GIÁC NGỘ LÀ GÌ - TÂM BẤT SINH PHÁP THIỀN BANKEI – THIỀN SƯ BANKEI

Sư trả lời: Không có điều gì gọi là giác ngộ, đấy hoàn toàn là một đeo đuổi vô ích. Hãy nhận ra một cách rốt ráo rằng tâm Phật mà bạn có từ cha mẹ vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu - đó chính là giác ngộ. Không nhận ra điều này là si mê. Vì tâm Phật nguyên ủy vốn bất sinh nên nó vận hành không có những ý tưởng về si mê hay mong cầu giác ngộ.
GIÁC NGỘ LÀ GÌ - TÂM BẤT SINH PHÁP THIỀN BANKEI – THIỀN SƯ BANKEI

GIÁC NGỘ LÀ GÌ

TÂM BẤT SINH PHÁP THIỀN BANKEI – THIỀN SƯ BANKEI

---ooOoo---

Vị tăng lại hỏi: Giác ngộ là gì?

Sư trả lời: Không có điều gì gọi là giác ngộ, đấy hoàn toàn là một đeo đuổi vô ích. Hãy nhận ra một cách rốt ráo rằng tâm Phật mà bạn có từ cha mẹ vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu - đó chính là giác ngộ. Không nhận ra điều này là si mê. Vì tâm Phật nguyên thủy vốn bất sinh nên nó vận hành không có những ý tưởng về si mê hay mong cầu giác ngộ. Vừa khi có ước muốn giác ngộ là bạn đã rời khỏi vị trí của Bất sinh và đi ngược lại với nó. Vì tâm Phật là bất sinh, nó tuyệt nhiên không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng là nguồn gốc của vô minh. Khi hết tư tưởng thì vô minh cũng diệt. Và khi bạn đã hết vô minh thì không cần gì nói đến mong muốn đạt giác ngộ, phải vậy không?

-    AN TRÚ TRONG TÂM PHẬT

Một vị tăng hỏi: Con thường đọc kinh và tọa thiền, vì con cảm thấy những việc này có công đức. Bây giờ con có nên dẹp hết vì vô ích chăng?

Sư trả lời: Tọa thiền và xem kinh là việc tốt. Tọa thiền là việc mà tất cả tu sĩ muốn uống nước từ nguồn Thích-ca đều phải thực hành, không được coi khinh. Bồ-đề Đạt-ma quay mặt vào vách, Đức Sơn dẹp kinh, Câu Chi giơ lên một ngón tay, Lâm Tế hét... Mặc dù tất cả những pháp này thay đổi tùy hoàn cảnh khác nhau và tùy cách dạy của mỗi bậc thầy, song tất cả đều liên hệ đến việc bạn phải tự mình thực chứng cái tâm Phật bất sinh duy nhất. Bạn không lầm tiếng chuông với tiếng trống, tiếng chim sẻ với tiếng chim quạ, tất cả những âm thanh nghe qua, bạn đều nhận ra và phân biệt từng thứ một không sót tiếng nào. Đấy chính là cái tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu đang lắng nghe, cái tâm Phật vốn bất sinh. Những gì nói trong ‘Lâm Tế ngữ lục’ và những gì tôi nói chỉ là một thứ, không có gì khác nhau. Vấn đề duy nhất là bạn có đức tin hay không. Nếu bạn không thể an trú trong tâm Phật bất sinh mà khuấy động lên đủ thứ tư tưởng nuối tiếc quá khứ, lo lắng về tương lai, thì chính là bạn đang xoay vần biến hóa trong sinh tử mà không tự biết. Bạn đã đổi tâm Phật thành ra những tư tưởng phù du, không bao giờ có một giây phút an ổn.

Bây giờ bạn có thể tọa thiền đọc kinh, nhưng hãy an trú trong tâm Phật mà bạn có, và thực chứng cái bất sinh. Nếu bạn tọa thiền hay đọc kinh với mục đích hay hy vọng tích lũy công đức thì thế là bạn đổi tâm Phật lấy công đức, đổi tâm Phật lấy tọa thiền và tụng kinh! Thế đấy, nên điều bạn cần làm là nhận ra với niềm tin tưởng sâu xa rằng, mọi sự tự nó được nhận chân và được phân biệt mà không cần bạn phải để tâm suy nghĩ. Tất cả đấy là vì tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu vốn bất sinh, và thu xếp mọi sự một cách trôi chảy.

---ooOoo---

Trích “Tâm Bất Sinh Pháp Thiền Bankei”

Thích Nữ Trí Hải dịch

NXB Hồng Đức, 2019

Bài viết liên quan