HÃY MANG LẠI “Ý NGHĨA” CHO CUỘC ĐỜI VÔ NGHĨA - DÁM BỊ GHÉT - KISHIMI ICHIRO & KOGA FUMITAKE

HÃY MANG LẠI “Ý NGHĨA” CHO CUỘC ĐỜI VÔ NGHĨA

DÁM BỊ GHÉT - KISHIMI ICHIRO & KOGA FUMITAKE

Người dịch: Nguyễn Thanh Vân

Nhà Xuất Bản Lao Động

––o0o––

Triết gia: Ví dụ như, trong thế giới chúng ta đang sống luôn đầy rẫy những điều phi lý như chiến tranh hay thiên tai. Và chắc chắn một điều là ta không thể nói tới "ý nghĩa cuộc đời" bên cạnh những đứa trẻ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh và mất đi sinh mạng. Thế nghĩa là, cuộc đời không tồn tại một thứ ý nghĩa có thể xác định chung cho tất cả.
HÃY MANG LẠI “Ý NGHĨA” CHO CUỘC ĐỜI VÔ NGHĨA - DÁM BỊ GHÉT - KISHIMI ICHIRO & KOGA FUMITAKE

Chàng thanh niên: ... Ý thầy là gì?

Triết gia: Có lẽ cuộc tranh luận của chúng ta đã đi tới bên dòng nước. Uống nước hay không là tùy vào cậu.

Chàng thanh niên: Ôi, tâm lý học của Adler và triết học của thầy, có lẽ sẽ thay đổi con người tôi. Có lẽ tôi sẽ từ bỏ sự ngoan cố quyết "không thay đổi" để chọn một lối sống mới... Nhưng... Nhưng hãy cho tôi hỏi một điều cuối cùng!

Triết gia: Điều gì nào?

Chàng thanh niên: Khi cuộc đời là những khoảnh khắc tiếp nối, khi cuộc đời chỉ tồn tại "ngay tại đây, vào lúc này", thì ý nghĩa thực sự của cuộc đời là gì? Thầy bảo tôi sinh ra, vượt qua cuộc sống đầy khổ đau này rồi đón nhận cái chết để làm gì? Tôi không hiểu lý do của điều đó.

Triết gia: Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Con người sống để làm gì? Khi có người hỏi câu này, Adler đã trả lời rằng "Cuộc đời nói chung không có ý nghĩa".

Chàng thanh niên: Cuộc đời không có ý nghĩa ư?

Triết gia: Ví dụ như, trong thế giới chúng ta đang sống luôn đầy rẫy những điều phi lý như chiến tranh hay thiên tai. Và chắc chắn một điều là ta không thể nói tới "ý nghĩa cuộc đời" bên cạnh những đứa trẻ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh và mất đi sinh mạng. Thế nghĩa là, cuộc đời không tồn tại một thứ ý nghĩa có thể xác định chung cho tất cả.

Tuy nhiên, chứng kiến những bi kịch phi lý như vậy mà không hành động gì thì cũng đồng nghĩa với thừa nhận những bi kịch đó. Dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần phải có một hành động gì đó. Chúng ta phải cưỡng lại xu hướng mà Kant đã nói.

Chàng thanh niên: Đúng vậy, đúng vậy!

Triết gia: Vậy, nếu gặp phải thiên tai nặng nề thì việc nhìn lại quá khứ và tự hỏi "Tại sao lại xảy ra chuyện này?" theo kiểu thuyết nguyên nhân, liệu có ý nghĩa gì không?

Chính những lúc gặp khó khăn, chúng ta lại càng cần nhìn về phía trước và nghĩ xem, "Tiếp theo đây mình có thể làm được gì?"

Chàng thanh niên: Đúng là như vậy!

Triết gia: Bởi vậy mà, sau khi trả lời "cuộc đời nói chung không có ý nghĩa", Adler đã nói tiếp thế này: "Ý nghĩa cuộc đời là điều mà bản thân mỗi người tự mang lại".

Chàng thanh niên: Tự mang lại ư? Nghĩa là sao?

