HUYỀN NGHĨA CỦA ÂM DƯƠNG - Nguyễn Duy Cần - Chu Dịch Huyền Giải

HUYỀN NGHĨA CỦA ÂM DƯƠNG

Nguyễn Duy Cần - Chu Dịch Huyền Giải

-----o0o-----

Có biết thoát khỏi ngôn ngữ văn tự của nhị nguyên mới nhận thấy được cái ý nghĩa nhất nguyên của sự vật, vì không có một sự vật nào mà không phải là một Thái cực gồm cả Âm Dương lưỡng diện. Văn tự của nhị nguyên tuy khả năng hạn hẹp, nhưng nếu có thể nhân ngón tay mà thấy được mặt trăng, thì văn tự ấy vẫn còn hữu dụng, không thể bỏ hẳn văn tự mà cầu Đạo. Cách...
HUYỀN NGHĨA CỦA ÂM DƯƠNG - Nguyễn Duy Cần - Chu Dịch Huyền Giải

Như đã nói trong Dịch Học Tinh Hoa, Âm Dương là bất nhị: Một mà là hai, hai mà là một.

Một mà hai cũng có nghĩa là Âm tự nó là một Thái cực, Dương tự nó cũng là một Thái cực, nghĩa là Âm có hai bộ mặt, mà Dương cũng có hai bộ mặt. Hay nói cách khác, Dương tượng trưng cho thần thiện, nhưng tự nó có hai bộ mặt: Thiện mà Ác. Cũng như Âm tượng trưng cho thần Ác, nhưng tự nó có hai bộ mặt: Ác mà Thiện. Thực tế trên đời, không có một cái hay nào mà không có cái dở của nó, cũng như không có cái dở nào mà chẳng có cái hay của nó. Không có cái lợi nào mà không có cái hại của nó, cũng như không có cái hại nào mà không có cái lợi của nó. Phải nhận thấy được cái Âm trong Dương, và cái Dương trong Âm, cái phúc trong cái họa, cái họa trong cái phúc mới là người tinh thông Dịch lý, hiểu thấu được chỗ huyền nghĩa của Âm Dương.

Tóm lại, Âm hay Dương, không có cái nào tự nó là thuần thiện hay thuần ác, thuần lợi hay thuần hại cả. Chỉ có khi nào “đắc thời”, “đắc vị” mới là hay đẹp mà thôi.

Điểm quan trọng mà ta cần lưu ý nhất trong đồ Tiên thiên (Hà đồ) là ở đây Âm Dương không bao giờ rời nhau: hễ nội Dương ngoại Âm là Dương tụ, trái lại hễ nội Âm ngoại Dương là Dương tán. Hay nói cách khác, hễ Âm mà bọc Dương là Dương tụ; Dương mà bọc Âm là Dương tán. Với những con số ở Hà đồ, nếu ta thấu được huyền nghĩa của nó, ta có thể nắm được quyền sinh sát của Tạo hóa. Nên nhớ: hễ nội Dương ngoại Âm, đó là tượng của quẻ Thái (Địa Thiên Thái). Trái lại, hễ nội Âm ngoại Dương là tượng của quẻ Bĩ (Thiên Địa Bĩ). Bởi vậy, thời mà Thiếu Dương và Thái Dương (quân tử) làm chủ là thời thái bình, còn thời mà Thiếu Âm và Thái Âm (tiểu nhân) làm chủ là thời ly loạn: thuyết chu kỳ quan trọng nhất là ở điểm này, như sau đây sẽ nói rõ hơn. Âm bọc Dương thì ở phương Đông, còn Dương bọc Âm thì ở phương Tây. Và như vậy, cái sáng của phương Đông là cái sáng của Thái Dương, còn cái sáng của phương Tây là cái sáng của Thái Âm. Khi bàn đến thuyết chu kỳ theo Tứ tượng sẽ trở lại vấn đề then chốt này.

Nhờ có khí Âm bao bọc mà khí Dương mới tụ lại được mà thành hình, vì tự nó khí Dương có tính hay thăng và tán (expansion). Chân Dương mà thoát khỏi hình hài, đó là hơi thở cuối của ta trên cõi đời sắc tướng này. Có khác nào những tinh trùng (spermatozoides) do người đàn ông sinh ra, nếu không được noãn bào của người đàn bà chấp nhận và ôm ấp, thì chúng phải chết hết trong một thời gian rất ngắn. Noãn bào (ovule) của đàn bà sinh ra mà không được cấu hợp với tinh trùng của người đàn ông, cũng sẽ không sống được trong vòng vài ngày. Không bao giờ có hiện tượng cô Âm hay cô Dương mà sự vật được tồn tại trên đời. Đó là hiện tượng đầu tiên “Âm bọc Dương” mà ta thấy trong bất cứ một hạt nguyên tử nào.

Ta có thể nói, vai trò của Âm là giúp cho Dương trụ lại mà không tán thất nữa, nhưng đồng thời nó lại cũng hạn chế sự tự do bành trướng của khí Dương. Dương khí bị giam hãm trong một hình thức, bao giờ cũng tìm cách thoát ly hình thức ấy bằng mọi cách. Nếu hình thức ấy càng kiên cố bao nhiêu là tạo cho Dương lực chứa đựng bên trong càng thêm mãnh liệt bấy nhiêu. Là vì Âm Dương không bao giờ lìa nhau mà đơn phương tồn tại. Khoa học nguyên tử ngày nay không nói khác hơn. Mỗi hạt nguyên tử từ chất nhẹ đến chất nặng, từ chất lỏng đến chất rắn đều do cái “số nguyên tử” (nombre atomique) thấp hay cao mà ra. Nguyên tử hydrogen rất nhẹ, đơn giản chỉ có một electron, mà nguyên tử Uranium có đến con số 92 electron. Hạt nguyên tử nào cũng là một Thái cực, nên Âm Dương bao giờ cũng đồng nhau. Âm khí bọc ngoài càng nhiều thì Dương khí bên trong càng tăng. Đó là điều ta nên lưu ý kỹ. Đây cũng là mật nhiệm của Âm Dương theo Huyền bí học của Đông phương qua câu này của Kinh Dịch: “Các hữu Thái cực”. (Xem đồ Thái cực sẽ thấy rõ lẽ Quân bình của Âm Dương). Đem Âm mà ức Dương sẽ làm cho Dương khí bị bao bọc bên trong càng tăng, chứ không bao giờ giết được Dương lực bên trong. Bởi vậy, những quy luật khắt khe của nghệ thuật càng gò bó nặng nề bao nhiêu sẽ giúp cho nghệ sĩ có cơ hội vượt lên bấy nhiêu mà thành những bậc tài hoa trên thiên hạ. Không một văn nghệ sĩ xuất chúng nào mà không gặp đầy trở ngại thử thách. Tôi cũng muốn nhắc đến luật thử thách trong lịch sử loài người: không bị thử thách, không vượt nổi thử thách, không bao giờ có tiến bộ.

Trong con mắt của thế nhân, của những người còn lặn hụp trong giới nhị nguyên. Âm với tính chất thu tàng và hạn chế sự thăng tán của khí Dương nên bị xem lầm như là kẻ thù địch của Dương. Vì vậy, Âm thường dùng để tượng trưng những hung thần ác quỷ. Có những thứ tôn giáo hướng thiện triệt để gán cho Âm cái tên là hung thần Satan, với một vị Thượng đế toàn thiện.

Thói thường, theo nhị nguyên luận, người ta xem vật chất như đối nghịch với tinh thần, xem sự hủy diệt như kẻ thù của sáng tạo. Họ là những người chỉ muốn thấy có ngày mà không có đêm, có lên mà không có xuống, có nóng mà không có lạnh, có nam mà không có nữ, có phúc mà không có họa, có phải mà không có quấy, có đẹp mà không có xấu... Hay nói tắt một lời, họ là người chỉ muốn có Dương mà không có Âm.

Trong đời sống hàng ngày, xã hội là Âm mà cá nhân là Dương. Trong tình yêu, gia đình là Âm hợp với người đàn bà mà không hợp với người đàn ông thích yêu đương mà không thích ràng buộc. Sở dĩ người ta lập ra lễ cưới với một nghi tiết vô cùng nghiêm trọng là vì như linh tính báo trước, người đàn bà nào cũng lo sợ cái tính phóng túng tự do của khí Dương, không thích sự gò bó an trụ vào một nơi nào cả.

Âm là để cầm giữ Dương, nhưng nếu lại cố mà tù hãm nó, như một số người đàn bà đem cái tình yêu ích kỷ của mình để biến người yêu thành một tên tù giam lỏng, họ đã vô tình làm tan vỡ mà không hay.

Tâm linh con người là một bầu trời mâu thuẫn: vừa thích Âm mà cũng vừa thích Dương: “người ta, ai ai cũng ưa thích những hạn chế của thể xác, nhưng lại cũng muốn có được một sự tự do phóng khoáng tinh thần vô bờ bến, có một linh hồn bất tử. Có một cái gì làm cho ta như bị thu hút vào cái tâm trạng mâu thuẫn lạ thường ấy: đâu phải ta chỉ ưa thích uống chén rượu đào ngon ngọt đầy hương thơm bát ngát, mà ta lại cũng thích những gì cay đắng, khó ngửi. Âm hay Dương đều có sức hấp dẫn của nó: người ta ưa thiện mà cũng thích ác. Bởi vậy mới có câu: Lòng ta là một bãi chiến trường, nơi đó trỗi lên một bản tình ca bất tận.

Phải luôn luôn giữ mức quân bình của cái đòng đưa giữa Âm và Dương. Nhưng cần để ý kỹ đến cái điểm rất quan trọng này là có hai thứ quân bình: quân bình tịnh và quân bình động.

Quân bình tịnh là thứ quân bình của cái đòng đưa đứng im lìm không máy động. Đó là cái tịnh của Đạo, nhưng mà thật sự nó ngấm ngầm chỉ huy tất cả mọi biến động trên đời. Nó là Thái cực, tượng trưng bằng con số MỘT.

Quân bình động là quân bình của cái đòng đưa đang chuyển động, tượng trưng ở con số 5, con số của Hoàng cực ở trung cung Bát quái. Đó là cái động của Đức, tức là cái “động trong cái tịnh”. Số 5 là con số quân bình của hiện tướng, Dương và Âm được điều hòa theo tỉ lệ 3/2 (gọi là con số tham thiên lưỡng địa). Nên nhớ: Âm Dương đồng nhau, đó là quân bình tịnh. Trong hiện tướng, Âm Dương phải có cái thừa cái thiếu. Trong Dịch Học Tinh Hoa đã có nói: “Không có gì thuần Âm hay thuần Dương. Cũng không có gì thật quân bình, mặc dù quân bình là cốt tử của Đạo Dịch. Âm hay Dương bao giờ cũng phải có thừa hay thiếu, có vậy mới có động. Không vậy, vạn vật sẽ đứng dừng lại, dừng lại nơi điểm chết (point mort)”.

Con số 5 là tổng số của con số 3 và con số 2. Con số 3 là số của Thái

Dương, còn con số 2 là con số của Thiếu Âm. Dương xướng Âm họa: tinh thần phải làm chủ vật chất.

Dương thăng, Âm giáng là để giữ mức quân bình, nhưng phần thăng phải cao hơn phần giáng mới thuận Đạo, mới chuyển được sự vật trên đời.

Khôn (Âm) vừa là nguyên lý bảo vệ sự sống, nhưng lại cũng là yếu tố sát hại sự sống: hình thể phải trước tụ sau tán, thì sứ mạng của nó mới viên thành. Phá hoại, tự nó, đâu phải là không nên.

Phàm “hữu hình hữu hoại”. Sự vật mà chỉ có Khí, chưa có Hình, sự vật ấy chưa thực hiện hoàn toàn cái Dụng của nó.  Có Thể mà chưa có Tướng, thì cái Thể ấy kể như chưa có. Đã có “đại tai Kiền nguyên” thì phải có “chí tai Khôn nguyên” thì Kiền khí mới đạt thành diệu dụng của nó là sáng tạo. Có Dương để sinh, thì phải có Âm để thành. Nhưng có thành mà không có hủy thì sự vật trên đời sẽ bị bế tắc: điều không thể có trên cõi đời sắc tướng này, theo Dịch lý.

Vai trò của Khôn âm là cấu tạo và tổ chức, nhưng sự vật một khi đã được cấu tạo và tổ chức có hình thức hẳn hòi rồi, thì chính hình thức ấy trở lại giết lần mòn cái tinh thần nguyên thủy của cơ cấu ấy, như trước đây đã nói. Các học thuyết, các tôn giáo có tổ chức hẳn hòi rất chu đáo nghiêm ngặt sẽ là những học thuyết, những tôn giáo bắt đầu chết khô, không còn sinh khí buổi ban đầu nữa. Phật giáo, Thiên chúa giáo ngày nay đều đã đang chết ngộp trong những tổ chức quá nghiêm khắc và cứng rắn của họ.

Krishnamurti quả quyết: “Tất cả các tôn giáo có tổ chức đều là những khám cung chôn chặt tinh thần con người”. Nói về Phật giáo ngày nay, một Thiền sư đã u mặc bảo: “Đạo Phật ngày nay chỉ có thể tìm thấy may ra ở những nơi nào không còn bóng dáng Phật giáo”.

Ngày nay toàn thể nhân loại đang ở trong thời hắc ám bị Âm khí bao vây dày đặc quá, khí Dương đang bị dồn vào đường cùng. Một cuộc đại cách mạng đã và đang bắt đầu phá tan những hình thức cũ kỹ, các học thuyết và tôn giáo bấy lâu nay giữ vai trò bá chủ hoàn cầu. Nên nhớ, quẻ Bĩ thì Âm làm chủ mà Dương là khách: thời nay người ta chú trọng đến hình thức nhiều hơn. Tây phương với văn minh cơ khí đang đi lần đến tình trạng phá sản và tiêu diệt bằng chính khoa nguyên tử đang cho bùng nổ các hạt nhân trong khắp mọi lĩnh vực học thuật của họ.

Hào Thiếu dương ở sơ hào quẻ Phục đã bắt đầu máy động để dọn đường cho một cuộc phục sinh tinh thần chưa từng thấy có trong lịch sử loài người.  Hiện “thần chiến tranh” đang hoành hành và phá hoại triệt để chẳng những về hình thức mà cả tinh thần quá cũ kĩ của Tây phương và cả Đông phương bị Tây phương hóa, hay nói cho đúng hơn, bị nhị nguyên hóa đến cực độ.

Một điều khá quan trọng mà ta nên lưu ý là bất cứ một thứ Đạo học chân chính và thuần túy Đông phương nào cũng khuyên ta “Đắc ý nhi vong ngôn”. Là vì Ý là Dương mà Lời là Âm: đừng để Lời giết Ý. Nhưng cũng không nên hiểu là ta phải tuyệt đối bỏ văn tự mà cầu Đạo. Dù sao Âm bao giờ cũng có công dụng của nó là tạo nên một hình thức. Phải có hình thức để nhân đó hiểu được cái ngoài hình thức đó.

Lão Tử bảo: “Ngôn giả bất tri; tri giả bất ngôn” là muốn khuyên ta đừng để cho văn tự của giới nhị nguyên tịnh cực giết chết cái tinh thần tư tưởng nhất nguyên động và siêu hình chứa trong lời văn tiếng nói thông thường. Có biết thoát khỏi ngôn ngữ văn tự của nhị nguyên mới nhận thấy được cái ý nghĩa nhất nguyên của sự vật, vì không có một sự vật nào mà không phải là một Thái cực gồm cả Âm Dương lưỡng diện. Văn tự của nhị nguyên tuy khả năng hạn hẹp, nhưng nếu có thể nhân ngón tay mà thấy được mặt trăng, thì văn tự ấy vẫn còn hữu dụng, không thể bỏ hẳn văn tự mà cầu Đạo. Cách mạng là quân bình hóa Âm Dương cho được điều hòa chứ không có nghĩa là trừ tuyệt Âm để chỉ còn có Dương đơn phương cô lập. Cách mạng là để lập lại quân bình của con số 5, con số “tham thiên lưỡng địa” ở điểm Thái hòa.

Andre Gide cũng đã nói lên đại khái một cách thi vị nhận định vừa trình bày: “... Cái gì còn non thì mềm dẻo; mầm non nào cũng được bao bọc bằng nhiều lớp vỏ cứng. Nhưng rồi, những gì trước kia bao bọc che chở mầm non được trưởng thành, trở lại biến thành trở ngại vật khi sự đâm mộng đã hoàn thành; không có một cuộc sinh trưởng nào có thể phát triển mà không có sự phá hủy cái đã bao bọc nó. Nhân loại yêu quý các thứ tã lót của nó khi nó còn bé bỏng, nhưng nó chỉ có thể lớn lên được khi nào nó biết thoát ra khỏi những gì trước đây đã bao bọc và quấn chặt nó”.

Cùng với nhận định trên đây của Andre Gide, trước đây bên Đông phương, Lão Tử đã viết rất vắn tắt như sau: “Sinh giả nhu nhược, kỳ tử giả kiên cường”. Cái gì còn non thì mềm dẻo, mà cứng rắn là đã già, đã khô cằn: điềm chết. Dịch đạo thì lưu chuyển như nước chảy dưới cầu, nhưng nếu lại trụ vào một cái chén hay một cái chai mà thành hình thì đồng thời cũng mất luôn cái tính lưu chuyển của nó. Bất cứ một thứ tư tưởng hay tôn giáo nào mà được hệ thống hóa với những giáo điều nghiêm ngặt quá là cái tượng của sự già cỗi, không còn sinh khí nữa. Người xưa đã ví Đạo như nước. Nước mà đông đặc sẽ thành như khối đá, không còn lưu chuyển được nữa. Các học thuyết về nhị nguyên luận “chấp có” hoặc “chấp không”, “chấp thiện” hoặc “chấp ác”, “chấp thị” hoặc “chấp phi”... tư tưởng chỉ còn có một chiều xuôi hay ngược, đó là những thứ tư tưởng có hình thức cố định và cứng rắn: số phận của nó đã định rồi: “kỳ tử giả kiên cường!”. Phật giáo cũng như Thiên chúa giáo ngày nay với tổ chức kiên cố đã mặc nhiên giết chết tinh thần thuần túy lúc ban đầu, và đã đóng kín cửa đền cho những người gọi là “ngoại đạo”. Dù bị hoàn cảnh chi phối mà bị bắt buộc phải liên kết với nhau, thực sự chỉ có sự khoan dung giả tạo bên ngoài, bên trong sự chia rẽ thật là trầm trọng. Không có chiến tranh nào tàn bạo bằng chiến tranh tôn giáo dưới mọi hình thức.

Lão Tử đã bảo: “Đại Đạo phế hữu nhân, nghĩa; lục thân bất hòa hữu hiếu tử, quốc gia hỗn loạn hữu trung thần”. Phật giáo Đại thừa, nhất là Thiền tông, một thứ giáo phái không phe phái, không giáo điều, một học thuyết không học thuyết, tức là một pháp môn không có pháp nào để thuyết cả, nên đã duy trì chưa để cho Phật giáo mai một. Người Tây phương ngày nay, nếu không có Thiền chắc chắn họ sẽ không bao giờ để ý đến triết học thông thường của Phật giáo.

-----o0o-----

Trích: Chu Dịch Huyền Giải

Tác Giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Nhà Xuất Bản Trẻ, Năm 2018

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan