DƯỚI CHÂN NÚI TRẮNG - TRÍCH: “LINH HỒN THẾ GIỚI” - FRÉDÉRIC LENOIR

DƯỚI CHÂN NÚI TRẮNG

FRÉDÉRIC LENOIR – LINH HỒNTHẾ GIỚI

---o0o---

Nhiều ngày trôi qua. Sau những buổi đầu tiên thảo luận và chia sẻ, các hiền giả cảm thấy cần phải tự cô lập hơn để cầu nguyện hay suy tưởng. Ngoài tiếng leng keng chuông vang lên báo giờ làm lễ hoặc tiếng cười của các sư tập sự trẻ, một bầu không khí im lặng và tĩnh tâm bao trùm tu viện.
DƯỚI CHÂN NÚI TRẮNG - TRÍCH: “LINH HỒN THẾ GIỚI” - FRÉDÉRIC LENOIR

DƯỚI CHÂN NÚI TRẮNG

FRÉDÉRIC LENOIR – LINH HỒNTHẾ GIỚI

---o0o---

 

RUNG ĐỘNG TÌNH YÊU

 

Nhiều ngày trôi qua. Sau những buổi đầu tiên thảo luận và chia sẻ, các hiền giả cảm thấy cần phải tự cô lập hơn để cầu nguyện hay suy tưởng. Ngoài tiếng leng keng chuông vang lên báo giờ làm lễ hoặc tiếng cười của các sư tập sự trẻ, một bầu không khí im lặng và tĩnh tâm bao trùm tu viện.

Tenzin và Natina tìm hiểu nhau. Mặc dù trẻ hơn mười tám tháng, cậu trai có kích thước tương đương với cô thiếu nữ, và màu đen của mái tóc và đôi mắt cậu tương phản nổi bật với các màu sáng tỏa ra từ thân thể Natina. Cô gái bị choáng ngợp trước sự sâu sắc và hiểu biết tâm linh của cậu Lạt ma trẻ, cũng như chính cậu bị lôi cuốn bởi thứ văn hóa chiết trung của cô gái phương Tây, thành thạo lướt tìm đủ thứ trên Internet. Từ ngày thứ ba, Natina yêu cầu cậu Lạt ma đưa cô đi khám phá các khu vực chung quanh tu viện. Từ đó họ có thói quen đi bộ suốt nhiều giờ dài sau bữa điểm tâm. Họ leo xuống vách đá và đi dạo trên cao nguyên, giữa những cánh đồng đại mạch.

Một hôm, Cô gái Hà Lan nắm tay cậu trai Tây Tạng và kéo cậu vào một cuộc chạy đua điên rồ, ngắt quãng bởi tiếng cười như pháo nổ. Tenzin cực kỳ bối rối. Lần đầu tiên kể từ thời thơ ấu, cậu chạm vào tay một người phụ nữ. Khi Natina tựa đầu lên ngực vị Lạt ma trẻ để lấy lại hơi, cô thì thầm: “Tim bạn đập mạnh nhỉ!”

“Tại vì chúng ta chạy quá chừng”, Tenzin trả lời, lúng túng.

Natina nắm bàn tay cậu trai đặt lên ngực mình. “Không, Coi này, tim tôi đập chậm hơn”.

Mặc dù vô tình, cử chỉ của Natina đã dìm Tenzin trong sự bấn loạn ghê gớm. Cậu rút tay ra và dẫn bạn về tu viện.

Cậu im lặng suốt quãng đường về. Lần đầu tiên trong đời, cậu thấy khó tập trung trong giờ hành lễ và chẳng ăn gì ở bữa cơm chiều. Tối, cậu đến gõ cửa vị Lạt ma già Dorje và thổ lộ sự rối loạn của mình. Vị tăng già im lặng một lát, rồi cười cởi mở: “Có lẽ con đang yêu, con trai ạ!”. Tenzin cúi đầu. Vị Lạt ma nói tiếp: “Đó không phải là điều xấu, nhưng con còn hơi trẻ và nó có lẽ không tương thích với định mệnh của con chăng? Chắc con nên bớt gặp riêng bạn gái thì tốt hơn. Âu đấy cũng là một cơ hội hay để thực hành bài tập thiền định về sự chuyển hóa cảm xúc. Như vậy con sẽ học cách không bị quấy rầu và phân tâm bởi tình yêu này, mà còn nương tựa được vào cái tình cảm cao quý ấy. Rồi thì, thay vì làm rối loạn cơ thể con, nó sẽ làm trái tim con cao thượng lên”.

Natina cũng kể chuyện xảy ra cho mẹ nghe. Gabrielle giải thích cho con gái là cô phải ý tứ hơn với Tenzin, cậu không có thói quen giao tiếp với các cô gái.

Hai thiếu niên từ bỏ những chuyến phiêu lưu ra ngoài tu viện. Nhưng vẫn tiếp tục trao đổi hầu như mỗi ngày trên nhiều khía cạnh về thế giới hàng ngày của mình. Họ liên tục ngạc nhiên, và say mê về sự khác biệt của nhau. Trái tim của Tenzin vững chãi hơn và sự xáo trộn cảm xúc ban đầu sớm nhường chỗ cho lòng trìu mến sâu sắc đối với Natina. Tình cảm đó hoàn hỗ tương và hai thiếu niên hứa hẹn sẽ viết cho nhau thường xuyên như có thể khi Natina về nhà. Nhưng khi nào ngày ấy mới đến?

Một số hiền giả tham gia các buổi lễ hàng ngày cùng các nhà sư, những người khác thích một mình thực hành nghi thức riêng của họ. Tất cả gặp nhau tại bữa ăn chiều sau một lúc thiền định chung trong im lặng. Cha Pedro đã xác định ngay từ buổi tối đầu tiên: “Chúng ta không cùng nhau cầu nguyện, nhưng chúng ta đến với nhau trong lời nguyện cầu”. Ngày ngày trôi qua, thời khắc cầu nguyện trở nên cùng lúc mãnh liệt hơn, lâu hơn, và cũng nặng nề hơn. Sự chờ đợi đã bắt đầu đè nặng lên phần lớn các hiền giả. Mỗi người đã đột ngột rời bỏ gia đình, bạn bè, đệ tử, các dự án, các Công trình nghiên cứu của mình... để theo đuổi linh cảm nội tâm lạ lùng này. Mười bảy ngày đã trôi qua kể từ khi họ đến tu viện.

Duy nhất một sự kiện bên ngoài xảy ra làm xáo trộn sự yên tĩnh nơi đây: cuộc hoảng chạy của động vật hoang dã. Một buổi sáng, các nhà sư nghe thấy tiếng ì ầm đùng đục: tất cả cừu rừng chạy tránh lên cao nguyên trong làn mây bụi. Chẳng vì lý do gì rõ ràng.

Ngoài biến cố này, không gì đặc biệt xảy ra và sự kiên nhẫn của các hiền giả bị thử thách gay go. Mỗi sáng họ lặng lẽ nhìn nhau trong bữa điểm tâm, rình xem trong mắt người khác có dấu hiệu gì về một giấc mơ hay trực cảm trong đêm qua có thể làm sáng tỏ ý nghĩa cuộc gặp gỡ của họ chăng. Nhưng chẳng có gì xảy ra. Người lo lắng nhất là Gabrielle, chị không thể dự tính làm nhỡ kỳ nhập học của con gái. Cho nên chính chị đã quyết định thúc đẩy các biến cố.

Một tối sau khi thiền định chung, chị thông báo với các hiền giả ý định rời khỏi Toulanka của mình. Sau giây phút đầu tiên sững sờ, từng người một cất lời: họ đều tán đồng quyết định của nhà triết học. Sự chờ đợi này không thể kéo dài hơn nữa. Họ lấy quyết định đồng thuận chung là ra đi vào sáng hôm sau.

Chính trong đêm cuối này mà mọi chuyện đều đảo lộn.

 

NHỮNG GIẤC MƠ

 

Giáo trưởng Shlomo là người cuối cùng đến dùng bữa điểm tâm. Ông có vẻ mặt đờ đẫn và dường như bận lòng. Gabrielle hỏi điều gì đã khiến ông lo lắng. Vị Giáo trưởng già lầu bầu: “Một cơn ác mộng khủng khiếp. Tôi thấy một trận động đất tàn phá thành Jerusalem. Cuối cùng, chẳng còn viên đá nào trên viên đá nào; như một chiến trường bao la, đổ nát khắp nơi. Suốt đêm tôi chẳng nhắm mắt lại được nữa!”

