HẾT MỌI NGÀY TRONG ĐỜI CHÚNG TA - TĨNH LẶNG VÀ HIỂU BIẾT: THIỀN VÀ KINH THÁNH - RUBEN L.F. HABITO

HẾT MỌI NGÀY TRONG ĐỜI CHÚNG TA

TĨNH LẶNG VÀ HIỂU BIẾT: THIỀN VÀ KINH THÁNH - RUBEN L.F. HABITO

-----o0o-----

Tôi có thể nằm nghỉ trên đồng cỏ xanh tươi. Tôi được hướng dẫn trong dòng nước yên bình hay tĩnh lặng. Tôi được hướng dẫn trong dòng nước yên tĩnh, thông qua dòng nước yên tĩnh, tôi được dẫn lối. Linh hồn tôi được phục hồi.
HẾT MỌI NGÀY TRONG ĐỜI CHÚNG TA - TĨNH LẶNG VÀ HIỂU BIẾT: THIỀN VÀ KINH THÁNH - RUBEN L.F. HABITO

Ruben L.F. Habito là một linh mục Dòng Tên truyền giáo ở Nhật Bản khi bắt đầu cuộc tìm kiếm tâm linh. Tại đây, ông thực hành dưới sự dẫn dắt của Yamada Kōun, một thiền sư dạy các học viên Cơ đốc giáo, điều này là không bình thường vào thời điểm đó. Năm 1988, Habito nhận truyền pháp từ Yamada. Sau đó ông rời khỏi dòng Tên vào năm 1989, và  vào năm 1991 ông thành lập Trung tâm Thiền Maria Kannon (Maria – Quan Âm), một tổ chức giáo dân ở Dallas, Texas và là giảng viên hướng dẫn tại đây. Ông giảng dạy tại Trường Thần học Perkins, Đại học Southern Methodist. Ông là tác giả của những tác phẩm như là: Thể nghiệm Phật giáo: Con đường của Trí tuệ và Từ bi (Orbis, 2005), Sống thiền, Yêu Chúa (Wisdom Publications, 1995), Thiền và các bài tập tâm linh (Orbis, 2013), và nhiều tác phẩm khác bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.

-----o0o-----

Phần còn lại của Thánh Vịnh 23 chỉ là sự khai thị những gì liên quan đến việc gặp gỡ cái TÔI LÀ. Khi một người đã thừa nhận TÔI LÀ người chăn dắt cuộc đời của mình, khi một người đã thực sự thuộc về, không phải trong một nhóm nhỏ bị khai trừ hoặc ly khai bởi những người khác, mà thực sự thuộc về tất cả những gì TÔI LÀ, thì bấy giờ người ta có thể để nắm lấy mỗi và mọi yếu tố trong vũ trụ này, mỗi và mọi chúng sinh như chính bản thân của mình. Cảm thức thuộc về chân thật đó, khiến chúng ta thấy mình được kết nối với mọi người, cảm thức đó là chúng ta là ai.

Tôi có thể nằm nghỉ trên đồng cỏ xanh tươi.

Tôi được hướng dẫn trong dòng nước yên bình hay tĩnh lặng.

Tôi được hướng dẫn trong dòng nước yên tĩnh, thông qua dòng nước yên tĩnh, tôi được dẫn lối.

Linh hồn tôi được phục hồi.

Tôi sẽ được dẫn lối trên con đường công chính,

Dù bước đi trong thung lũng bóng tối,

Tôi sẽ không sợ điều ác,

Vì Người đang ở với tôi.

Côn và trượng của Người, chính chúng an ủi tôi.

Người đã dọn bàn tiệc trước mặt tôi trong sự chứng kiến của quân thù, những kẻ áp bức tôi.

Người đã xức dầu trên đầu tôi.

Chén của tôi đầy tràn.

Đó là chúng ta là ai khi chúng ta trải nghiệm TÔI LÀ. Cảm giác bình yên sâu sắc và niềm vui và lòng biết ơn vỡ oà từ chính con người của chúng ta chạm đến tất cả mọi người chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà không cần phô trương.

Lòng nhân hậu và lòng thương xót, tov va hesed, đề cập đến sự tốt lành tuyệt đối được đề cập đến trong sách Sáng thế ký đã nói rằng, Thượng Đế đã thấy điều đó là tốt đẹp. Đó là cảm giác về lòng tốt tuyệt đối, một sự khẳng định về lòng tốt mà chúng ta toát ra từ bản thể chúng ta như được tạo dựng theo hình ảnh của Thượng Đế. Cùng với điều đó, chúng ta có lòng thương xót, sự tuôn chảy lòng bi mẫn của Thượng Đế, niềm thương xót bao trùm tất cả trong sự tuôn chảy của tình yêu và ân sủng.

Chúng sẽ ấp ủ tôi suốt mọi ngày trong đời,

Và tôi sẽ ở trong nhà TÔI  LÀ những ngày dài triền miên.

Thánh vịnh giảng giải những gì mà việc nhận ra TÔI LÀ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Hình ảnh đồng cỏ xanh tươi, nơi tất cả chúng sinh có thể nghỉ ngơi và tìm nguồn dinh dưỡng cùng nhau gợi lên một bối cảnh trong một đoạn văn khác trong thánh thư tiếng Do Thái, nơi sư tử nằm cùng con cừu non (Ê-sai 11: 6), mà chúng ta sẽ xem xét một chút sau đây liên quan với một đoạn văn kế đó. Làm thế nào mà hai sinh vật vốn là thiên địch, lại có thể nằm cùng nhau trong hòa bình?

Chúng ta được mời ngồi vào một bàn tiệc, nơi chúng ta chia sẻ với những người mà chúng ta sẽ gọi là quân thù nhưng họ thực sự không phải là quân thù. Họ là một phần của chúng ta khi chúng ta đến và trở về nhà TÔI LÀ. TÔI LÀ là một cái gì đó mà chúng ta có thể gắn bó thân thiết với mỗi và mọi người chúng ta gặp. Chúng ta tổ chức tiệc cùng nhau ở nơi mà chúng ta có thể chúc tụng sự hiện diện của chúng ta. Có những sự kiện như thế trên thế giới này. Đó chính xác là những gì mang lại cho tất cả chúng ta hy vọng. Làm người là có khả năng ca tụng phẩm tính đó. Điều này cho phép chúng ta ăn mừng. Thật tốt khi được sống. Nó tốt là vì khả năng đó vượt qua những ranh giới và công nhận lẫn nhau. Đó là những đồng cỏ xanh tươi.

Qua dòng nước yên tĩnh, tôi được dẫn dắt. “Nước yên tĩnh” là một cách diễn dịch khác. Chúng ta hãy đón nhận gợi ý và tiếp tục trau dồi sự tĩnh lặng trong bản thân. Khi sự tĩnh lặng trở nên rõ ràng hơn, chúng ta sẽ thấy nó có thể được nuôi dưỡng như thế nào. Tiểu thuyết gia Thomas Hardy mô tả cuộc sống con người như một sa mạc với một hoặc hai ốc đảo. Đây là ốc đảo mà tất cả chúng ta được mời đến ở và nhận lấy nguồn dinh dưỡng của chúng ta, nơi tĩnh lặng nơi chúng ta có thể thực sự đặt chân vào TÔI LÀ. Bạn không bao giờ phải rời khỏi ốc đảo đó, một khi bạn đã khám phá ra nó ở đâu. Nó ở ngay đây, ngay nơi bạn đang ở với từng hơi thở. Đó là một lời mời gọi để có mặt ở đó. Tất cả nguồn dinh dưỡng mà chúng ta sẽ cần cho cuộc sống của mình, qua tất cả những gập ghềnh trắc trở và qua tất cả những quanh co khúc khuỷu mà chúng ta sẽ gặp phải - tất cả nguồn nuôi dưỡng đều ở ngay đó, hít vào và thở ra, nó sẵn có cho chúng ta.

Tôi sẽ được dẫn dắt trên con đường của sự công chính. Sự công chính này có trong tiếng Do Thái là tsedek, và trong tiếng Hy Lạp là dikaiousune, đánh dấu một người “được cứu rỗi”. Đây là sự công chính trước Thượng Đế và trước toàn thể cộng đồng nhân loại. Nhưng đó không phải là sự công chính tự xưng với ý thức lên án những người khác không công chính, mà nó chỉ đơn giản là sự khẳng định điều chân thực nhất của mỗi sự vật và mỗi con người. Đây là cách để trở thành một con người công chính.

Theo truyền thống Á Đông, Con đường, Đạo, được coi như một thứ hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống của chúng ta trên trái đất này theo ba cấp độ. Nó được hiểu là đạo của vũ trụ, đạo của vạn vật, đạo của thế gian. Cấp độ thứ hai là đạo của tự nhiên, tại sao hoa nở, tại sao cây cối đứng sừng sững, tại sao mùa xuân tiếp nối mùa đông rồi đến mùa hè và mùa thu thay lá, v.v., đó là đạo của tự nhiên. Cấp độ thứ ba là đạo mà con người được kêu gọi để sống hòa thuận với nhau. Nếu ba cấp độ đó của Đạo được tích hợp trong cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta thực sự sẽ bình an. Từ góc độ đó, cụm từ này trong Thánh vịnh 23, tôi sẽ được dẫn lối trên con đường công chính, là một lời mời gọi chúng ta sống trong Con đường đó.

Bây giờ, tôi muốn lấy một gợi ý từ một công án trong truyền thống Thiền tông nói về Đạo. Thế nào là Đạo? Làm thế nào chúng ta có thể sống theo đạo trong cuộc đời của chúng ta?

Trong công án này, chúng ta thấy Thiền sư Triệu Châu, người còn được biết đến trong công án Vô được mô tả trước đó, khi ông vẫn còn là một thanh niên khao khát bắt đầu khởi động cuộc hành trình tâm linh của mình. Đây là tắc 19 của tập công án có tên là Vô môn Quan.

Triệu Châu hỏi Sư phụ Nam Tuyền, “Thế nào là Đạo?”

Nam Tuyền trả lời, “Tâm bình thường là Đạo.”

Triệu Châu hỏi, "Con nên hướng mình đến nó như thế nào?"

Nam Tuyền trả lời, "Nếu con hướng mình đến nó, con sẽ đi ngược lại nó."

Triệu Châu hỏi, “Nhưng nếu con không hướng mình đến nó, làm sao con biết được đó là Đạo?”.

Nam Tuyền trả lời, "Đạo vượt ra ngoài sự biết và không biết. Biết là vọng giác. Không biết là vô ký. Khi con đã đạt đến Đạo không còn nghi gì nữa, con sẽ thấy nó bao la và rộng lớn như một nền tảng vĩ đại. Làm sao có thể nói được mức độ đúng và sai?

Triệu Châu ngay lời đó chợt tỉnh ngộ.

“Tâm bình thường là Đạo” điều này có nghĩa là gì?, Nam Tuyền đang nói với chàng trai trẻ Triệu Châu, người tìm kiếm tâm linh tha thiết, rằng anh ta không cần phải làm bất cứ điều gì đặc biệt hay khác thường để nhận ra Đạo. Thức dậy vào ban mai, rửa mặt và ăn sáng, đi làm đồng về mệt, lau mồ hôi trên trán, trưa về ăn cơm trưa, nghỉ ngơi rồi quay lại. Cười, khóc, nhảy, ngồi, ngủ. Tất cả chúng là Đạo.

Chúng ta hãy đón nhận gợi ý về điều đó. Khi bạn hỏi, Con người thật của tôi là gì? Hay, tôi là ai? câu trả lời là tất cả ở đó, trong mỗi và mọi sự kiện của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những gì bạn đang tìm kiếm ở ngay đó, khi bạn làm tất cả những điều bạn làm cũng như chính bạn.

“Tâm bình thường là Đạo”. Triệu Châu hiểu được khái niệm đó và hỏi, "Nếu vấn đề chỉ là làm những gì con đang làm, thì con nên hướng bản thân mình về phía đó như thế nào, nếu đó là Đạo?" Nam Tuyền trả lời, “Nếu con hướng bản thân về phía nó, con sẽ đi ngược lại nó.” Nếu bạn có chủ đích đặt ra cho mình một mục tiêu hoặc mục đích mà bạn muốn đạt được và sau đó hướng bản thân về phía đó, thì bạn thực sự đang tách mình ra khỏi nó bằng cách đang làm như vậy. Triệu Châu giật mình, thấy một nghịch lý ở đây. Tôi muốn biết Đạo. Tôi muốn sống theo đạo. Tôi muốn cống hiến toàn bộ con người của mình để khám phá Đạo, nhưng thầy nói với tôi, "Nếu con hướng mình đến nó, con sẽ đi ngược lại nó. ” Tôi phải thực hiện điều đó như thế nào? Ông đang bế tắc ở đây. Thiền sư Nam Tuyền chỉ ra điều gì ở đây? Nếu chúng ta nghĩ rằng có một Đạo "ngoài kia" mà chúng ta có thể theo đuổi, và vì vậy chúng ta cố gắng theo đuổi nó, thì trong chính suy nghĩ đó, chúng ta đã tự chia rẽ mình, tách mình ra khỏi Con đường Chân chính. Chính ý nghĩ muốn đạt được Đạo trở thành một trở ngại cho việc nhận ra nó.

Tóm lại, Ngài Nam Tuyền nói, “Đừng theo đuổi nó như thể nó là thứ gì đó ở trước mặt con, bên ngoài con, tách biệt khỏi con.” Điều này giống như một con chó nhìn thấy đuôi của chính mình và cố gắng ngoạm lấy nó bằng miệng. Cố gắng làm như vậy, nó sẽ chỉ đi vòng quanh mãi mãi, không bao giờ đạt được những gì nó muốn trong tuyệt vọng.

Vì vậy, Triệu Châu một lần nữa, với trái tim thuần khiết và thẳng thắn của mình, hỏi, "Nhưng sau đó làm sao con có thể biết rằng đó là Đạo, nếu con không hướng bản thân mình về phía nó?" Câu trả lời của Ngài Nam Tuyền đúng là hình mẫu của một Thiền sư. “Con đường nằm ngoài việc biết hay không biết. Nó bao la và rộng lớn như nền tảng trống không. Làm thế nào con có thể theo đuổi nó trong giới hạn biết và không biết, giới hạn đúng và sai? " Ở đó Ngài Nam Tuyền đảm bảo với Triệu Châu, việc bạn theo đuổi hay không theo đuổi không phải là vấn đề. Đạo chỉ đơn giản là bạn đang hiện diện. Triệu Châu thức tỉnh và ngộ ra điều này.

Khi chúng ta tìm cách hiện thực hoá Đạo trong cuộc sống của mình, chúng ta được khuyên đừng nghĩ rằng Đạo ở ngoài kia mà chúng ta có thể theo đuổi nếu dành đủ nỗ lực và thời gian thiền định. Chúng ta được xác thực rằng chúng ta đã ở giữa điều mà chúng ta đang theo đuổi một cách nghiêm túc bằng cả trái tim và tâm trí của mình. Đạo ở trong bạn! Đây cũng là tên một cuốn sách được xuất bản bởi linh mục dòng Tên Niklaus Brantschen, cũng là một Thiền sư: Đạo ở trong bạn.

Nhưng đừng nghĩ rằng nó là "trong bạn" đối lập với một cái gì đó "bên ngoài bạn." Một lần nữa, nó không phải là thứ phân tách bên ngoài với bên trong. Bạn đang ở ngay giữa nó, vì vậy chỉ cần mở mắt ra. Nó giống như một con cá hỏi nước ở đâu? Chỉ cần thư giãn và bơi lội, thậm chí không nghĩ đến việc bơi lội, hãy cứ như bạn là và ở đó Đạo hiển lộ đầy đủ. Đó là gợi ý mà chúng ta đang nhận được từ công án này.

Tôi sẽ được dẫn lối trên con đường công chính. TÔI LÀ sẽ là người dẫn đường cho tôi, trong việc đi trên con đường công chính, con đường vĩnh hằng, con đường của vũ trụ, con đường tự nhiên, con đường nhân sinh đưa đến sự hoà bình và hòa hợp trong bản thân tôi và với toàn thể vũ trụ. Tôi sẽ được hướng dẫn như thế nào? Ai sẽ là người hướng dẫn tôi? Côn và trượng của Người sẽ an ủi tôi. Chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ về côn và trượng đó như là một cây gậy chăn gia súc ở ngoài, và nếu chúng ta đi sai đường, chúng ta có thể bị đánh và yêu cầu đứng thẳng dậy. Nhưng một lần nữa, nó không phải là kiểu trừng phạt bên ngoài mà điều này chỉ ra. Chính giọng nói sẵn có đó cho chúng ta biết tất cả về Con đường là gì. Chính tiếng nói bên trong tĩnh lặng, thầm lặng đảm bảo cho chúng ta rằng chúng ta đang đi trên con đường đúng. Theo truyền thống Công giáo, chúng ta gọi đó là lương tâm. Đây cũng là điều hướng dẫn chúng ta trong sự suy tư của con người về cách sống một đời sống đạo đức. Cái mà chúng ta gọi là lương tâm ngay thẳng và nói với chúng ta, một cách tức thời và gần gũi, chúng ta phải sống như thế nào, và đừng đi chệch hướng. Tiếng nói lương tâm này có trong mỗi người chúng ta. Bạn sẽ biết mình phải làm gì và phản ứng như thế nào: chỉ cần lắng nghe tiếng nói bên trong đó.

Ngoài ra, trong thánh thư Tân Ước, “Khi người ta đặt anh em trước tòa án và hỏi tội, đừng lo nghĩ phải nói gì trước tòa án, vì Thánh Linh sẽ dẫn dắt anh em” (Lu-ca 11:12). Đó là cái đã có sẵn trong bạn, đã hướng dẫn bạn trên mọi con đường và kéo bạn ra khỏi hư vô, chính sức mạnh đó sẽ cho phép bạn nói những gì bạn cần nói. Hãy tin tưởng rằng nó đã có sẵn trong chúng ta. Con đường của chúng ta để quay lại điều đó chỉ đơn giản là trở lại tại đây và bây giờ, nơi mà tiếng nói của TÔI LÀ có thể nghe thấy và cảm nhận được nhiều nhất trong cuộc đời của chúng ta.

Dù bước đi trong thung lũng bóng tối, tôi sẽ không sợ điều ác. Điều này không có nghĩa là tôi sẽ không bị tổn hại gì, cũng như những người tôi yêu quý. Chúng ta có một thế giới nơi có quá nhiều bạo lực đang diễn ra, quá nhiều hận thù và quá nhiều xung đột. Cái ác là một thực tế. Nó khiến nhiều người đau lòng. Thật tệ là 20.000 trẻ em chết vì những nguyên nhân liên quan đến nạn đói mỗi ngày trên trái đất này. Cái ác là nguyên nhân khiến cho những cánh rừng và nhiều điểm xanh bị san bằng và dần dần bị biến thành sa mạc hoặc những điểm hoang tàn, nó là cái ác khiến trái đất của chúng ta bị chất chồng những chất thải độc hại. Điều ác đã gây ra tất cả những nỗi đau của trẻ em ở những nơi xung đột, ở những nơi mà mọi người phải bỏ quê hương của họ và bị đưa đến những nơi mà họ không biết và đặt trong những điều kiện sống bấp bênh. Đó là thực tế mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày: trái đất của chúng ta bị thương nặng; cái ác ở khắp mọi nơi. Điều mà Thánh vịnh đang nói không phải là sẽ không có điều ác, nhưng “dù bước đi giữa thung lũng bóng tối, tôi sẽ không sợ điều ác.” Cái ác ở xung quanh chúng ta, làm tê liệt ta để ta không thể làm gì trước nó, ta sẽ không sợ hãi gì. Không, Đạo sẽ hướng dẫn chúng ta làm thế nào để chúng ta tự ứng xử giữa sự tàn bạo và xấu xa này; Đạo sẽ cho phép chúng ta trải nghiệm sự bình an sâu sắc bên trong giữa tất cả những điều này. Giữa hiểm nguy, giữa xung đột, chúng ta sẽ biết mình đứng ở đâu; chúng ta sẽ biết phải bước tới đâu và ứng phó như thế nào, chúng ta được dẫn dắt bởi Đạo, được dẫn dắt trong nền tảng TÔI LÀ. Nó giống như ở trong mắt của cơn bão, nơi mà trong tất cả những hỗn loạn và bạo lực xung quanh chúng ta, chúng ta sẽ biết nơi đó bình yên. Chúng ta sẽ không trốn tránh sự hỗn loạn nhưng sẽ ở giữa nó và đem nơi bình yên đó đến với tất cả mọi người. Nếu chúng ta đã tìm thấy nơi bình yên đó, nơi chúng ta là một với TÔI LÀ, thì đó là những gì chúng ta có thể cống hiến cho thế giới, một món quà của hòa bình, một thứ hòa bình mà không ai có thể lấy đi từ bất kỳ ai thực sự đặt chân vào nó.

Người đã dọn bàn tiệc trước tôi trước sự chứng kiến của kẻ thù. Đó là sự hy vọng tương tục. Đó là một viễn cảnh không ngừng thu hút chúng ta, để có một bàn tiệc như vậy, nơi chúng ta có thể tiệc tùng với những kẻ được gọi là kẻ thù của mình, và có thể chúc tụng cuộc sống của chúng ta cùng nhau.

Ở đây, tôi nhớ lại một cảnh rất sống động trong một bộ phim có tên là Những chốn trong Tim (Places in the Heart) do Robert Benton đạo diễn. Sally Field đóng vai chính trong bộ phim này, mô tả cuộc sống trong thời khủng hoảng vào những năm 1930 tại một thị trấn ở miền nam Hoa Kỳ. Nhân vật của Sally Field là một bà nội trợ tên Edna, kết hôn với cảnh sát trưởng của thị trấn và có con nhỏ. Chúng ta thấy họ đang tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ như một gia đình hạnh phúc cùng nhau. Rồi một bi kịch xảy ra. Cảnh sát trưởng được gọi vào một đêm khi họ đang ăn tối. Có tiếng súng nổ ra. Những cảnh tiếp theo cho thấy cảnh sát trưởng đã chết, vô tình bị giết bởi một cậu bé da đen trong vùng, tên là Wylie, người tình cờ nghịch súng. Những người dân trong thị trấn tập trung lại với nhau trong cơn giận dữ, bắt giữ cậu và hành hình cậu, lôi xác cậu sau một chiếc xe tải và đưa nó đi khắp thị trấn. Có những cảnh đáng buồn và kinh khủng ở khắp nơi. Sau đó, bộ phim tiếp tục mô tả Edna tiếp tục cuộc sống của mình, mất chồng, cố gắng nuôi dạy con cái tốt nhất có thể, đấu tranh để cứu giữ và duy trì trang trại gia đình của họ, điều mà cô có thể làm với sự giúp đỡ của một người mù và một người lang thang trước đây trở thành một tay làm nông trung thành. Đến cuối phim là cảnh tôi muốn nhấn mạnh ở đây. Đó là một cảnh phi thực, nơi chúng ta thấy tất cả các nhân vật ngồi trên băng ghế trong nhà thờ, và chúng ta thấy khuôn mặt của từng nhân vật được quay cận cảnh từng người một. Có Edna với các con của cô ấy và cảnh sát trưởng chồng cô ấy đang ngồi cạnh nhau. Và sau đó bên cạnh anh ta, có Wylie, cậu bé da đen đã giết cảnh sát trưởng, người đã bị tra tấn và giam giữ bởi đám đông, cũng đang ngồi đó trong bộ quần áo Chủ nhật đẹp nhất của anh ta. Sau đó, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của những người dân thị trấn khác nhau, những người đã tham gia vào cuộc hành hình, cũng ngồi đó trên băng ghế. Họ đang chuyền một đĩa đầy Bánh, Bí tích Thánh Thể, trao cho người bên cạnh, từng người một. Bộ phim kết thúc với cảnh Wylie chào cảnh sát trưởng, "Bình an của Thượng Đế."

Cảnh cuối cùng của bộ phim mời chúng ta đến với những giây phút chiêm nghiệm. Những cá nhân khác nhau đã xuất hiện trong phim, cả sống và chết, được thể hiện trong cảnh này, họ đang ngồi trong nhà thờ, truyền Bánh từ người này sang người khác. Chúng ta thấy họ ở đây trong ngày Chủ nhật đẹp nhất của họ, nhưng chúng ta cũng nhận ra ở mỗi người những cuộc tranh đấu riêng, lời nói và hành động của họ đối với nhau, như cấu thành tất cả những gì họ đang có. Những vết thương đã đánh dấu cuộc sống riêng của họ trên trái đất được gánh chịu bởi mỗi người ngay cả khi họ chỉ ngồi ở đó, và tất cả những điều đó được thể hiện trên khuôn mặt của họ khi chúng ta ngắm nhìn họ ngồi đó trên băng ghế. Và tất cả những điều đó được đón nhận, chấp nhận và được tha thứ khi họ cùng nhau nhận lấy Bánh trong lễ tạ ơn Thánh Thể. Đó thực sự là một cảnh phi thực, nhưng nó mời gọi chúng ta xem xét những gì mà “bữa tiệc trước kẻ thù của con người” đòi hỏi những gì. Nó đưa ra một cái nhìn trong đó chúng ta có thể chúc tụng lẫn nhau và vượt qua sự đối lập khiến chúng ta chống lại nhau trong sự tồn tại giới hạn và hữu hạn này của chúng ta. Chúng ta được mời xem viễn cảnh mà tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia, nơi thực sự cừu con có thể ngồi cạnh bên sư tử (Ê-sai 11: 6) trong hòa bình và hòa thuận, nơi chúng ta có thể tiệc tùng cùng nhau với những người chúng ta đã coi là kẻ thù của mình, và cùng nhau chúc tụng sự hiện diện của chúng ta.

Cảnh tượng cảm động này cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về nước trời mà chúng ta đang nói đến ở đây, nước trời đang ở giữa chúng ta, thứ mà chúng ta được gọi mời để nhận ra và hiện thực trong đời sống cá nhân của chúng ta. Nước Người trị đến. Ý Người thể hiện dưới đất cũng như ở trên trời. Thiên đường ở bên kia, trở về nhà ở bên này, nơi chúng ta đang ở và nơi chúng ta chèo lái cuộc đời mình, theo cách trở nên hiển hiện và biểu lộ ngay tại đây. Một lần nữa thông điệp dành cho chúng ta là: "Đừng trông chỗ này chỗ kia." Chúng ta không cần cố gắng nắm bắt nó ở đâu đó ngoài kia, bên ngoài chúng ta, hoặc trong một tương lai xa nào đó. Nước trời đang ở giữa chúng ta.

Chỉ khi mỗi người trong chúng ta có thể vun đắp cho tâm mình dựa trên nền tảng là TÔI LÀ, thứ mà bao trùm từng người và tất cả mọi người, cho dù họ có xuất thân như thế nào, dù họ là ai hay họ là gì, thì điều đó luôn thể diễn ra. Nó bắt đầu ngay tại đây, với chúng ta, vì chúng ta có thể bao dung với mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là những người làm phiền chúng ta ở nơi làm việc hoặc tại nhà, đặc biệt là những người mà chúng ta cảm thấy khó hòa hợp, đặc biệt là những người ác ý với chúng ta bằng lời nói hoặc thậm chí đe doạ chúng ta. Nếu chúng ta nối kết với họ với cùng một sự thù hận, thì chúng ta sẽ ngăn viễn cảnh đó xảy ra. Chính trong tâm chúng ta, chúng ta có thể cho phép điều đó xảy ra khi mỗi người chúng ta gỡ bỏ những rào cản, thứ ngăn cách con người hoặc chúng sinh với nhau. Khi chúng ta dọn dẹp bên trong chúng ta, ngôi nhà đó có thể chào đón tất cả chúng sinh cùng chung một nhà, chúng ta tiến đến mức có thể ăn mừng với kẻ thù của chúng ta.

Người đã xức dầu trên đầu tôi. Việc xức dầu là một hình ảnh quan trọng trong kinh thánh Tân Ước tiếng Do Thái vì từ Đấng cứu thế (Mêsia) có nghĩa là Đấng được xức dầu. Nếu một người đọc nó theo cách này, "Người đã xức dầu trên đầu tôi," mỗi người có thể đọc thánh vịnh và thổ lộ với lòng biết ơn rằng "Người đã xức dầu trên đầu tôi," không phải vì bất kỳ công lao của tôi, không phải vì bất kỳ việc tốt nào tôi đã làm như một phần thưởng, nhưng một cách vô cớ, một cách hoàn toàn đầy ân điển: “Người đã xức dầu trên đầu tôi, đã làm cho tôi đầy phước hạnh.” Ai là Đấng cứu thế (Mêsia), Đấng được xức dầu? Theo cách đặc biệt của riêng bạn, đó là bạn, đó là mỗi người trong chúng ta, và chúng ta cũng sẽ gặp những người được xức dầu khác, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta sẽ cùng chúng tụng sự hiện diện của nhau. Hãy lắng nghe điều này. Đó là bạn. TÔI LÀ, chính là bạn.

Chén của tôi đầy tràn. Đó là điều mà chúng ta có thể đã nghe và đã được kết nối với tất cả những thứ khác đã được lưu tâm đến trước đó. Chúng ta không còn sống theo một kiểu sống tuyệt vọng đang tìm kiếm, mong muốn hay nắm bắt một thứ gì đó mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không có. Giờ đây, chúng ta đã tìm thấy chốn bình yên, đã trở về nhà, nơi chúng ta được kết nối với tất cả những gì đang có, giờ đây cốc của tôi tràn ngập niềm hân hoan và niềm vui, và cũng tràn ngập tình yêu thương dành cho tất cả mọi người. Khi tôi nhìn vào những vết thương của những chúng sinh đồng loại, trái tim tôi hướng về họ, tìm cách trở thành một phương tiện chữa lành cho họ, phương tiện để chúng ta cùng nhau chữa lành. Chén của tôi đầy tràn; trái tim tôi tràn ngập mong muốn được giúp đỡ bằng cách này hay cách khác, theo những cách cụ thể mà tôi có thể làm được.

Chắc chắn, lòng nhân hậu và lòng thương xót sẽ theo tôi suốt những ngày trong đời. Mỗi khoảnh khắc của cuộc đời tôi, tôi sẽ nghe thấy lời khẳng định đó. Và Thượng Đế thấy điều đó là tốt đẹp (Sáng Thế 1: 10–31). Đây là điều tốt lành chứa đựng trong từng khoảnh khắc khi chúng ta sống cuộc đời của mình đắm chìm trong Tình Yêu Thượng Đế. "Chúng ta ở đây, thật là hay!" như Thánh Peter đã thốt lên. Chính sự phấn khởi khi nhận ra điều tốt đẹp đó, sự chấp nhận lời khẳng định rằng, Bạn thật tốt và toàn hảo như vậy, có thể cho phép chúng ta thực sự nhảy lên vì vui sướng và nhận ra rằng không có gì hơn mà chúng ta có thể muốn trong mỗi khoảnh khắc của cuộc đời mình. Sự tốt lành đó cũng tuôn trào thành lòng trắc ẩn, sự tuôn tràn ân sủng, sự tuôn tràn tình yêu thương mà chúng ta nhận được khi chúng ta biết rằng chúng ta được khẳng định bằng tình yêu thương vô điều kiện.

Chúng ta không còn cần phải tìm kiếm tình yêu ở nơi nào khác, ở những chốn sai lầm, bởi vì nó ở ngay đây đã được ban cho chúng ta một cách dạt dào. Bạn được quý mến, bạn thật tốt lành, và bạn được yêu thương và ôm ấp một cách tuyệt đối, và vô điều kiện. Đó là lời mà mỗi người chúng ta tha thiết muốn được nghe trong đời, bởi vì chúng ta có thể đã bị tước đi cảm giác được yêu thương đó. Khi còn nhỏ, cha mẹ của chúng ta có thể đã không thể bày tỏ tình yêu thương đó, mặc dù họ có thể đã yêu thương chúng ta; bản thân họ có thể vẫn còn non nớt và vướng vào những đấu tranh cá nhân của chính họ: họ có thể đã không thể bày tỏ tình yêu thương đối với chúng ta, con cái của họ. Và vì vậy, chúng ta cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương, và chúng ta trải qua cuộc đời tìm cách được yêu thương bởi người khác, tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác như một xu hướng tâm lý có thể được ghi nhận, có lẽ vì những yếu tố đó trong quá trình nuôi dạy của chúng ta. Hãy nghe lời khẳng định này, Bạn là người yêu quý của tôi, cho chúng tôi sự tự tin toàn vẹn để tìm thấy vị trí của mình trong thế giới này và góp phần vào việc chữa lành nó: "Bạn được yêu thương; bạn không cần phải tiếp tục tìm kiếm tình yêu nữa, nhưng giờ đây nó là đến lượt bạn hồi đáp tình yêu đó cho mỗi người mà bạn gặp, hết mọi ngày trong đời bạn."

Và tôi sẽ ở trong nhà TÔI  LÀ triền miên suốt mọi ngày. Đó là lời mời gọi, và tin tốt là chúng ta đã có mặt ở đó. Hãy mở rộng tầm mắt của mình với sự thật đó, rằng chúng ta đang ở nhà, khi chúng ta đang đắm mình trong TÔI LÀ. Nhưng tâm trí của chúng ta lại vọng tưởng ra đủ thứ, dẫn chúng ta lạc lối. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ đơn giản là đưa tâm trí trở về nhà nơi chúng ta đã ở. Những gì chúng ta cố gắng trong thực hành này là ngồi trong tư thế tĩnh lặng và hít thở với sự tỉnh thức và để tâm trí của chúng ta đơn giản ở đó với hơi thở. Đây là cách trở về nhà của chúng ta. Khi chúng ta có thể tìm thấy ngôi nhà đó và sống trong nó và thực sự an trú trong nó và tìm thấy sự bình yên của chúng ta trong nó, chúng ta có thể mở cửa ngôi nhà đó với lòng hiếu khách, chào đón tất cả chúng sinh và hãy để chim trời, muôn thú trong rừng và tất cả nhân loại trong ngôi nhà đó. Hãy về nhà trước và rồi biết rằng nhà đang mở, thứ gì đó mà chúng ta có thể mở ra cho mỗi người và mọi người.

-----o0o-----

Trích: “Tĩnh Lặng Và Hiểu Biết: Thiền Và Kinh Thánh”.

Tác giả: Ruben L.F. Habito.

Việt Dịch: Thông Quang.

NXB Orbis Books – 2017.

Ảnh nguồn: Internet.

Bài viết liên quan