HIỆN THÀNH CÔNG ÁN (GENJŌKŌAN) LÀ GÌ? - HAKUUN YASUTANI - HOA RƠI

HIỆN THÀNH CÔNG ÁN (GENJŌKŌAN) LÀ GÌ?

HAKUUN YASUTANI

HOA RƠI

-----o0o-----

 

Chúng đều có những nội dung đặc trưng riêng. Cuối cùng, ngoài việc nói “Phật pháp”, “Phật đạo” hay “Con đường tối thượng”, không có từ nào thích hợp để diễn tả con đường của Đức Phật. Vì vậy trong trường hợp này nếu chúng ta diễn giải từ genjōkōan bằng ngôn ngữ thông thường, nó sẽ trở thành: “Toàn bộ thế giới hiện tượng là Phật đạo sống động”.
HIỆN THÀNH CÔNG ÁN (GENJŌKŌAN) LÀ GÌ? - HAKUUN YASUTANI - HOA RƠI

Tiếp theo, liên quan đến từ genjōkōan, genjō là hiện tượng. Đó là toàn thể vũ trụ. Đó là tất cả các hiện tượng tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, chính những hiện tượng tinh thần cần phải được nhấn mạnh. Nhưng hầu hết những người được gọi là học giả Shōbōgenzo đều nhấn mạnh đến các hiện tượng vật chất, và hơn nữa, nghĩ rằng đó là lời giải thích về toàn thể vũ trụ, họ quên mất điều quan trọng nhất là chính họ. Bởi vì chúng ta đã nhiều lần chứng kiến và nghe thấy sai lầm này, cũng chính là sai lầm mà các triết gia phương Tây đã mắc phải, nên tôi muốn đề cập đến nó một cách đặc biệt.

Công án (Kōan) có nguồn gốc từ tài liệu chính quyền, và được dùng để chỉ thẩm quyền tuyệt đối không sai lầm của Phật pháp. Vì vậy, genjōkōan có nghĩa là cảnh giới chủ quan và cảnh giới khách quan, bản ngã và vạn vật trong vũ trụ, không là gì khác ngoài chính Phật pháp chân chánh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải thích về từ ngữ. Hãy chú ý cẩn thận đến thực tế rằng đó không phải là genjōkōan sống.

Vậy bây giờ, thế nào gọi là Phật pháp chân chánh? Nếu cố gắng hiểu nó, người ta gọi nó là sự thật, điều đó không hoàn toàn sai. Nhưng từ sự thật này là từ thể hiện lý tưởng cao siêu trong tư tưởng phương Tây. Dùng nó để thay thế cho từ Phật pháp là không thích hợp, nó diễn tả tự ngã nguyên sơ (original self) bao trùm khắp vũ trụ. Trong Phật pháp, từ xa xưa thực tại đã được diễn đạt bằng từ chân như. Vậy thì chữ đạo thích hợp hơn để diễn đạt Phật pháp, nhưng chữ đạo có nhiều nghĩa và không rõ chữ “đạo” này là chữ nào. Vì vậy, để phân biệt nó với những “tiểu đạo” khác nhau, thuật ngữ đại đạo được sử dụng. Nhưng, vì đại đạo là một thuật ngữ ban đầu được sử dụng trong lời dạy của Lão Tử và Khổng Tử, với thuật ngữ này, Phật đạo trở nên lẫn lộn với những đạo ấy.

Tất nhiên con đường của Đức Phật và con đường của Lão Tử và Khổng Tử có thể có một số điểm chung, nhưng không thể nói chúng hoàn toàn giống nhau. Chúng đều có những nội dung đặc trưng riêng. Cuối cùng, ngoài việc nói “Phật pháp”, “Phật đạo” hay “Con đường tối thượng”, không có từ nào thích hợp để diễn tả con đường của Đức Phật. Vì vậy trong trường hợp này nếu chúng ta diễn giải từ genjōkōan bằng ngôn ngữ thông thường, nó sẽ trở thành: “Toàn bộ thế giới hiện tượng là Phật đạo sống động”.

Mặc dù chúng ta nói “thế giới hiện tượng”, nó không chỉ giới hạn ở thế giới hiện tượng mà có thể được mô tả trong tâm con người. Nói theo ngôn ngữ chuyên môn của Phật giáo, nó có nghĩa là tất cả “những hoàn cảnh nghiệp trực tiếp và gián tiếp trong mười phương thế giới”. Nói một cách dễ hiểu hơn: Từ vực thẳm địa ngục ở dưới cùng cho đến đỉnh cao của cõi Phật ở trên cùng, mọi hiện hữu, mọi hiện tượng, chẳng qua là Phật đạo mà thôi. Thế nhưng “Phật đạo” này là gì? Cho đến khi chúng ta làm rõ đó là gì, chúng ta sẽ không hiểu ý nghĩa thực sự của nó. Chính tập này có tựa đề Hiện thành công án (Genjōkōan) đã chỉ rõ điều này. Nói cách khác, quyển sách duy nhất này là quyển sách tỉ mỉ chỉ ra cho các đệ tử của ngài chánh pháp nhãn tạng, sự chứng ngộ về chính mình, mà Ngài Đạo Nguyên đã kinh nghiệm trong sự giác ngộ vĩ đại hoàn toàn.

Một lần nữa, hãy diễn đạt nội dung của nhan đề Genjokōan bằng những thuật ngữ rất cụ thể. Genjōkōan có nghĩa là cái hiển nhiên (genjō) tự nó là thực tại tuyệt đối (kōan). Nó có nghĩa là mọi hiện tượng đều là con đường tối thượng. Con đường tối thượng là tự ngã nguyên sơ. Những người lần đầu tiên nghe điều này đều ngạc nhiên. Họ không thể tin vào tai và mắt của chính mình. Chẳng ích gì mà lơ đãng nhìn ra xa để tìm kiếm con đường tối thượng. Chẳng phải trong Cẩm nang Học Đạo của Ngài Đạo Nguyên dạy rằng “Phật đạo ở ngay dưới chân mình” sao? Hay đúng hơn, không phải những gì ở dưới chân mà chính là bàn chân. Bàn chân là Phật đạo. Bàn tay là Phật đạo. Toàn bộ thân tâm của một người là Phật đạo. Toàn bộ cuộc đời của một người là Phật đạo. Ngài Hoàng Long chỉ ra điều này và nói: “Tay ta sao giống tay Phật”; “Chân ta sao giống chân lừa”. Đây cũng là ý nghĩa của câu “Tâm tức Phật” và “không tâm, không Phật” của Mã Tổ. Đó cũng là điều Đạo Nguyên diễn đạt là “Học Phật là học chính mình, học tự ngã”.

Bây giờ hãy nhìn. Nhìn ra thế giới hiện tượng và giải thích rằng “đó là Phật đạo, đó là sự biểu lộ của chân lý” thì chưa đủ. Toàn bộ thế giới hiện tượng hoàn toàn là chính mình. Vì vậy mây, núi và hoa; tiếng xì hơi và mùi nước tiểu; động đất, sấm chớp và lửa đều là tự ngã nguyên sơ. Tụng kinh và tổ chức các nghi lễ, nói nhiều lời dối trá, vu khống và nói chuyện phù phiếm, xấu xí và dễ thương, tất cả mọi thứ đều là sự giác ngộ tối thượng.

Mọi thứ đều là tự ngã nguyên sơ của bạn, hoàn hảo không thiếu sót và hoàn toàn viên mãn trong chính nó. Đừng ngạc nhiên. Đó là hiện thành công án. Nó có trong Kinh Pháp Hoa phải không! Chuyện kể rằng có năm ngàn người khi nghe giáo lý Nhất Phật thừa đã vô cùng kinh ngạc, rời bỏ pháp hội và rời đi. Lúc bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói: “Lành thay”. Đừng trở thành một trong những đám đông lành thay đó. Đừng hiểu sai câu “chỉ tránh lựa và chọn” trong đoạn mở đầu của Tín Tâm Minh! Đâu có chỗ cho việc lựa và chọn? Đâu có chỗ cho ghét và yêu, lấy và bỏ? Nếu ngay cả hai cảm giác yêu và ghét này cũng bị loại trừ khỏi sự giác ngộ tối thượng, thì chư Phật và chư tổ sẽ không nói một lời nào từ quan điểm của tự ngã nguyên sơ. Những người mắc phải lỗi lầm này là những đứa trẻ mù không nắm bắt được lời sống của chư Phật, chư tổ và biến chúng thành những lời hoàn toàn chết. Nếu bạn nghĩ rằng việc phân biệt lấy và bỏ, lựa và chọn nằm ngoài Phật tánh, thì Đức Phật cũng không nói cho chúng ta điều gì cả. Chính Thiền sư Đạo Nguyên đã nhận thức rõ ràng và sáng tỏ nguyên bản của Kinh Niết Bàn là nói rằng “toàn bộ sự hiện hữu của tất cả chúng sinh là Phật tánh”.

Nếu chúng ta nhìn vào sách của những vị thầy mà từ khoảng một trăm năm trở lại đây được gọi là những người hướng dẫn tâm linh, học giả hay những bác sĩ trong giáo phái Tào Động hiện đại, thì có bao nhiêu người thực sự hiểu được câu “chỉ tránh lựa và chọn”? Chỉ nhìn từ khía cạnh kinh nghiệm, hầu như tất cả họ đều đang trốn tránh vũ trụ của tự ngã nguyên sơ, có thể diễn tả như là “con đường toàn thiện không chướng ngại”. Nói cách khác, họ đang bỏ quên vũ trụ của thực tại tuyệt đối hiển nhiên (genjōkōan). Ở phần đầu của Genjōkōan, cụm từ “có mê và ngộ” xuất hiện như một cách diễn đạt “khi tất cả các pháp đều là Phật pháp”. Làm sao điều đó có thể xảy ra nếu Phật pháp loại trừ những quan điểm và cảm giác sai lầm như lấy và bỏ, yêu và ghét?

Bỏ mọi thứ vào một cái túi lớn bằng cách nói: “Ồ, mọi thứ, bất kể nó là gì, đều là Phật pháp”, thì chẳng có nghĩa gì cả. Bạn có thể nói rằng đó là giá trị tuyệt đối, nhưng nếu bạn loại bỏ điều quan trọng nhất, đó là chính bạn, ra khỏi bức tranh, thì giá trị tuyệt đối là gì? Ai đánh giá giá trị? Ngay cả khi bạn cố gắng thiết lập các lý thuyết triết học và nói rằng: “Mỗi thứ đó đều có lý do hiện hữu riêng, giá trị hiện hữu riêng của chúng”, điều đó hóa ra chỉ là một hình thức giải trí mang tính khái niệm khác. Đó không phải là sống theo cách tối thượng của tự ngã nguyên sơ. Vì vậy, hãy để tôi tóm tắt một cách hình tượng rằng mọi thứ đều là con đường tối thượng, mọi thứ đều là chân ngã (true self).

Như thể toàn bộ vũ trụ không gì khác ngoài sự khai triển không ngừng của màn trình diễn hoàn hảo, trọn vẹn của một vở kịch sống tuyệt vời, với tất cả những diễn viên xuất sắc nhất. Hơn nữa, vở kịch tuyệt vời này luôn chỉ giới hạn một lần. Không bao giờ có bất kỳ lần thi lại nào. Và đừng quên sự thật rằng, ở mọi nơi và mọi lúc, tự ngã đóng vai trò chính. Không, nó thậm chí không phải là phần chính. Nói thật thì đó là tất cả các diễn viên cộng với sân khấu, khung cảnh và các đạo cụ nhỏ, rạp hát và khán giả; tất cả đều là những bộ phận của tự ngã, hay đúng hơn, mỗi bộ phận là toàn bộ của tự ngã; đó là một buổi trình diễn hoàn hảo dành cho một người. Nói cách khác, tự ngã nguyên sơ là người tổng quản lý vở kịch phổ quát. Đạo sư Huyền Sa diễn đạt điều này như sau: “Toàn thể vũ trụ trong mười phương là một viên ngọc nhỏ sáng ngời”. Thầy Trường Sa nói: “Toàn bộ vũ trụ trong mười phương là con mắt duy nhất của một vị sư”. Đó là điều Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên bố: “Trên trời dưới trời chỉ có ta là tôn kính”. Bạn nghĩ sao? Có được kiểu kinh nghiệm thực tại này hơi khác một chút so với việc nói “một biểu lộ của chân lý”, phải không? Đây là ý Ngài Triệu Châu hỏi: “ ‘Đạo lớn không khó, chỉ tránh lựa chọn’; ‘Không lựa và không chọn’ này là gì vậy?’ “.

Bây giờ, xin hãy nhớ rằng nếu bạn không duy trì sự tỉnh giác sáng tỏ đó bằng sự giác ngộ vĩ đại xuyên suốt đối với sự thật rằng mọi thứ đều là chính bạn, thì cuộc sống đích thực của tự ngã nguyên sơ chắc chắn sẽ không xuất hiện, và tâm của lòng đại bi, vô vi và không phân biệt, chắc chắn sẽ không xuất hiện. Không gì khác hơn là sự giải trí mang tính khái niệm khi khẳng định một cách có điều kiện rằng mọi sự hiện hữu và mọi hoạt động đều là thực tại tuyệt đối biểu lộ, như những người lãnh đạo giáo phái ngày nay vẫn làm khi họ nói, “Nếu bạn nhìn từ quan điểm của Đức Phật về lòng đại bi…” Ngay cả khi bạn hiểu lý thuyết cho rằng mọi thứ đều là tự ngã, điều đó không biến một từ nào trong đó thành của riêng bạn. Nó giống như biết những gì bên trong ví của người khác. Không tọa thiền, không nhìn thấy bản tánh thực sự của mình, cho dù bạn hiểu đúng và có niềm tin vào lời của Shōbōgenzō đến đâu, nó sẽ không trở thành của riêng bạn. Mọi cái hơn thế nữa chỉ là sự hiểu biết sai lầm, méo mó.

Khi thầy tôi Daiun Shitsu [Harada Sōgaku Roshi] giảng teishō trong chương này, ông ấy nói: “Triết lý của Nishida là ‘diễn ngôn về mọi hiện tượng đều là sự hiện hữu chân thật’, nhưng sự thật đó đã được nhìn nhận ở mức độ nào? Những từ này giống với Genjokoan”. Đối với bất kỳ ai mở ra Shōbōgenzō dù chỉ một chút, sự thật rằng triết học và Phật đạo khác nhau như mặt trăng và con rùa ngoạm, rằng tư tưởng và thực tế khác nhau như mây và bùn, sẽ bắt đầu trở nên rõ ràng. Tóm lại, hiện thành công án có nghĩa là “mọi thứ trong cuộc đời một con người đều là Phật đạo sống động”. Lão sư Daiun cũng nói, “Trong phiên bản bảy mươi lăm chương của Shōbōgenzō, chương này xuất hiện đầu tiên. Đó là bởi vì chương này là đại cương của Shōbōgenzo”. Từ đây chúng ta sẽ đi vào phần bình luận từng điểm một về bản văn gốc.

-----o0o-----

Trích: HOA RƠI

HAKUUN YASUTANI

Lời tựa bởi Taizan Maezumi

Paul Jaffe chuyển ngữ tiếng Anh

Việt dịch: Thông Quang

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức -2024

Bài viết liên quan