Bảy hiền giả khác vẫn câm nín. Có thể đọc thấy trong mắt họ nỗi hãi hùng. Lúc đó Cheik Youssuf lên tiếng: “Tôi cũng nằm mơ y hệt vậy. Nhưng là thành Makkah linh thiêng, hoàn toàn bị phá hủy”.

Đến lượt Ma Ananda nói theo: “Còn tôi, tôi thấy thành Bénarès bị cả một biển nước nuốt chửng”.

Thầy Kong tiếp lời: “Ngôi đền Lão giáo của tôi cũng bị nhấn chìm như vậy, mọi thứ đều bị lũ cuốn trôi chỉ trong vài phút”

Rồi nữ pháp sư Ansya cũng xác nhận: “Tôi thì thấy lửa tàn phá các thảo nguyên mênh mông của Mông Cổ”.

Cha Pedro nói với giọng sin sít vì cảm xúc: “Trong giấc mơ của tôi thì Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Rô-ma phát cháy rồi đổ sụp”.

Gabrielle thảng thốt: “Với tôi, đấu là Đại học Amsterdam!”

Lạt ma Dorje kết thúc: “Còn tôi thì thấy là chính tu viện này!”

Sau một lúc im lặng, Cha Pedro lại nói: “Tất cả chúng ta đều trông thấy sự tàn phá các thánh địa tôn giáo của mình. Dù là trong mơ, điều đáng sợ là chúng ta đều mơ như vậy trong cùng một đêm!”

Ansya nhận xét: “Và ngay đêm trước khi chúng ta lên đường trở về. Như thể là định mệnh đã gửi một thông điệp mới để chúng ta phải ở lại”...

Tu sĩ khổ hạnh đạo Hồi tiếp lời: “Không gì có thể rõ ràng hơn thông điệp này nữa, một thảm họa sẽ giáng xuống Trái đất và phần lớn nhân loại có nguy cơ biến mất”.

Sau một hồi suy ngẫm, cha Pedro nói: “Tôi không đồng ý hẳn với cách giải thích này. Những nơi chúng ta thấy bị tàn phá đều là, hay như thể là, thánh địa đối với các tôn giáo trên thế giới: vậy là chính các tôn giáo bị nhắm tới chớ đâu phải nhân loại. Có thể là chúng ta sắp chứng kiến ngày tàn của một thế giới được xây dựng trên các truyền thống tôn giáo lớn, và sự xuất hiện của một kỷ nguyên mới cắt đứt khỏi những gốc rễ siêu hình này chăng?”

Gabrielle góp ý : “Đó cũng là điều chúng ta đã nhận thấy phần nào rồi. Ít ra là ở Âu châu, thế giới hiện đại chối bỏ quá khứ tôn giáo của mình, như kẻ mất trí nhớ. Và những gì đang xảy ra ở châu Âu chắc cuối cùng sẽ lây lan ra khắp thế giới thôi”.

Giáo trưởng Schlomo điều chỉnh: “Không phải trong nay mai đâu! Và cũng chẳng có gì chắc chắn cả: cứ nhìn vào sự quay về với tôn giáo mà chúng ta đang tham dự vào đây! Giống như Cheik Youssuf, đúng hơn tôi tin là chúng ta sẽ trải qua một thảm họa toàn cầu đột ngột, và Đấng Vĩnh Hằng tập hợp chúng ta ở đây chính là để truyền lại một thông điệp chung cho nhân loại trong tương lai”.

Cha Pedro Có vẻ hoài nghi. “Ý ngài là sao?”.

“Tại sao định mệnh - ta gọi nó tên gì chẳng quan trọng - lại bận tâm tập trung chúng ta tới cùng một nơi, rồi mách bảo rằng một thảm họa sẽ xảy ra, nếu không phải chỉ nhằm khiến chúng ta tìm đồng thuận về một huấn dụ? Một thông điệp mà chúng ta có thể viết và để lại cho những ai còn sống sót”.

Ma Ananda lên tiếng: “Tôi chia sẻ quan điểm này. Sẽ có thảm họa hay không chẳng quan trọng gì. Chuyện đền đài thánh địa của ta sẽ biến mất thực không, hoặc chỉ là biểu trưng của sự khủng hoảng tôn giáo đương thời cũng chẳng quan trọng gì. Các giấc mơ của chúng ta có nghĩa rằng lịch sử thế giới đang sang trang, rằng ta phải thực sự vượt qua những dị biệt để cùng nhau thử thiết lập nền tảng phổ quát của sự hiền minh”.

Lại một khoảnh khắc im lặng. Mỗi người dường như đang nhận định, đắm chìm trong trầm tưởng. Rồi Lạt ma Dorjé cất lời: “Vậy thì, hãy cứ tưởng tượng là đúng như vậy đi. Thì có hai vấn đề quan trọng đặt ra. Thứ nhất là: liệu ta phải nói gì? Và thứ hai là: trên thể nền nào?

Giáo trưởng Schlomo bình luận với vẻ bỡn cợt: “Câu hỏi thứ hai dễ trả lời hơn câu đầu. Chắc chắn Ngài có giấy và bút. Chúng ta chỉ cần viết ra nữa thôi!”

Ansya phản đối: “Tôi chẳng thấy chắc chắn chút nào. Nếu chúng ta phải chứng kiến một thảm họa thực sự, và tu viện này cũng bị phá hủy, thì còn lại gì với vài mảnh giấy viết vội?”.

Thầy Kong nói: “Đúng vậy. Nên khắc thông điệp này trên gỗ, hoặc tốt hơn nữa là trên đá, để nó chịu được hỏa hoạn hay động đất”.

Giáo trưởng Do Thái đáp lại: “Đệ tử của Moise, người đã nhận Thánh Luật từ Thiên Chúa khắc trên bảng đá, chắc chắn tôi không phải là người phản đối ý bạn rồi! Thế nhưng tôi đoán là trong tu viện này không làm gì có thợ khắc đá…

Lạt ma Dorje lắc đầu xác nhận.

Gabrielle nói tiếp: “Dù sao, tôi cũng không thấy bằng cách nào ta có thể tóm tắt nền tảng của sự hiền minh trong vài câu được. Giới luật đạo đức có thể được biểu đạt bằng một ít từ ngữ, nhưng các quy tắc về đời sống tâm linh đòi hỏi ta phải đưa ra một số giải thích tối thiểu chứ”.

Cha Pedro bồi thêm: “Hơn nữa, lời lẽ của chúng ta chỉ ràng buộc mỗi chúng ta thôi. Chúng ta là ai mà dám khắc lên đá chút hiểu biết khiêm nhượng của mình về sự hiền minh!”

Mọi người ầm ĩ tán thành. Một trực giác chợt thoáng qua đầu Ansya lúc đó. Nữ pháp sư quay sang hai đứa trẻ vẫn giữ im lặng kể từ đầu cuộc trò chuyện: “Còn các bạn trẻ? Các bạn có mơ thấu. gì không?”

Mọi ánh mắt hướng về hai thiếu niên. “Có!” chúng trả lời hầu như cùng lúc.

Natina nói tiếp: “Tôi mơ thấy mình là một dòng suối nhỏ. Và dòng suối đó thình lình được nước từ tám con sông đổ vào. Cho nên tôi trở thành con sông lớn, rồi tràn vào một vùng đất khô khốc cằn cỗi, như thể đấy là một nẻo biến đã khô cạn”

Tenzin tiếp lời bạn: “Rồi nước sông bỗng lấp đầy khoảng đất đai hoang mạc này... và đủ loại cây, hoa đua nhau mọc lên”. Cậu nắm bàn tay cô gái và nghiêng về phía cô: “Tôi cũng mơ thấy hết như bạn, Natina ạ”.

Lại một khoảnh khắc im lặng nữa. Ngồi nhắm nghiền mắt từ một chặp rồi, bây giờ Thầy Kong mới lên tiếng. “Tôi thấy giấc mơ của hai bạn trẻ này có vẻ trong suốt. Chúng ta là hiện thân của tám con sống sẽ phải tưới tẩm cho tâm trí chúng. Và điều chúng ta giảng dạy cho chúng bằng cách truyền miệng này, về sau sẽ làm phong phú cho trí tuệ của bất cứ ai được chúng truyền đạt lại”.

Ansya xác định: “Tôi chia sẻ quan điểm này. Tôi thấy việc truyền miệng có vẻ phù hợp với giáo huấn tâm linh hơn là văn bản viết, thứ biến mọi thứ thành chai cứng. Những gì chúng ta sắp nói với hai bạn trẻ này sẽ khắc sâu vào tâm hồn chúng, nhưng chúng sẽ lặp lại theo cách riêng của mình, như chúng đã hiểu được, và nhất là đã trải nghiệm khi đến lượt”.

Các hiền giả khác gật đầu tán đồng.

Ma Ananda lại hỏi: “Chúng ta gần như đã giải quyết vấn đề khó khăn thứ hai mà Lạt ma Dorje lưu ý, nhưng vấn đề thứ nhất thì chưa. Nội dung bài học mà chúng ta sắp truyền lại cho hai bạn trẻ này sẽ là gì đây?”

 

ĐIỀU TINH YẾU THÌ MẮT KHÔNG THẤY ĐƯỢC

 

Giáo trưởng Schlomo nói với chút dí dỏm: “Nói về những gì phân cách chúng ta chắc sẽ dễ dàng hơn là nói về những gì đưa chúng ta lại gần nhau nhỉ?”.

Gabrielle khẳng định: “Vấn đề chính mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được đồng thuận là việc định nghĩa Đấng Tuyệt đối. Ví dụ như tôi, tôi chia sẻ cái nhìn phiếm thần của các triết gia Khắc Kỷ hoặc của Spinoza: Thiên Chúa với Thiên nhiên là một. Người không phải là sinh vật tối cao, tạo công của thế giới, nói với con người qua tiếng nói của các nhà tiên tri, như người Do Thái, Ki-tô hữu, và người Hồi giáo thường nghĩ, mà là một sức mạnh phi nhân cách tiềm tàng trong mỗi sinh linh và mang lại sự hài hòa cho thế giới”.

Cheik Youssuf la to trong tiếng cười giòn giã: “Thế thì ta đừng nói về Thượng đế! Có rất nhiều tin tưởng khác kết hợp chúng ta lại với nhau mà. Ví dụ ta đều tin rằng có một thế giới hữu hình gần gũi với các giác quan, và một thế giới vô hình mà chúng ta chỉ cảm nhận được sự tồn tại bằng tấm lòng, bằng tinh thần và trực giác của ta”.

Gabrielle nói tiếp: “Chắc chắn rồi. Nhưng tinh thần vô hình vật chất hữu hình chồng chéo lên nhau một cách rất bí ẩn. Họ nữa, các nghiên cứu khoa học mới nhất cũng xác nhận cái điểm mà mọi đạo lý thế gian đều đã khẳng định từ nhiều thiên niên kỷ này. Cuối cùng, chúng ta chẳng biết chính xác đâu là vật chất, đâu là năng lượng tâm linh nữa”.

Đến lượt thầy Kong lên tiếng: “Chúng ta biết có những luồng vô hình xuyên suốt thế gian và cơ thể con người. Y học năng lượng của Trung Quốc dựa trên định đề này. Tuy nhiên, cái thế giới vô hình được tạo nên từ các lực hay năng lượng ấy lại chẳng có gì là siêu nhiên cả mà thực ra là tự nhiên. Trái với các nhà duy vật, chúng ta chỉ nghĩ rằng có nhiều mức độ hiện thực trong tự nhiên. Một mức độ có thể nhìn thấy, có thể quan sát và đo lường được bằng giác quan, và một mức độ tinh tế hơn, không thể nhìn thấy bằng mắt trần nhưng cũng hiện thực không kém, và trên đó chúng ta có thể can thiệp. Đấy là điều bạn thực hành hằng ngày, đúng không Ansya thân mến!”

“Đúng vậy. Sự lên đồng kiểu sa-man là một trạng thái biến đổi của ý thức, qua đó chúng ta nhận thức được một mức độ khác của hiện thực. Khi lên đồng, tâm trí tôi thay đổi. Tôi nhận biết được hình dạng và màu sắc của linh hồn những người chung quanh, cũng như của các thực thể quấy rối vô hình. Công việc của tôi là săn sóc linh hồn để chữa cho cơ thể lành bệnh”.

Giáo trưởng Do Thái nhấn mạnh: “Vấn đề linh hồn này là điểm cơ bản đưa chúng ta lại với nhau. Dù gọi nó bằng tên gì, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm sống về một phần riêng tư và vô hình của mình, cái ta không thể quy giản vào cơ thể vật chất được”.

Các nhà hiền triết khác gật đầu tán đồng.

Nhà khổ hạnh đạo Hồi tiếp tục: “Tôi muốn nói thêm rằng chúng ta cũng tin vào sự bất tử của một phần của linh hồn là tinh thần. Và nếu tôi không nhầm thì các triết gia Hy Lạp cổ đại cũng quan niệm như vậy phải không?”

Gabrielle trả lời: “Đúng vậy. Từ Pythagoras đến Plôtinos, qua Sokrates, Platôn, Aristotelês hay các nhà Khắc Kỷ, phần lớn các triết gia cổ đại tin vào sự tồn tại một phần bất tử của linh hồn. Thực vậy, đối với người Hy Lạp, Có một linh hồn sinh dưỡng, nó duy trì sự thống nhất của mọi cơ thể sống; một linh hồn tâm lý cho người và thú vật; cuối cùng là một linh hồn tinh thần, chỉ con người mới có, gọi là noos, mà chúng ta có thể gọi là tinh thần Linh hồn tinh thần này là bất tử. Có nguồn gốc thần thánh, nó trở lại với thần linh sau khi chết. Về điều này, cơ bản là chúng ta Có cùng niềm tin như nhau”.

Lạt ma Dorje giơ tay phải lên như dấu hiệu phản đối: “Hẳn rồi, nhưng đối với Phật tử chúng tôi, tinh thần không có khởi đầu hay kết thúc, trong khi đối với các bạn Do Thái, Ki-tô và Hồi giáo thì nó được Thiên Chúa tạo ra trong cơ thể vào thời điểm thụ thai, hoặc trong quá trình thai nghén ở tử cung. Và trong khi chúng tôi tin rằng ý thức luân chuyển từ cơ thể này sang cơ thể khác cho đến khi đạt được Giác ngộ – và gọi đấy là luân hồi – thì những người bạn kia lại tin rằng nó chỉ có một lần hiện thân thôi, và sau khi ta chết nó tiếp tục sống ở thế giới bên kia, hoặc thiên đường hoặc địa ngục, tùy theo những hành động tích cực hoặc tiêu cực mà nó đã làm trong lần tồn sinh này”.

Cha Pedro can thiệp: “Nói vậy chứ quan điểm của chúng tôi dù sao cũng có chút tinh tế hơn. Cái chúng tôi gọi địa ngục, là sự kiện bị tước mất cái Tối thiện tức là Thiên Chúa... và cái chính tôi gọi thiên đường, là sự vui hưởng Thiên Chúa đời đời. Tuy nhiên, hầu hết các linh hồn người chết có thể trải qua một trang thái trung gian sau khi chết gọi là trạng thái của sự thanh tẩy, nó bao gồm cùng lúc niềm vui biết rằng Đấng Tối thiện hiện hữu và đó là tình yêu... và nỗi khổ phải cách xa Người, xem như việc phải nhận chịu một số đau khổ thanh tẩy cần thiết để lại được đến với Người”.

Ma Ananda cười, nói: “Dù sao, tất cả chúng ta đều tin rằng cuộc sống này là tối quan trọng, rằng suy nghĩ và hành động của ta không những chỉ quyết định hạnh phúc của mình trên trái đất, mà còn quyết định cả cuộc sống trong tương lai của tâm linh chúng ta sau khi cái cơ thể vật lý này chết đi nữa, phải không?”

Tất cả các hiền giả đều tán đồng.

“Vậy thì tôi đề nghị rằng lời giáo huấn mà chúng ta sẽ truyền đạt cho hai trẻ này không nói về niềm tin, mà về thái độ đúng đắn cần có trong cuộc đời để thành công, trong ý nghĩa sâu xa nhất của từ này”

Nhà khổ hạnh đạo Hồi nhấn mạnh hơn: “Tôi hoàn toàn đồng ý. Ta hãy bỏ qua một bên những khía cạnh thần học và nghi thức vẫn phân biệt truyền thống của chúng ta, chỉ giữ lại những huấn dụ giúp cho ta sống và thăng tiến trên con đường tâm linh thôi”

Cha Pedro tán thành thêm: “Hãy bắt đầu từ kinh nghiệm của mình. Chúng ta đã có thể xác nhận rằng, vượt ra ngoài các dự điều và nghi thức chia cách, nó đã kết nối được chúng ta trong việc tìm kiếm sự hiền minh”.

Tới lượt Ansya lên tiếng: “Tôi cũng đồng ý với phương pháp này. Tất cả chúng ta đều dấn mình vào cùng một nỗ lực cầu tìm chân lý và ánh sáng. Chúng ta sẽ biết rút ra từ đấy những đường hướng chính và giải thích chúng với lời lẽ đơn giản cho hai trẻ vốn đã có trái tim thuần khiết và khát khao học hỏi này”.

Gabrielle nói thêm: “Chúng ta gặp lại lý tưởng của các triết gia cổ đại: làm thế nào để có một cuộc sống tốt lành? Việc tìm kiếm sự hiền minh kết hợp mọi người cùng cầu tìm một lý tưởng cao cả cho cuộc sống, dù là tín đồ của một tôn giáo hay không… Đó chính là định nghĩa của từ minh triết, tình yêu sự hiền minh. Và công cuộc cầu tìm này chủ yếu chỉ dựa trên lý trí và kinh nghiệm. Vì vậy mà nó là phổ quát”.

“Tốt quá rồi, vị Lạt ma tổng kết. Vì tất cả đã đồng ý, tôi đề nghị mỗi người tách riêng ra vài ngày để cầu nguyện và thiền định. Sau đó chúng ta gặp lại nhau để cùng chia sẻ những gì mình cho là nguyên tắc cơ bản của sự hiền minh. Chỉ lúc đó chúng ta mới có thể truyền đạt kết quả những suy ngẫm của ta cho Tenzin và Natina. Quý vị thấy sao?”

Bảy nhà hiền triết kia chấp thuận đề nghị của Lạt ma và cùng đứng lên kết thúc buổi họp. Mỗi người vào phòng riêng của mình để nhận định.

 

CÁNH DIỀU VÀ LINH HỒN THẾ GIỚI

 

Hai thiếu niên ở lại trên sân thượng. Chúng đã lắng nghe từng lời của các bậc thức giả, ngay cả không hiểu được hết ý nghĩa. Điều khiến chúng lo lắng nhất là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai mình. Liệu chúng sẽ hiểu và ghi nhớ hết những bài học mà người ta sắp ban cho không? Natina đọc thấy trong cái nhìn của Tenzin cùng nỗi lo lắng đang kích động tâm trí mình. Cô bèn nắm tay cậu và rỉ tại với một nụ cười: “May là chúng ta hai người. Những gì tôi không nắm bắt được thì chắc chắn bạn sẽ hiểu. Và những gì có thể bạn quên, thì tôi sẽ nhớ, chắc chắn!”

Tenzin cười đáp lại: “Bạn nói đúng! Tốt hơn nên để tâm trí chúng ta thư giãn. Nó sẽ sớm chịu thử nghiệm gay go đấy! Tới đây, tôi cho bạn xem con diều tuyệt vời mà Lạt ma Dorjé đã tặng ngày sinh nhật năm tôi mười hai tuổi”.

Trong khi Tenzin và Natina chơi diều trên sân thượng hoặc mải mê với các bài tập yoga để chuẩn bị thân và tâm cho khỏe, thì tám thức giả đã tự giam mình trong phòng riêng suốt ba ngày. Rồi như Lạt ma Dorjé đã gợi ý, họ gặp nhau trong phòng sinh hoạt chung, và trao đổi với nhau thêm bốn ngày ròng rã nữa. Họ yêu cầu bữa ăn sáng và chiều được mang đến, ngoài ra dành hết thời gian để thảo luận về những chủ đề mà họ muốn đề cập với hai trẻ thiếu niên. Tối khuya, họ trở về căn phòng nhỏ của mình nghỉ ngơi. Từ sáng tinh mơ, họ lại tiếp tục cuộc trao đổi.

Vào sáng ngày thứ năm, khi các hiền giả bước vào phòng sinh hoạt chung, tất cả các chuông của tu viện bắt đầu reo mặc dù chẳng ai đánh. Một vị Lạt ma già, người có tài bói toán, giải thích điều này như chỉ dấu hiệu của một điềm xấu. Ông kết hợp nó với vụ hoảng chạy khó hiểu của bầy cừu rừng. “Chúng ta vừa được định mệnh cảnh báo hai lần, rằng một thế lực đen tối đang tung hoành trên thế gian, và sẽ sớm tác động lên chúng ta thôi”, ông nói mà không bình luận gì thêm trước khi tiếp tục đọc kinh cầu an.

Vì vậy, tám thức giả quyết định bắt đầu việc truyền đạt không để chậm trễ hơn nữa, sau một ngày nghỉ ngơi đồng thuận mà phần đông họ dùng để tản bộ bên ngoài tu viện. Sáng hôm sau, khi buổi lễ và bữa ăn sáng vừa xong, Lạt ma Dorjé tụ họp hai trẻ và các hiền giả trên sân thượng. Họ ngồi thành vòng tròn, dưới đất hoặc trên ghế thấp. Tenzin và Natina ngồi xếp bằng cạnh nhau, hơi rụt rè bởi sự trang nghiêm của nghi lễ. Các thức giả đều có ít nhiều thay đổi trong tám ngày qua. Nét mặt họ hốc hác hoặc căng thẳng. Họ đều có vẻ nghiêm trọng và rất tập trung. Từ mấy hôm nay, mỗi đêm Natina rất ngạc nhiên khi thấy mẹ trong trạng thái hướng tâm mãnh liệt mà cô chưa từng thấy trước đây.

Suốt buổi tĩnh tâm, phần đông các hiền giả đều nhắm mắt cho đến khi Lạt ma Dorje khai mào với giọng chậm rãi trang trọng: “Này các con, chúng tôi đã đạt được đồng thuận về bảy điểm chính yếu tóm tắt cốt lõi của sự hiền minh nơi con người. Mỗi ngày sẽ được dành cho việc giảng dạy một trong bảy điểm này. Mỗi người sẽ lần lượt phát biểu, đôi khi nhiều lần. Chúng tôi sẽ nói chậm rãi và dành một thời gian im lặng thích đáng giữa mỗi tham luận để các con có thể ghi nhớ những lời đã được phát ra. Một số vị sẽ góp lời giải thích chi tiết. Những người khác sẽ minh họa bằng một câu chuyện hư cấu hay rút ra từ các truyền thống của chúng ta, hoặc chỉ truyền đạt đôi lời tùy cảm hứng”

Gabrielle tiếp lời: “Đôi khi chúng tôi sẽ trích dẫn một bậc thầy hiền minh xa xưa nào đó. Nhưng để nhấn mạnh trên tính cách phổ quát của giáo trình này, chúng tôi sẽ không đề cập đến tên của vị ấy, cũng như không kể các nguồn khác nhau đã truyền cảm hứng cho mình. Để tránh mọi dẫn chứng rõ ràng về danh xưng mà, tùy người, chúng ta có thể gọi là ‘Thượng Đế’, ‘Pháp’, ‘Thần linh’, ‘Đạo’ hay ‘Đấng Tuyệt đối’, chúng tôi đã đồng thuận dùng cụm từ duy nhất là: ‘Linh hồn thế giới’. Vượt lên mọi giáo điều tôn giáo, biểu thức này của các triết gia Hy Lạp cổ đại chỉ sự hiện diện trong vũ trụ của một quyền lực huyền bí và tốt lành, vì nhờ nó mà trật tự thế giới được duy trì, và chúng ta cũng sẽ hiểu nó theo cái nghĩa ấy. Đối với các tín hữu, quyền lực này gợi lên sự hiện diện của Thượng Đế hay của bậc đại trí đã tổ chức thế giới, là đấng quan phòng của nó. Đối với những người khác, đây là cái năng lượng tinh thần đã duy trì sự hài hòa của Tự nhiên, như linh hồn đối với cơ thể vậy”.

Một lần nữa, chúng tôi chỉ nói về những điều mình có kinh nghiệm. Một số hình thức trình bày nhất thiết sẽ còn mang màu sắc truyền thống riêng biệt của mỗi cá nhân, nhưng chúng tôi đã nhất trí trên phần cốt lõi của những điều giảng dạy sắp truyền đạt đến các con. Điều chúng tôi muốn nói với các con là, hãy lắng nghe bằng đôi tai, vừa của trí thông minh, vừa của con tim mình”.

Natina và Tenzin xúc động, nhắm mắt lại và nhìn vào nội tâm mình, đến nơi thâm sâu thầm kín của trái tim và trí tuệ.

---o0o---

Trích: “Linh Hồn Thế Giới”

Tác giả: Frédéric Lenoir

Người dịch: Võ Thị Xuân Sương

NXB Khoa học Xã hội - 2019

Ảnh: nguồn Internet

 

Bài viết liên quan