Triết gia: Trong chiến tranh, ông tôi bị một vết bỏng nặng trên mặt do bom cháy gây ra. Đây là một tai họa vô cùng phi lý, phi nhân đạo. Đương nhiên, nếu bị như thế, ông cũng có thể sẽ lựa chọn cách sống coi "thế giới là một nơi kinh khủng" và "mọi người đều là kẻ thù". Nhưng tôi được biết, mỗi lần ông lên tàu điện để đến bệnh viện, đều có những hành khách khác nhường chỗ cho ông. Chuyện này tôi nghe mẹ kể lại nên không biết ông thực sự đã nghĩ gì. Nhưng tôi tin rằng ông đã lựa chọn lối sống coi "mọi người là bạn, và thế giới là một nơi tuyệt vời".

Đó chính là điều mà Adler đã nói tới. "Ý nghĩa cuộc đời là điều mà bản thân mỗi người tự mang lại". Cuộc đời nói chung không có ý nghĩa. Tuy nhiên, cậu có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Không ai khác ngoài chính cậu có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của cậu.

Chàng thanh niên: ... Vậy, thầy hãy chỉ cho tôi! Tôi phải làm thể nào để mang lại ý nghĩa xứng đáng cho một cuộc đời vô nghĩa? Tôi vẫn chưa có được sự tự tin đó!

Triết gia: Cậu đang hoang mang trước cuộc đời mình. Tại sao cậu lại hoang mang? Đó là vì cậu đang muốn chọn "tự do", nghĩa là chọn con đường của riêng mình mà không sợ bị người khác ghét, không phải sống cuộc đời của người khác.

Chàng thanh niên: Đúng vậy! Tôi muốn chọn hạnh phúc, chọn tự do!

Triết gia: Khi người ta muốn chọn tự do thì việc hoang mang lạc lối cũng là điều đương nhiên thôi. Vì vậy, tâm lý học Adler đã đưa ra một "ngôi sao dẫn đường" làm định hướng dẫn đến cuộc đời tự do.

Chàng thanh niên: Ngôi sao dẫn đường ư?

Triết gia: Giống như người lữ hành phải dựa vào sao Bắc Cực, cuộc đời của chúng ta cũng cần có "ngôi sao dẫn đường". Đây là luận điểm quan trọng của tâm lý học Adler. Lý tưởng lớn đó là: Chỉ cần không đánh mất định hướng, kiên định nhằm thẳng hướng đó mà đi thì chắc chắn sẽ có hạnh phúc.

Chàng thanh niên: Ngôi sao đó là gì?

Triết gia: Cống hiến cho người khác.

Chàng thanh niên: ... Cống hiến cho người khác!

Triết gia: Cho dù cậu trải qua những khoảnh khắc như thế nào, cho dù có người ghét cậu, chỉ cần cậu không đánh mất ngôi sao dẫn đường là "cống hiến cho người khác", thì cậu sẽ không lạc lối và làm gì cũng được. Hãy cứ sống tự do, ai ghét mình thì cứ để họ ghét.

Chàng thanh niên: Chỉ cần nhìn theo ngôi sao cống hiến trên bầu trời thì sẽ luôn hạnh phúc, luôn có bạn bè!

Triết gia: Và hãy trân trọng sống trong từng sát-na "ngay tại đây, vào lúc này". Không nhìn lại quá khứ, không nhìn về tương lai. Hãy sống từng khoảnh khắc trọn vẹn, như đang khiêu vũ vậy. Không cần ganh đua với ai, cũng chẳng cần đích đến. Cứ khiêu vũ, chắc chắn rồi sẽ tới một nơi nào đó.

Chàng thanh niên: Một "nơi nào đó" mà không ai biết!

Triết gia: Cuộc đời trong trạng thái hoạt động hiện thực là thế đấy. Bản thân tôi, dù có nhìn lại phần đời đã qua thì cũng không thể giải thích rõ được tại sao lại có tôi "ngay tại đây, vào lúc này".

Tôi định học triết học Hy Lạp, vậy mà không biết từ lúc nào đã học luôn cả tâm lý học Adler, và giờ thì đang tâm sự với một người bạn không thể thay thế là cậu như thế này. Điều này, không gì khác, chính là kết quả của việc đã khiêu vũ trong từng khoảnh khắc. Ý nghĩa cuộc đời đối với cậu sẽ chỉ sáng tỏ khi cậu khiêu vũ hết mình "ngay tại đây, vào lúc này".

Chàng thanh niên: ... Sẽ sáng tỏ phải không? Tôi, tôi tin thầy!

Triết gia: Vâng, hãy tin tôi. Nhiều năm sống cùng với tư tưởng của Adler, tôi đã dần dà nhận ra một điều.

Chàng thanh niên: Điều gì vậy?

Triết gia: Đó là "sức mạnh của một con người rất lớn", mà không, phải nói rằng "Sức mạnh của tôi lớn đến mức không thể đo đếm được".

Chàng thanh niên: Ý thầy là gì?

Triết gia: Nghĩa là, nếu "tôi" thay đổi, "thế giới" sẽ thay đổi. Thế giới không phải là nơi ai đó thay đổi cho tôi mà chỉ có thể thay đổi do "tôi". Thế giới trong con mắt tôi sau khi đã biết đến tâm lý học Adler không còn là thế giới như trước nữa.

Chàng thanh niên: Nếu tôi thay đổi, thế giới sẽ thay đổi. Ngoài tôi ra, chẳng ai thay đổi thế giới cho tôi cả...

Triết gia: Điều này cũng giống như cú sốc của người cận thị lâu năm lần đầu đeo kính. Những đường viền nhạt nhòa của thế giới bỗng trở nên sắc nét, đến cả màu sắc cũng trả nên rạng rỡ hơn. Không những thế, không chỉ một phần tầm nhìn trước mặt trở nên rõ ràng mà toàn bộ thế giới ta nhìn thấy đều sáng rõ hơn. Cậu sẽ hạnh phúc biết mấy nếu có được trải nghiệm như thế.

Chàng thanh niên: ... Ôi, tôi tiếc quá! Tiếc vô cùng!! Giá mà tôi biết sớm hơn mười năm, mà không, chỉ năm năm thôi cũng được. Nếu tôi của năm năm trước, tôi từ trước khi đi làm biết đến tư tưởng của Adler thì...!

Triết gia: Không, không phải vậy. Cậu ước rằng "Giá mình biết từ mười năm trước" chính là vì tư tưởng Adler đã cộng hưởng với "cậu của hiện tại". Không ai biết cậu của mười năm trước sẽ cảm thấy thế nào. Cho nên câu chuyện này, cậu phải nghe vào chính lúc này!

Chàng thanh niên: ... Đúng vậy, đúng là phải như vậy!

Triết gia: Một lần nữa, tôi xin tặng cậu câu nói của Adler. "Phải có ai đó đi bước đầu tiên. Dù những người khác không hợp tác cũng chẳng liên quan đến cậu. Lời khuyên của tôi thế này. Cậu cần phải đi bước trước. Đừng nghĩ đến chuyện người khác có hợp tác hay không."

Chàng thanh niên: Tôi không biết có phải tôi đã thay đối, và từ đó thế giới tôi nhìn thấy cũng thay đổi hay không. Nhưng, tôi có một niềm tin vững chắc, rằng "ngay tại đây, vào lúc này" đang tỏa sáng rực rỡ. Đúng vậy, chói lòa đến mức không nhìn thấy chút gì của ngày mai nữa!

Triết gia: Tôi tin rằng cậu đã uống nước. Nào, hỡi người bạn trẻ đi đằng trước, chúng ta hãy cùng bước đi nhé.

Chàng thanh niên: ... Tôi cũng tin thầy. Hãy tiến bước, cùng nhau! Và cảm ơn thầy đã dành nhiều thời gian cho tôi.

Triết gia: Chính tôi cũng phải cảm ơn cậu.

Chàng thanh niên: Và, xin thầy hãy cho phép tôi lại được tới căn phòng này! Với tư cách là một người bạn không thể thay thế. Tôi sẽ không nhắc gì đến chuyện phản bác nữa đâu!

Triết gia: Ha ha ha. Cuối cùng thì cậu đã nở một nụ cười đúng là của một chàng trai trẻ. Ồ, muộn lắm rồi. Chúng ta hãy chia tay để về với đêm của riêng mình, rồi đón một bình minh mới nhé.

❄❄❄❄❄❄❄❄❄

Chàng thanh niên thong thả buộc dây giày, rời khỏi nhà Triết gia. Bên ngoài khung cửa, tuyết đã phủ kín mặt đất từ lúc nào. Ánh trăng rằm vành vạnh soi xuống tuyết dưới chân anh. Bầu không khí thật trong trẻo. Và ánh sáng thật chói lòa. Mình đang giẫm lên tuyết đầu mùa mà đi bước đầu tiên. Hít một hơi thật sâu, rồi vuốt nhẹ những sợi râu mới nhú, khẽ thì thầm từng tiếng rõ ràng, “Thế giới đơn giản, và cuộc đời cũng vậy.”

 

 

Bài viết liên quan