhau. Tức lúc niệm Phật trước hết phải đem tất cả phiền não vọng tưởng, tham sân si ái, các thứ niệm tạp loạn nhất tề buông xuống. Buông đến chỗ không thể buông, từ từ đề lên một tiếng A-Di-Đà-Phật, rõ ràng phân minh, trong tâm chẳng dứt, như chỉ xâu hạt châu, lại như tên tên chống nhau, khoảng giữa không có một chỗ hở cỏn con nào. Như thế ra sức, dựa cho chắc. Bất cứ lúc nào cũng chẳng bị cảnh duyên lối đi làm quên mất.

Nhật dụng như thế ở trong động chẳng tạp, chẳng loạn, thức ngủ như một. Dụng tâm như vậy niệm đến lúc lâm chung, nhất tâm bất loạn, chính là thời tiết siêu sanh tử, vãng sang Tịnh Độ. Nếu chỉ miệng nói niệm Phật, tâm địa chẳng trong sạch, vọng tưởng chẳng trừ rồi cho niệm Phật không linh nghiệm, như thế dù cho đến ba kiếp sáu mươi đời cũng không bao giờ ló đầu nổi. Ông hãy cố gắng.

 

TRẢ LỜI ĐỨC  -  VƯƠNG

 

Thể theo lời đại vương sai sứ giả đến phỏng vấn sơn tăng về pháp môn tu hành thẳng tắt : “Hỏi rằng Vương đã năng giữ giới chẳng sát sanh, ăn chay 3 năm, chỉ nghĩ đến việc cuối cùng gấp gáp, có pháp nào tu trì để lúc lâm chung được an vui, đời sau chẳng mê”.

Đây thật là Đại vương nhiều đời trước đã huân tập gốc Bát Nhã sâu. Nay được địa vị giàu sang phú quý mà một niệm bổn lai chẳng mê mờ, tha thiết tham cầu pháp yếu. Sơn tăng ngu dốt, mạo muội lấy lòng thành thực mà trả lời. Đức Phật thuyết pháp độ người như dùng thuốc tùy bệnh, phương tiện có nhiều cửa, chẳng phải một. Từ khi kinh điển đến đất này, xưa nay nương theo tu hành có 2 môn thiền và giáo, mọi người cùng noi. Thiền thì chư Tổ truyền đăng, quý ở chỗ liễu ngộ tự tâm. Sự hạ thủ công phu là tâm chỉ đưa thoại đầu lên tham cứu một mạch đến khi thấy rõ tự tâm mới thôi. Đây chỉ dành cho người thượng thượng căn, nhất siêu trực nhập, lại phải có thiện tri thức luôn luôn hỗ trợ nhắc nhóm mới được vào đường chánh. Các bậc vương thần xưa cũng có người hành được, nhưng chẳng thấy nhiều, là vì người xuất gia dễ thực hành hơn. Nay bậc đại vương tôn ở chỗ sâu kín đáo, chẳng dễ tiếp kiến thiện tri thức, nên chẳng dám khuyên tiến tu theo lối này. Còn theo kinh giáo tu hành thì xưa có Thiên Thai Trí Giả bày môn chỉ quán Tiểu Thừa và Đại Thừa, là yếu môn thành Phật. Đại chỉ quán thì văn nhiều, khó lý hội, còn tiểu chỉ quán tuy giản dị, thực ra muốn giải thích cho minh bạch, để hạ thủ an tâm cũng chẳng phải dễ vào, nghĩa là siêng trì, siêng hành cũng khó được gần gũi. Hàng ngày đối với những cảnh giới nghịch thuận hiện tiền, áp dụng nhiều còn chẳng tiến nổi, huống việc lớn sau cùng. Pháp này cũng chẳng phải chỗ Đại Vương dễ làm, cũng chẳng dám đề nghị. Nay chỉ có một môn Phật thuyết Tây Phương Tịnh Độ, chuyên lấy một việc niệm Phật làm trọng yếu, lấy quán tưởng cảnh Tịnh làm chính hạnh, lấy tụng kinh Đại Thừa làm dẫn phát, lấy phát nguyện làm thú hướng, lấy bố thí làm phước điền trang nghiêm. Đây thực là cổ kim cùng noi theo, chẳng kể quý tiện, trí ngu đều có thể chân thật hạ công phu. Nên vạn người tu hành, vạn người hiệu nghiệm. Mong Đại Vương lưu ý điều này. Cẩn thận dụng quy tắc nhật dụng, điều lệ như sau :

 

Đức Phật chúng ta vì cứu các khổ của chúng sanh trong thế giới Ta-Bà, chuyên nói pháp môn Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc. Chỉ chuyên dùng niệm Phật A-Di-Đà, phát nguyện vãng sanh. Có một quyển kinh Di-Đà chứng minh, trong kinh này nói toàn sự thực về cảnh giới quốc độ rất là minh bạch, đầy đủ chi tiết về phương pháp tu hành. Như phép tắc công khóa của nhà chùa chẳng cần bó buộc theo, chỉ lấy niệm Phật làm chủ yếu. Mỗi ngày sáng sớm dậy lễ Phật tụng một quyền kinh Di-Đà hoặc một quyển kinh Kim Cang, rồi trì, lần chuỗi niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, hoặc năm ba ngàn tiếng hoặc một vạn tiếng. Xong rồi thì đến trước Phật hồi hướng phát nguyện vãng sanh nước Cực Lạc, lời ở trong kinh công khóa. Đây là công khóa buổi sáng, chiều cũng như thế. Hàng ngày cứ thế làm thời khóa nhất định, chắc chắn không thể thiếu. Pháp này dạy cho quyến thuộc trong cung đúng như pháp cùng tu càng tốt. Đây chính là chỗ thực hành của Thánh Tông Nhân Hiếu Thánh Mẫu, dạy pháp trong cung vị. Người đến nay chẳng bỏ phế, đó là thường hành vậy. Còn về việc lớn cuối cùng thì công phu càng cần thân thiết, mỗi ngày trừ hai thời công khóa ra, ở trong 12 thời, riêng đem một tiếng A-Di-Đà đặt vào lòng, niệm niệm chẳng quên, tâm tâm chẳng mờ, tất cả việc đời đều chẳng suy nghĩ. Chi đem một câu niệm Phật làm mạng căn của chính mình, cắn chặt hàm răng quyết không buông xả, cho đến ăn cơm, đi, ở ; đi đứng nằm ngồi, một tiếng Phật này lúc nào cũng hiện tiền. Khi gặp cảnh giới nghịch thuận, vui giận, phiền não lúc tâm chẳng an, liền đem một tiếng Phật này đề khởi một phát, tức thấy phiền não ngày đó tiêu diệt. Vì niệm niệm phiền não là gốc khổ sanh tử, nay lấy niệm Phật tiêu diệt phiền não, liền là Phật độ chỗ khổ sanh tử. Nếu niệm Phật tiêu được phiền não thì có thể thoát được sanh tử, lại không có pháp khác.

 

Nếu niệm Phật, niệm đến lúc làm chủ được phiền não thì ở trong giấc mộng làm chủ được, nếu ở giấc chiêm bao làm chủ được thì trong bịnh khổ làm chủ được. Nếu trong bệnh khổ làm chủ được thì lúc lâm chung phân minh rõ rệt, biết được chỗ đi vậy. Việc này chẳng khó hành, chỉ cốt lấy một niệm tâm vì sanh tử tha thiết, từ từ dựa chắc một tiếng Phật, lại chẳng tìm tòi suy nghĩ gì khác, lâu dần thuần thục, tự nhiên được đại an lạc tự tại, được đại hoan hỷ thọ dụng. Riêng chẳng phải cái vui ngũ dục thế gian có thể so sánh. Đại vương chỉ cần lưu ý pháp này, đúng là chân thật tu hành, ngoài ra lại không có việc nào thẳng tắt khỏe hơn nữa. Cần chớ nghe tà kiến, tà thuyết mà nghi hoặc. Còn nếu đại vương muốn biết hướng đi lúc cuối cùng thì có thêm một diệu pháp, xin vì Ngài mà nói. Pháp này ở tại trong tâm niệm Phật. Giờ giờ thầm thầm quán tưởng, tưởng trước mắt sanh ra một hoa sen lớn, chẳng kể xanh vàng, đỏ, trắng, hình giống bánh xe lớn. Quán tưởng hình dáng hoa rõ ràng, rồi tưởng tự thân ngồi ở giữa hoa, trên nhụy của đài, ngay ngắn chẳng động, tưởng Phật phóng ánh sáng đến chiếu thân mình. Lúc tưởng như thế, chẳng nệ đi đứng ngồi nằm, cũng chẳng kể năm, tháng ngày, giờ, chỉ cốt quán cảnh phân minh, mở mắt, nhắm mắt, rõ rệt chẳng mờ, Cho đến trong mộng cũng thấy Phật A Di Đà cùng Quan Âm, Thế Chí, cùng ở trong hoa, thấy rõ như ban ngày. Nếu sự tưởng hoa này thành tựu, tức là thời tiết thoát sanh tử, thẳng đến lúc lâm chung, hoa này hiện ra trước, tự thấy thân mình ngồi trong hoa sen, rồi có Di-Đà, Quan Âm, Thế Chí đồng tiếp dẫn, trong khoảng một niệm liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc Tây Phương, ở địa vị bất thối chuyển, mãi mãi không còn chịu khổ sanh tử nữa. Đây là sự hiệu nghiệm thực sự của việc tu hành chân thật một đời lo xong. Chỉ pháp môn này chẳng phải do tăng nói mà trong kinh Phật chỗ chỗ đều khai mở, dẫn dắt pháp môn thẳng tắt. Nghĩa là chỉ có đường tắt tu hành, nếu mong phút cuối cùng sáng suốt ngoài ra không có pháp nào minh bạch hơn nữa. Nếu sợ tật bịnh muốn học điều tức, vận khí cầu hết bịnh. Đây chẳng phải pháp hay. Nếu khí chẳng khéo vận, ngược lại sẽ mắc bệnh lớn, đến nỗi không thể trị được. Dù gì đi nữa chẳng thể ngờ vực điều này. Chi là một pháp môn niệm Phật vào được thân thiết, kỳ dư chẳng cần lưu tâm. Mong đại vương thành thực tin chắc, chớ nên hoài nghi.

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan