GIỚI LUẬT VỀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM - Trích “KHO BÁU THIỆN ĐỨC - JIGME LINGPA” - Với phần bình giảng của Longchen Yeshe Dorje, Kangyur Rinpoche

GIỚI LUẬT VỀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM

Trích “KHO BÁU THIỆN ĐỨC - JIGME LINGPA”

Với phần bình giảng của Longchen Yeshe Dorje, Kangyur Rinpoche

Nhóm Padmapani chuyển Việt ngữ

--o0o--

Hãy rèn luyện tâm mình bằng thái độ hoàn hảo của bốn tâm vô lượng và quán chiếu sự bình đẳng cũng như hoán đổi giữa ta với người
GIỚI LUẬT VỀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM - Trích “KHO BÁU THIỆN ĐỨC - JIGME LINGPA” - Với phần bình giảng của Longchen Yeshe Dorje, Kangyur Rinpoche

Bốn giới luật của Bồ Đề Tâm nguyện

Giới luật thứ nhất: nhận lại khổ đau và cho đi hạnh phúc

Nắm vững được pháp thực hành cho nhận thâm diệu và dũng mãnh là điều hết sức quan trọng. Hãy sử dụng nhịp thở của bạn. Khi thở ra tưởng tượng rằng bạn đang cho đi tất cả hạnh phúc, hiểu biết và những phẩm tính tốt đẹp của mình cho chúng sinh để giúp họ hoàn thiện bản thân và đạt được sự mãn nguyện. Sau đó khơi dậy toàn bộ sức mạnh của bản thân và phát khởi ý nghĩ rằng bạn sẽ kham nhẫn nhận lại cho riêng mình mọi khổ đau của chúng sinh. Quán tưởng rằng chúng sinh được giải thoát khỏi khổ đau và lỗi lầm của họ, đồng thời bạn sẽ gánh nhận chính những nỗi đau và khiếm khuyết này về mình thông qua hơi thở vào. Hãy liên tục cầu nguyện rằng chúng sinh sẽ vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau và không bao giờ mất đi hạnh phúc cho tới khi họ đạt được giác ngộ.

 

Giới luật thứ hai: phát khởi Bồ Đề Tâm bằng bảy điểm nhân quả tuần tự

Hãy rèn luyện tâm mình bằng thái độ hoàn hảo của bốn tâm vô lượng và quán chiếu sự bình đẳng cũng như hoán đổi giữa ta với người. Điều này có nghĩa là cần nhớ ơn những gì tốt lành mà tất cả chúng sinh đã từng đối xử với ta, bởi vì từ vô thuỷ họ đã là cha mẹ ta nhiều lần và dành cho ta những điều tốt đẹp nhất. Lòng từ ái sẽ khởi sinh khi bạn khát mỏi đền đáp công ơn họ. Chính lòng từ ái này sẽ phát sinh lòng bi mẫn và đến lượt nó làm khởi sinh Bồ Đề Tâm. Đây là chân giáo pháp của Kinh Điển Đại Thừa đã được Đức Atisha, bậc đạo sư vùng Bengal, chỉ bày theo bảy điểm nhân quả tuần tự. Thứ tự này như sau: đầu tiên là nhận thức rằng tất cả chúng sinh đã từng là mẹ ta; thứ hai là nhớ tới lòng tốt của họ; thứ ba là cảm giác biết ơn họ và mong muốn đền đáp công ơn đó; thứ tư là phát khởi lòng từ ái ấm áp hướng tới họ; thứ năm là khởi lòng bi mẫn xót thương tới họ; thứ sáu là thái độ phi thường của trách nhiệm phổ quát; và thứ bảy là kết quả vô thượng đạt được chính là Bồ Đề Tâm.

1. Nhận ra rằng tất cả chúng sinh đã từng là mẹ ta. Không có một chúng sinh nào mà chưa từng lúc này hay lúc khác có mối quan hệ với ta như là mẹ và con. Đạo sư Long Thọ đã nói rằng:

Nếu nặn viên đất cỡ như quả bách xù

Cho những người mẹ đã từng sinh ra ta

Cả trái đất này cũng vẫn là chưa đủ

2. Nhớ tới lòng tốt của tất cả những bà mẹ chúng sinh. Ngay khi hài nhi vừa chào đời, chính người mẹ đã không ngần ngại ẵm bé trên tay mình, một sinh linh ngọ ngoạy như một con sâu nhơ nhớp và xấu xí. Rồi có thể nói rằng bà đã biến lòng mình thành bồn rửa để nhẹ nhàng rửa đi những dơ dáy trên mình đứa trẻ bằng chính đôi tay của mình vì sợ rằng khăn vải sẽ là quá thô ráp. Đứa bé không thể ăn thức ăn rắn nên bà đã nuôi bé bằng sữa của mình, ủ ấm cho bé bằng cơ thể mình và làm mọi điều để đứa trẻ được thoải mái yên vui. Nỗi sợ lớn nhất của bà là cái chết của con mình, một nỗi sợ có thể khiến bà mang bệnh. Rồi bà không ngừng  lo lắng rằng đứa bé có thể bị đói, khát hay lạnh. Bà làm mọi việc để bảo vệ đứa trẻ khỏi tổn thương, thà chấp nhận phải chết hơn là để đứa bé bị bệnh. Vì con mình, bà sẽ trở nên phẫn nộ khi cần bảo vệ và sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, đương đầu với cái nóng cái lạnh và mọi loại thương tổn. Vì vậy, quên đi lòng tốt của người mẹ là điều tồi tệ nhất, khó chấp nhận nhất và là hành vi thoái hoá nhất có thể tưởng tượng. Người ta nói rằng dù phải gánh trên lưng cả thế giới này, bao gồm núi Tu Di và những ngọn núi sắt bao quanh các đại dương thì cũng không thể nào so sánh với gánh nặng khổ đau phải hứng chịu nếu không đền đáp được công ơn của người mẹ. Nỗi khổ đau khôn cùng đó được miêu tả như thể toàn thân bị nhấn chìm trong chất kịch độc. Trong Vinayavibhanga (Giới Luật Phân Biệt) nói rằng:

Trái đất, đại dương, những đỉnh núi

Với ta sức nặng chẳng đáng chi

Không thể đền đáp công ơn mẹ

Mới thực là gánh nặng của ta

Như thế, chúng ta cần suy tư rằng hết thảy chúng sinh không ngoại trừ ai đều đã từng là mẹ của ta trong nhiều đời kiếp. Họ đã đối xử vô cùng tử tế với ta theo cách mà không ai có thể làm được. Bằng cách liên tục quán chiếu như vậy, chúng ta cần nhận ra sự thật rằng mỗi chúng sinh ta gặp đều đã từng đối xử với ta thật tử tế tốt lành.

3. Có thái độ biết ơn. Vì vậy chúng ta cần phải cố gắng giúp đỡ chúng sinh khác theo mọi cách mà ta có thể. Hãy luôn luôn suy nghĩ xem bằng cách nào ta có thể phục vụ họ để đền đáp công ơn họ đã dành cho ta.

4. Khởi lòng từ ái ấm áp. Nhờ có lối suy tư như vậy, chúng ta sẽ không còn phản ứng một cách giận dữ khi gặp phải thái độ thù địch và khó ưa của người khác. Ngược lại, ta sẽ mong họ được hạnh phúc và dành cho họ tình cảm chân thành như tình yêu thương của người mẹ dành cho con.

5. Khởi lòng xót thương bi mẫn. Từ tình cảm yêu thương này (Từ) sẽ tự nhiên làm phát sinh lòng bi vô lượng (Bi). Khi nhìn thấy những đối tượng mà ta yêu thương đang hành xử theo cách thức tiêu cực dẫn tới khổ đau, chúng ta sẽ khát khao giúp họ đạt giải thoát. Đồng thời, khi thấy người khác được ấm no hạnh phúc ta cũng sẽ mừng vui (Hỷ) còn hơn cả may mắn đó thuộc về chính mình. Ta sẽ nhận thức được bản tính bình đẳng của chúng sinh và tiếp cận họ với thái độ không thiên vị (Xả), bằng cách đó sẽ làm tiêu tan sự phân biệt giữa người thân, kẻ sơ và bứng tận gốc thái độ ưa thích và ghét bỏ. Bốn tâm vô lượng được phát triển và củng cố như vậy.

6. Đạt được thái độ phi thường. Khi tâm ta trở nên thấm đẫm bốn tâm vô lượng theo cách này, ta sẽ cảm thấy yêu thương người khác và quan tâm tới họ với lòng xót thương bi mẫn. Ta sẽ trải nghiệm một cảm giác sâu sắc rằng bản thân mình có trách nhiệm đưa chúng sinh tới trạng thái tự do và hạnh phúc trường cửu.

7. Kết quả vô thượng. Những ai sở hữu thái độ này và hành xử theo đó, quán chiếu rằng tất cả chúng sinh đã từng là mẹ mình và tỏ lòng biết ơn vô hạn, họ sẽ tự nhiên được phú bẩm với bảy tài sản của bậc thánh nhân (Thất Thánh Tài) như là tín tâm và tương tự. Họ sẽ đạt được kết quả vô thượng, đó là ước nguyện đạt giác ngộ vì lợi lạc của chúng sinh.

 

Giới luật thứ ba: bốn nhân tố đen và bốn nhân tố trắng

 

Nét đặc trưng của tâm Bồ Đề đó là thái độ tuyệt hảo không từ bỏ bất cứ một ai. Giống như mặt trăng mùa thu sáng tỏ, tâm Bồ Đề chiếu toả ánh sáng bình đẳng lên tất cả. Tuy vậy, có bốn nhân tố đen cản trở thái độ này và có khả năng che mờ nó còn hơn cả khuôn mặt của Rahu. Chúng ta cần phải sử dụng các pháp đối trị để loại trừ chúng. Bốn nhân tố này bao gồm:

1. Lừa gạt, nói dối những người là đối tượng của sự tôn kính như các bậc thầy, đạo sư, trụ trì, chư Tăng và tất cả những người chân tu đạo hạnh.  

2. Gieo mối nghi ngờ và chán nản trong tâm những người đang tích luỹ “đức hạnh hướng tới hạnh phúc” hoặc những người đã bước trên đạo lộ của một trong ba Thừa và đang tích luỹ “đức hạnh hướng tới giải thoát”. Người ta làm điều này bằng cách nói với họ những điều như họ chưa thực sự nhận được giới hoặc rằng giáo pháp họ đang hành trì là giả mạo và không chân chính.

3. Công khai chỉ trích những bậc tôn kính và gièm pha, bôi nhọ những người đã thực sự phát khởi Bồ Đề Tâm, tung tin đồn sau lưng họ.

4. Lừa gạt người khác bằng cách che giấu lỗi lầm của mình và tự nhận về mình những phẩm tính mà mình không sở hữu. Đồng thời lừa dối người khác thông qua bất cứ thủ đoạn nào.

Phạm phải một trong bốn nhân tố này sẽ dẫn tới việc đánh mất Bồ Đề Tâm nguyện. Dù là vào thời điểm đầu, giữa hay cuối trong quá trình phạm lỗi, nếu người ta không sám hối lỗi lầm với tâm thức ăn năn hối cải mạnh mẽ, nếu không áp dụng pháp đối trị và nếu vượt quá thời hạn sám hối thì Bồ Đề Tâm sẽ bị mất.

Pháp đối trị tốt nhất cho bốn nhân tố đen là bốn nhân tố trắng bao gồm:

1. Không bao giờ nói dối hay cố tình lừa gạt bất kỳ ai dù phải đánh đổi mạng sống của mình.

2. Tôn kính và ngợi ca hết thảy chư Bồ Tát như thể họ chính là chư Phật.

3. Nỗ lực làm lợi lạc chúng sinh một cách chân thành trong cả ý nghĩ lẫn hành động.

4. Với những người mình có thể ảnh hưởng, hãy giúp họ thấm nhuần ước nguyện Bồ Đề Tâm và toàn tâm toàn ý dẫn dắt họ trên những giai đoạn của con đường tới giác ngộ viên mãn.

 

Giới luật thứ tư: bốn thái độ làm kiên cố Bồ Đề Tâm

 

Có bốn thái độ giúp cho Bồ Đề Tâm thêm kiên cố và bảo vệ nó khỏi bị thối chuyển. Kinh Định Vương nhắc tới bốn điều này như sau:

1. Coi bậc đạo sư Đại Thừa mà từ Ngài ta thọ nhận chân giáo pháp như là một vị Phật thực sự.

2. Coi giáo pháp bao la sâu thẳm như là con đường.

3. Coi tất cả chư Bồ Tát như là bạn đồng hành, bởi vì các Ngài là những bậc đang tu tập trên con đường Đại Thừa và có tri kiến, hành động hoà hợp với bản thân ta.

4. Coi mỗi chúng sinh trong vô lượng hữu tình chúng sinh như là đứa con duy nhất của mình.

Tất cả những hành trì này, bắt đầu với thực hành cho nhận tonglen và kết thúc với bốn tâm thái này tạo lên những giới luật của Bồ Đề Tâm nguyện, như đã được chắt lọc từ những giáo pháp của Kinh Điển Đại Thừa.

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan